4 bước để loại bỏ suy nghĩ tiêu cực trong tình yêu và mối quan hệ xã hội

Nếu nhận ra bản thân đang có suy nghĩ ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ xã hội, sau đây là 4 bước giúp bạn loại bỏ suy nghĩ tiêu cực này.

Bước 1: Lắng nghe

Thời điểm tốt nhất để nhận ra và loại bỏ suy nghĩ tiêu cực là khi bạn đang ở cùng, trò chuyện với anh ấy. Tuy nhiên, bạn cũng có thể làm việc này vào những lúc yên tĩnh và chỉ có một mình. Hãy lắng nghe xem bản thân đang nói điều gì về anh ấy và mối quan hệ của bạn.

Đôi khi bạn không thể nhận ra những suy nghĩ tiêu cực khi đang nóng giận. Tuy nhiên, khi đã bình tĩnh lại, bạn hãy cố nhớ xem mình đã suy nghĩ những gì. Để làm được như vậy một cách hiệu quả, bạn dành thời gian lắng nghe bản thân ít nhất mỗi tuần một lần.

Chúng ta thường không quan tâm đến những cuộc trò chuyện nội tâm, bạn hãy kiên nhẫn để làm quen với chuyện ấy. Tốt hơn, bạn nên ghi ra giấy để nhắc nhở. Bạn có thể dán dòng chữ “Nhớ lắng nghe suy nghĩ của bản thân” lên gương hoặc máy tính để nhắc nhớ.

Khi đã ý thức được mình đang có suy nghĩ không hay, bạn hãy ghi những điều đó vào một quyển sổ nhỏ. Hãy nhớ luôn mang theo cuốn sổ bên người để có thể ghi chép bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, hãy cố nhận biết ngôn ngữ của những suy nghĩ tiêu cực. Chúng thường gồm những từ như luôn luôn, không bao giờ…

Khi thực hiện tất cả các điều trên, bạn nên nhớ không phán xét bản thân mình và anh ấy. Trong quá trình này, bạn chỉ tập trung và lắng nghe chính mình.

20140920_suy-nghi-tieu-cuc-quiz-quote

Bước 2: Để ý đến phản ứng của cơ thể

Bạn có biết, 87% đến 95% những căn bệnh ngày nay là hệ quả trực tiếp của đời sống tinh thần. Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y tế và tâm lý cho biết: suy nghĩ có thể ảnh hưởng đến cơ thể và cảm giác của chúng ta. Do đó, dựa vào phản ứng cơ thể, bạn có thể nhận ra xu hướng suy nghĩ của mình.

Ví dụ, cổ bạn bị đau hoặc tim đập nhanh hơn khi nghe tiếng bước chân của anh ấy vào phòng. Có thể lúc đó bạn đang suy nghĩ những điều không hay về anh ấy như: chắc là anh ấy sắp gây chuyện với mình. Các nhà khoa học chỉ ra rằng khi bạn đang suy nghĩ tiêu cực, cơ thể thường biểu hiện như sau: đô mồ hôi tay, nhức đầu, đau dạ dày, tay chân run, nhìn không rõ, nói lớn, nắm chặt tay, ù tai, buồn nôn, mất ngủ, đau cổ hoặc đau lưng, mệt mỏi, chóng mặt…

Tuy nhiên, hãy cẩn trọng khi phân tích các phản ứng của cơ thể. Đôi khi công việc bận rộn và áp lực khiến bạn cảm thấy căng thẳng và khiến cho cơ thể bạn cũng có những phản ứng tương tự. Vì thế, nếu bạn rơi vào trạng thái căng thẳng và có những biểu hiện như đã nêu trên, hãy tự hỏi: Tại sao mình lại cảm thấy đau nhức? Sau đó, chuyển sự tập trung từ cơ thể sang suy nghĩ và hỏi: Mình đang nghĩ về điều gì?

Nếu bạn nhận ra mình đang suy nghĩ tiêu cực về người bạn đời, hãy ghi lại ảnh hưởng của nó lên cơ thể. Nghiên cứu của Jeffrey Bernstein cho thấy, nếu người ta bị căng vai khi nghĩ tới người bạn đời, sau một năm, họ sẽ bị chứng đau vai.

Bước 3: Đi tìm tác nhân dẫn đến suy nghĩ tiêu cực

Mỗi chúng ta đều có những tình huống, những tác nhân làm dấy lên suy nghĩ tiêu cực như tình dục, tiền bạc, con cái công việc… Đó là lúc mở ra cuốn sổ ghi lại những suy nghĩ. Hãy xem lại các ghi chú, bạn sẽ phát hiện suy nghĩ tiêu cực của mình xoay quanh vấn đề gì.

Ngoài ra, bạn nên chú ý tới đề tài của các cuộc tranh luận: bạn và anh hay tranh cãi về chuyện gì? Một vấn đề lặp lại nhiều lần sẽ là tác nhân của suy nghĩ tiêu cực. Nếu lại tranh cãi về vấn đề đó, hãy đặc biệt theo dõi suy nghĩ của bạn. Tuy nhiên, tác nhân gây ra suy nghĩ tiêu cực có thể thay đổi, vấn đề này có thể kéo theo vấn đề khác. Vì vậy, hãy quan tâm đến tất cả các phương diện.

Bước 4: Giữ bình tĩnh

Người ta hay nói “giận mất khôn”, nên nếu muốn loại bỏ những suy nghĩ và hành động tiêu cực, bạn nên cố gắng giữ bình tĩnh. Cách đơn giản nhất là bạn tự tạo cho mình một câu chú. Bạn có thể thầm thì nhiều lần một cụm từ ngắn gọn như “Hãy bình tĩnh nào”. Dần dần, bạn có thể tạo cho mình một thói quen cân bằng cảm xúc.

Ngoài ra, khi biết mình đang suy nghĩ tiêu cực, bạn hãy tập hít thở theo cách sau: Thở sâu bằng mũi, hít vào và đếm đến 4, khi hít vào, giữ cho bụng và ngực mở rộng. Giữ hơi, đếm đến 4. Thở ra một cách chầm chậm, đếm đến 7 hoặc 8. Lăp lại ít nhất 3 lần đến khi nào bạn cảm thấy bình tĩnh.

Cuối cùng, hãy khuyên nhủ bản thân không nên sa vào suy nghĩ tiêu cực. Nên tự nhắc nhở rằng những điều mình đang nghĩ không đúng thực tế và bạn sẽ cố để không bị chúng điều khiển.

Bạn không cần thay đổi thói quen, sở thích của mình hay người yêu. Điều duy nhất bạn cần làm là thay đổi suy nghĩ của bản thân và học cách lựa chọn cảm xúc dành cho anh. Nhờ thế, việc giữ được tình yêu và duy trì mối quan hệ hạnh phúc sẽ không còn là điều khó.

Bài: Phương Thảo
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm