“Xin giới thiệu, đây là anh Daniel Winn. Anh là một hiệp sỹ”.
Lời giới thiệu khiến tôi bất ngờ vô cùng. Những cái tên được phong tước hiệp sỹ mà tôi từng nghe qua là Elton John, Patrick Stewart, Paul McCartney. Họ đều là những nhân vật đại diện cho cả một thời đại. Và một trong số họ hiện đang đứng đối diện và mỉm cười với tôi. Đó là một người đàn ông trung niên có đôi mắt đầy mơ màng và suy tư. Mái tóc đen được cắt gọn gàng cùng trang phục toàn màu đen khiến anh có phần bí ẩn. Vị hiệp sỹ đứng trước tôi thật giản dị!
Hẳn ai có cơ hội gặp một vị hiệp sỹ, cũng sẽ hỏi cùng một câu hỏi như tôi đã từng: “Anh đã trở thành hiệp sỹ như thế nào?”
“Tôi tin mình là người Việt Nam đầu tiên được phong tước Hiệp sỹ. Đó là một câu chuyện dài. Nếu bạn muốn hiểu tường tận mọi thứ, tôi xin phép bắt đầu từ khi tôi rời Việt Nam vào năm 1975”. Suốt hai tiếng đồng hồ sau đó, tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước cuộc đời kỳ diệu của người đàn ông này.
Cuộc sống nơi xứ người
Daniel K. Winn sinh ra ở Đồng Nai. Năm anh lên 9, cả nhà di cư đến Mỹ. Cuộc sống của họ tại vùng đất mới rất vất vả. Anh phải phụ chăm sóc em trai khi bố mẹ đi học vào ban ngày và làm việc vào ban đêm. May mắn thay, Daniel học rất giỏi và đã thi đậu vào Trường y Đại học California. Từ khi là sinh viên, anh đã có nhiều bài nghiên cứu được xuất bản. Anh còn nhận dạy kèm để trang trải học phí.
“Trong những tháng ngày tuổi trẻ ấy, tôi luôn ấp ủ một đam mê với nghệ thuật” – anh thổ lộ. Việc vẽ và sáng tạo đến với anh tự nhiên như hơi thở: “Tôi chưa bao giờ lên kế hoạch rằng mình sẽ vẽ gì. Có một nguồn năng lượng từ vũ trụ kêu gọi tôi. Việc tôi làm là cho nó một hình dạng”. Tuy nhiên, đó là một nghề bấp bênh. Anh từng nhìn thấy vô số họa sỹ ngoài kia vật lộn để sống với đam mê. Thế là, Daniel đành cất ước mơ đó đi, nhưng anh vẫn không ngừng vẽ. Khi học đại học, anh làm thêm tại một phòng bán dụng cụ vẽ và khung tranh để lấy tiền mua cọ, màu và khung vải bố.
“Rất nhiều lần tôi tự hỏi mình có đang hạnh phúc không. Nếu một ngày tôi ra đi, tôi sẽ để lại gì trên thế giới này”. Thế là, anh đi ngược lại ước muốn của gia đình, mở một phòng bán khung tranh và một phòng triển lãm nhỏ. Sau đó là chuỗi ngày làm việc miệt mài không ngừng nghỉ. Chẳng mấy chốc, anh đã sở hữu thêm hai phòng tranh cao cấp tại Newport và Laguna. Vào năm 1997, anh thành lập công ty Masterpiece Publishing, chuyên tìm kiếm và quảng bá các nghệ sỹ. Với mắt thẩm mỹ tinh tế, anh đã giúp vô số họa sỹ thành danh.
Bỗng một ngày, anh nhớ ra bản thân đã bỏ quên điều gì đó. “Tôi đã dành hai muơi năm cuộc đời tôn vinh các tác phẩm của những họa sỹ khác mà bỏ quên cái tôi nghệ thuật của chính mình. Khi ấy, tôi nhận ra đến lúc tôi phải sống cho mình rồi”, anh bồi hồi. Năm 2016, Daniel Winn bắt đầu lại với tư cách một họa sỹ ở tuổi 50. Hai mươi năm làm môi giới nghệ thuật đã mang đến cho anh rất nhiều mối quan hệ. Anh am hiểu ngành công nghiệp này và biết mình phải tìm đến ai để nhận được sự giúp đỡ.
Rất nhanh, Daniel Winn một lần nữa lại nổi danh với cương vị một họa sỹ. “Anh có bao giờ nghĩ rằng nếu mình bắt đầu sớm hơn thì sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn không?”, tôi hỏi. Anh khẳng định: “Chưa một lần. Ngay cả khi tôi bắt đầu vẽ 20 năm trước hay 20 năm kể từ bây giờ, tôi vẫn cho là bản thân đã thành công. Tuỳ theo bạn định nghĩa thành công là gì. Với tôi, đó là khi tôi có thể vẽ nên những bức tranh chạm đến người xem và khiến họ xúc động”.
Từ khi còn bé, Daniel đã luôn suy ngẫm về cuộc đời. Vì sao có người thật bất hạnh, nhưng cũng có người lại may mắn? Vì sao có người giàu và người nghèo? Anh liên tục suy ngẫm về những điều đó khi nỗ lực học tập, lao động và đứng trên đôi chân của mình.
Đời, thật ra chỉ như một giấc mơ. Sự tồn tại của chúng ta chỉ như một khoảnh khắc của thực tại. Một trăm năm đời người thực chất chỉ tạm bợ như một hạt bụi của vũ trụ. Đâu là ý nghĩa của những buồn vui? Anh cố gắng đưa những triết lý đó vào tranh và tác phẩm của mình: “Hãy tưởng tượng mỗi tác phẩm là một trang sách. Khi một người nhìn thấy tác phẩm của tôi, hy vọng rằng họ sẽ hiểu thêm về ý nghĩa sự tồn tại của mình và sống thật trọn vẹn”. Những gì bạn đã làm trong cuộc đời mình quan trọng hơn gấp nhiều lần việc bạn đã có gì khi mất đi.
Hạnh phúc từ việc cho đi
Daniel thấu hiểu về ý nghĩa của cuộc đời mình từ mười ba năm trước, khi mẹ anh qua đời. Anh kể: “Bà vẫn hay về Việt Nam làm từ thiện. Năm đó, vì tưởng nhớ tới bà, tôi cũng làm điều tương tự”.
Anh vẫn nhớ mãi ngôi làng chỉ toàn người già và trẻ em ở miền núi ấy. Họ sống trong điều kiện thiếu thốn và khó khăn, nhưng họ vẫn thật hạnh phúc. Họ vui vì bất cứ điều nhỏ nhặt nào. Khi đó, anh tự dưng bật khóc: “Tôi biết rõ đó là những giọt nước mắt hạnh phúc”. Phải chăng, đó là thứ mà ta nhận lại từ việc cho đi?
Từ ngày đó, Daniel tìm đến các tổ chức từ thiện. Người này giới thiệu anh với người kia. Dần dà, anh đã đóng góp cho gần như toàn bộ các tổ chức từ thiện trên khắp đất Mỹ. Anh dí dỏm: “Tôi đã ngừng đếm từ lâu lắm rồi. Ai mà giới thiệu thì tôi cứ cho thôi. Đôi khi tôi cho tiền, khi thì tôi quyên góp tranh để bán đấu giá”. Có đôi khi anh thấy có lỗi vì… bản thân cảm thấy còn hạnh phúc hơn cả người nhận: “Tôi cảm ơn họ vì đã để tôi làm việc này”.
Vị hiệp sỹ của lòng nhân ái
Cuộc đời này luôn ẩn chứa những phép màu. Chỉ cần bạn cho đi thì sẽ nhận lại được món quà lớn hơn. Đó chính xác là điều đã xảy đến với Daniel. Trong một sự kiện đấu giá từ thiện mà anh tham gia, anh được giới thiệu với hoàng tử Mario-Max Schaumburg-Lippe. Vị hoàng thân này đã từng nhìn thấy anh trong rất nhiều sự kiện từ thiện. Ông mời anh ăn trưa.
“Đó là bữa trưa dài nhất trong cuộc đời tôi”, anh nhớ lại.
Suốt bữa ăn, Daniel bị xoay vòng bởi hàng chục câu hỏi về bản thân, sự nghiệp và cuộc đời. Anh trả lời trong khi thắc mắc khôn nguôi về mục đích của chúng.
Kết thúc bữa ăn, vị hoàng tử thông báo với anh rằng ông sẽ tiến cử anh lên cho cha mình là hoàng tử Waldemar Stephen Schaumburg-Lippe để xét duyệt sắc phong hiệp sỹ. “Thú thật, lúc đó tôi hoài nghi lắm. Tôi không nghĩ mình xứng đáng. Tôi đã làm được gì vĩ đại đâu cơ chứ?”, Daniel cười. Vài tháng sau, anh nhận được tin vị hoàng tử nước Đan Mạch Waldemar Stephen Schaumburg-Lippe cùng vợ sẽ bay qua Mỹ để gặp anh. Sau một buổi trò chuyện, họ thông báo rằng anh sẽ được phong tước hiệp sỹ.
Trong hơn bảy mươi năm qua, ông chỉ sắc phong cho năm người, trong đó có anh.
Anh nhớ bản thân đã từng tò mò: “Liệu tôi phải trả bao nhiêu tiền cho danh hiệu này?” Vị hoàng tử nghiêm nghị nhìn anh: “Đây là danh hiệu cao quý trao tặng cho những cá nhân có cống hiến lớn cho cộng đồng. Dù có trả mười triệu đô la Mỹ, anh cũng không mua được”.
Sau đó, mọi thứ như là một kết thúc có hậu trong cổ tích. Buổi lễ sắc phong được tổ chức vào ngày 21 tháng Mười hai, năm 2018 tại phòng tranh của anh trước sự chứng kiến của bạn bè và người thân.
Tôi tò mò: “Danh hiệu hiệp sỹ đã mang lại điều gì cho anh?” Câu trả lời của anh làm tôi nhớ mãi: “Nó như lời nhắc nhở rằng tôi phải có trách nhiệm với xã hội này. Danh hiệu này còn đóng vai trò là lời bảo chứng cho uy tín của tôi. Khi tôi kêu gọi đóng góp cho từ thiện, người ta sẽ tin tưởng hơn. Sau này, ước mơ của tôi là mở một phòng tranh từ thiện tại Việt Nam. Nghệ sỹ sẽ được hỗ trợ trưng bày tác phẩm miễn phí. Tiền bán tranh và vé sẽ quyên góp cho hội từ thiện”.
BÀI: KHÁNH AN. ẢNH: NVCC
Harper’s Bazaar Việt Nam