Xu hướng sử dụng chất liệu có khả năng tạo ra nhiều sắc độ lấy cảm hứng từ sự biến ảo đầy thú vị của ánh sáng như ánh xà cừ, ánh kim được nhà thiết kế khai thác triệt để trong thời trang
Những vật thể đa sắc thường thu hút chúng ta. Đặc biệt hơn, những màu sắc đó được tạo ra ở cùng một vị trí khi nhìn từ những hướng khác nhau. Bong bóng xà phòng, vảy cá, váng dầu trên mặt nước, mặt trong của vỏ trai, v.v… đều mang vẻ đẹp óng ánh đó. Bề mặt của chúng như có một lớp nhũ mà dưới những điều kiện ánh sáng hay vị trí nhìn khác nhau sẽ tạo ra sự biến hóa về màu sắc. Hiệu ứng này trong tiếng Anh gọi là iridescent, xuất phát từ chữ “iris” trong tiếng Hy Lạp nghĩa là cầu vồng.
Con người đã không thể làm ngơ với vẻ đẹp này và sử dụng nó trên những món đồ, từ vật dụng gia đình khảm xà cừ đến trang sức, sơn móng tay và cả trang phục. Nói đến trang sức, không thể bỏ qua ngọc trai và đá opal với khả năng óng ánh nhiều màu. Vỏ của trai ngọc và một số loại sò, ốc khác cũng được khai thác để làm trang sức và vật dụng trang trí, khảm lên nội thất bởi lớp xà cừ tự nhiên tuyệt đẹp khắp mặt trong của chúng.
Riêng với thời trang, ngoài kiểu kim sa có khả năng biến đổi ra nhiều màu sắc, chất liệu phổ biến nhất tạo ra sự óng ánh là taffeta và organza. Satin, lụa Thái cũng cho người nhìn cảm giác như có một lớp nhũ bao bọc bên trên, tạo độ sáng tối và những sắc độ màu khác nhau.
Thực chất, những loại vải có được sự óng ánh là nhờ kỹ thuật dệt vải dùng các sợi dọc có tông màu khác so với các sợi ngang. Ngoài ra, người dệt có thể nhuộm ánh nhũ hoặc phủ một lớp màu ánh xà cừ lên vải để tạo sự óng ánh. Các nhà thiết kế thậm chí còn dùng cách xử lý phủ màu này cho chất liệu da mà bạn có thể thấy trên túi, giày, trang phục trong mùa này.
Ảnh: show diễn của Burberry
Để những màu sắc quen thuộc trở nên đậm chất futuristic, các nhà thiết kế chọn cách sử dụng chất liệu óng ánh, phá vỡ độc quyền về hiệu ứng ánh kim của màu đồng và bạc. Giới tạo mốt còn kết hợp nhiều màu sắc để tăng sự ấn tượng.
Từ trái qua: Burberry, Alexander Wang, Christian Dior
Với những chất liệu mà tự thân nó không có khả năng biến ảo đầy màu sắc, các nhà thiết kế sẽ “phù phép” bằng cách phủ lên một lớp màu xà cừ. Cách xử lý này giúp các phụ kiện da trông bóng bẩy và hiện đại hơn.
Để làm mới sắc ánh đồng, các nhà thiết kế chọn những gam màu gần với màu đồng như vàng, xanh nhớt, nâu hồng để thêm vào hiệu ứng ánh nhũ. Những sắc độ mới này nhẹ nhàng hơn ánh đồng và hợp với các cô gái trẻ. Ngoài ra, nếu muốn một tông nhu hơn nữa, bạn hãy chọn những màu thật nhẹ như xám nhạt, hồng da, da.
Cách đơn giản nhất để tạo hiệu ứng óng ánh cho trang phục là dùng chất liệu taffeta hoặc satin. Hiệu quả tuyệt đối sẽ đạt được khi kết hợp thêm màu sắc như trên những chiếc vỏ xà cừ. Công phu hơn, một số nhà thiết kế sử dụng pha lê và kim sa có tông xanh hoặc trắng để tạo ra khả năng bắt sáng và phản xạ ánh sáng tuyệt đẹp này.
Ảnh: Antonio Beradi
Vô số sợi kim tuyến mang lại độ óng ánh cho thiết kế này của Mary Katranzou.
Với thành phần latex cao, những chất liệu này có độ dày, bóng láng và cứng. Vì thế, nó thể hiện đầy đủ dải quang phổ màu sắc khi được phủ lên một lớp màu nhũ xà cừ. Chỉ cần đường cắt đơn giản thì một chiếc váy bút chì hay áo cổ chữ V cũng mang đậm nét viễn tưởng và một vũ trụ lung linh.
Trên sàn diễn Xuân Hè 2014, Ánh nhũ óng ánh trở lại với màu sắc miền nhiệt đới như xanh lá, đỏ, xanh dương cho những đêm hè thêm nóng bỏng