New York, thủ phủ của thời trang hoa lệ, xứ sở của những gì thời thượng nhất trong thời trang. Tại đây, một làn sóng phản đối việc sử dụng lông thú đang nổi dậy mãnh liệt. Một đề nghị mới đang được trình lên để ngăn chặn việc nhập khẩu, buôn bán những sản phẩm lông thú mới tại New York. Đề nghị không áp dụng cho các sản phẩm hiện hữu hay vintage cổ điển.
Một New York không có lông thú, ai có thể tưởng tượng được?
Lông thú, nền tảng kinh tế đầu tiên của New York
Nhắc đến lông thú trong thời trang, chúng ta lập tức nghĩ đến những ngôi sao trong áo khoác lộng lẫy. Những hình ảnh Marilyn Monroe hay cựu đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy quá quen thuộc.
Tuy nhiên, lông thú và New York còn có mối tương quan đặc biệt hơn. Khi được phát hiện bởi dân nhập cư châu Âu cuối 1500, đầu 1600, ghi chép cổ cho thấy đây là một khu vực nhiều rái cá (hải ly). Rái cá có bộ da dày, chống nước, rất tiện để làm áo khoác giữ ấm. Áo khoác lông hải ly mau chóng trở thành trang phục được ưa chuộng tại châu Âu, với nguồn cung đa phần đến từ New York (thời bấy giờ gọi là New Amsterdam).
Rái cá nói riêng và việc buôn bán lông thú nói chung đã góp phần quan trọng trong xây dựng nền tảng kinh tế cho New York. Ngày nay, hình ảnh rái cá vẫn xuất hiện trên dấu ấn chính thức của thành phố New York.
Lông thú đi vào thời trang
Trong thế kỷ 20, ngành công nghiệp thời trang lông thú đạt trạng thái đỉnh cao. Lúc ấy, New York sản xuất 80% lượng áo khoác lông thú ở Mỹ. Có cả một khu vực lớn tụ tập những nhà sản xuất lông thú ở đây, được gọi nôm na là quận Lông thú (Fur District).
Hiện tại, theo hiệp hội FUR NYC (hiệp hội liên kết các nhà sản xuất lông thú), New York ngày nay vẫn là địa điểm hot cho việc tiêu thụ thời trang lông thú. Thời trang lông thú vẫn thịnh hành ngày nay. Ngoài những chiếc áo lông sang trọng, hình thức ngày càng đa dạng như viền cổ áo, viền mũ, dùng làm điểm nhấn cho các phụ kiện thời trang…
Hai thái cực đối kháng tại New York
Tuy nhiên, New York cũng là thành phố đi đầu trong các trào lưu quyền lợi xã hội. Ví dụ, các chiến dịch bảo vệ môi trường, thiết lập quyền bình đẳng, v.v. đều được người dân ở đây ủng hộ. Chính vì vậy, những người dẫn đầu làn sóng cấm lông thú hy vọng đề nghị này sẽ được thông qua. Họ đặc biệt nhắc tới sự ủng hộ từ những thương hiệu lớn, như Stella McCartney, Burberry, Versace hay Gucci.
“Công nghệ bây giờ cho phép thay thế lông thú bằng nhiều chất liệu khác. Ngoài ra, sự phát triển của ngành thời trang nằm ở các chất liệu an toàn cho môi trường.” Một nhà đại diện phát biểu.
Ở phe đối lập, hiệp hội FUR NYC cho biết, việc ngăn cấm sản xuất, buôn bán lông thú có thể khiến hơn 1.000 người thất nghiệp. Các điểm kinh doanh lông thú hầu hết thuộc dạng vừa và nhỏ, là hộ kinh doanh gia đình, truyền nghề thuộc da, lông từ đời này sang đời khác.
Một chủ doanh nghiệp cảm thán, “Nhân viên của tôi hầu hết đều lớn rồi, 50 đến 55 tuổi cả. Nếu cả đời bạn chỉ biết làm nghề thuộc lông, bạn sẽ xoay sở thế nào?”
Một trào lưu ngày càng mạnh mẽ
New York không phải thành phố đầu tiên ở Mỹ đang quyết định ngăn chặn thời trang lông thú. Đã có hai thành phố khác ủng hộ chiến dịch này: San Francisco và Los Angeles.
Trên thế giới, Anh Quốc là quốc gia đầu tiên cấm sản xuất lông thú, từ hơn 20 năm trước. Năm ngoái, 2018, tuần lễ thời trang London trở thành sự kiện thời trang tầm cỡ quốc tế đầu tiên cấm sự xuất hiện của lông thú trên sàn catwalk.
Harper’s Bazaar Việt Nam