Yangon như viên ngọc thô giấu trong hang nhiều năm, đang chờ được mài giũa và tỏa sáng
Ban đầu, tôi dự định sẽ khám phá đất nước Myanmar từ nhiều thành phố. Nhưng sau một ngày ở Yangon, kế hoạch đã thay đổi. Tôi đổi lại chuyến bay đi Mandalay và ở lại đây thêm vài ngày.
Thành phố ngủ trong rừng
Sự thật, tôi đã hơi thất vọng khi máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Yangon bởi tiện nghi ở đây như đã dừng lại từ mười năm trước. Trên đường trở về khách sạn Belmond Governor’s Residence, cảnh quan khiến tôi dấy lên một cảm giác lạ lẫm. Không khí thanh bình tràn ngập nơi đây. Các con đường lẩn khuất dưới những hàng cây lớn. Chim muông bay rợp trời, đậu thản nhiên trên mái chùa, tán cây, vỉa hè… Người dân đi trên đường chậm rãi, nhường nhịn nhau. Tôi tưởng mình đã đi đến một khu rừng lớn, nơi thiên nhiên và con người sống chan hòa. Tôi chia sẻ sự dễ chịu này với bạn đồng hành. Chị kể tôi nghe câu chuyện đóng cửa để bảo tồn giá trị văn hóa của Myanmar trong nhiều năm qua. Yangon mới chính thức mở cửa đón du khách chỉ khoảng 2 năm gần đây. Thành phố này như một viên ngọc thô giấu trong hang nhiều năm, đang chờ được mài giũa và tỏa sáng.
Buổi sáng đầu tiên, tôi đi thăm ngôi chùa nổi tiếng nhất Yangon. Xứ sở này được mệnh danh là đất nước chùa vàng với hơn 90% người dân là Phật tử. Các ngôi chùa ở Yangon vẫn bảo lưu được những giá trị uyên nguyên của Phật giáo, là nơi dân chúng đến dâng hương và cầu khấn hàng ngày. Nổi tiếng nhất trong nội thành Yangon là quần thể chùa khổng lồ Shwedagon. Ngôi chùa trung tâm cao tới 99m, được dát vàng lá, kim cương và đá quý trên những nét chạm khắc tinh vi. Du khách vãn cảnh chùa phải leo lên rất nhiều bậc thang, qua dãy cửa hàng bán đồ gỗ chạm khắc, mới lên được sân chùa chính. Khi đến nơi, chắc hẳn cũng như tôi, mọi người sẽ đều cảm thấy thư thái khi chạm chân vào miền đất Phật. Xung quanh rất đông người, nhưng không khí thanh tịnh, đượm mùi hương hoa. Đâu đó, những người hành hương quỳ trên nền đá hoa rì rầm cầu nguyện. Ánh nắng lấp lánh trên những mái chùa vàng hắt xuống khoảng sân rộng lớn, tạo nên cảnh sắc đẹp lạ thường. Càng đi vào sâu bên trong, tôi càng cảm nhận được giá trị của việc giữ gìn các di sản văn hóa một cách cực đoan của người Myanmar.
Chùa Shwedagon đã hơn một nghìn tuổi nhưng không mang nhiều dấu tích thời gian như các di tích khác tôi từng được chiêm ngưỡng. Qua nhiều cuộc binh biến hoàng gia, ngôi chùa vàng vẫn lấp lánh đứng sừng sững trên đỉnh đồi Singuttara, tỏa ra ánh sáng bao dung với tất cả người dân. Điều này lý giải phần nào sự hiền hòa của người dân Yangon. Khi họ sống có niềm tin và được tín ngưỡng che chở, dường như những bất ổn của cuộc sống hiện đại đã dừng bên ngoài cánh cửa.
Rời khỏi Shwedagon lúc chiều tà, tôi đi dạo một vòng quanh hồ Kandawgyi trước khi ăn tối. Một người bạn đang kinh doanh tại Yangon đã đặt bàn tại nhà hàng Karaweik ở giữa hồ, với lời hứa sẽ mang đến cho tôi những bất ngờ. Thích thú với lời hứa ấy, tôi vừa đi vừa nghĩ về những điều thú vị mình đã gặp ở Yangon. Từ sự đối lập giữa tiện nghi nghèo nàn ở sân bay với tiện nghi xa xỉ trong khách sạn; Sự đa sắc trong kiến trúc của Phật giáo hòa cùng các nhà thờ Hồi giáo và các tòa nhà kiểu Anh còn vẹn nguyên ở quận hành chính; Sự đối lập giữa vẻ giàu có của tầng lớp thượng lưu với sự chậm phát triển của công nghệ nơi đây… tất cả đều là những dấu chấm hỏi thú vị. Chúng theo tôi mãi cho đến bữa tối, khi những điệu múa truyền thống của đất nước này khiến tôi không thể rời mắt. Hóa ra bữa tối đầy bất ngờ mà bạn tôi nói là màn trình diễn đặc biệt Karaweik. Nhà hàng có thiết kế mô phỏng chiếc thuyền hoàng gia mà các bậc vua chúa ngày xưa dùng để vi hành, nổi tiếng với những món ăn truyền thống của người Shan cùng các màn biểu diễn văn hóa dân gian.
Qua những điệu múa, người Myanmar kể cho tôi nghe về truyền thuyết dựng nước cũng như các biểu tượng huyền thoại của họ. Đó là tình yêu bất diệt giữa hai vị điểu thần Kinnari và Kinnara, những người đã tạo dựng các nền tảng văn hóa đầu tiên ở đất nước này. Đó là điệu múa đèn duyên dáng trong tiếng đàn saung-gauk như nhắc nhở du khách về sự lịch thiệp, kín đáo của người phụ nữ Miến Điện. Bên cạnh đó là những món ăn Myanmar truyền thống được phục vụ theo phong cách hoàng gia. Mỗi miếng ghép đầy dư âm ấy tạo thành một buổi tối không thể quên ở Yangon.
Ngôi nhà của những viên ngọc
Ngày thứ hai ở Yangon, tôi tiếp tục đi thăm những ngôi chùa khác ở Yangon như Sule và Chauk Htat Gyi. Tuy không phải tín đồ Phật giáo, nhưng không khí chùa chiền ở Yangon làm tôi thấy thư thái, nhất là khi đứng đối diện với bức tượng Phật nằm khổng lồ trong chùa Chauk Htat Gyi. Bức tượng này được tạc từ năm 1966, dài 65 mét, cao 16 mét. Các nét chạm khắc tinh xảo mang đến vẻ sống động và hiền từ cho đôi mắt Phật, khiến người đối diện cảm thấy bình an. Sau khi mãn nhãn với các ngôi chùa, tôi khám phá những nét khác của Yangon. Chiều hôm đó, theo gợi ý của bạn, tôi tới Bảo tàng Đá quý Myanmar để tìm hiểu về nguồn gốc sự thịnh vượng của đất nước này. Đồng thời, tôi cũng được chiêm ngưỡng các bảo vật tồn tại qua nhiều năm tháng và tham khảo sơ bộ giá đá quý tại một cửa hàng trong khuôn viên bảo tàng. Không ngành kinh tế nào ở đất nước này phát triển bằng việc khai thác và buôn bán đá quý. Xứ sở được Phật giáo phù hộ này có rất nhiều ngọc quý ở dưới đất chờ khai thác.
Trước khi tôi đến Yangon vài ngày, quân đội Myanmar đã phát hiện một khối đá quý khổng lồ nặng tới 50 tấn nằm lộ thiên tại một khu vực ở phía Bắc nước này.
Câu nói “tấc đất, tấc vàng” có lẽ còn khiêm tốn đối với Myanmar. Nơi đây là ngôi nhà lớn của các loại đá quý, từ “thung lũng hồng ngọc” Mogok (vùng Mandalay), Mongshu (bang Shan), Phakant (bang Kachin)… Đó là lý do Myanmar luôn là điểm đến hấp dẫn cho các du khách yêu thích đá quý cũng như các tín đồ shopping. Ở đất nước Phật giáo và còn đứng ngoài xu thế toàn cầu hóa, không dễ để bạn mua được các món hàng hiệu nổi tiếng. Nhưng đây là thiên đường của trang sức hồng ngọc hoặc các loại đá quý thô. Nếu may mắn, bạn sẽ có cơ hội sở hữu những viên đá lớn với màu sắc đẹp tuyệt vời. Tuy nhiên, bạn cần cẩn trọng khi chọn mua đá quý ở đây, nhất là trong các khu chợ nổi tiếng. Bởi nơi đây quá nhiều sản phẩm, quầy hàng với nhiều mức giá khác nhau. Tôi đã chóng mặt sau khi đi một vòng khu chợ Bogyoke Aung San ở Yangon. Một lần nữa, tôi cầu cứu người bạn chỉ dẫn để thỏa mãn thú mua sắm phù phiếm của mình. Và Chatrium Hotel Royal Lake là điểm đến hoàn hảo theo gợi ý của bạn tôi. Không gian mua sắm sang trọng với cách bài trí tinh tế, giúp bạn dễ dàng lựa chọn và thử đồ. Đôi hoa tai hồng ngọc được thiết kế riêng mà tôi mua được ở đó khiến kỳ nghỉ ở Yangon càng trở nên tuyệt vời và đáng nhớ.
Khách sạn Belmond
Governor’s Residence nằm trong khu trung tâm, gần nơi tập trung các đại sứ quán lớn ở Yangon. Được xây dựng từ những năm 1920, khách sạn này mang phong cách lãng mạn cổ điển, vốn dành cho các nhà lãnh đạo đến nghỉ khi đi công tác.
Bữa tối tại đây thường được phục vụ ngoài trời với ánh sáng đèn lồng, hương hoa nhiệt đới tự nhiên cùng các màn biểu diễn đàn saunggauk, múa dân tộc hấp dẫn.
Phấn Thanaka
Thanaka (dạng bột) được chiết xuất từ một số loài thân gỗ gọi chung là thanaka, trồng rất nhiều ở Myanmar. Phần gỗ hoặc vỏ được mài với nước tạo ra hợp chất màu ngà sền sệt. Khi thoa lên mặt, thanaka có tác dụng chống nắng, dưỡng da rất hiệu quả. Đây là loại mỹ phẩm đặc biệt của đất nước này, hầu như ai cũng sử dụng để chống nắng hoặc trang điểm bằng cách bôi lên hai má và trán.
Tết cổ truyền thingyan
Lễ hội đón năm mới của người Myanmar diễn ra vào ngày 13–16/4 ngày với nhiều hoạt động văn hóa đa sắc
Ngày Tết cổ truyền của Myanmar gắn liền với lễ hội té nước. Từ thời Pagan (849 – 1297), người dân Myanmar đã tin rằng việc té nước vào nhau trong năm mới sẽ rửa sạch những dơ bẩn tích tụ trong suốt một năm qua. Người được té nước sẽ đón năm mới với tâm hồn và cơ thể thanh khiết.
Thingyan là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Myanmar. Tuy không được đề cập đến trong kinh điển Phật giáo cổ, nhưng các hoạt động của lễ hội này đều được lồng ghép các nghi thức mang đậm màu sắc văn hóa của đạo Phật. Ngày giao thừa, người dân chỉ ăn một bữa trước chính ngọ rồi tham gia vào các màn hát, múa, diễn kịch và bói toán. Các cô gái được tuyển chọn sẽ đội vòng hoa gắn kim tuyến tren đầu, trang điểm phấn thơm thanaka và cài hoa giáng hương vàng (chỉ nở một ngày mỗi năm vào dịp này nên còn được gọi là hoa thingyan) lên tóc và biểu diễn các điệu múa truyền thống. Ngoài ra, người dân cũng rất thích xin thingyarsar (sấm truyền hay quẻ xăm) trong ngày này. Họ tin rằng những lời thingyarsar được viết từ mấy tháng trước lễ hội, sẽ cho biết vận mệnh của người chủ “lá xăm”.
Ngày tiếp theo (a-kya nei) là lúc lễ hội té nước bắt đầu. Ngày xưa vào đêm giao thừa, người dân nấu nước thơm từ hoa lá rồi để trong bát hoặc chum nước, đặt trước nhà trong suốt thời gian lễ hội (mỗi ngày một mùi hương khác nhau). Ngày nay, người dân sẽ dùng những vòi nước máy xịt tung tóe khắp đường phố. Một số người khác sẽ ra đường với các hũ đựng đầy nước thơm và lá tha byay. Những người đi qua đều được xịt hoặc té nước ướt đẫm. Ai càng được té nước nhiều sẽ càng may mắn, mọi chuyện buồn phiền và bụi bẩn của năm cũ sẽ bay đi hết. Tất cả sẽ đón năm mới bằng sự thanh tịnh.
Ngày cuối cùng của lễ hội, mọi người sẽ đi thăm họ hàng, quỳ lạy trước người già để thể hiện niềm tôn kính. Người trẻ sẽ cắt móng tay, gội đầu cho người già bằng hạt của cây keo và dâng lên họ nước thơm đựng trong các nồi đất nung. Vào Tết Thingyan, người Myanmar thường tranh thủ đi chùa và làm việc phước thiện. Những ngày Tết, các trung tâm thiền và chùa của Myanmar đông nghẹt người đủ lứa tuổi vào để tu thiền và làm phước. Người dân cũng thường thỉnh chư Tăng về nhà để thuyết giảng, truyền bát quan trai giới và cúng dường trai phạn.
Bài: Dạ Thương. Ảnh: Corbis, Getty Images, Xuân Anh
Bazaar Việt Nam