Thời của Cinematic Fashion

Giờ đây những bộ ảnh thời trang hay TVC đã trở nên quá bình thường, giới thời trang đã chọn một cách quảng cáo đậm tính nghệ thuật hơn

Sau nhiều năm nỗ lực khẳng định thời trang cũng là một nghệ thuật, giờ đây các thương hiệu lớn lại tiếp tục tiến thêm một bước để đạt tới mục đích đó của mình. Khi khách hàng đã cảm thấy nhàm chán trước những TVC giới thiệu sản phẩm đang cạn dần ý tưởng sáng tạo, đó là lúc phải tạo ra những video quảng cáo có giá trị nghệ thuật hơn, giàu tính điện ảnh hơn, được gọi là cinematic fashion.

QUẢNG CÁO MỘT CÁCH NGHỆ THUẬT

Đầu tháng Ba năm 2012, hãng Cartier tải lên Internet đoạn phim dài 3 phút 31 giây mang tên L’Odyssée de Cartier nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 165. Cartier còn trang trọng dành riêng cho phim một trang web riêng bên cạnh việc đưa nó lên YouTube. Nhân vật xuyên suốt phim, một chú báo, biểu tượng của hãng, từ những viên đá quý long lanh mà sống dậy trong một hình hài sinh động. Chú báo phá vỡ vòm kính của mái nhà trưng bày, bắt đầu cho chuyến chu du khắp thế giới.

Hành trình vượt không gian từ châu Âu băng giá đến Vạn Lý Trường Thành, từ thời cổ đại cho đến hiện đại của chú báo là hành trình giữa giấc mơ và hiện thực. Cuối cùng, đích đến của chú là vào tòa lâu đài Ấn Độ tuyệt đẹp với muông thú bằng đá quý từ cá sấu, chim bồ câu đến bướm… Những động vật hoang dã này được nạm ngọc lục bảo, ruby, sapphire như một lời khẳng định về sự gặp gỡ giữa quan niệm thời trang Pháp và Trung Đông.

1

Bộ phim ngắn đã thu hút 15,5 triệu lượt xem chỉ sau chưa đầy bốn tháng đăng tải lên mạng. Chẳng hề quá đáng khi cho rằng Cartier đã cống hiến cho người xem những thước phim mang tính nghệ thuật đỉnh cao. Có thể người xem cần thời gian để cảm nhận trọn vẹn những ý nghĩa đằng sau mỗi cảnh quay, nhưng ấn tượng để lại sâu sắc và hiệu quả hơn bất kỳ bài viết PR nào tung hô về giá trị thương hiệu.

Các hãng khác như Dior, Louis Vuitton, Christian Louboutin, Missoni, Prada… đầu tư kinh phí vô cùng lớn cho những phim thực chất chỉ dành riêng cho Internet. Bù lại, không giống như thể loại quảng cáo truyền thống trên truyền hình nơi các thương hiệu phải trả tiền tính theo từng giây phát sóng, những video kiểu mới này hoàn toàn miễn phí.

Mục đích của các phim ngắn thời trang này là tận dụng khả năng vô tận của Internet. Chúng đến với người xem một cách rộng rãi thông qua YouTube hay trang web của hãng. Thậm chí khán giả cũng dễ dàng chia sẻ với bạn bè trên các mạng xã hội nếu thấy hứng thú với những bộ phim ngắn về thời trang này.

KẾT HỢP CÙNG NHỮNG TÀI NĂNG ĐIỆN ẢNH

Và tất nhiên, để thu hút sự chú ý và giúp phim ngắn của mình “điện ảnh” hơn, cách tốt nhất mà nhiều hãng thời trang đã chọn là mời những nhân vật kỳ cựu trong chính ngành nghệ thuật thứ bảy thực hiện. Đôi khi khán giả không dễ dàng hiểu được ý nghĩa của những bộ phim ngắn do các hãng làm ra bởi vì các tác phẩm này giống như một thể loại nghệ thuật đương đại đầy phức tạp. Tuy vậy, phần đông khán giả dù không say mê thời trang hay chẳng cần phải hiểu cặn kẽ ý nghĩa của bộ phim vẫn rất hiếu kỳ khi thấy các ngôi sao tham gia vào các dự án đó.

Chính vì thế, Prada đã mời đạo diễn từng đoạt giải Oscar, Roman Polanski, diễn viên Sir Ben Kingsley và Helena Bonham Carter tham gia bộ phim A Therapy. Kết quả là phim này đã thu hút 233.000 lượt xem mỗi tuần. Vị đạo diễn danh tiếng Martin Scorsese lại đồng hành cùng một phim ngắn cho Chanel đồng thời cũng được sử dụng làm quảng cáo cho nước hoa Bleu de Chanel của hãng.

3

Đạo diễn Roman Polanski đang bàn bạc với diễn viên Helena Bonham Carter trong quá trình làm phim A Therapy

Thậm chí, ngay cả các nhà thiết kế danh tiếng cũng “xắn tay” trực tiếp vào cuộc. Karl Lagerfeld đã đích thân đạo diễn bộ phim dài 25 phút The Tale of a Fairy giới thiệu các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập Cruise 2012 của Chanel. Bên cạnh đó, nhà thiết kế lừng danh còn chuyển đến người xem một thông điệp: “Bộ phim là câu chuyện về việc tiêu tiền không đúng cách, mở màn bằng xung đột và khép lại bằng cảm xúc”.

Giờ đây, công việc liên quan đến dựng phim thời trang thậm chí còn “hot” hơn cả ngành tạo mốt. Lần đầu tiên trong lịch sử, tại trường Thời trang Luân Đôn, số lượng học viên đăng ký những khóa học chỉ đạo nghệ thuật cho các sản phẩm truyền thông trong thời trang đã áp đảo ngành thiết kế. Rồi đây, có lẽ các fashionista sẽ thích nói chuyện về các thước phim thời trang hơn là những chiếc túi thuộc hàng It bag.

4

Một góc hậu trường của bộ phim The Tale of a Fairy

Bài: Trinh Pak

Xem thêm