NHỮNG THĂNG TRẦM TRONG LỊCH SỬ YVES SAINT LAURENT

Quá trình phát triển của một trong những hãng thời trang Pháp danh tiếng Yves Saint Laurent đã chứng kiến sự ra đi và trở lại của những tên tuổi thiết kế lớn của ngành thời trang thế giới

Yves Saint Laurent (YSL) là hãng thời trang cao cấp do Yves Saint Laurent và Pierre Bergé thành lập năm 1961. Yves Saint  Laurent được xem là một trong những nhà thời trang danh tiếng nhất thế giới. Hãng thời trang nổi tiếng với những thiết kế hiện đại và độc đáo như những kiểu áo khoác tuxedo của nữ.

Ngày nay, YSL Paris kinh doanh rất nhiều mặt hàng từ quần áo may sẵn, đồ da, giày dép đến đồ trang sức. Dòng mỹ phẩm của Yves Saint Laurent cũng rất nổi tiếng trên thị trường mỹ phẩm cao cấp mặc dù dòng sản phẩm này hoạt động độc lập do L’Oréal Paris giữ bản quyền.

Pierre Bergé (đứng) và Yves Saint Laurent. Nguồn: theredlist.fr

Những người phụ nữ của Yves Saint Laurent

Trong suốt những năm 1960 và 1970, những sản phẩm nổi tiếng của YSL là dòng thời trang mang phong cách beatnik bụi bặm, những chiếc áo khoác thợ săn, những đôi bốt cao quá gối, quần bó và cả những bộ vest tuxedo cho phụ nữ gây nhiều tranh cãi năm 1966. Một số bộ sưu tập tạo nên dấu ấn khó phai của YSL như Pop Art, Ballet Russes, Picasso và bộ sưu tập thời trang mang phong cách Trung Hoa.

YSL là người khởi xướng cho xu hướng thời trang may sẵn (ready to wear), qua dòng sản phẩm Rive Gauche. Ông lấy cảm hứng qua những nàng thơ, cũng là bạn bè thân thích, như: Loulou de La Falaise, con gái của một hầu tước Pháp; Betty Catroux, con gái một nhà ngoại giao Mỹ; Catherine Deneuve, nữ diễn viên nổi tiếng của Pháp… Họ đều là những gương mặt nổi bật trong giới thời trang và thượng lưu.

Ngoài ra, nữ triệu phú Diane Vandelli (nhũ danh công chúa Romanovsky) cũng trở thành đại sứ cho thương hiệu. Bà cũng đã góp phần làm cho YSL trở nên nổi tiếng trong giới quý tộc và giàu có ở châu Âu.

Yves Saint Laurent nổi tiếng với những câu nói bất hủ như: “Chanel giải phóng phụ nữ còn tôi trao cho họ uy quyền” hay: “Tôi tạo ra tủ quần áo cho người phụ nữ hiện đại”.

Những chuyển biến theo năm tháng

Sau khi cho ra dòng mỹ phẩm vào năm 1978, Yves Saint Laurent tiếp tục mở rộng phạm vi trong những năm 1980 và đầu những năm 1990 với các loại nước hoa cho nam và nữ. Tuy nhiên, năm 1992 lợi nhuận của công ty bị giảm sút và giá trị cổ phiếu của nó cũng rớt mạnh.

Năm 1993, Sanofi, một công ty y dược, đã mua lại hãng thời trang Yves Saint Laurent. Từ năm 1998 đến năm 1999, Alber Elbaz, người sau này được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của Lanvin, đã thiết kế ba bộ sưu tập quần áo may sẵn cho YSL.

Năm 1997, Pierre Bergé bầu chọn Hedi Slimane làm giám đốc nghệ thuật và thiết kế các bộ sưu tập cho hãng. Cũng trong năm này, họ mở lại dòng thời trang dành cho nam YSL Rive Gauche Homme. Hai năm sau đó, Hedi Slimane quyết định rời khỏi YSL.

Năm 1999, tập đoàn Gucci mua lại YSL. Họ mời Tom Ford thiết kế dòng quần áo may sẵn. Còn Yves Saint Laurent tiếp tục thiết kế các bộ sưu tập thời trang cao cấp.

Năm 2002, Yves Saint Laurent sa vào ma túy, rượu chè, bị mắc bệnh trầm cảm và bị các nhà thiết kế phụ trợ tại YSL haute couture chỉ trích. Không thể đương đầu với stress, ông đã đóng cửa hãng thời trang cao cấp của YSL.

Năm 2004, Stefano Pilati thay thế Tom Ford làm giám đốc dòng thời trang may sẵn. Phong cách của ông mang âm hưởng của Pháp, kín đáo sang trọng khác với phong cách quyến rũ gợi cảm Tom Ford theo đuổi.

Năm 2008, Yves Saint Laurent qua đời. Đồng thời, sự thay đổi giám đốc sáng tạo đã dẫn đến việc đóng cửa nhiều cửa hàng thời trang mấu chốt của YSL tại các thành phố lớn của Mỹ như San Francisco, New York, Chicago…

Năm 2012, Hedi Slimane thay thế vị trí giám đốc sáng tạo của Stefano Pilati.

Năm 2017, Anthony Vaccarello trở thành giám đốc sáng tạo mới của Saint Laurent. Còn Hedi Slimane thì chuyển sang nhà mốt Celine.

Những scandal dưới thời Hedi Slimane

Ảnh quảng cáo chiến dịch Xuân Hè 2014 do Hedi Slimane thiết kế cho Saint Laurent Paris. Nguồn: ysl.com

Mặc dù thực tế là Hedi Slimane đã từng làm việc cho YSL trước đây, cũng có rất nhiều tranh cãi xoay quanh việc bổ nhiệm ông làm giám đốc sáng tạo, đặc biệt là sau khi có tuyên bố dòng thời trang may sẵn sẽ được đổi tên thành Saint Laurent. Tuy nhiên, cái tên Yves Saint Laurent và logo YSL vẫn được giữ lại trên các kiểu túi xách, giày và mỹ phẩm.

Hedi Slimane phát biểu rằng ý tưởng đổi tên của ông có từ khi dòng thời trang may sẵn lần đầu ra mắt với cái tên Saint Laurent Rive Gauche. Tuy nhiên, quyết định này đã trở thành chủ đề bàn tán của báo chí khắp thế giới.

Vấn đề càng trở nên căng thẳng hơn sau khi một cửa hiệu thời trang có tên Colette đã bán áo sơ-mi có in dòng chữ “Ain’t Laurent without Yves” (tạm dịch: Không phải là Laurent nếu không có Yves). Saint Laurent đã yêu cầu cửa hiệu này ngừng bán những chiếc áo sơ-mi với dòng chữ đó. Tháng 10–2013 báo chí cho biết Colette đã nhận được một lá thư buộc tội cửa hiệu này bán những sản phẩm giả làm tổn hại đến thương hiệu. Sau lá thư buộc tội, Saint Laurent đã tuyên bố hủy đơn đặt hàng của Colette cho bộ sưu tập mùa xuân năm 2014 bất chấp việc Colette vốn là bạn hàng thân thuộc của YSL kể từ năm 1998.

Cú vực dậy dưới thời Anthony Vaccarello

Saint Laurent Xuân Hè 2020. Tuần lễ thời trang Paris. Ảnh: Pascal Le Segretain/Getty Images

Tuy giới thời trang có bàn cãi gì đi chăng nữa, thì cái tên Saint Laurent vẫn được giữ cho dòng thời trang chính thức cho đến tận bây giờ. Và tân giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello không hề thay đổi chủ trương này.

Dưới thời Anthony Vaccarello, thương hiệu Saint Laurent một lần nữa bùng nổ. Kết quả kinh doanh từ tập đoàn Kering cho thấy Saint Laurent cùng với Gucci là hai thương hiệu có sự phát triển vượt bậc nhất của tập đoàn trong những năm 2018-2019. Chỉ một năm sau khi Anthony Vaccarello đến với Saint Laurent.

Bí quyết thành công của anh là gì? Có lẽ là việc hướng Saint Laurent trở về với kiểu dáng menswear edgy mà chic vốn có. Các thiết kế, từ thời trang đến phụ kiện, luôn ưu tiên hai gam màu trắng, đen, dễ mặc và phi giới tính (unisex).

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm