Những ngày này, thật dễ dàng tìm được một đôi giày đẹp mắt với giá 600.000. Và càng dễ dàng hơn để tìm được chiếc đầm có giá 800.000. Nhưng trong khi giá cả thời trang nhanh vẫn còn rất nhẹ nhàng; chi phí bỏ ra cho thời trang cao cấp vẫn liên tục gia tăng. Mà không hề có dấu hiệu dừng lại.
Hiện tại trên mục Luxury của trang Net-a-Porter, có hơn 100 cặp đôi giày với giá trên 1.000 USD. Trong đó, có hai đôi Christian Louboutins vượt quá ngưỡng 6.000 USD. Và giá chiếc túi 2.55 nổi tiếng của Chanel giờ đây đã cạnh tranh được với mẫu Hermès Kelly. Hay nói đúng hơn là Hermès Kelly của một thập kỷ trước. Tại thị trường Mỹ vào năm 2000, chiếc túi nổi tiếng này có giá 4.800 USD. Và bây giờ, số tiền tối thiểu để cầm về được chiếc túi này là 9.400 USD.
Gần 100%. Tỷ lệ giá cả gia tăng này có vẻ đã đến mức đáng báo động – đặc biệt là khi so sánh với Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (một thước đo mức giá hàng tiêu dùng do Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ công bố), tăng 27% trong thập kỷ qua. Nhưng điều này chỉ là một trong rất nhều trường hợp của thời trang cao cấp.
Thật vậy, trong những năm gần đây, giá các sản phẩm thời trang cao cấp đã tăng gấp nhiều lần tỷ lệ lạm phát nói chung. Năm 2003, đôi Manolo Blahniks nổi tiếng của Carrie Bradshaw có giá 485 USD. 10 năm sau, đôi giày có cùng kiểu đã có giá 755 USD, hơn 56% so với giá trước đó. Đó là chưa kể toàn bộ đôi Manolos hiện tại đã có giá tối thiểu 1.000 USD. Trong khi đó, nhiều bộ đầm may sẵn 10.000 USD gần như không tồn tại vào khoảng 15 năm trước; thì giờ đây đã xuất hiện với tần suất dày đặc. Trên thực tế, trang web thời trang nổi tiếng Luisa Via Roma hiện đang bán một chiếc đầm trong suốt của Juien Macdonald với giá hơn 25.000 USD.
Đọc thêm: Nghiên cứu cho thấy đầu tư vào túi Birkins an toàn hơn vàng hay cổ phiếu.
Vậy điều gì đang làm tăng giá cả đồ thời trang cao cấp. Và chúng còn có thể tăng đến mức nào nữa?
Trước tiên, chúng ta hãy xem xét chi phí thô của việc sản xuất một sản phẩm cao cấp. Tỷ suất lợi nhuận gộp cho các công ty cao cấp thường dao động quanh mức 65% – một con số khá lớn, nhưng đó là điều mà các cổ đông mong đợi. Điều đó cũng có nghĩa là một chiếc túi 3.500 USD tốn khoản 1.225 USD để sản xuất và đưa ra thị trường, từ vật liệu, nhân công cho đến bán lẻ.
Trong quãng thời gian đó, có rất nhiều yếu tố tác động. Đầu tiên là chi phí nguyên vật liệu, thiết kế và sản xuất. Sau đó đến khâu bán lẻ; nhiều chi phí khác lại đổ vào tiền thuê mặt bằng và nhân viên bán hàng. Cuối cùng là chi phí cho tiếp thị và quảng cáo. Trong 15 năm qua – đặc biệt là kể từ khi cuộc suy thoái kinh tế chính thức chấm dứt; những chi phí này đã tăng lên đáng kể.
Giờ đây, nguyên liệu thô trở nên đắt đỏ và khan hiếm hơn bao giờ hết. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, giá gia súc (tương ứng với mặt hàng da) đã tăng lên 24%. Và nhiều năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá bông đã tăng lên mức chưa từng có, đặc biệt là khi nhu cầu từ Trung Quốc ngày càng tăng cao, đỉnh điểm lên đến 93,08 USD vào tháng 6 năm 2013, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Thương hiệu Louis Vuitton và Hermès đã đầu tư vào các trang trại cá sấu ở Úc để đảm bảo nguồn cung da đắt tiền, trong khi Kering tiếp quản nhà máy da cá sấu France Croco của Normandia vì những lý do tương tự.
Chi phí nhân công tăng cũng là một trong những nhân tố quan trọng. Năm 2017, mức lương trung bình của người dân châu Á – Thái Bình Dương tăng lên 6,1% so với cùng kỳ năm trước – tỷ lệ cao nhất trên toàn thế giới. Mức tăng này được dự kiến cao nhất ở việt Nam (7,2%); Thái Lan (5,6%); Indonesia (4,9%); và Ấn Độ (4,8%). Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ), trong 10 năm qua, mức lương trung bình hàng tháng đã tăng gần gấp đôi ở châu Á; tăng 18% ở châu Phi; 15% ở Mỹ Latinh và Caribbean (cũng là trung tâm sản xuất quan trọng). Điều nay không chỉ diễn ra ở các thị trường mới nổi. Theo OECD, chi phí nhân công ở các nước châu Âu cũng đã cao đến mức kỷ lục.
Bên cạnh đó; nhận thức và khao khát sở hữu đồ hiệu cũng đóng vai trò rất lớn trong cuộc chơi định giá. Một món đồ càng đắt tiền thì càng mang nhiều ý nghĩa “độc quyền” hơn. Và nhờ đó, cũng đáng được khao khát hơn. Ví dụ điển hình là nhà mốt Burberry, khi từng tuyên bố rằng sẽ tăng giá sản phẩm để tăng sức hấp dẫn với các tầng lớp khách hàng cao hơn; đồng thời thu hút nhiều khách hàng mới giàu có hơn.
Đối với một số thương hiệu, sự trông chờ giảm giá là một nhân tố khác. Nhà kinh doanh bán lẻ Robert Burke ở New York cho biết. “Nỗi sợ hãi lớn nhất của thương hiệu là phải hạ giá sản phẩm. Mặc dù một vài nhãn hiệu sang trọng như Hermès và Louis Vuitton không bao giờ giảm giá; nhiều thương hiệu khác vẫn giảm đi ít nhất một phần sản phẩm để làm sạch hàng tồn. Một thương hiệu cần có tầm nhìn xa hơn một cửa hàng thời trang thông thường, nơi đang treo bảng giảm giá trên 70% cho mùa mốt trước để không khiến khách hàng cảm thấy rằng, với chiến lược và sự kiên nhẫn cần thiết, họ có thể mua một đôi giày cao gót giá 1,400 USD với giá 300 USD.
Nhà phân tích Ellen Ruppel Shell, tác giả cuốn sách Cheap: The High Cost of Discount Culture, thì cho biết: “những người thực sự có hiểu biết về thời trang cao cấp có thể mua các sản phẩm trong bộ sưu tập vào chớm các mùa mốt (với đúng giá niêm yết). Trong khi nhiều người khác chờ đợi cho đến đợt giảm giá.
Chính vì thế, Matthew Walker, giám đốc điều hành của Creatures of the Wind khẳng định. “Các thương hiệu thiết kế nào liên tục giảm giá sản phẩm có thể bị đưa tới tình trạng buộc phải tăng giá để tìm cách cân bằng lại. Dù cho hành động trên có thể dẫn đến sự chênh lệch giá cả; khiến khách hàng mất lòng tin vào thương hiệu.”
Đọc thêm: Biến đồ hiệu thành món đầu tư đáng giá, tại sao không?
Thời trang cao cấp – biểu hiện của một nền kinh tế phồn thịnh
Nhưng có lẽ, động lực lớn nhất khiến cho giá cả hàng thời trang cao cấp liên tục tăng giá chính là thực tế rằng ngày càng nhiều người có khả năng chi trả cho chúng. Theo báo cáo hàng năm Knight Frank, số người giàu có trên thế giới sẽ tăng lên đến 43% trong vòng 10 năm tới. Đến năm 2016, tầng lớp siêu giàu ở châu Á sẽ tăng lên gần như gấp đôi. Đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Từ năm 2000 đến 2016, số người siêu giàu ở Việt Nam cũng đã gia tăng lên 320%, tỷ lệ cao nhất thế giới. Chính vì thế, không ngạc nhiên khi Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung đang trở thành mảnh đất màu mỡ của các nhãn hiệu thời trang từ bình dân đến xa xỉ.
Đúng vậy, người ở tầng lớp trung lưu đang trở nên giàu có. Và người giàu càng trở nên giàu hơn. Nhưng liệu có giới hạn nào dành cho một tỷ phú khi chi trả cho một đôi giày? Câu hỏi trên lại tiếp tục đặt ra một vấn đề hóc búa khác: giá như thế nào mới được gọi là cao? Thực tế thì, đối với những người đang có sẵn máy bay trong nhà; được bọc bởi da Hermès và vicuna của Loro Piana; nếu họ có nhu cầu; sẽ không có bất cứ giới hạn nào cả.
Harper’s Bazaar Việt Nam