Lịch sử thời trang qua những tấm ảnh bìa của Harper’s Bazaar

Tạp chí Harper's Bazaar đã trải qua bề dày lịch sử hơn 150 năm. Nhân dịp bước sang năm mới, cùng nhìn lại những tấm ảnh bìa kinh điển đã giúp Bazaar ghi dấu ấn trong lòng độc giả và trở thành tạp chí thời trang hàng đầu thế giới

Có câu: “Không nên đánh giá một cuốn sách qua bìa của nó” nhưng với riêng Harper’s Bazaar, bạn nên. Bìa chính là nơi tạp chí thể hiện nội dung bên trong và ghi lại các dấu mốc của lịch sử thời trang

Trang bìa của Harper’s Bazaar có thể ví như một tấm gương phản chiếu chính xác diện mạo của làng thời trang qua các thời kỳ. Với bề dày gần 150 năm, bìa tạp chí cũng là cửa sổ để nhìn vào cuộc sống phụ nữ Mỹ, thể hiện qua hệ tư tưởng và phong cách ăn mặc của từng thế hệ. Đứng sau “tấm toan của thời đại” ấy là không ít các tài năng vĩ đại nhất của nền nghệ thuật, thời trang, báo chí và nhiếp ảnh.

Tấm ảnh bìa làm nên những thay đổi

Ban đầu, tạp chí phát hành mỗi tuần với tên gọi Harper’s Bazar (đặt theo tên tạp chí Der Bazar, Đức). Trang bìa của số đầu tiên xuất bản ngày 2–11–1867 là hình vẽ phác họa hai phụ nữ mặc áo cưới với phong cảnh lãng mạn làm phông nền. Phía trên là chân dung bốn phụ nữ quý phái với các kiểu mũ thời thượng nhất lúc bấy giờ. Các kiểu mũ này lấy cảm hứng từ nàng thơ thời bấy giờ, hoàng hậu Eugénie của Pháp. Lúc đó, thời trang Pháp được xem là chuẩn mực của thời trang thế giới. Và Bazaar chính là cầu nối đưa các xu hướng mới nhất từ trung tâm thời trang này đến với phụ nữ Mỹ nhanh chóng nhất.

Đến cuối thế kỷ XIX, phụ nữ dần thoát khỏi những khuôn khổ khắt khe của xã hội và còn giành được quyền bầu cử vào năm 1920. Chính Bazaar là một trong những nguồn động lực thúc đẩy quá trình ấy. Một trong những bằng chứng thuyết phục nhất là bìa số tháng 3–1896 với hình ảnh một thiếu nữ đi xe đạp trong chiếc váy ngắn đến bắp chân và áo khoác may đo. Thời ấy, nữ giới không được phép đi xe đạp và họ cũng không ăn mặc tiến bộ như vậy. Ngoài ra, Bazaar còn có trang bìa tháng 2–1904, cổ súy cho hình mẫu thời trang bớt gò bó với kiểu đầm nữ thần Hy Lạp phóng khoáng thay cho chiếc áo corset chật chội hay đầm tùng rộng nặng nề.

BZ_COVERHISTORY-1

Erté, người họa sỹ vĩ đại

Một trong những họa sỹ vẽ bìa tạp chí lỗi lạc nhất trong lịch sử là Erté. William Randolph Hearst, sau khi mua lại Bazaar vào năm 1912, đã ký với Erté một hợp đồng độc quyền mười năm với nhiều điều khoản vô cùng ưu ái.

Một điển hình cho tài năng của Erté là bìa Bazaar số tháng 7–1920. Có thể xem đó như chuyến du hành của trí tưởng tượng với hình ảnh phác họa đầy chất thơ của một cô gái với đàn bướm nhộn nhịp vây quanh như vầng hào quang. Gần 100 năm sau đó, nhà thiết kế Philip Treacy đã vận dụng ý tưởng này để tạo hình cho một chiếc mũ trong bộ sưu tập Xuân Hè 2008 của Alexander McQueen.

Trên những trang bìa khác của Erté, bạn có thể bắt gặp trào lưu nghệ thuật art-deco theo trường phái hình học thời bấy giờ: tôn vinh nét hào nhoáng và sự nguy nga, tráng lệ của những tòa nhà chọc trời ở Manhattan, New York. Cũng theo trường phái này, Erté đã vẽ tác phẩm bìa cuối cùng cho Bazaar (số tháng 11–1936). Ông ra đi vì tổng biên tập vừa nhậm chức năm 1933, Carmel Snow, muốn đem lại làn gió mới cho tạp chí.

Bộ ba siêu đẳng: Carmel Snow, Alexey Brodovitch và Diana Vreeland

Suốt 25 năm ở vị trí tổng biên tập Bazaar, Carmel Snow luôn theo đuổi phương ngôn: “Elegance is good taste, plus a dash of daring” (tạm dịch: Sự thanh lịch là một thị hiếu tinh tế được tô điểm bằng một chút táo bạo). Có lẽ bằng tư tưởng xuyên suốt đó, bà đã nhanh chóng đưa Bazaar trở thành tạp chí thời trang hàng đầu thế giới.

Đứng sau thành công này, không thể không nhắc tới những cộng sự thân thiết đã sát cánh bên bà. Đó là những nhân vật lừng lẫy do chính Carmel Snow phát hiện và chiêu mộ, có thể kể đến như giám đốc mỹ thuật Alexey Brodovitch và biên tập thời trang Diana Vreeland.

Tổng biên tập Carmel Snow (ngồi) cùng hai trợ lý và giám đốc mỹ thuật Alexey Brodovitch (quỳ) đang xem xét lại layout bài vở (ảnh chụp tháng 12–1952). Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng biên tập Carmel Snow (ngồi) cùng hai trợ lý và giám đốc mỹ thuật Alexey Brodovitch (quỳ) đang xem xét lại layout bài vở (ảnh chụp tháng 12–1952). Ảnh: GETTY IMAGES

Alexey Brodovitch

Brodovitch là người sáng tạo ra logo Didot với font chữ chính cho tựa tạp chí với những nét thanh và đậm đan xen. Ngày nay, logo Didot vẫn giữ nguyên so với ban đầu và là một trong những biểu tượng tạo nên sự sang trọng, tinh tế và khác biệt của Bazaar.

Dưới thời của Snow và Brodovitch, Bazaar đã có những trang bìa với hình minh họa thời trang theo trường phái siêu thực gây được ấn tượng mạnh với độc giả (vào những năm 1930, trường phái nghệ thuật này đã tạo một bước chuyển quan trọng trong ngành thời trang).

Tiêu biểu trong số đó là bìa Bazaar tháng 9–1939 với sự kết hợp giữa chủ nghĩa siêu thực và hội họa lập thể. Bìa là hình vẽ tám con mắt mở to trôi nổi giữa những sợi chỉ trắng cùng dòng tít “EYES ON THE PARIS OPENINGS” (tạm dịch: Hướng sự chú ý về Tuần lễ Thời trang Paris). Đây là một tác phẩm của họa sỹ A. M. Casandre cho Bazaar. Ngoài ra, một họa sỹ theo trường phái siêu thực vĩ đại khác cũng được Brodovitch đưa về tạp chí để vẽ minh họa thời trang là Salvador Dalí.

Diana Vreeland

Việc Diana Vreeland trở thành biên tập viên thời trang của Bazaar cũng khá tình cờ. Vào một buổi tối nọ, khi thấy Vreeland đang khiêu vũ tại khách sạn St. Regis trong chiếc đầm ren Chanel màu trắng và áo bolero, Carmel Snow ngay lập tức nhìn ra tố chất của cô và mời làm việc cho Bazaar.

Trước lời đề nghị đó, thoạt đầu Vreeland lúng túng vì chưa từng đi làm bao giờ. Song, khi Snow nhận định Vreeland rất hiểu biết về thời trang, cô đã thừa nhận: “Điều đó hoàn toàn đúng. Tôi luôn dành hàng giờ xem xét kỹ càng quần áo trước khi mặc lên người”. Dĩ nhiên, Vreeland không thể từ chối người tổng biên tập lỗi lạc.

Tại Bazaar, Vreeland tạo ra chuyên mục “Why Don’t You…?” nổi tiếng, chuyên cung cấp cho độc giả những lời khuyên táo bạo. Thậm chí, Vreeland từng viết: “Sao bạn không gội đầu cho con mình bằng rượu champagne lâu đời để tóc chúng luôn vàng óng như người Pháp thường làm?”.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Vreeland làm việc ăn ý với nữ nhiếp ảnh gia Louise Dahl-Wolfe để phản ánh cuộc sống của phụ nữ giai đoạn này. Trên những trang bìa từ năm 1942 đến 1945, người xem có thể nhận ra tinh thần dân tộc của tạp chí với hình ảnh chủ đạo là quốc kỳ và người mẫu mặc quân phục. Ấn tượng hơn cả là bìa tháng 3–1943. Với bối cảnh trước cửa phòng hiến máu thuộc Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, người mẫu Lauren Bacall mặc trang phục hải quân, tay cầm chiếc túi đỏ tươi. Đó không chỉ là tuyên ngôn hình ảnh cho mùa thời trang mới mà còn thể hiện sự cổ động của phụ nữ dành cho quân đội.

BZ_COVERHISTORY-3

Tiếp nối sứ mệnh

Carmel Snow về hưu năm 1957, cháu gái bà là Nancy White lên chức tổng biên tập. White quyết tâm tiếp nối thời kỳ hoàng kim của dì, đặc biệt là thành công của những trang bìa. Để thực hiện điều đó, bà mời Henry Wolf làm Giám đốc Mỹ thuật mới của Bazaar (từ 1958 đến 1961).

Khi mới đến, ông bảo với Diana Vreeland: “Điều duy nhất tôi có thể nói với cô là tôi chẳng biết gì về thời trang”. Tuy nhiên, chính điều này đã mang lại sự mới mẻ cho những trang bìa Bazaar. Một trong số đó là bìa tháng 12–1959 với một người mẫu đang trèo lên chiếc thang và lấy đi chữ A thứ hai trên logo BAZAAR.

Tài thiết kế hình ảnh có tính khái niệm hài hước sắc sảo ấy của Wolf đã kết hợp ăn ý cùng gu thời trang tuyệt vời của White. Nhờ đó, Bazaar khuấy động làng tạp chí bằng việc phá vỡ các quy tắc lỗi thời và những điều cấm kỵ tồn tại hàng thập kỷ. Tạp chí đã khuyến khích phụ nữ mặc bikini và mang bốt, thậm chí còn đăng tải hình ảnh khỏa thân hoàn toàn của người mẫu Christina Paolozzi.

Đánh dấu những bước ngoặt

Trong những năm 1960, bức ảnh bìa ấn tượng nhất là trên số tháng 4–1965. Ngay cả Glenda Bailey, tổng biên tập đương nhiệm cũng khẳng định đây là trang bìa bà thích nhất và không có cái thứ hai mang tính biểu tượng cao hơn. Trên bìa là cô người mẫu Jean Shrimpton cùng chiếc mũ phi hành gia cách điệu làm bằng giấy màu hồng với một con mắt sau mảnh thấu kính. Hình ảnh ấy thể hiện sự phấn khích của nhân loại trong thời đại vàng của cuộc chinh phục vũ trụ. Chính tại thời điểm ai cũng thả trí tưởng tượng theo các phi thuyền không gian này, Bazaar đã làm nên một bức ảnh mang tính thời sự sâu sắc.

BZ-COVERHISTORY-5

Thập niên tiếp theo là thời kỳ cực thịnh của môn nghệ thuật thứ bảy và sự lên ngôi của các diễn viên điện ảnh tài năng, xinh đẹp. Nắm bắt điều này, tổng biên tập mới của Bazaar, Anthony T. Mazzola rất chú trọng đưa những ngôi sao nổi tiếng lên bìa. Nhờ đó, doanh thu của tạp chí tăng lên chóng mặt. Từ những năm 1980, Madonna với hình tượng thay đổi như tắc kè hoa đã trở thành gương mặt ảnh bìa chủ chốt của Bazaar.

BZ-COVERHISTORY-8

Sang thập niên tiếp theo, một gương mặt khác hay xuất hiện trên bìa tạp chí này là công nương Diana. Đặc biệt, bức ảnh bìa tháng 12–1995 do nhiếp ảnh gia huyền thoại Patrick Demarchelier chụp với hai màu trắng đen được cho là bức ảnh nổi tiếng nhất của công nương.

Những thay đổi táo bạo vào thập niên 2000

Không ngủ quên trên chiến thắng huy hoàng của lịch sử, khi Glenda Bailey nhận chức tổng biên tập vào năm 2001, những thử nghiệm táo bạo của bà khiến độc giả đều thích thú. Glenda Bailey từng thay đổi cả logo Didot truyền thống trên bìa Bazaar tháng 9–2001. Tất cả các chữ cái trong từ BAZAAR đều in bằng kiểu font đậm và đều. Chữ Harper’s được đặt lồng trên nét dọc của chữ cái B chứ không phải giữa hai chữ A như trước.

Tuy nhiên, bìa báo chính thức đầu tiên theo ý tưởng của bà ở Bazaar mới trở thành một cải cách ấn tượng nhất ở thời điểm ấy. Đó là tác phẩm của nhiếp ảnh gia Patrick Demarchelier chụp toàn thân siêu mẫu Brazil Gisele Bündchen trong bộ đầm đỏ rực. Điểm độc đáo nằm ở bìa sau với ảnh chụp sau lưng của cô siêu mẫu này và lối chơi chữ thông minh “Fashion’s back” (sự trở lại của thời trang, “back” còn có nghĩa là tấm lưng).

Không dừng lại ở đó, Bailey còn đề ra một ý tưởng thiên tài trong lịch sử tạp chí thời trang mà Bazaar vẫn còn áp dụng đến ngày nay. Đó là cùng một số báo và cùng gương mặt trang bìa nhưng Bazaar có hai kiểu bìa khác nhau (ảnh bên). Phiên bản dành cho độc giả đặt báo dài hạn có bìa được đầu tư hơn và mang tính nghệ thuật hơn. Ngược lại, bìa cho phiên bản bán đại trà ở sạp báo lại đơn giản và mang tính thương mại hơn.

 Ý tưởng hai phiên bản bìa – DUAL COVER – là một trong những sáng kiến vĩ đại của tổng biên tập Glenda Bailey cho Bazaar

Ý tưởng hai phiên bản bìa – DUAL COVER – là một trong những sáng kiến vĩ đại của tổng biên tập Glenda Bailey cho Bazaar

Sự sáng tạo ấy được đền đáp bằng những giải thưởng danh giá dành cho nhiều ảnh bìa phiên bản cho bạn đọc đặt báo dài hạn. Trong số đó, bìa số tháng 2–2007 với hình Drew Barrymore kiêu hãnh trên tầng thượng của một tòa nhà tại Manhattan đã đem về cho Bazaar giải thưởng Bìa xuất sắc nhất của American Society of Magazine Editors (ASME).

Ngoài ra, bìa tháng 8–2009 với Kate Winslet bay bổng giữa lưng chừng trời, phía xa là tòa nhà Chrysler hùng vĩ cũng đem về cho tạp chí giải Thiết kế bìa đẹp nhất của Media Industry News (MIN) Editorial & Design Awards. Tinh thần tự do trên những ảnh bìa ấy còn được Sarah Jessica Parker thể hiện ở một góc khác khi chạy trên cầu Brooklyn (bìa tháng 3–2009). Có thể thấy, dưới sự dẫn dắt của Glenda Bailey, Bazaar vẫn luôn tôn vinh hệ tư tưởng phóng khoáng của thời đại, như cách tờ báo đã làm được từ năm 1867.

Bài: Khánh Linh
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm