5 tính năng khiến chiếc đồng hồ cao cấp trở thành món hàng xa xỉ đáng được sưu tầm

Cùng tìm hiểu vì sao một số những mẫu đồng hồ lại được yêu mến và có giá thành cao như vậy

Ảnh: Omega

Một chiếc đồng hồ luôn có tính năng căn bản là báo giờ. Tất cả những công năng khác đều được gọi là tính năng phụ trợ (complication).

Đối với người yêu đồng hồ, một mẫu thiết kế cao cấp, đẹp và sang trọng, lại có thể tích hợp nhiều tính năng độc đáo, mới là mẫu đồng hồ đáng được sưu tập. Việc thêm một tính năng mới không đơn giản. Nhà chế tác phải thay đổi cách thiết kế và lắp ráp đồng hồ để có thể tích hợp những complication sao cho hoàn mỹ nhất.

Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu 5 loại complication xa xỉ nhất, biến một mẫu đồng hồ cao cấp thành thứ mơ ước của các tay chơi.

1. Tourbillon / Grand Tourbillon

Đồng hồ Breguet Classique Tourbillon Extra-Plat Squelette 5395. Ảnh: Breguet

Tính năng tourbillon được Abraham-Louis Breguet phát minh năm 1795. Tác dụng của nó là bảo vệ bộ máy đồng hồ khỏi những tác hại từ lực hút của Trái đất. Nhờ vậy, đồng hồ tourbillon có khả năng đọc giờ chính xác hơn những chiếc không có tourbillon.

Tourbillon vốn được phát minh riêng cho đồng hồ bỏ túi (pocket watch). Lúc ấy, chúng ta không có đồng hồ điện tử như ngày nay, nên việc giữ cho chiếc đồng hồ cực kỳ chuẩn xác khiến những chiếc đồng hồ tourbillon trở nên được ưa chuộng nhất.

Đồng hồ Drive de Cartier Flying Tourbillon. Ảnh: Cartier

Đến thời kỳ của đồng hồ đeo tay, tourbillon không còn mấy tác dụng. Đồng hồ đeo tay, về mặt căn bản, đã được thiết kế để chống lại những rung lắc khi đi lại hay chuyển động. Tourbillon không còn mấy giá trị trong việc bảo vệ bộ máy đồng hồ.

Tuy nhiên, để làm nên tourbillon cần tay nghề chế tác đồng hồ đỉnh cao. Một thương hiệu đồng hồ có thể làm nên chiếc tourbillon hoàn hảo mới có thể tự gọi bản thân mình là cao cấp. Vì giá trị thủ công của tourbillon, hầu hết tất cả các thương hiệu đồng hồ đều có một phiên bản xa xỉ nhất đính kèm tourbillon.

2. Lịch vạn niên

Đồng hồ BVLGARI Octo Grande Sonnerie Perpetual Calendar với chức năng lịch vạn niên. Ảnh: Bulgari

Nhiều mẫu đồng hồ hiện tại có chức năng báo ngày giờ. Tuy nhiên, nó không đặc biệt như tính năng lịch vạn niên.

Điểm khác nhau giữa tính năng ghi chú lịch bình thường và lịch vạn niên là: Lịch vạn niên tự động chỉnh ngày vào mỗi năm nhuận (bốn năm một lần). Đối với những chiếc đồng hồ không có lịch vạn niên, bạn sẽ phải chỉnh tay lại lịch vào ngày 1/3 vào năm nhuận.

3. Lịch mặt trăng

Đồng hồ Omega Speedmaster Co-Axial Moonphase Master Chronometer Chronograph. Ảnh: Omega

Khả năng theo dõi chu kỳ mặt trăng là một trong những complication được phát minh ra sớm nhất. Xuất hiện từ đầu thế kỷ 16, nó vốn dành riêng cho những người đam mê thiên văn học.

Với năm tháng, khả năng theo dõi chu kỳ mặt trăng không còn là một tính năng được người dùng quá quan tâm. Bây giờ, nó được xem như một tính năng làm đẹp cho mặt đồng hồ nhiều hơn. Hình ảnh mặt trăng chân thực thay đổi theo từng ngày trên bề mặt đồng hồ luôn làm chúng ta xao xuyến.

Đồng hồ mặt trăng Egerie Moon Phase. Ảnh: Vacheron Constantin

Những mẫu đồng hồ xa xỉ ngày nay có tính năng lịch mặt trăng thường là những mẫu có phong cách cổ điển hơn. Chúng sẽ hợp với các buổi tiệc tối hay để đi làm.

>>> Xem thêm: VACHERON CONSTANTIN RA MẮT ĐỒNG HỒ NỮ ÉGÉRIE ĐẬM CHẤT COUTURE

 

4. Mặt đồng hồ báo giờ quân đội

Đồng hồ Tambour Moon Dual Time cho nam màu xám chì, mặt ghi chữ số theo giờ quân đội. Ảnh: Louis Vuitton.

Thông thường, các mặt đồng hồ luôn thể hiện 12-giờ. Tuy nhiên, một số mẫu đặc biệt lại thể hiện hẳn 24 giờ. Phong cách đọc giờ theo 24 tiếng này còn được gọi là cách đọc giờ quân đội. Những chiếc đồng hồ báo giờ quân đội luôn là món quà tuyệt vời cho những người mê sự chính xác tuyệt đối của cách đọc giờ này.

Từ 12 con số để đẩy lên 24 con số, bề mặt những chiếc đồng hồ này hoặc trở nên rất tối giản, hoặc sẽ rất phức tạp khó nhìn.

 

5. Chức năng đọc hai múi giờ / GMT complication

Đồng hồ Patek Phillippe Aquanaut (5164A). Ảnh: Patek Phillippe

Các mẫu đồng hồ cao cấp có khả năng thể hiện không chỉ một, mà đến hai múi giờ khác nhau. Đây là tính năng tiện nghi cho những người thường phải đi công tác, du lịch, hoặc có gia đình sống ở một múi giờ khác.

GMT, viết tắt cho Greenwich Mean Time, là giờ chuẩn của toàn cầu. Nó được xem là kinh tuyến số 0, làm điểm tựa tính toán sự chênh lệch của các múi giờ toàn cầu. Ví dụ, múi giờ của Việt Nam là GMT+7, tức lấy giờ Greenwich cộng thêm 7 tiếng đồng hồ.

Khi những mẫu đồng hồ có tính năng GMT lần đầu xuất hiện, chúng vốn cho phép người dùng theo dõi mũi giờ chuẩn. Nhưng ngày nay, đa phần người đeo đồng hồ sẽ dùng tính năng này thiết lập hai múi giờ khác nhau.

Đồng hồ Rolex GMT-Master II bằng Everose Rolesor. Ảnh: Rolex

Không rõ thương hiệu nào đã phát minh ra tính năng GMT. Tuy nhiên, trong lịch sử đồng hồ, tính năng này thường được gán cho Rolex. Mẫu GMT đầu tiên của Rolex ra đời năm 1954. Nó vẫn là một trong những dòng đồng hồ bán chạy nhất của Rolex ngày nay.

Ngoài ra, đồng hồ chỉ được xem là có tính năng GMT nếu thể hiện được múi giờ theo kiểu giờ quân đội (24 tiếng). Nếu không, nó sẽ bị đánh giá là đồng hồ có 2 múi giờ (dual time) chứ không phải là đồng hồ có tính năng GMT.

Ảnh: Thương hiệu cung cấp
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm