NTK Li Lam, Đỗ Mạnh Cường và Sĩ Hoàng tham gia vào buổi thảo luận sôi nổi về lịch sử thời trang Việt Nam cũng như chia sẻ chân lý nghề thiết kế của họ
Ngày 5–7 đến ngày 7–7_2016 tại trường đại học Quốc tế RMIT, sự kiện mang tên “Fashion Colloquia: Sản xuất thời trang: Made in Vietnam” đã diễn ra, thu hút đông đảo những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới thời trang đến tham dự và cùng nhau thảo luận.
Fashion Colloquia được xem như một không gian chuyên nghiệp cho các học giả cũng như những chuyên gia có tầm ảnh hưởng trong ngành thời trang từ khắp nơi trên thế giới cùng tìm hiểu tương lai của ngành thời trang và may mặc. Đây là lần đầu tiên những thành viên cứng của tổ chức này quyết định mở ra một chuỗi các hội nghị trên toàn cầu song song với các tuần lễ thời trang để cùng học hỏi về một ngành công nghiệp luôn chuyển động. Năm nay, Việt Nam trở thành một trong số những nơi mà Fashion Colloquia đặt chân đến.
Ngành sáng tạo thời trang và bản sắc Việt
Ngày đầu tiên diễn ra chuỗi hội thảo, chị Trần Nguyễn Thiên Hương, chủ tịch Tập đoàn truyền thông Hoa Mặt Trời, đã mở đầu bằng một buổi thuyết trình về lịch sử thời trang Việt Nam. Qua bài thuyết trình, ta nhìn thấy rõ hơn sự chuyển biến của Áo Dài theo từng giai đoạn và sự phát triển của thời trang Việt trong vòng 20 năm qua. Bài thuyết trình tạo nên không khí liền mạch cho hội thảo và các hoạt động diễn ra sau đó.
Sự tự hào về bản sắc Việt một lần nữa được thể hiện qua buổi thuyết trình của chị LanVy Nguyễn, nhà sáng lập của Fashion4Freedom (F4F). Được thành lập vào năm 2010, F4F là công ty phát triển và sản xuất thời trang đi tiên phong trong mảng phát triển cộng đồng và bảo vệ di sản văn hóa thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Chị đã giải thích chuyên sâu hơn về cơ cấu của công ty mình, nêu ra những thách thức cũng như hướng giải quyết dưới góc nhìn một doanh nghiệp có cái tâm lẫn cái tầm khi đặt chân đến Việt Nam.
Những thách thức của làng thời trang Việt
Khi nói về thị trường thời trang Việt, giáo sư José Teunissen – Trưởng khoa Thiết kế và Công nghệ trường London College of Fashion đưa ra giả thuyết: “Thị trường và ngành công nghiệp thời trang chung ở Việt Nam đang bị mắc kẹt ở giai đoạn vạn người bán nhưng chỉ có trăm người mua.”
Bà cũng nêu rõ hai hướng nhìn nhận vấn đề này. Một là hiện nay, các nhãn hàng tung ra thị trường đều để thể hiện tinh thần thời trang của nhà thiết kế hoặc nhà sáng lập thương hiệu, chứ chưa thực sự nhắm vào thị hiếu của khách hàng. Đừng quên thời trang là để nói lên cá tính của người mặc. Thương hiệu phải tìm được sự đồng cảm của khách hàng. Điều thứ hai là tiềm thức của khách hàng. Suy nghĩ “thời trang là xa xỉ và không nằm trong cuộc sống hằng ngày” đã ăn sâu vào nhiều thế hệ người Việt.
Giám đốc phát triển kinh doanh của Zalora cũng nói: Đa số người Việt Nam vẫn chưa thực sự có thái độ nghiêm túc khi nhìn nhận về thời trang.
Đi tìm lời giải đáp
Để trả lời cho những thách thức trên, tiến sỹ Trần Văn Quyến – chuyên viên tư vấn chất liệu may mặc của Australian Wool Innovation, thuộc Woolmark Vietnam cho biết: “Để chuyển biến ngành công nghiệp thời trang, chúng ta cần thay đổi nhận thức về chất lượng quần áo của khách hàng. Việt Nam đang dần bước qua giai đoạn sản xuất hàng loạt vì các nhà thiết kế và các nhà sáng lập thương hiệu trong nước đã nhận ra được tầm quan trọng của chất liệu. Điều này cần được thúc đẩy hơn nữa.”
Cindy Vưu, phó giám đốc thương hiệu giày Biti’s, đồng thời là người sáng lập thương hiệu Gosto, cho biết mình nhìn được sự chuyển biến cần thiết này khoảng 10 năm về trước. Vì thế, cô đã cho ra đời thương hiệu Gosto, nâng cấp giày dép lên một tầm cao mới với chất lượng vượt trội và giá thành hợp lý.
Phát biểu tại Fashion Colloquia lần này, cô Christina Yu, người sáng lập thương hiệu giỏ xách Ipa Nima chia sẻ: “Điều quan trọng nhất mà những bạn trẻ đang bắt đầu khởi nghiệp cần làm là phải xác định được tầm nhìn cho doanh nghiệp của mình. Họ phải có can đảm để giữ vững lập trường và hướng đi riêng trong cơn bão cạnh tranh hiện nay.”
Phải có cá tính riêng
Các chuyên gia cho biết, trong sự chuyển biến khôn lường của ngành may mặc, khi các nhãn hiệu quốc tế du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, các thương hiệu và các NTK Việt phải tự tạo ra cá tính riêng cho chính mình. Nếu chỉ đơn thuần là sản xuất và bày bán các sản phẩm thì vẫn chưa nâng được giá trị sáng tạo của những mặt hàng của họ lên cao. Họ cần có một câu chuyện để kể về chính mình và về sản phẩm của mình thì mới có thể thu hút sự chú ý và chinh phục được người tiêu dùng trên thị trường. Ngoài ra, các nhà làm marketing cũng như bộ phần truyền thông cũng cần đưa ra những chiến lược quảng bá, tuyên truyền thông minh, hiệu quả để thời trang đến gần hơn với công chúng.
Kết luận từ hội thảo Fashion Colloquia
Thời trang là một trong những ngành công nghiệp thay đổi từng ngày. Với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì ngành thời trang lại càng có nhiều biến hóa và sự cọ sát cao độ, khi luật lệ và cung cách vẫn còn mơ hồ. Vì thế, Việt Nam trở thành một thị trường béo bở thu hút nhiều nhân tài thời trang đến để xây dựng và tạo chỗ đứng riêng cho chính mình. Chuỗi hội thảo đã đưa đến một bức tranh toàn cảnh về vị trí ngành thời trang Việt trên toàn cầu. Từ đó, giúp đưa ra nhiều giả thuyết về cách vận hành doanh nghiệp, cũng như những ý tưởng cải tiến trong giáo dục nhằm giúp ngành thời trang Việt tìm được lối đi và phát triển bền vững hơn.
Harper’s Bazaar Vietnam