Hình ảnh tại tuần lễ thời trang Luân Đôn
Ngày thứ 6 vừa qua, có lẽ là ngày thứ 6 tồi tệ đối với nhiều ngành công nghiệp, và đa số giới trẻ của châu Âu nói chung và ở Anh Quốc nói riêng: kết quả trưng cầu ý dân cho thấy Anh Quốc sẽ thoát ly khỏi khối Châu Âu – Brexit thật sự đã xảy ra.
Ngay lập tức, mệnh giá Bảng Anh tụt giảm không phanh và đã chạm đáy thấp nhất trong thập kỷ vừa rồi. Chứng khoán của các ông lớn đến từ Anh Quốc như Mulberry, Burberry và Jimmy Choo cùng bị rớt giá chỉ trong vòng vài tiếng.
Dù chắc phải vài năm nữa, Anh Quốc mới thực sự tách khỏi khối châu Âu, nhiều thành phần trong ngành công nghiệp thời trang đang tự hỏi rằng tương lai mình sẽ về đâu và sống còn như thế nào. Bởi lẽ Anh Quốc là một trong những đất nước phát triển mạnh mẽ về thời trang, và cụ thể Luân Đôn là một trong những thủ đô thời trang danh tiếng. Năm 2014, ngành công nghiệp này đã góp đến 38 triệu đô la Mỹ vào nên kinh tế Vương Quốc Anh.
Đồng Bảng thấp và sự hoang mang về luật lệ mới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những công ty thời trang đặt trụ sở tại Anh Quốc. Trong khi đó, nguồn chất liệu và nguyên liệu lại nằm rải rác trong khối liên minh Châu Âu.
Đêm thứ 5 trước ngày có kết quả chính thức, Hội đồng thời trang Anh đã khảo sát và cho thấy hết 90% thành viên đều muốn ở lại Châu Âu. Những có lẽ, 90% của ngành công nghiệp thời trang Anh không đủ để chống lại 52% cư dân Anh Quốc bỏ phiếu thoát ly. Điều này càng nói lên rõ sự điêu đứng của ngành công nghiệp thời trang Anh Quốc trước quyết định tách khỏi khối Châu Âu.
Bà Caroline Rush đại diện cho Hội đồng thời trang Anh cho biết: “Có rất nhiều nhà thiết kế bỏ phiếu cho việc ở lại Châu Âu. Họ chính là những thành phần làm nên ngành công nghiệp này. Sự vững mạnh của thời trang Anh đều nhờ có họ, thế nên chúng tôi bây giờ chỉ có thể dùng mọi cách để nhà nước đẩy sự ưu tiên lên cho ngành công nghiệp này.” Một nghiên cứu mới nhất tại Anh cho biết, cái giá phải trả của đồng Bảng thấp chính là sự ảnh hưởng lên các hoạt động kinh doanh bán lẽ, và nạn nhân hứng chịu đầu tiên chính là các khách hàng.
Hơn hết, tuần lễ thời trang Luân Đôn – một trong 4 tuần lễ thòi trang lớn nhất thế giới sẽ ra sao? Các hãng lớn của Anh Quốc trình diễn tại tuần lễ thời trang này đều có một nguồn khách hàng ổn định từ Châu Âu. Việc thoát ly sẽ dẫn đến những rào cản về thị thực và giấy tờ đi lại. Giờ đây, việc mời các khách hàng Châu Âu sang dự show của mình đồng nghĩa với việc tài trợ thị thực cho họ, và như vậy chính là gây thêm áp lực và tăng chi phí phát sinh cho các hãng thời trang.
Dù thế nào đi nữa Tuần lễ thời trang Luân Đôn vẫn sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay như dự định. Trong tuần lễ Men’s Fashion Week vừa rồi, các nhà thiết kế người Anh như Sibling, Sid Bryan và Cozette McCreery đã tính cực hỗ trợ chiến dịch bầu chọn ở lại châu Âu khi mặc những chiếc áo “In” trên sàn diễn. Ngay cả Christopher Bailey của Burberry cũng lên tiếng: “Anh Quốc sẽ mạnh hơn, an toàn hơn và phát triển tốt hơn nếu vẫn còn là một thành viên của Châu Âu.”
Giờ đây, ngôi sao thứ 12 của lá cờ liên minh Châu Âu đã biến mất, nền kinh tế Anh rớt khỏi vị trí số 5 trên thế giới, giới trẻ Anh Quốc không còn khả năng đi tự do trên 27 đất nước khác nữa… Anh Quốc đã có lại đất nước riêng cho chính mình, nhưng rồi sự cô lập chính bản thân sẽ đẩy họ tụt về nơi đâu so với khối liên minh Châu Âu, vốn dĩ được thiết lập là một hệ thống quốc tế? Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngành thời trang trong nước này và kéo theo hệ quả của ngành thời trang thế giới nói chung.
Harper’ Bazaar Việt Nam