Mù Cang Chải mùa lúa chín đón chào mùa Thu tới

Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải như những con sóng vàng óng uốn lượn theo triền núi, lớp nọ gối lớp kia đến bất tận

Đường vào thị trấn Tú Lệ, cửa ngõ của vương quốc ruộng bậc thang Mù Cang Chải yên bình đến nao lòng. Hương thơm ngọt dịu của gạo nếp nương, của cốm ngậm sữa cứ thoang thoảng trong gió. Tiếng chày gỗ giã cốm thình thịch suốt con đường dọc thị trấn như mời gọi, đưa tôi tạt vào một lò cốm gần đó. Mấy cô gái Thái mặc áo cóm thắt đáy lưng ong tươi cười mời chào. Trong bếp, làn khói màu trắng sữa lan tỏa đưa mùi thơm đi khắp nơi.

bz000_escape_mucangchai_10_16

“Từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 là mùa lúa chín. Lúc này, trên trời là sắc xanh, còn ở dưới tràn ngập trong màu vàng óng của lúa chín”   

Kiệt tác của sự cần cù

Thị trấn Tú Lệ nổi tiếng với những hạt gạo nếp tròn và trong veo. Người ta truyền tai nhau rằng cây lúa nếp Tú Lệ là cây lúa trời cho, dẻo thơm ngon nhất vùng Tây Bắc. Khi lúa vừa ngậm sữa là bà con người dân tộc Thái nô nức đi gặt về rang và giã thành cốm. Mùa thu gọi mùa cốm về, làng bản lại nhộn nhịp trong tiếng bước chân hoạt bát, tiếng giã cốm thậm thịch vang xa, mùi cốm ướp thơm cả một vùng. Cầm trong tay bọc cốm xanh mướt, mềm dẻo, tôi cứ ngỡ mình đang ôm trọn vào lòng cái tinh túy của đất trời.

untitled-3

Qua hết Tú Lệ là hành trình vượt đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo vùng Tây Bắc của Việt Nam. Con đèo dài hơn 25 km quanh co ôm sát vào ngọn núi mà đỉnh của nó luôn chìm trong mây mù. Từ trên đèo Khau Phạ nhìn xuống thung lũng Lìm Mông là những thửa ruộng bậc thang vàng rực lúa chín. Cánh đồng bao la, trải dài như một chiếc thúng khổng lồ mà mỗi nan thúng là những thửa ruộng bậc thang. Những cánh đồng tăm tắp đầy ắp lúa vàng nối nhau từ bản Lìm Mông đến Lìm Thái, từ bờ suối, leo lên đồi, nối tiếp núi và thoắt ẩn thoắt hiện trong làn mây.

gds

Ngạc nhiên hơn cả, chủ nhân tạo ra những kỳ quan này không ai khác chính là những người dân tộc H’Mông chăm chỉ. Ở vùng này, người Thái lập bản ở vùng đồi thấp, làm lúa nước ở thung lũng. Còn núi rừng mênh mông hiểm trở trên độ cao gần 1.000m là nơi người H’Mông canh tác, nơi mà cả trâu, bò đều không lên được. Nhưng bằng những nông cụ thô sơ như dao, cuốc… bà con người H’Mông cứ cần cù từng ngày tạo nên những khoanh ruộng có khi chỉ vài mét vuông hoặc bé hơn nữa. Họ khéo léo, giỏi vượt đèo, trèo núi để biến núi đồi vùng cao này trở thành ngút ngàn ruộng bậc thang. Những thửa ruộng cứ từng cấp, từng cấp ôm theo triền núi. Có thửa ruộng như lưỡi liềm, có thửa tròn xoe như một chiếc mâm vàng, có thửa lại chảy vòng quanh như trôn ốc, nhưng cũng có nơi nhìn như cánh sóng biển với những bông lúa dập dờn theo gió.Đó cũng là chiếc thúng trời cho để đong những mùa vàng bội thu của trời đất ban tặng cho những con người chất phác, hồn hậu nơi đây.

Thiên đường bình yên

Càng gần đến trung tâm huyện, ruộng càng nhiều với đủ hình thù lạ mắt. Khắp 14 xã ở thị trấn Mù Cang Chải chỗ nào cũng có ruộng bậc thang. Dọc theo quãng đường 10km qua thị trấn huyện, tôi không thể rời mắt khỏi những thửa ruộng bậc thang tạo thành từng đường vân mềm mại đắm say lòng người.

Tuy nhiên, lòng tôi thôi thúc muốn được chiêm ngưỡng thiên đường ruộng bậc thang đẹp nhất Mù Cang Chải ở xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và cầu Ba Nhà. Để đến đó, chỉ có cách lội bộ hoặc đi xe máy lang thang cả ngày trên những con đường mòn ngoằn nghèo uốn lượn quanh những dãy núi điệp trùng, len lỏi giữa đại ngàn nguyên sơ. Chẳng ai có thể ngờ được là vùng đất hoang sơ này lại sở hữu những thửa ruộng tuyệt đẹp và kỳ vĩ đến thế.

sa

Vào Chế Cu Nha hoặc La Pán Tẩn, bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn những ngôi nhà làm bằng gỗ, mái lợp lá và treo rất nhiều ngô. Những bắp ngô đến mùa thu hoạch được bóc lớp áo ngoài, bó lại thành chùm rồi treo khắp ngoài hiên, trong nhà. Màu vàng ruộm ánh đỏ của những chùm ngô ánh lên trong vệt nắng chiều từ khung cảnh hoàng hôn huyền hoặc nơi đây.

hdfg

Người dân tộc H’Mông thu hoạch lúa rất khác với kiểu thu hoạch ở miền xuôi. Khi cắt lúa chín, họ không dùng liềm mà dùng dao nhỏ dài khoảng 20cm. Bằng đôi tay nhanh thoăn thoắt, họ cắt khoảng năm bông lúa một lần rồi rải thành đống trên mặt ruộng chứ không bó. Một chiếc thùng gỗ to được kéo vào ruộng để đập lúa. Già trẻ gái trai, ai ai cũng chung tay phụ giúp. Họ vừa đập lúa, vừa rôm rả trò chuyện bên triền núi. Từ đây thóc sẽ được đóng bao tải và bằng đôi vai dẻo dai, người phụ nữ H’Mông sẽ cõng lúa về nhà. Đường đi về dù có xa, nhưng không bao ngờ ngớt những tiếng cười hạnh phúc reo vang cả một vùng trời.

sd

VẬT DỤNG CẦN THIẾT:

untitled-1

Thời tiết tháng 10 ở Tây Bắc ngày nắng gắt, đêm lại se lạnh. Vì vậy đừng quên mang theo một chiếc áo khoác gió mỏng và kem chống nắng nhé!

Bài và ảnh: TÙNG DƯƠNG.

Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 10/2016

Xem thêm