Trong không gian tinh tế của văn phòng Đại diện Bệnh viện quốc tế Thái Lan Bumrungrad International tại Việt Nam, nữ doanh nhân tuổi Ất Mão Nguyễn Thanh Phương nhẹ nhàng chia sẻ cùng Bazaar chuyện đời, chuyện nghề, những điều tạo nên sự khác biệt trong chặng đường kinh doanh của chị.
BAZAAR (BZ): Hà Nội với chị là niềm kiêu hãnh và yêu thương, vì sao chị lại bất ngờ “Nam tiến”?
Thanh Phương (TP): Cuối năm 2006, ở Hà Nội, tôi được bổ nhiệm chính thức là trưởng đại diện Bệnh viện quốc tế Bumrungrad International Thái Lan tại Việt Nam. Năm 2010, Ban Giám đốc giao tôi nhiệm vụ mở thị trường trong Nam. Khi đó, tôi mới có baby được 9 tháng. Quyết định Nam tiến chỉ trong vòng một tháng. Tôi thu xếp nhanh gọn mọi thứ nhà cửa, xe cộ ở Hà Nội… và ôm con vào Sài Gòn. Công ty WHS chúng tôi chính thức mở văn phòng ở hai miền: Làm đại diện cho chuỗi các bệnh viện trong nước và nước ngoài khu vực châu Á Thái Bình Dương như Thái Lan, Hàn quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ… Là cầu nối giúp các giáo sư bác sỹ trong và ngoài nước có thể trao đổi về chuyên môn, những công nghệ vượt trội, phương pháp khám và điều trị trong y khoa trên thế giới, tư vấn đưa thêm những giải pháp cho khách hàng có một sự chọn lựa tốt nhất về dịch vụ cũng như chất lượng giá cả trước khi ra nước ngoài khám và chữa bệnh.
BZ: Từng học Đại học Thể dục thể thao, cơ duyên nào đưa chị đến với hoạt động dịch vụ y tế?
TP: Đúng như các cụ nói, nghề chọn người. Khi học phổ thông, tôi rất giỏi về môn Sinh Hóa, định thi ngành Y nhưng gia đình lại khuyên 7 năm ế mất không lấy chồng được, vậy là tôi chọn ngành thể dục dụng cụ Đại học Thể dục Thể thao. Ra trường tôi đi dạy từ mẫu giáo, đại học, đến các câu lạc thể dục thể thao… Trong những ngày tháng đó, tôi dạy gym và tình cờ gặp gỡ, kết thân với một phụ nữ Úc làm chuyên gia tại bệnh viện Việt-Pháp, người sau này trở thành mẹ nuôi tôi. Chính bà là người định hướng, tạo điều kiện cho tôi đi học, giới thiệu tôi đến ngành y tế. Bà từng là Y tá trưởng, quản lý điều dưỡng, cố vấn chuyên môn cho những bệnh viện quốc tế hàng đầu.
BZ: Hai người mẹ đã ảnh hưởng đến cuộc đời chị như thế nào?
TP: Tôi sinh ở Thái Nguyên. Bố tôi mất từ khi tôi 3 tháng tuổi, một mình mẹ nuôi hai chị em tôi bằng gánh hàng rau củ bán cho sinh viên trường ĐH Thái Nguyên. Dù cuộc sống khó khăn và mẹ tôi không có điều kiện được học hành nhiều nhưng mẹ luôn cổ vũ chị em tôi cố gắng học hành để vươn lên. Còn người mẹ nuôi cũng chính là ân nhân trong cuộc đời tôi.
Năm 2002, bà bị bệnh ung thư và chuyển sang Thái Lan chữa bệnh tại Bệnh viện Brumrungrad International, nằm trong top 10 bệnh viện thế giới. Trong thời gian ở bệnh viện chăm sóc bà bị bệnh, tôi cũng tranh thủ tìm hiểu, học hỏi thêm về hệ thống bệnh viện tiên tiến này. Dù không có nền tảng chuyên môn về y khoa nhưng với những kiến thức đã tích lũy từ trước và một khát khao học hỏi rất tự nhiên, tôi dần dần nắm được những kiến thức của ngành quản lý y tế. Khi bệnh tình mẹ nuôi có những biến chuyển tốt cũng là lúc tôi được đề nghị làm việc tại bệnh viện này.
BZ: Ngoài việc tự cảm thấy mình có “máu làm dịch vụ”, nhìn lại chặng đường đã qua, chị muốn chia sẻ điều gì?
TP: Ở vị trí mới tôi phải làm nhiều công việc trước nay chưa từng được đào tạo như lên kế hoạch Marketing, tổ chức đưa bác sỹ sang tập huấn, thực hiện các thủ tục pháp lý pháp nhân. Đây là những công việc thuộc về công tác tổ chức y tế, vừa cần một lượng kiến thức lớn và khả năng thích nghi cao để xứng đáng công tác trong một cơ sở y tế đầu ngành. Ban đầu, nó đặt tôi trước yêu cầu bắt buộc phải học thêm và sau đó là thúc đẩy tôi luôn sẵn sàng với những điều mới mẻ. Rồi những chuyến đi dài ngày theo mẹ nuôi và gia đình đến nhiều quốc gia khác như Úc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Bangladesh, Hàn Quốc, Hồng Kông… được học hỏi các nền y tế khác nhau, tôi tích lũy hành trang cho mình để hôm nay cũng mang được một số điều hạnh phúc đến cho một số người. Điều đó đem lại cho tôi niềm hạnh phúc từ trái tim. Điều khiến tôi buồn nhất là có những người tuy có thu nhập cao nhưng không quan tâm đúng mức đến sức khỏe, cứ làm việc điên cuồng, thậm chí bỏ qua những dấu hiệu sớm của bệnh với tâm niệm rồi “cứ đến lúc đấy hẵng hay”. Tôi muốn nói với những người đang lao động cực nhọc rằng: các anh chị là vốn quý của xã hội, hãy chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.
BZ: Cuộc sống riêng tư có những góc khuyết, chị có ngại nhiều người sẽ biết đến những vết thương lòng của mình?
TP: Tôi đã từng chấn thương nhiều, vẫn còn đó những vết sẹo nhưng điều đó cũng không ngăn cản tôi yêu thương bản thân và kiếm tìm hạnh phúc. Đối với tôi việc tập luyện aerobics, đi bơi hàng ngày, chú ý đến dinh dưỡng và lâu lâu chụp tấm ảnh đẹp là một nhu cầu rất tự nhiên. Khi nhận quyết định chuyển công tác, tôi cũng lo lắng, mình mới có em bé, hơn nữa lại làm mẹ đơn thân khi đã 34 tuổi là điều không dễ dàng. Đi đâu, làm gì tôi đều phải nghĩ đến tương lai của con nữa.
Tôi cũng không có gì bi quan về hạnh phúc tương lai. Nói thật, mình vẫn chưa lên xe hoa và vẫn mong một ngày có thể kết hôn với người mình yêu vì mình là phụ nữ Á Đông mà. Tôi trước giờ đều cực kỳ độc lập, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều có thể tự lo. Mẹ đẻ là một người phụ nữ truyền thống, chủ yếu là chăm sóc, động viên. Mẹ nuôi cho kiến thức, định hướng cho mình. Giờ tôi nuôi dạy con mình kết hợp cả hai cách truyền thống và hiện đại. Và dù bận rộn đến đâu, tôi cũng cố gắng cuối tuần ở bên con, đi du lịch cùng con.
BZ: Cảm ơn những chia sẻ của chị.
Chia sẻ nguồn cảm hứng:
+ Bạn bè tôi là những nữ doanh nhân, một số là các khách hàng. Từ công việc chúng tôi trở nên quen thân gắn bó một cách tự nhiên. Tôi thường cổ vũ và cùng tập luyện yoga, tập gym, dancing, bơi lội với bạn bè, thậm chí gây dựng phong trào “Salsa history”. Những hoạt động thể chất gắn kết chúng tôi và bạn tin không, trí thông minh vận động chính là sự kết nối các loại hình thông minh khác, cổ vũ người ta sống hết mình hơn vì mơ ước của mình.
+ Cuối tuần tôi thường đi du lịch cùng con. Khi bên con, tôi chỉ cho bé nhiều điều mà ở trường học hay khi con ở với bà chưa được biết.
Bài: Việt An – Concept: EMIL TY – Ảnh: Vinh VLK – Make up: Beo – Trang phục: Loca