Thế giới tâm linh vốn dĩ đã là một đề tài nhạy cảm; ngay từ khi Chanel cố gắng khai thác năm 1994. Sau khi đưa dòng chữ trong kinh Quran lên bộ ba chiếc đầm; nhà thiết kế Karl Lagerfeld từng đặt mình vào vòng nguy hiểm với nhiều lời đe doạ đến tính mạng. Claudia Schiffer, người mẫu trình diễn bộ phục trang cũng lãnh phải số phận tương tự đến mức phải thuê riêng vệ sĩ bảo vệ trong quãng thời gian đó.
Nhưng sự cố ấy, dẫu nghiêm trọng, cũng không ngăn các nhà thiết kế đưa ý tưởng tôn giáo vào trong những sản phẩm sáng tạo. Nhiều năm qua, các sàn diễn thời trang đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần sự lên ngôi của các bộ phục trang mang đậm chất tâm linh; với những biểu tượng lấy từ chính nhà thờ hay mang dáng dấp đồng phục của các nữ tu sĩ. Thời trang và tôn giáo, nay đã trở thành một hiện tượng gắn kết kỳ lạ trong lịch sử.
Đọc thêm: Có hay không thuyết âm mưu trong thời trang cao cấp?
Jean Paul Gaultier AW93
Trước khi những cụm từ như “chiếm đoạt văn hoá” và “sự xung đột giữa các nền văn minh” được nhiều người chú ý, các nhà thiết kế đã có nhiều tự do hơn để lấy cảm hứng từ những điều mà bây giờ bị xem là tranh cãi. Một trong số những cái tên nổi bật nhất trong số này là Jean Paul Gaultier; với việc thường xuyên đưa yếu tố thời trang và tôn giáo đan cài cùng với nhau.
SS07 Couture đích thực là một khúc ca tôn vinh Công giáo. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không kể đến AW93 “Chic Rabbis”. Lấy cảm hứng từ một nhóm tu sĩ rời Thư viện Công cộng New York; những người mẫu mặc trang phục gợi nhắc đến nhóm người Do Thái Hasidic – với áo khoác dài, mũ lớn và lọn tóc thả xuống hai bên đầu.
Vào cuối năm đó, trong bộ phim tài liệu Unzipped; siêu mẫu Christy Turlington tiết lộ có nhiều tiếng la ó ở ngay trong đêm diễn. Cô nhớ rằng mình đã nghe thấy rõ, “ôi Chúa ơi, Gaultier đã đi quá xa”. Nhưng ký ức trên bị nhà báo Ingrid Sischy nhanh chóng phủ nhận.
Hussein Chalayan SS98
Gây sốc và tạo tranh cãi nhất; phải kể đến bộ sưu tập SS 98 của nhà thiết kế Hussein Chalayan đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Bộc lộ niềm đam mê với với sự phân chia văn hoá giữa phương Đông và Tây; “Between” đã kết thúc với sáu người mẫu không mặc gì hơn ngoài chiếc niqab có độ dài khác nhau. Trong đó chiếc ngắn nhất chính là “không gì cả”; đã phô diễn toàn bộ cơ thể khoả thân của người mẫu.
Tờ New York Times gọi màn tình diễn này là “một cuộc đụng chạm đầy khiêu khích đến vị trí xã hội của phụ nữ Hồi giáo”. Và mặc dù một số người coi đó là một thứ ô uế kỳ lạ của một bộ phục trang tôn giáo; Chalayan nhấn mạnh rằng nó không cố ý gây xúc phạm. Ông nói với Guardian năm 2000: “Đó là về việc xác định lãnh thổ văn hoá. Cách một nhóm người định nghĩa lãnh thổ của họ bằng chính phục trang của họ”.
Alexander McQueen SS00 – Ranh giới mong manh giữa thời trang và tôn giáo
Trong suốt cả quãng đời thiết kế; Alexander McQueen chưa từng tạo ra một phút giây nhàm chán nào trong các show trình diễn. Nhưng kịch tính và hấp dẫn bậc nhất, có lẽ phải kể đến “Eye” – show diễn đầu tay được thực hiện trong một kho hàng bị bỏ rơi ở thành phố New York.
Lấy cảm hứng một phần từ xung đột tôn giáo giữa Thiên chúa giáo và Hồi giáo, các người mẫu đi vào hồ nước nông, đại diện cho dầu từ các nước Trung Đông. Với ấn tượng được tạo nên từ các motif vầng trăng khuyết cùng nghệ thuật cắt may mang đậm chất McQueen, những chiếc burk được đính đá, kết cườm và phần đai da bao kín mặt người mẫu nhưng để lộ ra toàn bộ phần còn lại cơ thể, loạt phục trang đã gây nên làn sóng tranh cãi gay gắt, nguy hiểm chưa từng thấy giữa đề tài thời trang và tôn giáo.
Christian Dior AW00 Haute Couture
Từng nhận được nền giáo dục Công giáo La Mã, tôn giáo mặc nhiên trở thành một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của Galliano trong thời gian ông ở Christian Dior. Sau bộ sưu tập “Hobo” gây tranh cãi trong AW00; ông đã nảy ra ý tưởng về một bộ phục trang khác, táo bạo và dữ dội hơn nữa.
Và trong khuôn khổ AW00 Couture; show diễn mang tên “Freud or Fetish” đã được thể hiện dưới dạng nhóm nhân vật nằm sâu trong tiềm thức. Một cô người hầu Pháp; một nữ tu sĩ; cô dâu và chú rể – người sau đó tay bị cột chặt bởi một chuỗi ngọc trai; và cả vị linh mục nguy hiểm đã mở màn show diễn; tay vung vẩy bình hương như động tác làm lễ.
Givenchy AW10 Menswear
Lớn lên trong một gia đình Công giáo mộ đạo ở Ý; Riccardo Tisci thường tham khảo hình tượng tôn giáo trong thời gian tận tuỵ ở Givenchy. Trong chương trình SS13; ông trình bày BST từ nhóm các nàng mẫu mô phỏng theo hình tượng người nữ tu quyến rũ.
Bên cạnh đó, cũng không thể không đề cập đến chiếc áo phông in hình Madonna như một trong những món đồ biểu tượng – và thành công nhất về mặt thương mại – mà ông từng tạo ra trong danh nghĩa nhà mốt.
Nhưng đặc sắc nhất, có lẽ phải kể đến show diễn thời trang nam AW10. Trên nền bài ca Chúa Jesus; các người mẫu nối tiếp nhau diễu hành trong vòng dây bụi gai vàng và bạc. Nếu hình ảnh đó vẫn còn quá nhẹ nhàng; chiếc áo phông với dòng chữ “Jesus is Lord” trên bức tranh con trai đức Chúa trời đã giúp hoàn thành phần còn lại, để giúp truyền đi thông điệp trên đến toàn bộ thế giới.
Harper’s Bazaar Việt Nam