Review The Trunk: Hội chứng nhân vật chính và NPC vùng dậy khiến trò chơi mất kiểm soát

Điểm hấp dẫn thực sự của bộ phim The Trunk nằm ở cách phim khắc họa tinh tế tâm lý của những con người méo mó, tổn thương, và người đóng vai trò cứu rỗi.

Ảnh: Netflix

Một trong những yếu tố nổi bật của The Trunk là cách series phim này khai thác hội chứng nhân vật chính (Main Character Syndrome), kết hợp khéo léo với ý tưởng các nhân vật phụ (NPC – Non-Player Character) trong thế giới thực tại. Yếu tố tâm lý này giúp The Trunk khác biệt so với các câu chuyện Kdrama thông thường.

Hội chứng nhân vật chính là gì?

Ảnh: Netflix

Hội chứng nhân vật chính là khái niệm thường được dùng để chỉ những người có xu hướng coi mình là trung tâm của mọi việc. Họ tin rằng mọi sự kiện, con người và tình huống trong cuộc sống xảy ra vì họ, dù ít hay nhiều, giống như cách một nhân vật chính được ưu ái trong các câu chuyện tiểu thuyết.

Ở thể loại tiểu thuyết xuyên sách / xuyên không, nơi các nhân vật rơi vào một thế giới hư cấu, hội chứng nhân vật chính này còn trở nên cực đoan hơn. Những người mắc hội chứng nhân vật chính không chỉ xem bản thân là trung tâm mà còn coi tất cả những người xung quanh như NPC: những nhân vật phụ không có cá tính riêng, chỉ tồn tại để làm nền cho hành trình của họ.

Lee Seo-yeon: Nhân vật chính thích kiểm soát kẻ khác

Ảnh: Netflix

Lee Seo Yeon (Jung Yun Ha) trong The Trunk là ví dụ điển hình cho người bị hội chứng nhân vật chính. Cô luôn coi mình là người nắm quyền điều khiển cuộc chơi, còn Han Jeong Won (Gong Yoo) và Noh In Ji (Seo Hyun Jin) chỉ là những NPC trong thế giới mà cô tạo ra. Cách Seo Yeon thao túng mọi người xung quanh không khác gì một nhân vật chính điều khiển cốt truyện trong tiểu thuyết:

Kiểm soát hành vi của người khác: Seo Yeon không ngừng thử thách, kiểm tra, và đặt Jeong Won vào các tình huống khó khăn để củng cố niềm tin rằng anh chỉ thuộc về bản thân mình. Nhằm thỏa mãn sự ái kỷ của mình, cô đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối từ anh.

Việc cô sử dụng dịch vụ NM (New Marriage), một loại hình hôn nhân hợp đồng tạm thời, để ghép đôi Jeong Won với In Ji cũng là một trò chơi mà cô nghĩ mình có thể kiểm soát được hoàn toàn.

Ảnh: Netflix

Coi người khác là công cụ: Seo Yeon xem In Ji là một công cụ để thử thách lòng trung thành của Jeong Won, không phải một cá nhân có cảm xúc và ý chí riêng. Trong mắt cô, Jeong Won và In Ji chỉ là những NPC, những nhân vật không có vai trò gì ngoài việc phục vụ mục đích của cô, dễ dàng để cô thao túng và răm rắp nghe theo.

Khi NPC “thức tỉnh” và tự kể câu chuyện của mình

Ảnh: Netflix

Điểm thú vị của The Trunk là cách bộ phim xoay chuyển tình thế. Khi các NPC, Jeong Won và In Ji bất ngờ “thức tỉnh” và bắt đầu tự kể câu chuyện của mình, cuộc chơi đảo chiều.

Jeong Won từ một nhân vật bị thao túng dần nhận ra giá trị của bản thân. Anh bắt đầu phản kháng lại sự kiểm soát của Seo Yeon và tự mình đưa ra các quyết định, ngay cả khi điều đó đẩy anh vào xung đột.

Trong khi đó, In Ji là một người từng chịu tổn thương sâu sắc, ban đầu tham gia NM chỉ để giải quyết vấn đề tài chính và tránh né những cảm xúc thật sự. Tuy nhiên, khi gặp Jeong Won, cô không chỉ tìm lại được cảm xúc mà còn vượt qua nỗi sợ hãi để sống đúng với con người mình.

Ảnh: Netflix

Việc Seo Yeon mất quyền kiểm soát trước Jeong Won và In Ji không khác gì một “lỗi hệ thống” (bug) trong trò chơi mà cô là nhân vật chính. Thay vì tuân theo những kịch bản mà cô định sẵn, các NPC bắt đầu phát triển ý thức riêng và thách thức quyền lực của cô.

Seo Yeon cố gắng sửa chữa “lỗi” này bằng cách đưa ra các biện pháp mạnh tay, như gắn camera giám sát, sử dụng thuốc để kiểm soát tâm lý, và thậm chí can thiệp trực tiếp vào cuộc sống của họ. Tuy nhiên, những hành động này chỉ càng khiến cô lún sâu hơn vào cảm giác thất bại.

Có thể thấy, Seo Yeon chỉ đơn giản là một người có bản tính thích làm khổ, kiểm soát và thử thách đối phương. Bề ngoài, cô giống một femme fatale khiến đàn ông phát điên, nhưng thực chất, cô là một người đáng thương, luôn bất an nếu không được nhận tình yêu từng giây từng phút. Cô như hiện thân của câu hát: “Khi yêu em, anh biết rằng thay vì nói yêu, em sẽ tỏ ra lạnh lùng.” Đối với Seo-yeon, tình yêu chỉ là một biểu hiện của sự ái kỷ.

Review The Trunk: Câu hỏi đặt ra về cách nhìn cuộc sống của mỗi người

Ảnh: Netflix

Câu chuyện của The Trunk không chỉ dừng lại ở việc phơi bày bản chất của hội chứng nhân vật chính mà còn đặt ra câu hỏi lớn hơn về quyền kiểm soát và mối quan hệ giữa con người.

Người điều khiển hay nạn nhân? Seo Yeon tưởng rằng cô là người điều khiển trò chơi, nhưng thực chất cô cũng là nạn nhân của chính sự bất an và nhu cầu xác nhận bản thân.

NPC có thật sự vô tri? Bộ phim khẳng định rằng ngay cả những “nhân vật phụ” trong cuộc sống cũng có câu chuyện riêng, cảm xúc riêng, và sự tự do để vượt khỏi khuôn mẫu. Nói tóm lại, phim chỉ ra rằng chúng ta không nên quá xem thường những người khác và cho rằng họ chỉ là phụ trợ trong câu chuyện của đời mình.

Ảnh: Netflix

Trong The Trunk, hội chứng nhân vật chính và hình tượng NPC không chỉ là những khái niệm phụ trợ mà trở thành cốt lõi của câu chuyện. Khi Jeong Won và In Ji tìm lại được chính mình, họ không chỉ phá vỡ thế giới mà Seo Yeon tạo ra mà còn chứng minh rằng không ai có thể là trung tâm mãi mãi.

Jeong Won giống như một “công chúa ngủ trong rừng,” được đánh thức khỏi “nhà tù” Seo Yeon bởi nụ hôn của In Ji. Đồng thời, anh cũng là người vô tình trở thành trọng tài, đưa ra quyết định rằng tình yêu của ai mới thực sự đúng đắn, giữa hai người phụ nữ. Bộ phim The Trunk là một lời nhắc nhở đầy sâu sắc rằng, trong cuộc sống, mọi người đều có câu chuyện và giá trị riêng. Thay vì cố gắng điều khiển người khác, đôi khi việc chấp nhận và thấu hiểu mới là cách để kết nối thực sự.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm