Thay đổi bản thân hay sống mòn?

Sự thay đổi, luôn gắn liền với việc không biết trước và mạo hiểm, nhưng nó có khả năng mang lại hạnh phúc. Bằng không, cuộc sống chẳng khác gì ngoài sống mòn

Tôi mua căn hộ chung cư vào Tết năm ngoái. Chưa đến Tết năm nay đã rục rịch chuyển đi chỗ khác. Bạn bè gần xa nháo nhác, đoán già đoán non. Người bảo chắc sang nước ngoài sống, người lại đoán có lẽ chuyển việc vào Sài Gòn. Người thì nghĩ chắc cuộc sống có biến động lớn. Chỉ những người rất thân thiết mới biết tôi bị bệnh khó ngủ. Căn nhà ấy hơi ồn ào, stress quá nên tôi chuyển. Mọi người đều biết tôi mất quá nhiều công sức chăm chút cho ngôi nhà ấy như thế nào. Hơn nữa, thay đổi chỗ ở là việc lớn của đời người, chỉ vì mỗi lý do vớ vẩn đó mà cũng chuyển thì vô lý quá. Cả khu chung cư hơn ba nghìn nhân khẩu, ai cũng ngủ được chứ có bị làm sao đâu. Tóm lại, cả ý định lẫn lý do chuyển nhà là một chuyện kỳ dị khó chấp nhận.

Nên hay không nên thay đổi bản thân?

Tự dưng nghĩ cũng lạ. Nhìn xung quanh thấy thiên hạ rất hay thay đổi. Họ thay avatar trên Facebook xoành xoạch, có khi mỗi tuần một ảnh. Điện thoại, xe máy, xe hơi đang còn mới, tốt, thời trang, lại vừa mới mua cũng háo hức thay.

Trong khi có ba thứ đáng lẽ rất nên thay đổi nếu không còn phù hợp là nhà, người và nghề nghiệp thì ai cũng sợ hãi, cho đó là thứ bất biến. Cho dù có nát bét như địa ngục cũng cam chịu.

Chiếc điện thoại “cùi bắp” tôi dùng đến xước cả màn hình, vẫn chưa thay. Nhưng may mắn vì nó còn được là smartphone, chứ điện thoại cách đây hai năm còn là loại màn hình không màu, nếu rơi đâu mất cũng chỉ tiếc mỗi cái sim mà thôi. Mục đích dùng điện thoại của tôi chỉ để nghe và gọi, cùng lắm sử dụng chức năng máy tính để tính tiền, nhắn tin cũng không nằm trong thói quen, vậy thì điện thoại nào mà chẳng như nhau.

Xe cộ cũng miễn nó còn chạy bon bon, đi giữa đường không… tuột xích là ổn. Mỗi tuần tôi ra khỏi nhà hai lần, đi đến chỗ làm việc chỉ cách nơi ở 5 phút, cả tháng mới lên trung tâm một lần và phải canh giờ không kẹt xe, trời không nắng gắt mà gió heo mây dễ chịu, vậy thì hà cớ gì phải quan tâm đến xe cộ. Tóm lại tôi hạnh phúc nếu cứ dùng những thứ cũ kỹ mà thân thuộc ấy, Nhưng có ba thứ ăn đời ở kiếp thì xét cho kỹ, thấy không còn phù hợp nữa, thậm chí khiến cho mình bất hạnh, thì cũng nên thay đổi.

Ông bà xưa nay vẫn cho rằng ở đời có ba việc lớn là cưới vợ, xây nhà và tậu trâu. Có người định nghĩa: “Hạnh phúc là sáng muốn đi làm, chiều muốn về nhà”. Đủ hiểu hạnh phúc hay bất hạnh ở đời cũng chỉ loanh quanh ba điều đó mà thôi. Người nào sáng ngủ dậy cảm thấy ngại đi làm, có thể vì đang không được làm công việc mình thích. Niềm đam mê và sở nguyện không thỏa mãn, lại chẳng được trọng dụng, đồng nghiệp không thân thiện, sếp chẳng đủ tài để phục… đó đã là bất hạnh nửa cuộc đời. Vì ngoài thời gian ăn ngủ, một nửa thời gian của đời người gắn bó với công việc. Chiều hết giờ làm cảm thấy không muốn về nhà, vì về nơi ấy không có gì vui. Gộp cả hai lại thì quả là bất hạnh cả cuộc đời.

Hãy can đảm thay đổi bản thân

Khổng Tử nói rằng: “Hãy làm công việc mà bạn yêu thích, như vậy cả cuộc đời bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào cả”.

Nếu hỏi: Bạn có thực sự yêu thích công việc bạn đang làm không? Nếu nhận lương ít đi thì bạn có muốn tiếp tục? Ngay bây giờ, có một công ty trả lương cao hơn thì bạn có chuyển đi ngay không? Câu trả lời thế nào chúng ta cũng đã biết. Số người đi làm đơn thuần chỉ vì mưu sinh mà tôi đã gặp trên đường đời thật quá nhiều, mà buồn hơn là ngay cả khi họ đã dư tiền để mua vài căn nhà làm của hồi môn cho con cái, thì vẫn viện lý do vì miếng cơm manh áo.

Năm 2005, có một ban nhạc đồng quê rất nổi tiếng ở Việt Nam với cái tên ngộ nghĩnh “Lovely Stupid Men”. Ca sỹ chính của nhóm là anh Simon Rolph. Trước đó, Simon có một công việc rất tốt về ngành hội họa ở London với mức thu nhập cao. Rồi một buổi sáng đẹp trời, Simon nghĩ: “Thế là đủ!”. Anh viết đơn xin nghỉ việc, bán nhà và quyết định đi du lịch vòng quanh thế giới.

hbz_quoteTrong chuyến viễn du, anh tới Việt Nam và thuê một chiếc xe máy chạy thẳng lên Sa Pa. Trên đường leo núi, Simon gặp tai nạn, gãy chân, ngất xỉu, rồi tỉnh dậy trong bệnh viện. Trong ba tháng an dưỡng tại Hà Nội, một lần Simon đến quán bar và tình cờ gặp Paul Romaine – nhạc sỹ người Úc và một tay contrebasse người Việt. Họ thành lập ban nhạc rồi đạt thành công vang dội. Nghe câu chuyện Simon chia sẻ, tôi nghĩ đúng là gã điên. Nhưng 11 năm qua đi, tôi cho rằng anh đúng, bởi anh đã đạt được hạnh phúc. Còn những người sống mòn không khác gì những con kiến, ngày ngày tha mồi về đầy tổ mới thực là bất hạnh.

Nhiều người than thở về gia đình bi kịch, nhưng họ không dám thay đổi. Bởi họ không đủ khả năng tài chính nên chưa biết xoay sở thế nào, họ sợ dư luận dị nghị, ngại cha mẹ trách mắng… Họ ngại làm lại lần nữa rồi liệu có hạnh phúc không hay tiếp tục đi vào vết xe đổ. Họ cũng sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp đang lên, sợ cô đơn vì đã quen thuộc với hình bóng người ấy – dù hình bóng đó đúng thực chỉ là cái bóng không hơn. Tóm lại, họ sợ cả nghìn thứ. Và họ cố tìm ra mọi lý do để tự an ủi lòng mình.

Thứ quý giá nhất đời người là niềm vui

Có biết bao cặp đôi sống mòn như hai cái bóng bên nhau đến hết đời. Gần đây, một người bạn của tôi chia sẻ trên mạng xã hội chuyện ông anh rể của mình bỗng dưng đột tử, trong lúc đang chờ giấy ly hôn. Mà anh rể đã 70 tuổi, còn người vợ tầm 64. Độc giả vào bình luận rằng sao đến tuổi ấy không cố sống nốt mà còn chia tay. Bạn thân của tôi cũng đau đầu vì cha mẹ một mực đòi ly hôn và họ cũng gần 70 rồi. Mới đầu tôi đã nói giống cư dân mạng: “Thôi tuổi ấy rồi thì sống nốt đi cho xong.” Bạn bảo: “Nhưng không chịu được vì cứ nhìn thấy mặt nhau là tức anh ách.” – Thì bảo ăn riêng ra. “Vẫn ăn riêng rồi, nhưng đi ra đi vào đụng mặt nhau khiến cả hai ông bà đều không chịu nổi thêm một giờ nào nữa.” 

Có thể hiểu, đến tuổi đó mà còn đưa nhau đâm đơn ra tòa, tức là cả cuộc đời đã chịu đựng lắm rồi. Đến lúc giọt nước tràn ly, sức người có hạn. Có thể anh rể bạn tôi nghĩ: “Dù chỉ còn sống một ngày thôi thì vẫn cần phải được thanh thản và hạnh phúc.” Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, cớ gì ở trong căn nhà không như ý, làm công việc mình không yêu thích. Đã vậy còn sống với người đồng sàng dị mộng, thì chẳng khác gì chưa chết mà đã vội xuống địa ngục.

Thứ quý giá nhất của con người là niềm vui, vì vậy thiên đường hay địa ngục ở ngay trong tim mình. Nếu bạn hạnh phúc sẽ bớt đi cho thế giới một nỗi buồn. Bạn chỉ có thể làm người khác hạnh phúc một khi bạn cảm thấy hạnh phúc. Khi yêu căn nhà của mình, bạn chăm chút, trang hoàng khiến nó lấp lánh tươi vui và ấm áp, rồi chính tổ ấm ấy sẽ khiến ta trở nên đầy cảm xúc hơn mỗi ngày. Nhưng khi không yêu quý nó nữa, hoặc vì lý do gì đó khiến bạn trở nên khó chịu, ngôi nhà sẽ trở thành hoang lạnh. Vì lý do đó mà tôi đã quyết định chuyển sang căn nhà khác.

hbz_boxsach

Không thay đổi chẳng khác gì sống mòn

Mới đây, cư dân toàn cầu “dậy sóng” về việc Donald Trump đắc cử, một kết quả mà tôi chẳng lấy gì làm ngạc nhiên. Người Mỹ vốn thích những vị tổng thống hào hoa, khỏe mạnh và đầy năng lượng. Nhưng trên tất cả, họ thích sự thay đổi, thích những luồng gió mới được dự đoán có thể xoay chuyển tình hình, cho dù phỏng đoán đó có mạo hiểm 50/50 chăng nữa. Có vậy họ mới bầu cho diễn viên Ronald Reagan làm tổng thống, thậm chí bầu diễn viên chuyên đóng vai người hùng cơ bắp Arnold Schwarzenegger làm thống đốc bang California, điều có thể bất khả thi ở nhiều quốc gia khác. Kết quả là các diễn viên đều làm tốt vai trò chính khách của mình.

Nước Mỹ có tổ tiên là những người di cư từ lục địa này sang lục địa kia, một đi không trở lại, ở vào cái thời không có máy bay, không internet, điện thoại, truyền hình. Họ chẳng biết có gì ở miền đất mới. Nhưng thay đổi là cả một sự can đảm, và mọi thứ trên đời cũng chỉ 50/50, chỉ có thần linh mới chắc chắn toàn vẹn những gì ở phía trước. Có lẽ vì thế người Mỹ hiếm khi thay đổi mẫu xe và điện thoại, nhưng họ sẵn sàng thay đổi định mệnh của mình bằng những quyết định kỳ lạ và mạo hiểm, hoặc bầu cả một vị tổng thống chưa có hình mẫu tiền lệ bao giờ để hy vọng thay đổi lịch sử. Người Mỹ còn lênh đênh trên đại dương ba tháng trời để… chuyển nhà. Mình chuyển đi có vài cây số trong quận có gì mà phải nghĩ.

Sự thay đổi, luôn gắn liền với việc không biết trước và mạo hiểm, nhưng nó có phần trăm khả năng của hạnh phúc. Bằng không, cuộc sống chẳng khác gì ngoài sống mòn.

Bài: nhà văn Di Li
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm