Archimedes phát hiện ra lực đẩy Archimedes khi đang tắm. Isaac Newton phát hiện ra lực hấp dẫn khi ngồi nghỉ ngơi dưới một gốc táo và quan sát táo rơi. Đây chỉ là hai ví dụ rất cơ bản trong vô số ví dụ về quá trình nảy sinh ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, lạ lùng thay, đa số chúng ta thấy được điều mình muốn khi đang chỉ một mình. Cũng vì vậy mà những người làm công việc sáng tạo như quảng cáo, nhà văn, họa sỹ, biên kịch ít khi ngồi văn phòng. Họ cần phải đi du lịch, la cà đâu đó rồi trở về nơi quen thuộc của mình để hoàn thành ý tưởng sáng tạo.
Thế rồi, người ta thấy rằng nỗi buồn cũng là một phần của sự sáng tạo. Nhà thần kinh học Sharon Thompson-Schill của Đại học Pennsylvania, Mỹ và đồng nghiệp của cô tuyên bố rằng cảm hứng sáng tạo có thể đến từ trạng thái kiểm soát nhận thức thấp nhất. Cảm giác đau buồn cũng là một trong những trạng thái như vậy. Nhạc sỹ Eric Clapton sáng tác ra bài hát Tears in Heaven nổi tiếng khi đứa con trai qua đời, các thi sỹ luôn viết ra những lời thơ tuyệt vời khi đau khổ nhất.
Các ví dụ ấy cho chúng ta thấy rằng, trạng thái căng thẳng, muộn phiền hay sự cô đơn không chỉ có tác dụng tiêu cực mà đôi khi sẽ giúp bạn sáng tạo ra những điều khó tưởng tượng.
Mặt tốt của xúc cảm tiêu cực
Hẳn bạn cũng biết rằng danh họa Van Gogh đã phải trải qua một cuộc đời đầy buồn rầu. Thậm chí, ông đã có lúc tự cắt tai mình. Hẳn trong con mắt của mọi người, đó chỉ là một hành động điên rồ. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh được rằng nỗi đau khổ, sự phẫn nộ tạo ra đỉnh cao của sức sáng tạo.
Modupe Akinola, giáo sư tại Đại học Columbia (Mỹ), trong bài báo “Mặt tối của sáng tạo: Tính dễ tổn thương và xúc cảm tiêu cực tạo ra khả năng sáng tạo tuyệt vời hơn” đã chứng minh điều ấy. Bà đã thực hiện một thí nghiệm đơn giản: yêu cầu người tham gia thí nghiệm viết một bài phát biểu ngắn về công việc trong mơ của họ.
Bà phân ngẫu nhiên các sinh viên vào một trong hai nhóm nhận phản hồi tích cực và tiêu cực. Bài phát biểu của họ được bà lắng nghe với nụ cười và gật đầu (tích cực) hoặc cau mày và lắc đầu (tiêu cực). Sau khi bài phát biểu kết thúc, các sinh viên được cho keo, giấy và màu để tạo ra một tấm ảnh ghép với các chất liệu đó. Những tác phẩm này được chuyển tới các nghệ sỹ chuyên nghiệp để họ đánh giá chúng một cách khách quan. Kết quả cho thấy, những sinh viên nhận được phản hồi tiêu cực về bài phát biểu của mình đã tạo ra được những bức tranh đẹp hơn so với người nhận được phản hồi tích cực. Sự thất vọng đã giúp họ có thêm động lực sáng tạo và tạo ra thành phẩm xuất sắc hơn.
Quan điểm này nhận được sự chia sẻ của Joe Forgas, một nhà tâm lý học xã hội tại Đại học New South Wales (Úc). Ông đã dành cả một thập kỷ qua để nghiên cứu những lợi ích đáng ngạc nhiên của tâm trạng tiêu cực. Theo Forgas, cảm giác lo lắng và buồn bã thúc đẩy “bộ não xử lý các thông tin phù hợp nhất để đối phó tốt hơn với tình huống”. Điều này giúp giải thích tại sao những người u sầu (Forgas cho họ xem một bộ phim ngắn về cái chết và bệnh ung thư) có thể đánh giá độ chính xác của tin đồn và nhớ lại các sự kiện trong quá khứ tốt hơn. Họ cũng ít định kiến với người lạ và phạm ít lỗi khi giải các bài toán số học hơn.
Tận dụng sự buồn rầu
Vậy còn bạn, có bao giờ bạn thấy rằng mình đang hoàn toàn bị bủa vây bởi xúc cảm tiêu cực và không thể sáng tạo được gì. Hãy thử nhìn vào tình huống theo một hướng khác và tìm ra cách tận dụng những bất lợi ấy.
Khi rơi vào sự căng thẳng, buồn bã, bạn đừng vội cho rằng mình sẽ không thể làm được gì với trạng thái tinh thần như vậy. Thay vào đó, hãy tự nhủ rằng đây là một cơ hội để bạn “được phép điên” và có thể thay đổi những lối mòn suy nghĩ của mình:
+ĐỪNG NGẠI ĐƯA RA Ý TƯỞNG CHẲNG ĐÂU VÀO ĐÂU: Sợ phạm sai lầm sẽ ngăn bạn suy nghĩ tự do. Những ý tưởng không ăn nhập gì với hiện tại thường là nền tảng đưa bạn đến với ý tưởng mới, đột phá và giải pháp cho vấn đề. Mang theo đồ ăn đến một bữa tiệc tối quả là một ý tưởng bất thường. Tuy nhiên, ý tưởng này có thể dẫn bạn đến với món pizza làm ở nhà.
+CHO PHÉP MÌNH “ĐỦ ĐIÊN” ĐỂ GẠT HẾT NHỮNG Ý TƯỞNG CŨ: Bạn nên thúc đẩy cho trí tưởng tượng của mình có những bước sóng mới.
+CHẲNG NGẠI CƯ XỬ BẤT BÌNH THƯỜNG: Điều ấy giúp bạn làm việc tự do và giàu năng lượng hơn.
+ĐỌC NHỮNG CUỐN SÁCH NẰM NGOÀI LĨNH VỰC CỦA MÌNH: Những cuốn sách có vẻ như chẳng liên quan gì với lĩnh vực của bạn sẽ truyền cảm hứng cho bạn đến với những ý tưởng khác biệt. Một đầu bếp có thể nghĩ về những công thức nấu ăn mới bằng cách đọc những cuốn sách về thời Phục Hưng, giám đốc ngân hàng có thể đưa ra một ý tưởng mạo hiểm vì tiểu sử của nhạc sỹ Keith Richards.
+LANG THANG TRÊN MẠNG XÃ HỘI ĐỂ TÌM CẢM HỨNG: Bạn đang buồn, bạn có quyền thư giãn. Chỉ cần lưu lại những tấm ảnh và câu phát biểu của người truyền cảm hứng cho bạn, bạn sẽ có nguồn hữu dụng khi bạn cần suy nghĩ sáng tạo.
+LÁNH XA MỌI NGƯỜI: Khi bạn không vui, chẳng ai nỡ giận bạn nếu bạn muốn tách biệt. Thậm chí công ty Google còn có khu vực tắt hết máy tính để nhân viên được suy nghĩ. Do đó, hãy tắt hết điện thoại hay máy tính trong văn phòng làm việc của bạn.
+KHÔNG NÊN ÉP TRÍ ÓC CỦA BẠN: Hãy để trí óc của bạn được nghỉ ngơi và để cho những luồng suy nghĩ được tự do.
Người nổi tiếng nói:
DONATELLA VERSACE, nhà thiết kế thời trang: “Tôi không thích sự cân bằng chút nào. Cân bằng không phải là từ ngữ mà bạn có thể sử dụng trong thế giới thời trang của Versace”.
JULIA CAMERON, tác giả, nhà biên kịch: “ Sự bí ẩn là trái tim của sáng tạo. Chính là vậy, ngạc nhiên chứ! Sự sáng tạo, giống như chính nhân loại, khởi đầu từ bóng tối”.
Bài: Hải Yến. Ảnh: Corbis