Nếu từng mua hàng của các thương hiệu fast fashion như H&M, Forever 21…, bạn có bao giờ tự hỏi làm sao những hãng này có thể đưa ra mức giá rẻ như vậy? Bộ phim The True Cost mang đến câu trả lời chính xác và đau lòng nhất về những gì chúng ta chưa bao giờ hình dung được phía sau tấm áo.
Để giữ cho giá thành sản xuất càng thấp càng tốt, từ đó đạt được lợi nhuận tối da, nhiều thương hiệu thời trang đại chúng đã buộc các xí nghiệp may ở những quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ cạnh tranh lẫn nhau về giá thành để giành quyền sản xuất cho họ. Chủ của những nhà máy này, vì giành được hợp đồng đã một mặt hứa hẹn với đối tác đưa ra mức giá rẻ nhất, mặt khác chèn ép tiền công của công nhân mà trong đó 85% là phụ nữ. Một công nhân nữ được phỏng vấn trong phim cho biết, khi cô cùng một số công nhân khác nỗ lực thành lập một liên minh nhằm đấu tranh đòi mức lương cao hơn, họ đã bị nhốt và bị đánh đập trong phòng kín.
Điều đáng buồn hơn là lời phát biểu của một vị đại diện nhãn hàng fast fashion hiếm hoi xuất hiện trong phim. Ông cố biện hộ rằng việc may quần áo “vốn chẳng có gì nguy hiểm cả”. Và sau đó người xem nhìn thấy hình ảnh sụp đổ của nhà xưởng Rana Plaza.
Đạo diễn Andrew: Không làm phim để phản đối thời trang
Để có được những thước phim chân thật và đánh động lòng người như thế, đạo diễn Andrew Morgan đã di chuyển khắp nơi, từ Ấn Độ đến Texas để tiếp xúc với các nông dân trồng bông, công nhân nhà máy, nhân viên của các công ty thời trang, những nhãn hàng thương mại, nhà kinh tế học và cả các nhà hoạt động vì môi trường. Từ đó người xem có cái nhìn sâu hơn về những ảnh hưởng của ngành công nghiệp dệt may đến môi trường sống và những người đang sống trong đó.
Một nông dân ở Texas đã trở thành người chủ trương trồng trọt theo phương pháp hữu cơ (organic) sau khi chồng cô qua đời do khối u ở não, một căn bệnh phổ biến của những nông dân trồng bông. Tại vùng Punjab ở Ấn Độ, việc sử dụng thuốc trừ sâu đã làm gia tăng tỷ lệ ung thư và số lượng trẻ em sinh ra bị dị tật trong các gia đình nông dân.
Đạo diễn Andrew Morgan cho biết, anh làm phim này không phải muốn mọi người tẩy chay thời trang. Anh chỉ muốn qua đó kêu gọi người tiêu dùng ý thức hơn đến hành vi mua sắm của mình, không nên góp phần làm gia tăng vòng quay của quy trình sản xuất hàng loạt mà các công ty fast fashion đang theo đuổi.
“Tôi không muốn mọi người xem phim xong và nghĩ xấu về thời trang”, đạo diễn giải thích, “Tôi chỉ muốn chúng ta hãy bước khỏi vòng xoáy đang tăng trưởng của hành vi tiêu dùng hám rẻ và hời hợt. Thay vào đó, hãy đầu tư vào những món mà chúng ta thật sự yêu thích, những món chúng ta sẽ mặc và giữ được lâu dài”.
Nhà thiết kế Stella McCartney: Thay đổi nên đến từ người tiêu dùng
Hơn hết, chính chúng ta, những người trực tiếp mua sản phẩm, đừng nên nghĩ bản thân là người ngoài cuộc và trông đợi các thương hiệu làm nên sự thay đổi. Một khi họ nhìn thấy biểu đồ doanh thu và lợi nhuận không ngừng tăng trưởng từ quý này sang quý khác, việc lựa chọn đạo đức kinh doanh không phải là chuyện dễ dàng.
Sự thay đổi phải đến từ người tiêu dùng trước, theo nhà thiết kế Stella McCartney chỉ ra trong phim. “Người tiêu dùng phải ý thức được họ là người có quyền ở đây. Nếu không thích thì bạn không cần mua”.
Stella McCartney nổi tiếng là nhà thiết kế chú trọng bảo vệ môi trường và thiên nhiên. Cô là người ăn chay trường và tích cực ủng hộ tổ chức PETA (Hội bảo vệ động vật). Bạn sẽ không bao giờ thấy da và lông thú trong các thiết kế của Stella.
Phim The True Cost được công chiếu từ ngày 29-5 tại một số thành phố lớn trên thế giới. Ở Châu Á, phim sẽ được chiếu tại Thượng Hải vào ngày 11-6.
Theo: Fashionista