Hàng thế kỷ trước, giày cao gót là loại giày dành cho phái mạnh, và chúng không được làm để đi mà chỉ để cưỡi ngựa. Người ta chế ra kiểu giày này để hỗ trợ các kỵ binh. Gót giày nhọn giúp người cỡi dễ dàng trụ vững trên bàn đạp, từ đó lấy thế bắn cung chính xác hơn. Đây là kiểu giày rất phổ biến ở vương quốc Ba Tư (nay là Iran).
DẤU HIỆU CHỨNG TỎ ĐỊA VỊ
Năm 1599, đức vua Ba Tư cử người sang Nga, Đức và Tây Ban Nha để mở rộng bang giao, vô tình phổ biến văn hóa nước này. Một làn sóng hứng thú về các vật liên quan đến Ba Tư lan rộng khắp các nước Tây Âu. Những đôi giày mang phong cách Ba Tư nhanh chóng được các quý tộc nơi đây tiếp nhận. Họ mang giày cao gót như một cách để chứng tỏ sự mạnh mẽ và địa vị xã hội. Khi các tầng lớp thấp hơn bắt chước mang kiểu giày này, các nhà quý tộc bèn tăng chiều cao của giày để tách biệt hẳn với dân thường. Những đôi giày có gót cao đến phi thực tiễn được họ mang để chứng minh một điều: những người giàu có không cần phải đi bộ xa, không cần phải làm việc như dân nghèo nên có thể thoải mái mang những món phụ kiện xa xỉ, dù cho nó có khó chịu đi chăng nữa.
Đại diện cho kiểu cách xa hoa của thời kỳ này chính là hoàng đế Louis XIV nước Pháp. Ông chỉ cao có 1,63m nên lại càng cực kỳ ưa chuộng những đôi giày cao gót. Giày của đức vua có gót cao đến 10cm, được trang trí công phu với họa hình khung cảnh các trận chiến. Gót giày luôn luôn màu đỏ, sử dụng kỹ thuật nhuộm đắt tiền. Trong những năm 1670, hoàng đế Louis XIV đã ban hành một sắc lệnh rằng chỉ có các quần thần trong triều mới được phép mang giày cao gót màu đỏ. Trên thực tế, chỉ những người được lòng nhà vua mới dám mang gam màu này trên chân.
Bạn có thấy những đôi giày gót đỏ nghe rất quen thuộc? Christian Louboutin – ông hoàng giày đế đỏ đã khơi màu lại trào lưu giày cao gót đế đỏ trong thời trang ngày nay. Lớp sơn màu đỏ trên gót giày Christian Louboutin vô tình cũng là một dấu hiệu thể hiện sự xa hoa và địa vị xã hội. Bởi lẽ, với giá thành không hề bình dân, những người mua giày đều muốn chứng tỏ bản thân đang ở một đẳng cấp nhất định.
ĐỊNH KIẾN GIỚI TÍNH
Đến thập niên 1630, phụ nữ cắt tóc ngắn, vay mượn các chi tiết trên trang phục nam như cầu vai tua rua để thêm vào trang phục của mình. Họ hút tẩu thuốc, đội mũ nam giới. Và không có lý do gì ngăn họ không “mượn” luôn kiểu giày cao gót của các quý ông. Nữ giới làm tất cả để trông thật mạnh mẽ, để chứng tỏ những gì nam giới mặc được thì họ cũng mặc được, và còn mặc đẹp hơn. Kể từ đó, các tầng lớp cao cấp trong xã hội châu Âu chạy theo xu hướng mang giày unisex. Cho đến cuối thế kỷ XVII, để phân biệt giữa giày nam và giày nữ, đàn ông chọn kiểu giày có gót to, dày và thấp hơn, trong khi phụ nữ mang giày gót nhọn và thanh mảnh hơn như ngày nay.
Sang giai đoạn Enlightenment (Thời đại Khai sáng) vào đầu thế kỷ XVIII, người ta bắt đầu chú trọng đến giáo dục, học vấn hơn là chạy theo những thứ xa hoa phù phiếm. Phụ nữ bị cho là yếu đuối, ủy mị và giày cao gót bị gán chung với định kiến đó. Đến năm 1740 đàn ông ngừng hẳn việc mang kiểu giày này vì cho rằng chúng trông “đàn bà” và ngớ ngẩn. Sau cuộc cách mạng Pháp, giày cao gót cũng biến mất trên đôi chân phái đẹp.
BIỂU TƯỢNG GỢI CẢM
Tuy nhiên, thời trang là một vòng quay, không có cái gì mất đi vĩnh viễn. Giày cao gót quay trở lại vào giữa thế kỷ XIX và do công của các nhiếp ảnh gia ảnh khỏa thân (pornographer). Họ cho những người mẫu mang giày cao gót để tôn lên đường cong nữ tính. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng chính những tấm ảnh khỏa thân này đã vô hình trung gán ghép tính khêu gợi cho những đôi giày cao gót. Từ đó, phụ nữ muốn mang giày cao gót để trông quyến rũ hơn trong mắt các quý ông.
Theo các nhà nghiên cứu sinh vật học, những đôi giày cao gót thật sự có thể thu hút giới tính. Bằng chứng là một nghiên cứu tại Đại học Portsmouth năm 2012 cho thấy, giày cao gót là nhân tố có thể gây kích thích cảm giác giới tính, tương tự như vòng một hay đường cong của phụ nữ. Nghiên cứu này cũng so sánh cơ thể người phụ nữ khi chạy trên máy tập chạy bằng giày đế bệt với khi chạy bằng giày cao gót. Kết quả mà họ rút ra là giày cao gót làm được 3 điều cho phụ nữ: rút ngắn bước đi, khuyếch trương đường cong của khung xương chậu, khiến ngực và mông ưỡn ra. Do đó các nhà nghiên cứu của Đại học Portsmouth kết luận rằng mang giày cao gót là một chiến lược của phái nữ để thu hút bạn tình thời hiện đại.
Như vậy, đàn ông nào từng thắc mắc vì sao phụ nữ lại tự “đày ải” bản thân trên những đôi giày cao gót, giờ đây họ đã có câu trả lời. Và với dòng xoay lặp lại của thời trang, biết đâu một ngày nào đó các quý ông sẽ đấu tranh giành lại kiểu giày từng thuộc về họ?
Theo: BBC – Ảnh: Tư liệu