10 cách biến nỗi buồn thành động lực

Đôi khi những buồn phiền đau khổ không tránh được trong cuộc sống làm người ta trở nên sâu sắc hơn. Hãy để nỗi buồn cho ta một cú hích động lực mới

Nhà khoa học lừng danh Charles Darwin (1809 – 1882) đã từng nói: “Tất cả những cảm xúc đều có những lợi ích thích ứng”. Nỗi buồn chính là một dạng cảm xúc phổ biến. Nhưng làm sao để tìm được những lợi ích tích cực từ trạng thái cảm xúc này lại đòi hỏi một nghệ thuật sống của người phụ nữ hiện đại.

Sự tự nhiên của nỗi buồn

Chấp nhận nỗi buồn là một phần không thể thiếu được trong cảm xúc tự nhiên của chúng ta.

Con người từ bé đã biết thể hiện cảm xúc bản năng và thu hút sự chú ý bằng tiếng khóc, tiếng cười. Đứa bé biết khóc khi đói hoặc đau và sẽ được mẹ chạy đến bế, cho ăn, nếu thấy chưa đủ thì khóc to hơn nữa để được vỗ về, chăm sóc nhiều hơn. Bản năng sinh tồn khiến con người luôn có những phản ứng tự nhiên và ý thức lớn dần trước cái tốt  hay cái xấu xảy đến với mình. Khóc khi buồn đau, cười vui khi sung sướng, hạnh phúc là điều tự nhiên của mỗi con người.

Các cảm xúc trong mỗi người cũng giống như chiếc kim trên mặt đồng hồ tốc độ chiếc xe vậy. Vạch kim thay đổi tùy thuộc vào tốc độ của xe, cảm xúc trong từng ngày cũng thay đổi tùy thuộc vào tâm trạng chúng ta vui hay buồn.

Với người phụ nữ thành đạt, nỗi buồn có thể trở thành một cuộn sóng ngầm mạnh mẽ nhưng không nói ra thì không ai biết. Theo tiến sỹ Tâm lý học Nguyễn Văn Lượt, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, phụ nữ như những con sóng. Đàn ông thường nghĩ rằng tiền là giải pháp cho hầu hết các vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên nó không thể ngăn được chu kỳ “tủi thân” của người phụ nữ. Điều đó cũng lý giải phần nào một thực tế phụ nữ khi còn hàn vi ít nghĩ đến bản thân mình nhưng càng khá giả, nhu cầu được sẻ chia, vỗ về của họ thường đến nhiều hơn.

Khi buồn hãy cứ khóc

Buồn không chỉ đơn thuần là cảm xúc. Buồn thậm chí là phương án khéo léo của con người nhằm làm vơi nỗi đau khổ và qua đó giảm cường độ căng thẳng của cuộc sống.

Nếu không ứng xử chân thành với nỗi buồn, khả năng đến bệnh viện là rất cao. Paul Fritz, một chuyên gia ngành phân tâm, từ thống kê dữ liệu của cả chục ngàn người bệnh, đã chứng minh rằng người cố gắng kềm chế nỗi buồn và ít khóc dễ trở thành nạn nhân của chứng đau nửa đầu, viêm loét dạ dày và thậm chí nhồi máu cơ tim.

Giáo sư William Frey ở đại học Minnesota (Mỹ) – người nổi tiếng nhờ nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng kháng khuẩn, giảm đau của nước mắt – khẳng định việc khóc tỉ tê một mình khi buồn rất có ích cho sức khỏe. Nhiều chuyên gia ngành tâm thần đã đồng tình với Frey, cho rằng buồn đến rơi lệ là hình thức giải độc cho cơ thể, qua đó phế phẩm trong não bộ được xử lý mà không phải dùng thuốc.

Do cơ chế phản xạ dây chuyền, nỗi buồn tác động trở lại tích cực. Các nghiên cứu cho biết, tâm trạng buồn đến mức nào đó gây tín hiệu hồi tiếp trên não bộ, khiến hệ thần kinh xúc tác tiến trình phóng thích nhiều loại nội tiết tố làm nhẹ nỗi buồn, giảm đau, an thần như serotonin, endorphin… Nhờ đó, cảm xúc được cân bằng một cách tự nhiên.

Nhìn chung khoa học hay thực tế đều cho thấy: những người mang tâm trạng buồn có xu hướng dễ cảm thông hơn, ít tự mãn hơn và biết lắng nghe; nói tóm lại họ thường là người bầu bạn tốt hơn. Nỗi buồn khiến bạn suy nghĩ sâu xa hơn, tiếp nhận thông tin mới và thận trọng xem xét lại những ý tưởng cũ. Những điều này thật sự cần thiết bởi vì cuộc sống là một chuỗi những đổi thay liên miên.

Nỗi buồn mang động lực tích cực

Tập thể dục ngoài trời giúp tinh thần sảng khoái và

Tập thể dục ngoài trời giúp tinh thần sảng khoái và tươi vui hơn

Nỗi buồn cũng là một bài kiểm tra thực tế, giúp chúng ta nhận biết cái gì thực sự quan trọng để sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện cho hợp lý.

Nỗi buồn có thiên hướng giúp chúng ta biết đồng cảm hơn. Khi chính mình đã trải nghiệm qua nỗi đau, ta có thể hiểu và biết xoa dịu nỗi đau của người khác. Vượt qua buồn đau, ta trưởng thành hơn, trân trọng những gì đang có và thêm quyết tâm đi tìm hạnh phúc. Nỗi buồn cũng là một động lực sáng tạo khi trong khoảng thời gian buồn bã, con người có những khám phá sâu sắc về bản thân và cuộc sống.

Người đẹp đền Hùng Giáng My luôn trân trọng nỗi buồn và những điều tuyệt vời do nỗi buồn mang lại. Không để bị chìm vào những cảm xúc tiêu cực, chị biến nỗi buồn thành những vần thơ tự cảm về cuộc đời, về tình yêu, về những điều mong manh của cuộc sống. Để sau mỗi biến cố đi qua, chị vẫn xuất hiện rạng ngời, trẻ trung hơn, hài hước và mạnh mẽ như bỏ lại những cảm xúc ủy mị đã qua. Chị tâm niệm “Khi ra ngoài xã hội, tôi chỉ muốn mang niềm vui đến cho mọi người. Ít khi tôi đi gặp bạn bè để than vãn, vay mượn tiền bạc hay kể chuyện buồn”. Diễn viên của những bộ phim đẫm nước mắt Việt Trinh cũng đã biến những trải nghiệm đau thương từ đời sống cá nhân thành kinh nghiệm nghề nghiệp. Loạt phim truyền hình tâm lý xã hội Trở về của chị được ghi nhận cả về chuyên môn và cảm xúc, khẳng định sự trở lại với điện ảnh đầy bản lĩnh của ngôi sao nổi tiếng một thời.

Ngôi sao truyền hình thực tế Melinda Messenger vượt qua trầm cảm sau sinh bằng một lớp học tâm lý và dần có được thành công ở lĩnh vực thiết kế túi xách. Cô khẳng định quãng thời gian buồn bã, thất vọng đó đã khiến cô mạnh mẽ hơn. Như vậy có thể thấy nỗi buồn không phải là cái cớ cho sự chìm đắm, lún sâu tuyệt vọng. Đó có thể là cơ hội thử thách bản lĩnh, nghị lực và là cú hích cho một sự chuyển hướng mới.

Bạn đừng ước mình có ít vấn đề hơn, hãy ước mình có nhiều kỹ năng hơn. Giống như một câu châm ngôn: “Nếu cuộc sống đá cho bạn một cú, hãy để nó đá bạn về phía trước”.

10 cách biến nỗi buồn thành động lực

Hãy trang bị cho mình cách kiểm soát bản thân để đối diện với sự đa dạng trong cảm xúc, đồng thời phát huy sức mạnh nội tâm để tránh rơi vào trạng thái dễ bị “cạn kiệt” hay quá căng thẳng.

Bạn có thể:

1. Thay đổi lối sống để cải thiện tâm trạng
2. Trò chuyện với một chuyên gia tâm lý
3. Viết lách để trải lòng
4. Chụp ảnh bản thân thật đẹp
5. Lên một kế hoạch hoạt động mới
6. Sống chan hòa hơn
7. Tìm chỗ dựa tin cậy
8. Dành thời gian ngủ một giấc thật ngon
9. Tận hưởng cảm giác sau khi luyện tập thể dục hoặc hoạt động ngoài trời
10. Nấu ăn, du lịch, thưởng thức món ngon

Trở lại mạnh mẽ

Album Stronger với những ca khúc pop rock có giai điệu catchy sôi động cùng giọng hát mạnh mẽ đầy nội lực của Kelly Clarkson đã giành được giải thưởng Album Pop Vocal năm 2013 tại giải Grammy. Với thông điệp “What doesn’t kill you makes you stronger” (Những gì không thể quật ngã được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn), thần tượng âm nhạc Mỹ Kelly đã chứng minh nghị lực của mình, vượt qua những thử thách, những khoảng chững của sự nghiệp để trở lại mạnh mẽ hơn. Những hình ảnh nhảy flash mob đẹp nhất của các fan trên toàn thế giới được Kelly chọn đưa vào MV này, trong đó có màn nhảy sôi động của bạn trẻ Việt Nam với quốc kỳ, áo dài…

 kelly-clarkson-stronger

Bài: Hàn Thủy. Ảnh: Tee Le.
Stylist: Lina Gonyz. Make-up: Duy Art.
Người mẫu: Quanh Đi. Khăn: Hermès
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm