Đã gần một tháng kể từ khi Virginie Viard bất ngờ rời khỏi chiếc ghế giám đốc sáng tạo danh giá tại Chanel. Bà rút khỏi nhà mốt Pháp chỉ vài tuần trước show diễn thời trang cao cấp (haute couture) của thương hiệu diễn ra ở Paris, khiến giới mộ điệu không khỏi bàng hoàng.
Xen lẫn bối rối là sự tò mò lan rộng: Vậy bây giờ, ai sẽ lèo lái nhà mốt Pháp lịch sử này? Giới mộ điệu liên tiếp đưa ra nhiều gợi ý, gọi tên hết nhà thiết kế này đến nhà sáng tạo khác. Người bí ẩn nhất lúc này trong giới thời trang chính là vị giám đốc sáng tạo mới của Chanel.
Dẫu vậy, có lẽ Chanel đang không quá vội vàng đi tìm người kế vị Virginie Viard. Bởi show diễn Haute Couture Thu Đông 2024 vẫn diễn ra đầy hoành tráng. Những thiết kế tuy không quá đột phá, nhưng lại vừa đủ đạt kỳ vọng. Không cần một vị giám đốc sáng tạo chính yếu nào, Chanel vẫn tạo ra ma thuật của Chanel. Chủ tịch thời trang Chanel – ông Bruno Pavlovsky đã xác nhận rằng bà Virginie Viard không tham gia vào quá trình thiết kế, và đội ngũ thiết kế nội bộ (Fashion Creation Studio) của Chanel tự mình chịu trách nhiệm chính cho bộ sưu tập.
Song, sau khi show diễn hoàn thành, chủ tịch Bruno Pavlovsky bỗng bất ngờ chia sẻ về “CV hoàn hảo” cho công việc giám đốc sáng tạo của Chanel với nhật báo Le Figaro của Pháp. Giới mộ điệu ngay lập tức mổ xẻ những chi tiết trong lời nói của ông để cập nhật lại danh sách ứng cử viên được đồn đoán.
Chân dung vị giám đốc sáng tạo hoàn hảo của Chanel
Trong bài phỏng vấn, ông Bruno Pavlovsky khẳng định rằng Chanel sẽ không thu nhận những vị giám đốc sáng tạo “một màu” hay quá phá cách. Cụ thể:
“Lý tưởng cho Chanel là chúng tôi không nên tuyển một vị giám đốc sáng tạo luôn mang đến cùng một thứ cho mỗi thương hiệu mà người đó đảm nhận. Đã có nhiều vị giám đốc làm mất đi ý nghĩa thương hiệu của họ.
[…] Chanel đã có sẵn một “sản phẩm”, cả Karl và Virginie đều là những người tiếp nối, phát triển những “sản phẩm” đó. Họ có chất riêng, nhưng luôn tuân theo yêu cầu của nhà mốt.
Chúng tôi không muốn tạo ra một “khởi đầu mới” nào cho Chanel cả. Có quy chuẩn, khuôn mẫu sẵn, và các giám đốc sáng tạo sẽ sáng tạo trong phạm vi đó. Dịch chuyển từ bên trong thì được, nhưng thay đổi bùng nổ thì chắc chắn là không.”
Hội tín đồ đồn đoán Bruno Pavlovsky gạch tên Hedi Slimane, John Galliano khỏi danh sách kế vị Virginie Viard
Tài khoản @stylenotcom của nhà báo thời trang Beka Gvishiani, tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy ông Bruno Pavlovsky đã gián tiếp gạch bỏ một số ứng cử viên mà giới mộ điệu đồn đoán, đơn cử là Hedi Slimane và John Galliano. Bởi hai nhà thiết kế này đều sở hữu cái tôi quá mạnh và thay đổi bản sắc của thương hiệu mà họ gia nhập.
Hedi Slimane vốn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất, vì anh được cho là sẽ rời Celine. Nếu trước đây, cư dân mạng còn cho rằng Hedi Slimane sẽ bỏ Celine để đến Chanel, thì bây giờ, họ chắc chắn rằng chiếc ghế giám đốc sáng tạo của Chanel sẽ không bao giờ mở ra cho gã quái kiệt. “Tạm biệt nhé, Hedi!”, họ bình luận!
Hedi Slimane có một truyền thống là thích thay đổi triệt để mã gen những thương hiệu mà mình hợp tác cùng. Khi vừa được trao quyền, ngồi trên ghế nóng còn chưa nóng ghế thì anh đã sửa luôn tên thương hiệu.
Ví dụ, anh biến dòng thời trang nam của Dior từ quý ông Dior (Dior Monsier) thành người đàn ông Dior (Dior Homme).
Năm 2012, anh rút ngắn Yves Saint Laurent lại thành Saint Laurent, gây ra làn sóng phẫn nộ lớn trong cộng đồng người hâm mộ thương hiệu. Thậm chí, fan cuồng của thương hiệu lúc đó còn in áo thun “Laurent mà thiếu Yves thì không còn nguyên vẹn” (Ain’t Laurent without Yves) để thể hiện sự phật ý với quyết định được xem là lộng quyền của Hedi.
Khi tiếp quản Céline, anh gạt phăng luôn dấu trên chữ é, loại bỏ hình ảnh rất Pháp của tên thương hiệu khi sửa tên thành Celine.
Hơn hết là, Hedi Slimane mang cái tôi rất lớn. Anh có một sự ưu ái đặc biệt cho vẻ đẹp drug chic với người mẫu ốm yếu, xanh xao như thể nghiện ngập.
Ví dụ, vào năm 2000, Dior Monsier thanh lịch và mạnh mẽ với quần âu, cà vạt cùng sơ-mi phải nhường chỗ cho quần skinny – một tạo phẩm gây bão nhưng vượt ngoài giới hạn những hiểu biết và hình ảnh quen thuộc của công chúng về Dior. Chuyện tương tự cũng diễn ra tại Celine. Không còn dáng dấp những cô gái thanh lịch kiểu Pháp của Phoebe Philo nữa. Thay vào đó là những thiết kế bó sát mang màu trắng đen hay làm từ da thuộc – rất Hedi Slimane.
Tất nhiên, là nhà thiết kế có cá tính mạnh thì Hedi Slimane cũng gây tranh cãi lớn. Nhiều người phát sốt vì sự sành điệu của anh. Người khác cho rằng anh quảng bá cho tiêu chuẩn hình thể độc hại. Nhưng thành công về thương mại mà Hedi Slimane mang lại cho các nhà mốt là không thể phủ nhận. Dior Homme ghi nhận mức tăng trưởng đến 41% vào năm 2002. Celine cũng gắn kết với nhiều những gương mặt quốc tế, nhân rộng sự ảnh hưởng lên thị trường châu Á.
Khôn khéo là có, giỏi kinh doanh lẫn giỏi thiết kế cũng có, nhưng có lẽ Hedi hơi…bướng để phù hợp với chân dung giám đốc sáng tạo mà Bruno Pavlovsky mong muốn.
Thời điểm năm 1996, khi Hedi được Pierre Bergé tuyển làm giám đốc cho dòng menswear của Yves Saint Laurent, anh thể hiện rõ sự ngưỡng mộ cho nhà mốt, nhưng hoàn toàn không muốn tri ân di sản gì cả. Thay vào đó, anh muốn thể hiện “cái hồn” và sự “bí ẩn” của riêng mình. Và đó chẳng phải là cơn ác mộng của Chanel theo những gì Bruno Pavlovsky đã chia sẻ hay sao?
Rõ ràng, Chanel đang không tìm kiếm một người có tham vọng xoay chuyển cục diện như Hedi. Họ cần người làm đúng, làm đủ, và có lẽ cái tôi của gã quái kiệt sẽ không thể gắn bó được lâu dài. Chính trong chia sẻ của mình, chủ tịch nêu cụ thể:
“Chúng tôi cũng muốn có những tầm nhìn khác nhau để làm giàu cho nhà mốt. […] Nhưng tìm được một người có hồ sơ xuất sắc, lại có quan điểm: “Tôi yêu Chanel, và tôi sẽ thiết kế cho Chanel, nhưng tôi không muốn dùng vải tweed đâu.” Việc đó hoàn toàn không ổn.”
Cùng một vấn đề như Hedi Slimane, John Galliano cũng là nhà thiết kế có cái tôi quá cao. Dior dưới sự trị vì của Galliano hoành tráng, hào nhoáng, nhưng đồng thời cũng khác lạ và phá vỡ đi nhiều khuôn khổ của nhà mốt nước Pháp. Bộ sách The Dior Series của Assouline là minh chứng điển hình nhất. Mỗi cuốn sách nói về một vị giám đốc sáng tạo khác nhau của Dior, với thiết kế nổi bật làm bìa sách. Nhìn vào cả 6 vị giám đốc sáng tạo, bìa sách của Galliano lại là một màn khiêu khích thị giác quái chiêu. Dẫu vậy, John Galliano hiện tại đang an vị tại Maison Margiela. Nên khả năng ông đến với Chanel là rất thấp.
Pierpaolo Piccioli, Sarah Burton và Simon Porte Jacquemus thêm cơ hội?
Sau những chia sẻ từ chủ tịch Bruno Pavlovsky, danh sách đề xuất cho chiếc ghế giám đốc sáng tạo nhà Chanel lại có sự thay đổi. Bây giờ, những người từng xuất sắc kế thừa di sản của người tiền nhiệm lại được gọi tên. Cụ thể, đó là Pierpaolo Piccioli và Sarah Burton.
Chanel cần một người lèo lái sẽ không pha tạp hay làm loãng đi mã gen của nhà mốt, và đó chính là những gì Pierpaolo Piccioli và Sarah Burton đã làm được khi tiếp quản đế chế Valentino và Alexander McQueen. Họ đã tạo ra những thập kỷ vàng son cho thương hiệu, nơi những thiết kế có chất riêng nhưng vẫn thể hiện rõ sự hiểu biết, tiếp nối di sản, và cũng đạt được những thành công ngày càng lớn hơn về mặt thương mại. Khi cả hai quyết định rời khỏi thương hiệu, sự ra đi của họ luôn khiến giới mộ điệu tiếc nuối và xúc động.
Simon Porte Jacquemus cũng khiến hội tín đồ không khỏi đồn đoán. Trước thềm show diễn kỷ niệm 15 thành lập Jacquemus, và cũng khoảng một tuần sau khi tin tức Virginie Viard rời Chanel được công bố, nhà thiết kế người Pháp đã chia sẻ bài đăng có hình ảnh do Karl Lagerfeld chụp, đồng thời bình luận vài lời về cảm hứng làm nghề được khởi xướng bởi ông hoàng tóc bạc.
Vì sao Simon lại chọn thời điểm đó để trải lòng liên quan đến Karl Lagerfeld? Ai cũng xem đó là tín hiệu cho thấy anh cũng nằm trong danh sách các ứng cử viên cho vị trí tân giám đốc sáng tạo Chanel.
NTK sinh năm 1990 được tin là hoàn toàn phù hợp với Chanel. Anh mang trong mình sự lãng mạn đúng chất Pháp, lại có sự sáng tạo đột phá trong chiến lược kinh doanh, luôn nhận được nhiều lời khen về khả năng sáng tạo không chỉ về thiết kế mà còn qua cách mang sản phẩm đến người tiêu dùng. Thừa kế đế chế hàng chục tỉ đô có lẽ sẽ không phải điều khó cho sự nhạy bén của Simon.
Tân giám đốc sáng tạo Chanel có thể đến từ êkíp nội bộ
Chủ tịch thời trang Chanel cũng cho biết họ cũng không ngoại trừ những ứng viên hiện đang làm việc cho chính nhà mốt. Bởi lẽ Virginie Viard cũng vậy, cũng từng là cộng sự thầm lặng của Karl Lagerfeld suốt hơn hai chục năm trước khi được thăng cấp. Những người này đã thấm nhuần phong cách của thương hiệu và không tốn nhiều thời gian thích nghi.
Ngoài ra, những người từng cộng tác thân cận với những giám đốc sáng tạo trước đây cũng có thể được xét duyệt.
Cập nhật mới từ Chanel cho biết nhà mốt sẽ giới thiệu BST Métiers d’Art tại Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 12 năm nay. Tới lúc đó, liệu họ đã lựa chọn được giám đốc sáng tạo mới hay chưa, và danh tính của người đó là ai, sẽ được tiết lộ.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
“AI SẼ KẾ VỊ VIRGINIE VIARD TẠI CHANEL?” LÀ CÂU HỎI GIỚI MỘ ĐIỆU BĂN KHOĂN NHẤT LÚC NÀY
CHANEL LẠI TĂNG GIÁ TRONG NĂM 2024 KHIẾN GIỚI MỘ ĐIỆU MẾCH LÒNG
NHÌN LẠI 5 NĂM CỦA CHANEL DƯỚI THỜI KỲ VIRGINIE VIARD
Tham khảo: @stylenotcom
Harper’s Bazaar Vietnam