1. Cap back – cuối thế kỷ XVIII
Tấm ren kim tinh tế Point de Venise à Réseau (ảnh dưới) là một trong những tác phẩm làm bằng kim đẹp nhất từng được sản xuất. Đây là một tác phẩm mất 5 năm để thực hiện với khoảng 10.000 mũi ren trên mỗi 2,5 cm². Tiền thân của ren kim là những mẫu thêu cắt rời có từ thế kỷ XV. Đây là những mẫu thiết kế được cắt ra từ mảnh vải thêu, sau đó được viền ở mép để không bị tưa và trở thành một mẫu trang trí. Gần một thế kỷ sau, người ta không còn dùng những mảnh thêu cắt rời này nữa, mà chỉ đơn thuần dùng kim và chỉ để tạo hình nên ra một loại chất liệu trang trí riêng, gọi là ren. Tấm ren thực thụ đầu tiên xuất hiện tại Venice, Ý vào khoảng giữa thế kỷ XVI, được đặt tên là Punto in Aria.
Ren kim Point de Venise à Réseau, được làm tại Ý
Ren kim (needle lace) thường cứng và thô hơn ren cuộn (bobbin lace). Theo truyền thống, những người thợ làm ren kim và ren cuộn học nghề từ những người thân trong gia đình, tại trường ren hoặc trong tu viện từ khi còn nhỏ. Những người thợ làm ren lành nghề có kỹ năng rất điêu luyện. Họ phải có con mắt tinh tường và đôi tay nhạy cảm với những sợi chỉ sa mảnh để tạo ra những sản phẩm ren cao cấp.
2. Edging và Lappet
Ren phía trên là loại ren viền (Edging – thế kỷ XIX) được làm từ Ren cuộn thẳng Point de Paris
Ren phía dưới là loại ren trùm đầu (Lappet – đầu thế kỷ XVIII) được làm từ ren cuộn thẳng Binche sản xuất tại Bỉ
Ren cuộn thường mềm mại hơn ren kim. Kỹ thuật làm ren cuộn được phát triển từ kỹ thuật quấn và bện những loại passementerie là loại ren để viền trang trí trên quần áo và đồ đạc. Ren cuộn được làm bằng cách bện nhiều sợi chỉ vào nhau. Một đầu sợi chỉ được quấn vào từng cuộn chỉ riêng, giúp dễ kiểm soát từng sợi, đầu kia được cố định vào chiếc gối cứng có lót giấy giả da cứng. Trước tiên người ta sẽ định hình mẫu hoa văn của ren trên miếng giấy, rồi dùng kim ghim khắp mảnh giấy theo hoa văn đó. Những cây kim này sẽ được ghim cố định trong suốt quá trình làm, giúp định hướng đường chỉ. Người thợ cứ theo đó mà quấn và bện chỉ qua những cây kim ghim để tạo hình mảnh ren trong khi cuộn chỉ sẽ được dùng như một công cụ điều khiển. Những mảnh ren phức tạp đòi hỏi phải dùng tới hơn một nghìn cuộn chỉ.
Tấm ren phía dưới trong ảnh có tên Binche được đặt theo tên thị trấn có thể được xem là cái nôi của loại ren này. Đây là một thị trấn nhỏ ở phía Bắc nước Pháp gần biên giới với Bỉ. Tấm ren bắt đầu được làm từ thế kỷ thứ XVII, nó được xem là tấm ren cuộn tinh tế nhất từng được sản xuất với nền bông tuyết và các họa tiết hoa cách điệu.
3. Shawl – Khăn choàng, giữa thế kỷ XIX
Mẫu ren cuộn vàng (Blonde lace) tại Pháp
Người ta bắt đầu tạo ra những mẫu ren cuộn vàng bằng những sợi lụa mảnh vào giữa thế kỷ XVIII. Đầu thế kỷ thứ XIX, Chantilly và Caen, đều ở phía Bắc nước Pháp đã có thể sản xuất ra được những tấm ren vàng đẹp nhất. Ren cuộn vàng rất được ưa chuộng bởi sự tinh tế và sang trọng của nó. Người ta gọi là ren vàng vì nó có màu mật ong mặc dù đôi khi người ta cũng bện ren bằng chỉ đen. Vào những năm 1810 và 1820, ren vàng trở nên phổ biến đến nỗi nó được dùng cho những đường viền chân váy, khăn quàng cổ, mạng che mặt, và váy đầm. Khoảng năm 1840, người ta dần không còn ưa chuộng ren vàng nữa, phụ nữ thời này thích ren Chantilly hơn. Cả ren vàng và ren Chantilly đều rất được ưa chuộng ở Tây Ban Nha trong một thời gian dài ngay cả khi chúng không còn hợp thời ở những nơi khác.
4. Fan Leaf – Ren hình cánh quạt, giữa thế kỷ XIX
Một mảnh ren cánh quạt, là loại ren cuộn Chantilly, được làm tại Pháp
Không giống như ren vàng, ren cuộn Chantilly có màu đen đặc trưng. Không được làm từ những sợi lụa bóng bẩy mà bằng những sợi lụa màu tối với những hoa văn thực tế hơn. Ren Chantilly được đặt theo tên thị trấn mà lọai ren này ra đời, nó vẫn còn được ưa chuộng cho đến cuối thế kỷ XIX. Ren Chantilly thường được dùng trang trí cho khăn choàng đen, mạng che mặt, khăn trùm đầu, quạt tay, mũ trùm đầu vốn là những phụ kiện không thể thiếu trong trang phục trang trọng của phụ nữ lúc bấy giờ. Vào giữa thế kỷ XIX, ren dệt bằng máy được sản xuất rất giống với ren Chantilly, làm cho lượng sản xuất cũng như tiêu thụ loại ren thủ công này suy giảm rõ rệt trong những năm 1870.
5. Pictorial Scene – Ren trang trí như phong cảnh, cuối thế kỷ XIX
Một mảnh ren hình thần tình yêu, chim và hoa lá, là loại ren cuộn tự do Brussels, được làm tại Bỉ
Có ba loại ren cuộn được thực hiện theo những kỹ thuật khác nhau: thẳng (liên tục), tự do (không liên tục) và ruy-băng (thắt nơ liên tục). Ren cuộn tự do đòi hỏi phải có những họa tiết riêng biệt như những bông hoa. Những họa tiết này được nối với những hàng chỉ ngang hoặc nền lưới. Ren cuộn tự do có thể được làm rất nhanh vì nhiều người có thể cùng làm một sản phẩm.
6. Fan – Quạt ren cuối thế kỷ XIX
Chiếc quạt được làm từ loại ren cuộn Brussels tại Pháp
Quạt xếp có nguồn gốc từ Nhật, nó du nhập vào châu Âu nửa cuối thế kỷ XVI. Những chiếc quạt của châu Âu vẫn có kiểu dáng tương tự nhưng với họa tiết trang trí theo phong cách phương Tây. Những chiếc quạt vẽ hoặc thêu ren rất phổ biến lúc bấy giờ. Chiếc quạt vừa đươc xem như một phụ kiện quan trọng đối với phụ nữ quý tộc, vừa làm mát khuôn mặt các quý bà quý cô. Chiếc quạt còn là một công cụ làm duyên hay để tán tỉnh các quý ngài.
Trong thời kỳ Victoria, ngôn ngữ của chiếc quạt ngày càng phát triển. Ví dụ như đưa chiếc quạt ngang má nghĩa là “Em yêu anh” trong khi phất phơ chiếc quạt chầm chậm có nghĩa là “Em đã có chồng”. Cài quạt lên tai phải nghĩa là “Anh đã thay đổi”. Những ngôn ngữ này không rõ ràng và cố định, tuy nhiên chúng là loại ngôn ngữ giao tiếp nghiêm túc.
7. Flounce fragment – Mảnh viền, khoảng năm 1890
Một mảnh viền làm từ ren kim Point de Gaze tại Bỉ
Những nhà sản xuất ren luôn cố gắng tạo ra những mẫu ren đẹp hơn nhưng ít tốn thời gian và tiền bạc hơn những loại ren của những thế hệ trước. Có lẽ không có loại ren làm thủ công nào có thể đáp ứng được những yêu cầu này bằng loại ren kim Point de Gaze của Bỉ. Ren Point de Gaze lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm Crystal Palace năm 1851. Với sự ra mắt này, Bỉ từ lâu đã nổi tiếng với loại ren cuộn xuất sắc của mình đã trở thành trung tâm của loại ren kim châu Âu.
Point de Gaze là một trong những loại ren thủ công tuyệt vời cuối cùng được sản xuất và kinh doanh. Nó khá giống với ren Point de Alençon, một trong những loại ren kim đẹp và tốt nhất của Pháp trong thế kỷ XVIII, nhưng với những kết cấu đơn giản hơn nhiều. Kết quả cho ra một loại ren nhẹ hơn và cực kỳ tinh tế thúc đẩy sự ra đời một thế giới thiết kế mới và những mũi kim sáng tạo mới lạ. Point de Gaze kết hợp những hình dạng tự nhiên như những chùm hoa, đôi khi người ta còn khâu thêm những lớp cánh hoa hồng để tạo hiệu ứng ba chiều. Loại ren này được dùng phổ biến cho khăn trùm đầu cô dâu đến tận thế kỷ thứ 20.
8. Bodice – Áo bodice khoảng năm 1900
Chiếc áo được làm từ loại ren cuộn Bruges tại Bỉ
Từ khi ren ra đời, cổ áo và tay áo của cả nam và nữ đều được may bằng ren. Vào thế kỷ XIX, nam giới không còn ưa chuộng vải ren nữa nhưng nữ giới vẫn tiếp tục mặc các trang phục có ren. Chiếc áo bodice thời kỳ Edward này có cổ và tay áo được may bằng ren Bruges. Loại ren này được sản xuất vào giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX ở Bỉ với chỉ thô và họa tiết lớn hơn các loại ren cuộn trong những thời kỳ trước đó như ren cuộn Brussels. Các họa tiết to và nổi bật của ren được thực hiện khá nhanh. Thay vì dùng nền lưới , người ta làm riêng lẻ từng họa tiết và kết chúng lại với nhau bằng những mũi viền hạt gạo. Loại ren này thường được xuất khẩu sang Mỹ, nó có giá cả khá mềm nên có thể phổ biến đối với một thị trường may mặc rộng hơn.
9. Dress front – Tấm ren trước ngực áo, cuối thế kỷ XIX
Một mảnh ren trang trí ngực áo, được làm từ ren cuộn tại Ý
Công ty sản xuất ren của Ý M. Jesurum & Co đã thành lập một trường dạy làm ren trên đảo Pellestrina, Ý, vào những năm 1870. Các học viên làm những tấm ren theo phong cách truyền thống và sáng tạo. Tấm ren cuộn bằng lụa nhiều màu sắc này là một ví dụ.
10. Edgings – Những dải ren viền, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Những mảnh ren viền được làm từ ren cuộn bằng kim loại vàng, sản xuất tại Pháp
Những sợi chỉ được làm từ vàng, bạc hoặc các kim loại khác đã được sử dụng cho việc trang trí, thêu dệt từ rất lâu trước khi ren ra đời. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi loại ren làm bằng sợi kim loại được phát triển từ cuối thế kỷ XVI. Người ta thường dùng ren loại này để trang trí trên những sản phẩm sang trọng, như viền váy, viền găng tay hay áo khoác. Ren kim loại được tính theo trọng lượng vì người ta cần phải dùng một lượng vàng hoặc bạc lớn để làm ra những tấm ren. Nữ hoàng Elizabeth I đã từng mặc trên người những loại ren này. Trong thực tế, ở Anh và Pháp đã có luật nhằm hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng những loại vải ren có số lượng vàng bạc lớn như vậy.
Về cơ bản, người ta quấn những sợi kim loại thật mảnh quanh một sợi chỉ lụa để tạo ra sợi chỉ kim loại làm ren. Các sợi bạc mạ vàng được sử dụng phổ biến hơn là sợi vàng nguyên chất. Chúng rất thích hợp cho kỹ thuật thắt bện đối với loại ren cuộn. Tuy nhiên, ren kim loại không thể có độ mềm mại như ren linen vì chúng không thể vặn hay uốn cong dễ dàng. Ngày nay, không còn lại nhiều tấm ren kim loại vì hầu hết chúng bị nung chảy để lấy lại lượng kim loại quý.
11. Doily with dolphin theme – Khăn lót hình cá heo, đầu thế kỷ XX
Một miếng khăn lót bằng ren móc, sản xuất tại Orvieto, Ý
Cũng giống đan len, ren móc được móc từ một sợi chỉ và một cái kim móc thay vì dùng hai thanh đan như đan len. Có thể loại ren này ra đời ở Pháp từ thế kỷ XVII. Khi sử dụng chỉ mảnh và móc nhỏ, ren móc cũng không khác ren kim là mấy. Ren móc bắt đầu phổ biến vào thế kỷ XIX. Những bà nội trợ khéo tay ở thế kỷ XIX thường bắt chước theo những mẫu hoặc họa tiết trong những cuốn sách thiết kế để tạo ra những tấm ren đẹp mà không cần có bất cứ hướng dẫn chi tiết nào. Những người thợ làm ren ở Orvieto, Ý, đã tạo ra những tấm ren móc xuất sắc vào đầu thế kỷ XIX. Đầu tiên loại ren móc Orvieto chịu ảnh hưởng kỹ thuật móc Ai-len nhưng không lâu sau đó nó đã khẳng định nét đặc trưng của mình.
12. Đầm ren, thập niên 1920
Một bộ đầm làm từ ren ruy-băng, sản xuất tại Mỹ
Ren ruy-băng hay còn gọi là ren Battenberg chủ yếu được làm từ những dải ren đơn giản. Người ta cố đinh những dải này trên mẫu thiết kế, rồi kết nối chúng với nhau bằng những mũi ren trang trí nên giá thành loại này rẻ hơn so với các loại ren khác.
Ren ruy-băng ra đời từ đầu thế kỷ XVII khi người ta kết hợp hai loại ren: kỹ thuật làm ren cuộn cơ bản tạo nên những dải ren dài, hẹp và những mũi ren kim kết nối những dải ren này trên mẫu thiết kế. Ren ruy-băng được khôi phục vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XIX.
Cuối thế kỷ XIX, các nhà sản xuất đã cho ra đời nhiều loại ren ruy-băng làm bằng máy với nhiều khổ khác nhau, đôi khi được trang trí thêm bằng mũi hạt gạo hoặc những họa tiết khác. Ren ruy-băng được dùng phổ biến cho trang phục của cô dâu nên nó còn có tên là ren “công chúa”. Ren Battenberg lúc đầu là tên gọi của một loại ren ruy-băng đặc biệt có mũi khâu phức tạp nhưng sau đó nó được dùng chung cho tất cả các loại ren ruy-băng sau khi công chúa Beatrice của Anh thành hôn hoàng tử Henry của Battenberg vào năm 1885.
Đọc thêm: Ren, chất liệu mang nguồn gốc quý tộc
Chuyển ngữ: Ánh Tuyết – Nguồn: Bảo tàng SFO tại sân bay quốc tế San Francisco