Tôi gặp Công Trí vào một buổi chiều cuối tuần. Vẫn với phong cách điềm đạm, anh từ tốn trả lời các vấn đề mà tôi đặt ra.
20 năm là một quãng thời gian không hề ngắn. Những thành tựu mà Công Trí đạt được là niềm mơ ước của rất nhiều nhà thiết kế Việt. Anh đã góp phần đưa nền thời trang Việt Nam lên một tầm cao mới. Có được ánh hào quang của ngày nay, nhà thiết kế Công Trí đã phải nỗ lực rất nhiều ngay từ những ngày chập chững dấn thân vào thế giới thời trang.
Điểm khởi đầu
Nhà thiết kế Công Trí xác định được con đường mình đi từ khá sớm. Anh dấn thân vào thời trang sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc. Khi đó, Công Trí khoảng 23-24 tuổi. Xuất phát điểm của Công Trí có tên là KIN CO. Đây là một công ty chuyên định hình phong cách nghệ sỹ. Ở thời điểm đó, người Việt xem thời trang như là một hình thức giải trí. Vì thế, thời trang thường gắn liền với giới văn nghệ sỹ. Công Trí những ngày đó phải làm rất nhiều việc cùng một lúc. Anh vừa là nhà thiết kế, người kiến tạo phong cách, vừa kiêm luôn việc sản xuất, in ấn bìa băng đĩa âm nhạc… Tất cả đều được thực hiện trong dây chuyền khép kín. Chính vì thế, họ lầm tưởng Công Trí chuyên thiết kế hình ảnh băng đĩa.
Công Trí khẳng định: “Trước khi thành lập công ty, bản thân tôi đã đạt được rất nhiều giải thưởng lớn, nhỏ về thời trang.” Anh giải thích thêm: “Nhưng rồi đến lúc, tôi ý thức được thiết kế thời trang không chỉ là việc thực hiện những bộ quần áo cho nghệ sỹ. Kể từ đó, tôi bắt đầu thành lập thương hiệu với mong muốn được thiết kế trang phục cho những người bình thường”. Cửa hàng đầu tiên ra đời, tọa lạc trên con đường Nguyễn Đình Chiểu, với tên gọi Kin Boutique. Đến nay, cửa hàng được đổi tên thành CONG TRI.
Giai đoạn lặng thầm…
Bẵng đi một thời gian Công Trí gần như không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Tôi hỏi anh: “Vì sao vậy? Có phải anh mất đi cảm hứng sáng tạo?”. Công Trí trả lời: “Tôi tin vào phong thủy nên cho rằng thời điểm đó là những năm tam tai. Chính vì thế, thời gian ấy không phù hợp để phát triển kinh doanh. Khi đó, tôi im lặng và dành thời gian để nuôi dưỡng nội lực và sáng tạo. Nhưng không hẳn là tôi tạm dừng mọi hoạt động”.
Cũng tại thời điểm đó, nhiều thị phi, điều tiếng không hay xuất hiện. Có người cho rằng anh gặp vấn đề về sức khỏe, và cả tài chính. Nhưng, anh bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu và tiếp tục thầm lặng cống hiến.
…và bùng nổ
Năm 2019, sau 20 năm, Công Trí đã ghi tên mình trên bản đồ thời trang quốc tế. Anh có show diễn tại tuần lễ thời trang New York, Tokyo. Anh gia nhập Hiệp hội Thời trang Cao cấp châu Á. Hàng loạt ngôi sao giải trí tên tuổi của thế giới như Beyoncé, Katy Perry, Rihanna, Kate Bosworth… đã diện đồ Công Trí lên thảm đỏ hay lên sân khấu. Ngay cả cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, Michelle Obama, cũng mặc trang phục của Nguyễn Công Trí.
Vừa qua, triển lãm Cục Im Lặng tổ chức nhằm đánh dấu 20 năm sự nghiệp của Công Trí. Triển lãm cũng chính là cách nhà thiết kế chứng minh cho câu nói của mình: “Tôi im lặng, tôi thấy mình đầy sức mạnh”.
>>>Xem thêm:CÔNG TRÍ THIẾT KẾ THỜI TRANG CHO HEIDI KLUM
Thời trang không phải là chính trị
Trong lịch sử hình thành, thời trang liên quan nhiều đến chính trị. Nhưng hiện tại, điều này không còn ảnh hưởng lớn và rõ ràng lắm.
Khi nhắc tới những vấn đề liên quan đến chính trị hay tôn giáo, mọi người thường liên tưởng đến một điều gì đó rất to lớn, nghiêm trọng. Tuy nhiên, Công Trí cho rằng, chính trị bao hàm luôn việc quảng bá văn hóa chứ không phải điều gì quá vĩ mô. Công Trí luôn có niềm tự hào dân tộc rất riêng. Anh thể hiện điều đó bằng cách lồng ghép yếu tố Việt Nam vào các bộ sưu tập một cách tinh tế. Điều đó nằm ở chất liệu.
“Nếu ghép chính trị như những thứ vĩ mô vào thời trang, tôi cảm thấy nặng nề. Nó làm cho thời trang trở nên khô cứng. Là một nhà thiết kế, điều khiến tôi hạnh phúc là được làm nghề. Chứ không phải là một người đối ngoại, người đi tuyên ngôn!”, Công Trí nói.
Thời trang: Sân chơi công bằng
Anh tin rằng, không chỉ riêng đối với nghệ sỹ hay người làm nghề thời trang, cách để mỗi con người thể hiện lòng tự tôn dân tộc của mình là qua thái độ sống văn minh. Khi bạn ra nước ngoài, bạn cư xử lịch thiệp, giao tiếp thông minh, bạn sẽ tạo ấn tượng. Đó là cách mà bạn quảng bá hình ảnh của đất nước.
“Tôi không muốn show diễn tại New York trở thành nơi giao lưu văn hóa. Nơi đó nên là một cuộc chơi rất công bằng, là một nơi để thể hiện. Một khi mình đã chấp nhận tham gia cuộc chơi, tôi muốn thể hiện bằng một bộ sưu tập hoàn hảo nhất”. Anh nhấn mạnh: “Thời trang là thời trang, không phải là chốn để kể lể những khổ cực. Là một nhà thiết kế, điều quan trọng là sản phẩm cuối cùng mà bạn giới thiệu đến khách hàng, giới mộ điệu và công chúng”.
Copy hay sáng tạo – Lằn ranh mơ hồ
Cuộc đối thoại của tôi với nhà thiết kế Công Trí tiếp tục. Tôi nhìn những thiết kế mới nhất trưng bày trong tủ kính. Lúc đó tôi chợt nghĩ tới một điều mà bấy lâu nay băn khoăn, rằng những thiết kế này có được lấy cảm hứng từ nhà mốt nào không. Tôi lập tức đặt vấn đề với Công Trí.
Anh nhẹ nhàng: “Từ ngữ Việt rất phong phú. Vì sao? Bạn thấy đấy, truyền thông Việt Nam không mấy khi sử dụng từ “lấy cảm hứng” mà dùng chữ “mượn” hay “đụng hàng” cho các nhà thiết kế Việt Nam. Tôi cho rằng từ “mượn” mang ý nghĩa châm biếm, mỉa mai. Còn “lấy cảm hứng” thì mang tính chuyên môn, thể hiện sự tôn trọng. Ấy thế mà hầu hết các nhà thiết kế Việt Nam đều bị báo chí viết là “mượn” ý tưởng. Đây cũng là điều mà các bạn nên xem lại”.
Vẽ ước mơ bằng đam mê
Xét cho cùng, Việt Nam không phải là cái nôi của thời trang. Anh cho rằng, ở Việt Nam chỉ tồn tại những khóa học thời trang, chứ chưa có trường đào tạo thời trang chính thống và chuyên sâu. Nhà thiết kế Công Trí cho hay:
“Việc mượn hay lấy cảm hứng từ các nhà mốt quốc tế, đối với những nhà thiết kế Việt Nam cũng là một cách học. Có điều, sự sáng tạo trong thiết kế sẽ thể hiện cách bạn tiếp thu kiến thức thời trang như thế nào. Chứ không đơn thuần là: Bạn làm theo họ thì có nghĩa rằng đó là phong cách của bạn. Điều này thể hiện ở sự tự trọng và đạo đức làm nghề của bạn”.
Một thương hiệu thời trang tốn cả gần trăm năm mới tạo được bản sắc riêng. Bản thân Công Trí cũng chưa dám tự vỗ ngực rằng anh đã thực hiện được những điều mà chưa người Việt nào từng làm. Anh vẫn đang vẽ ước mơ của mình. Là một nhà thiết kế, điều quan trọng hơn cả là tình yêu và niềm đam mê với nghề. Để tạo ra một dấu ấn riêng, đó là cả quá trình của sự trải nghiệm và lao động cật lực.
Góc nhìn về thế hệ nhà thiết kế trẻ
Gần cuối buổi trò chuyện, tách trà đặt trên bàn cũng nguội dần. Công Trí mời tôi đi tham quan những thiết kế mới nhất của anh. Vừa đi, tôi vừa hỏi về góc nhìn của anh về thế hệ nhà thiết kế trẻ. Anh nói: “Tôi cho rằng thế hệ trẻ hiện nay giỏi hơn và có nhiều cơ hội cọ xát với nghề hơn trước rất nhiều. Tôi tin trong tương lai không xa, nền thời trang Việt Nam sẽ cho ra đời nhiều nhà thiết kế giỏi và tạo được tiếng vang trên trường quốc tế”.
Điều quan trọng là các nhà thiết kế trẻ phải biết mình làm gì. Hãy dành thời gian để cọ xát thực tế, bươn chải và không ngừng nâng cao kỹ năng làm nghề. Minh chứng cho thấy, dù bạn có học ở trời Tây nhưng làm việc kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì cũng không làm nên trò trống gì. Đừng tưởng bở rằng công việc thiết kế thời trang là sung sướng, ngồi chỉ tay năm ngón như những vị giám đốc sáng tạo trong phim tài liệu. Mà thay vào đó, hãy luôn suy nghĩ mình như một người thợ. Không ngừng nỗ lực lao động và cống hiến.