Từ lâu, giữa thời trang và điện ảnh đã có điểm giao nhau thú vị. Từ chiếc đầm hở lưng của Audrey Hepburn trong Breakfast at Tiffany’s; cho đến phần tà váy tung bay của Marilyn Monroe trong The Seven Year Itch; có thể nói, thời trang khiến điện ảnh thăng hoa, và điện ảnh, đã phần nào đưa thời trang đến gần hơn với công chúng mộ điệu. The Beguiled cũng là một tác phẩm như thế.
Tập hợp những ngôi sao sáng giá nhất màn ảnh bạc, The Beguiled chính là khúc oán ca của khát khao nữ giới, trong kìm kẹp đớn đau của lễ giáo và định kiến xã hội. Bộ phim khắc hoạ hình ảnh của ngôi trường nội trú Công giáo ở miền Nam nước Mỹ, bị kẹt lại giữa hai bờ chiến tuyến trong bối cảnh nội chiến. Ở đó, người cô hiệu trưởng Martha (Nicole Kidman) đã hoá thành sắt đá vì gồng gánh lên vai biết bao nhiêu gánh nặng; cô giáo Edwina (Kristen Dunst) sống trong lặng câm với ước vọng trốn thoát; và 5 em trò nhỏ (trong đó có Elle Fanning) sống vô ưu, vô nghĩ dù mất đi chốn về.
Mang tông màu nhàn nhạt cùng nhịp phim chậm rãi và u buồn, những trang phục trong phim cũng vì thế mà không hề tươi sáng. Toàn bộ lớp phục trang, cho dù là dạ tiệc; cũng được bao trùm trong sắc pale nhã nhặn, với hoạ tiết in hoa tinh tế. Giữa kiến trúc đậm chất cổ điển; không thể phủ nhận những lớp màu vải đó mang đến cảm nhận nhẹ nhàng và vô cùng lãng mạn.
Điểm khác biệt so với nguyên tác, và cũng là bối cảnh thực trong nội chiến Nam – Bắc Mỹ, là những trang phục phụ nữ của The Beguiled không mang màu đen tối để thể hiện niềm tiếc thương vô hạn với mất mát nơi chiến trận. Không. Đến với The Beguiled, Stacey Battat tạo nên một thế giới tràn ngập niềm tin và khát khao trong trẻo; lấy ý tưởng từ chính những phục trang cổ điển từ bảo tàng nghệ thuật.
“Mục tiêu của tôi là khiến mọi trang phục đều trông như chúng thuộc về nhau vậy. Tôi đã phối nhiều hoạ tiết lại với nhau theo cách hài hoà nhất có thể, để chúng không trở nên lạc lõng”, cô nói. Và mục tiêu của cô đã đạt được, khi mọi phục trang đều trở nên bắt mắt; dù có xuất hiện trong căn phòng âm u dưới ánh nến vàng vọt; hay dưới nắng trời rực rỡ ở khu vườn xanh mướt.
Hồi tưởng lại quá trình thực hiện trang phục, Stacey Battat thừa nhận cô gặp không ít khó khăn. Cô và Sofia Coppola đã mất rất nhiều thời gian tìm hiểu xem thời điểm đó người phụ nữ mặc gì. “Sự chính xác về mặt lịch sử là một yếu tố vô cùng quan trọng.” Nếu như trước cuộc chiến, mọi người có xu hướng chuộng những màu sáng nhạt thì trong giai đoạn nội chiến, với tình hình nước sinh hoạt khan hiếm, không thể may quần áo mới thường xuyên, họ chỉ khoác lên người những bộ váy pastel sờn bạc.
Vì không dùng đồ vintage trong quá trình làm phim, Battat cùng các cộng sự đã mất rất nhiều công sức biến những trang phục mới thành nhưng bộ váy cũ nhuốm màu thời gian. Quá trình xử lý này chủ yếu đến từ việc giặt là với hoá chất và bột đá mịn; được hoàn tất trong 3 tuần trước khi tiến hành may mặc. Và không chỉ có váy áo, phụ kiện đi kèm cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
“Có lẽ những biến đổi về màu sắc trang phục không rõ rệt bởi vì các nhân vật không có nhiều quần áo để thay đổi, nhưng chúng tôi đã khắc họa sự thay đổi đó thông qua việc lựa chọn nữ trang như chiếc trâm cài tóc và những đôi hoa tai. Họ quan tâm rất nhiều đến chúng ở phần đầu bộ phim và rồi chẳng lại mảy may đoái hoài. Ấy là khi họ không còn thấy mình dành tình cảm cho người đàn ông lạ mặt.” – Battat cho biết.
Và chuyển biến tâm lý ấy cũng được thể hiện rất rõ ở việc lột tả tính cách qua trang phục trong phim. Cô hiệu trưởng Martha, với tính khí nghiêm nghị và không hề nhân nhượng; luôn gắn với những phục trang kín đáo. Từ chiếc áo cổ cao đến bức bối; cho đến mẫu đầm ngủ tay dài được may liền tinh xảo; cô Martha luôn tạo nên ấn tượng về mẫu người phụ nữ sắt đá, coi danh dự và trách nhiệm quan trọng hơn tất thảy. Lần duy nhất cô mặc áo hở vai chính là trong bữa ăn tối cùng hạ sĩ McBurney. Đó cũng là đêm cô vô tình thể hiện nỗi khao khát yêu đương, với nụ hôn chực chờ lên môi người đối diện.
Nếu như cô Martha cứng rắn và quyết đoán bao nhiêu; cô Edwina lại mềm yếu và dễ bị lung lạc bấy nhiêu. Gắn liền với cô luôn là những món đồ hoạ tiết mang màu sắc và hoa văn nhạt nhoà. Điểm nổi bật duy nhất mà người xem nhớ đến chính là chiếc trâm cài cô dùng để tô điểm; trong lần đầu lên chăm sóc người thương. Và sau đó, những cố gắng thu hút đàn ông càng trở nên tuyệt vọng. Khi thì là chiếc đầm dài hở vai trong đêm tiệc tối; lúc lại là mẫu đầm ngủ không tay cô mong chờ ve vuốt. Nhưng mọi thứ chỉ nằm ngoài mộng tưởng, khi người được chọn lại không phải là cô.
Đó chính là Alicia (Elle Fanning thủ vai) – cô gái xinh đẹp, già dặn và có phần lẳng lơ. Khác với bộ phục trang nhàn nhạt của những học sinh khác, Alicia xuất hiện với vẻ ngoài tươi trẻ; khi khoác lên bộ đầm xanh, hồng với đăng ten, nơ bướm. “Đó là những thứ phụ nữ thường mặc trong thời nội chiến, và tôi nghĩ chúng rất đáng yêu”. Stacey Battat chia sẻ.
The Beguiled: Nỗi dằn vặt thể xác của khát khao phụ nữ
Nếu như những trang phục thường ngày đã đẹp và lãng mạn đến tột cùng; thì trang phục ban đêm trong phim cũng được làm tỉ mỉ đến từng chi tiết. “Ê kíp của tôi may bằng tay từng chi tiết đăng ten nhỏ trên chiếc đầm ngủ của cô Martha. Bộ đầm phức tạp đến mức chúng trông như một chiếc đầm ngủ haute couture vậy”, Batta hồi tưởng.
“Chúng tôi đã nói đùa rất nhiều về những bộ đầm ngủ trong The Beguiled. Chúng có lẽ là những bộ trang phục ngủ đắt đỏ nhất từ trước đến nay; với giá khoảng 4.000 USD cho mỗi chiếc.” Stacey Battat nói thêm về những bộ phục trang mang màu chết chóc đậm vẻ gothic.
Quy tụ loạt ngôi sao hàng đầu, với sự đầu tư công phu vào phục trang và bối cảnh hậu kỳ; cộng với bàn tay phụ nữ của đạo diễn Lost in Translation và The Virgin Suicides; có thể nói The Beguiled mang quá nhiều yếu tố để trở thành kiệt tác. Đó chính là tiếng nói ám ảnh về sự thức tỉnh trong đam mê nữ giới; ở thời điểm mọi ham muốn bản năng đều bị kiềm chế đến tuyệt vọng. Và The Beguiled đã thành công, như một tác phẩm noir sâu sắc mang đậm hình thái nữ.
Harper’s Bazaar Việt Nam