Bộ sưu tập No.9 “Lúa” gây ấn tượng mạnh trong đêm mở màn VIFW 2016
Không chỉ tạo được ấn tượng mạnh bởi bộ sưu tập mang hơi thở couture cầu kỳ, Nguyễn Công Trí còn đem lại cho khán giả cảm xúc thăng hoa trong nghệ thuật và sáng tạo bằng bài múa mở màn công phu và chuyên nghiệp.
Không nằm ngoài dự đoán, đêm khai mạc Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam Xuân Hè 2016 (VIFW 2016) trở nên sôi động và hào hứng hơn bao giờ hết. Không chỉ vì đây là sân chơi thời trang chuyên nghiệp đáng được mong đợi nhất trong năm mà còn vì những tên tuổi góp mặt trong chương trình lần này đều là những nhà thiết kế và thương hiệu đã gây được tiếng vang trong làng thời trang Việt.
Mở màn cho đêm diễn đầu tiên của VIFW 2016, nhà thiết kế Nguyễn Công Trí đã thỏa mãn người xem bằng những bộ trang phục tuyệt đẹp thuộc bộ sưu tập No.9 “Lúa” – bộ sưu tập mà anh đã tự hào mang chuông đi đánh xứ người cách đây không lâu tại Tuần lễ Thời trang Tokyo. Nhưng điểm nhấn của show diễn còn nằm ở tiết mục múa đẹp mắt và vô cùng điêu luyện mở đầu cho chương trình. Màn trình diễn khéo léo và chuyên nghiệp của vũ đoàn dường như tăng thêm sức hút cho bộ sưu tập vốn đã được giới thời trang đánh giá cao trước đó.
Vẫn giữ nguyên tinh thần vốn có, “Lúa” là những xúc cảm duy mỹ tinh tế của một người đàn ông Việt từng trải dành trọn cho quê hương nguồn cội. “Tôi là người Việt. Những gì thuộc về đất nước này luôn là cảm xúc chủ đạo trong các bộ sưu tập của tôi.” – Công Trí tự hào chia sẻ. “Bảo bối” được Công Trí chọncho bộ sưu tập No.9 là chất liệu lụa Lãnh Mỹ A huyền thoại của Việt Nam. Lãnh Mỹ A là loại lụa quý giá chứa đựng kì công và tay nghề tinh túy của những người thợ làng lụa Tân Châu. Mang sắc đen tuyền óng ả, quần áo may bằng lụa này mặc đến sờn rách thì vải vẫn không bao giờ xuống màu. Phẩm nhuộm lụa là nhựa của quả mặc nưa có nguồn gốc từ Campuchia, chỉ có thể thu hoạch trong vài tháng nhất định trong năm. Phải tốn đến hai tấn mặc nưa chỉ để nhuộm ra 1000m vải trong vòng ba tháng trời. Lãnh Mỹ A không co giãn và không hút ẩm, mặc vào mùa hè thì thoáng mát, mặt vào mùa đông thì ấm áp lạ thường. Ngày xưa, loại vải này vốn chỉ dành cho những gia đình quyền quý, trung lưu cũng bởi sự kỳ công trong chế tác và sản xuất.
Từ nguyên liệu vô cùng quý giá đó, Công Trí vận dụng khối óc sáng tạo lẫn thẩm mỹ độc đáo của mình, thổi vào chất liệu trứ danh hơi thở vô cùng hiện đại và mới mẻ. Kỹ thuật smocking tạo bề mặt vải phong phú vốn là dấu ấn phong cách đặc trưng của nhà thiết kế từ BST No.7 tiếp tục được khai thác triệt để, cộng hưởng với sắc đen tuyền bóng mượt của Lãnh Mỹ A và nghệ thuật bố cục chi tiết tinh xảo tạo nên bộ chất liệu thuần Việt vừa gần gũi nhưng không kém phần lạ lẫm, tạo sức hút thị giác ấn tượng cho từng bộ trang phục ngay từ cái nhìn đầu tiên.