Áo khoác bomber rất hấp dẫn giới chơi hip hop và thể thao đường phố. Vì sao lại thế?
Để giải mã câu hỏi này, có lẽ chúng ta phải quay ngược dòng lịch sử của mẫu áo này. Dù có xuất phát điểm là một trang phục quân đội, nhưng trang phục này rất nhanh chóng du nhập vào giới trẻ nổi loạn.
Áo khoác bomber là gì? Lịch sử áo khoác bomber
Thế Chiến I và chiếc áo phi công A-1
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, lối đánh bom bằng máy bay trở nên thông dụng. Các phi công đánh bom từ trên không được gọi là bomber.
Thời điểm này, chiếc phi cơ ném bom có buồng lái máy bay mở. Phi công phải làm việc trong môi trường lạnh căm. Vì vậy, năm 1917, không quân Mỹ đã sáng chế nên một chiếc áo bảo hộ giúp giữ ấm cho các phi công. Chiếc áo này làm bằng da thuộc bền – thường là da hải cẩu hoặc da ngựa. Viền cổ và eo làm từ vải dệt kim co giãn. Áo có nút bấm và túi có nắp.
Vì đây là chiếc áo chuyên dụng của dân phi công đánh bom, nên nó nghiễm nhiên được đặt tên là bomber jacket – áo khoác của dân bomber. Như vậy, bomber là áo khoác của phi công nhưng dần dần được biến tấu và trở nên phổ biến.
Nhược điểm của áo khoác bomber thời kỳ đầu
Vào thập niên 1930, mẫu A-1 được nâng cấp thành mẫu A-2 để tiện dụng hơn cho phi công. Nút bấm được thay thế với khóa kéo. Cổ áo có thể được kéo lên che kín đến tận mũi, hoặc bẻ xuống tạo kiểu cổ thời trang hơn.
Tuy nhiên, thời điểm này, những chiếc phi cơ thả bom cũng được nâng cấp. Chúng có thể bay cao hơn, xa hơn, chịu được thời tiết mưa rơi giá lạnh. Lúc này, chiếc áo A-2 lộ rõ nhược điểm. Vì làm từ da thuộc, có thể bị ướt khi tiếp xúc với mưa, chúng có thể bị đóng băng trong thời tiết lạnh giá và vì vậy gây nguy hiểm cho sức khỏe của phi công.
Nylon thay thế da thuộc
Việc quan trọng nhất là tìm một chất liệu thay thế da thuộc. Chất liệu phải giữ ấm, chống thấm, lại đủ nhẹ để tiện cho việc điều khiển phi cơ. Quân đội Mỹ có hai lựa chọn: cotton và nylon.
Thực chất, nylon là lựa chọn tối ưu hơn. Chất liệu này đi vào sản xuất ở cuối thập niên 1930. Nó được ca tụng như một chất liệu thần kỳ vì độ bền, chống thấm, chống mối mọt và nấm.
Ban đầu, nylon được sử dụng độc quyền cho dù của lính nhảy dù. Áo bomber phải sử dụng cotton để không hao hụt lượng nylon quan trọng. Mẫu bomber làm từ vải cotton, có cổ lông thú, được gọi là B-15. Đây chính là phong cách của chiếc áo Suboi mặc trên Rap Việt.
Qua đến Thế chiến II, sản lượng vải nylon tăng vọt. Đồng thời, phi cơ chiến đấu lúc này đã có khoang điều khiển được che chắn kín gió, không còn lạnh như trước. Vì vậy, quân đội Mỹ cuối cùng nâng cấp chiếc áo bomber với chất liệu nylon. Cổ áo cũng loại bỏ chất liệu lông cừu đã trở nên nóng ngốt trong khoang máy bay. Thay thế là chiếc cổ làm bằng chất liệu dệt kim co giãn dễ thở hơn.
Phiên bản áo khoác bomber này gọi là mẫu MA-1. Và nó chính là chiếc áo khoác bomber hiện đại.
Du nhập vào văn hóa của giới trẻ nổi loạn
Là một chiếc áo khoác biểu trưng cho quân đội, nhưng từ thập niên 1950 trở đi, chiếc áo bomber lại nổi tiếng vì được các nền văn hóa nổi loạn “vay mượn” vào phong cách thời trang của mình.
Tại Anh: Dân skinhead biến thành biểu tượng
Làn sóng văn hóa skinhead dấy lên tại Anh vào thập niên 1950. Đây là những người trẻ thuộc tầng lớp lao động nghèo khó. Họ cho rằng nhà nước đã bỏ quên mình. Họ ủng hộ cái nhìn cực đoan và bạo lực của Phát xít. Để thể hiện thái độ của mình, họ chọn lối cạo đầu, mặc đồ quân đội hầm hố, đi bốt cao cổ, khoác áo bomber…
Tại Nhật: Áo bomber hòa quyện văn hóa Mỹ và Nhật
Còn tại Nhật Bản, làn sóng văn hóa Mỹ lan rộng hậu Thế chiến II. Do quân Phát xít Đức–Nhật thua trận, một phần lãnh địa Nhật bị quân Đồng minh chiếm đóng hậu từ cuối thập niên 1950. Lính Mỹ, khi đến Nhật, đã mang theo chiếc áo bomber bền vững của mình. Họ đã đính lên áo khoác các sticker và patch đậm văn hóa Nhật Bản. Rồi mang áo về lại quê hương như một món quà kỷ niệm thời gian ở Nhật.
Giới trẻ Nhật, bị cuốn hút bởi văn hóa Mỹ, đã học theo. Vào thập niên 1960, Nhật Bản xuất hiện hàng loạt mẫu áo khoác bomber nội địa đính patch hoặc thêu họa tiết Nhật. Chúng trở nên phổ cập trong giới trẻ. Chiếc áo này được gọi là sukajan, viết lái từ tên tiếng Anh souvenir jacket, tức chiếc áo kỷ niệm của lính Mỹ.
Tại Mỹ: Văn hóa hip hop vay mượn áo bomber
Vào thập niên 1970 và 1980 ở Mỹ, âm nhạc hip hop và rap trở nên thịnh hành. Cũng như văn hóa Punk, giới chơi hip hop và rap mượn những trang phục quân đội.
Nhưng khác với Punk, những người mượn trang phục quân đội để nói về việc chống lại giới cầm quyền, văn hóa hip hop lại đến từ những người thấp cổ bé họng, thường là người dân da màu, trong xã hội Mỹ. Trang phục quân đội – gồm họa tiết rằn ri, áo khoác bomber, giày bốt đế khủng – biến giới chơi hip hop thành nhóm “vũ trang không chính quy”, đang mang trên mình sứ mệnh đánh trả lại sự bất công của xã hội.
Áo khoác bomber hiện đại
Ngày nay, hầu như thương hiệu thời trang đường phố nào cũng có áo bomber. Nổi bật nhất hẳn là thương hiệu Alpha Industries. Đây là thương hiệu từng thực hiện những mẫu áo khoác bomber cho quân đội Mỹ từ thập niên 1950. Chất lượng cao cấp và dán nhãn made-in-USA.
Những thương hiệu xa xỉ, như Gucci, Louis Vuitton, Dior… cũng trưng dụng phom dáng áo này. Vì chúng quá tiện lợi và dễ phối đồ.
Cả nam lẫn nữ đều có thể mặc áo khoác bomber. Diện chúng cùng jeans thì chúng bụi bặm. Nữ có thể mặc áo khoác bomber cùng chân váy mini ngổ ngáo; hoặc chân váy midi gợi nhớ phong cách yankee của giới trẻ Nhật Bản. Áo bomber và quần jogger thì lại thoải mái.
Cách phối đồ với áo khoác bomber
1. Áo bomber và quần legging
Trông bạn sẽ cực cool khi diện quần legging đen phối cùng crop top hay áo thun ôm và thêm chiếc bomber khoác ngoài. Trang phục này thích hợp dạo phố, đi tập thể dục trong thời tiết hơi lạnh.
Lưu ý: Chỉ mang thêm túi xách đơn giản và kính mát, tránh đeo vòng tay hay hoa tai vì nhìn rất “lạc quẻ”.
2. Combo quần jean + áo bomber
Những ngày trời thu hơi lạnh, diện chiếc quần jean cùng áo thun, đi giày thể thao, thêm chiếc áo bomber dạo phố còn gì tuyệt hơn. Kiểu phối này giúp bạn trông trẻ trung, năng động mà vẫn cực phong cách.
3. Phối với quần short
Short jean hay chất liệu khác như kaki, nhung tăm… đều thích hợp với kiểu phối này. Tuy nhiên, cần chọn màu sắc phối cho hòa hợp như đen, trắng, nâu, xanh bộ đội… Tránh chọn áo thun mặc trong màu quá nổi như đỏ, vàng hay quần short quá sặc sỡ vì không hợp.
4. Mix bomber với váy
Ngoài style bụi bặm, cool ngầu, bạn cũng có thể phối váy ngắn/dài cùng áo thun, bỏ thùng. Thêm áo khoác và túi xách là chuẩn. Đê trông thanh lịch và bước đi uyển chuyển, đẹp hơn, hãy diện bốt cao gót cổ ngắn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể phối áo bomber với quần jogger, đầm, chân váy dài, quần da…
Hy vọng các thông tin về lịch sử cũng như áo khoác bomber là gì của Harper’s Bazaar Vietnam sẽ hữu ích cho bạn.
Xem thêm: VÌ SAO ÁO HAWAII, CHIẾC ÁO RHYMASTIC MẶC LÊN RAP VIỆT, LẠI LÀ CHIẾC ÁO HYPEBEAST ĐƯỢC SĂN LÙNG?
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam