Kể từ khi bước chân vào nhà mốt Christian Dior; Maria Grazia Chiuri đã đặt ra quyết tâm theo đuổi niềm cảm hứng nữ quyền đến cùng tận. Một mặt, nhiệm vụ của cô rất cao cả. Mặt khác, nó thực dụng và thực tế đến phũ phàng.
Vâng, phụ nữ có thể là hợp thành của cả hai yếu tố ấy. Nhưng thực tế mà nói, phiên bản Dior “trẻ hơn” của bộ sưu tập Dior Xuân Hè 2018 lần này không hoàn toàn hợp lý. Là nhà mốt sang trọng hàng đầu của nước Pháp; với âm hưởng New Look đã đi vào huyền thoại; giờ đây, Dior đã bị chuyển mình theo hướng khác; để phục vụ cho thế hệ trẻ hơn. Hình bóng những quý cô, quý bà quyền quý trong chiếc đầm váy cocktails hay phom dáng đồng hồ cát đã hoàn toàn biến mất.
Thay vào đó, những cô gái của Chiuri giờ bước xuống đường băng trong đôi giày thấp gót hay đôi tất đen cao vượt quá bắp chân. Họ xuất hiện với gần như mọi thứ; từ quần jean chắp vá của thập niên 70 cho đến chiếc áo len rực rỡ mang hoạ tiết khủng long; từ bộ pantsuit đen cho đến những chiếc đầm lóng lánh, soi tỏ cả nội y.
Tuy nhiên, không phải phom dáng; chất liệu hay nghệ thuật cắt may; phụ kiện mới là yếu tố gây chú ý nhất trong cả bộ sưu tập. Với nhiều năm ở Valentino chuyên mảng đồ phụ kiện; Chiuri chính là một chuyên gia trong xử lý và lặp lại dáng dấp một đôi giày; cho đến khi nó thành thứ duy nhất thu hút sự chú ý. Nhận thức rõ thế hệ millennials xa rời cao gót; Chiuri tấn công vào dòng giày thấp gót cùng các mẫu tất cao. Điều này không chỉ thể hiện một góc nhìn thực tiễn; mà còn rất khôn ngoan trong tính toán thương mại. Và ở phần nào đó, Dior – hay Chiuri đã thắng.
Điều gây tò mò nhất, và cũng tranh cãi nhất, là dòng chữ Why Have There Been No Great Woman Artists? (tại sao không còn nghệ sĩ nữ vĩ đại nào nữa?), được in đậm trên chiếc áo sọc ngang đậm chất Parisian Chic ngay ở look mở màn.
Vì sao lại có câu hỏi đó? Câu trả lời nằm trong bài tiểu luận của nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Linda Nochlin, khi phản ánh lý do khiến phụ nữ bị loại khỏi cơ chế nghệ thuật trong suốt những chiều dài lịch sử. Là một người phụ nữ và cũng là nghệ sĩ; hơn ai hết, Chiuri hiểu rõ những áp lực nữ nghệ sĩ đã và đang gánh chịu. Từ sự “hiểu” đó, cô biến chúng thành hành động rõ rệt; như tỏ lòng tôn kính với Georgia O’Keeffe trong bộ sưu tập Cruise vừa trình làng cách đây một vài tháng.
Với Dior Xuân Hè 2018, cô khai thác mối liên hệ với họa sĩ Niki de Saint Phalle; nữ quý tộc trẻ trung và nổi loạn; người có những bức ảnh nằm trong kho lưu trữ Dior – bởi vì cô từng làm mẫu cho Marc Bohan đầu những năm 60. Kiệt tác điêu khắc Tarot Garden của cô ở Tuscan đã trở thành cảm hứng tạo nên bối cảnh đằng sau bộ sưu tập; các mẫu đầm mini đính sequin dày đặc; và hàng loạt mẫu đồ như vô số tinh thể vụn vào cuối bộ sưu tập.
Câu chuyện nữ quyền, giờ đã được nhân đôi với nội dung truyền tải từ dòng chữ của Nochlin; đồng thời tôn vinh tác phẩm của Saint Phalle. Và sau đó, bằng cách đưa thông điệp ấy lên người Pivovarova, một họa sĩ kiêm người mẫu nổi tiếng; Chiuri đã gửi đi niềm trăn trở rằng mục tiêu tạo ra sự bình đẳng ở thời trang và xa hơn thế nữa, vẫn còn rất xa vời.
Bước đi này có thành công hay không? Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể khẳng định được điều gì, vì vẫn còn có quá nhiều tranh cãi xung quanh các thiết kế mang dấu ấn Chiuri. Âm hưởng một thời của New Look, tuy đã bị phá bỏ hoàn toàn; nhưng vẫn còn đâu đó thông điệp đẹp về những người phụ nữ. Cần nói thêm rằng, trong thời đại ngày nay, một thương hiệu thời trang cần nhiều hơn chỉ là những sản phẩm đẹp mã. Với việc xác quyết vào một điều cô thật sự tin tưởng; và đi theo đúng niềm tin như tín đồ mộ đạo; Chiuri đã đưa Christian Dior vào một con đường mới – mạnh mẽ, chông gai hơn rất nhiều.
Bộ sưu tập Dior Xuân Hè 2018:
Harper’s Bazaar Việt Nam