Gõ dòng chữ #cleaneating trên Instagram, và chỉ trong vòng vài giây, hơn 35 triệu hình ảnh sẽ xuất hiện trên màn hình máy tính, khắc họa lại mọi thứ từ những dĩa salad đầy màu sắc cho đến các thức uống smoothie. Không thể phủ nhận hiệu quả từ trào lưu ăn sạch này. Nhưng hãy cùng dõi theo Lisa Niven để tìm câu trả lời: liệu hiệu quả ấy có đang được dùng theo một cách đúng đắn – và trào lưu ấy thực chất có nghĩa gì?
Ăn sạch là gì?
Trên thực tế, tầm quan trọng của thực phẩm tươi sống, chưa chế biến và chế dộ ăn nhiều rau đã được biết đến trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng nhờ có tầm ảnh hưởng của các blogger về dinh dưỡng như Ella Mills; Deliciously Ella; Madeleine Shaw và Amelia Freer; tầm quan trọng ấy càng được nhiều người biết đến. Ăn sạch là thuật ngữ xuất hiện từ chính phong trào đó; ban đầu được sử dụng để mô tả thực phẩm tươi sống và giàu chất dinh dưỡng. Nhiều người đánh đồng việc ăn sạch với chế độ ăn uống hữu cơ; một số chế độ ăn kiêng; ăn chay; hay biện minh cho kế hoạch ăn uống rất hạn chế với không gì ngoài các loại rau, hạt.
Nhiều người trong số các blogger và các ngôi sao truyền thông xã hội gắn liền với thuật ngữ ăn sạch còn được biết đến với việc bỏ qua toàn bộ nhóm thực phẩm – như sữa; gluten; ngũ cốc; các sản phẩm từ động vật – mà từ đó thuật ngữ ấy gần như gắn liền với định nghĩa ăn sạch. Song, theo từ điển Oxford, ăn sạch lại mang nhiều ý nghĩa hơn thế: đó là chế độ ăn gồm thức ăn giàu chất dinh dưỡng; chưa tinh luyện; chưa tinh chế; thường được ăn như những bữa nhỏ trong ngày. Và thuật ngữ “ăn sạch” được sử dụng tới cuối bài sẽ gắn sát với cách định nghĩa này.
Ăn sạch chiếm ưu thế ra sao trong thời điểm hiện tại?
Để biết được mức độ phổ biến của trào lưu ăn sạch; bạn có thể đơn giản chỉ cần nhìn vào các phương tiện truyền thông và xã hội. Mills có hơn 1,2 triệu người theo dõi Instagram. Niomi Smart 24 tuổi có tới 1,8 triệu người; và Honestly Healthy của Natasha Corrett có trên 300.000 người. Cải kale dần thay thế các loại cải thông thường trong chế độ ăn uống. Hạt chia xuất hiện khắp menu ở các quán giải khát. Và dầu dừa được bày bán mọi nơi; để đạt đến đỉnh điểm là một sản phẩm được bán ra trong mỗi 30 giây vào Black Friday năm 2014.
Thậm chí những người như Jamie Oliver và Nigella Lawson cũng đã đưa ra cố gắng đáp ứng nhu cầu ăn uống sạch khi phát hành hai cuốn sách về siêu thực phẩm. Vào năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới đã giảm một nửa khẩu phần đường được đề nghị hàng ngày thành sáu muỗng cà phê mỗi người, trong khi Time đưa câu chuyện về bơ làm cover tạp chí. Ăn sạch, giờ đây đã không chỉ gói gọn trong một chế độ ăn thông thường; mà đã trở thành một phong cách sống; một dấu hiệu chứng minh sự gia tăng nhận thức của con người về giá trị cuộc sống.
Đọc thêm: 5 mẹo thanh lọc cơ thể để sở hữu làn da sáng và vóc dáng khoẻ mạnh
Trào lưu ăn sạch: Tiêu cực hay tích cực?
Theo Elaine Slater, nhà tâm lý học tại The Priory, “đôi khi, ngành công nghiệp về ăn uống lành mạnh không dựa trên khoa học hay hay giá trị thức ăn; mà thực chất là xu hướng thương mại. Ở một số mức độ, việc ăn uống lành mạnh đã thay đổi từ nhận thức về thức ăn sang nỗi ám ảnh và sợ hãi. Xu hướng và sự cường điệu liên quan đã tạo ra một nền tảng hoàn hảo cho việc phỉ báng chế độ ăn hiện đại; để định hình nên chế độ ăn đang được cho là đúng.”
Việc loại bỏ toàn bộ nhóm thực phẩm bởi cả những người không bị dị ứng với chúng cũng bị các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng chỉ trích rất nặng nề. Piggot lập luận: “Ý tưởng về các loại thực phẩm sạch sẽ mang đến thông điệp rằng những thực phẩm khác ‘bẩn’. Điều này tạo ra mối quan hệ tiêu cực với thực phẩm – theo mặt dinh dưỡng và cả mặt tâm lý.” Đó là chưa kể đến nỗi ám ảnh về dinh dưỡng trong thực phẩm cũng sẽ dẫn đến sự không coi trọng việc thưởng thức thực phẩm.
“Việc ăn uống lành mạnh thực sự rất phức tạp bởi vì một số người đã thực hiện nó bằng cách loại bỏ mọi thứ khác –đồ ăn không chứa gluten, không uống sữa, thuần chay… Cũng có rất nhiều công thức nấu ăn xuất phát từ khía cạnh ăn uống sạch chứ không phải người ăn – điều khiến việc nấu ăn trở nên rất nhàm chán.” Đầu bếp Gizzo Erskine cho biết.
Chúng ta nên làm gì với khái niệm ăn sạch?
Năm 2015, Erskine cho ra mắt cuốn sách Healthy Appetite, để khuyến khích việc sử dụng thực phẩm tươi và các thành phần tốt để tạo ra các bữa ăn cân bằng mà không loại bỏ bất kỳ nhóm thực phẩm nào hay dựa quá nhiều vào các thành phần ăn uống theo trào lưu. Cô cũng sáng lập một công ty chuyên về đồ ăn nhanh lành mạnh, Pure Filth, vào cuối năm 2017.
“Điều gây khó chịu nhất đối với tôi là dầu dừa. Mọi người đang sử dụng nó trong mọi thứ; vì chúng được xem là loại dầu có lợi nhất cho sức khoẻ. Vâng, đúng là nó có lợi cho sức khoẻ. Nhưng tôi tin, là một người nấu ăn, chúng ta nên sử dụng mọi loại dầu, từ bơ cho đến dầu hạt cải. Và nếu tôi đang nấu món Ý, tôi sẽ dùng dầu olive. Dầu dừa cho món bolognese sao? Không, vì nó sẽ có vị của dừa!”
Đọc thêm: 12 loại thực phẩm giúp bạn đốt cháy calories nhanh chóng
Đừng biến ăn sạch thành cực đoan
Đến với chế độ ăn uống sạch, có một điều quan trọng bị nhiều người bỏ qua. Đó là sự cân bằng. Đúng vậy, phong trào ăn sạch đã làm cho khái niệm về ăn uống lành mạnh trở nên rất phức tạp. Nhưng bạn có thể chỉ cần tâm niệm rằng điều quan trọng nhất là sử dụng các loại thực phẩm chưa qua chế biến; thực phẩm tươi sống; không tinh chế và cân bằng cùng rau củ. Đối với mỗi chuyên gia về chế độ ăn uống hoặc chuyên gia dinh dưỡng; luôn có cách ăn uống khoẻ mạnh mà không hề cực đoan.
“Đã đến lúc phải hiểu khái niệm ăn uống lành mạnh; cơ bản là một thông điệp tốt đơn giản về những điều cơ bản”, Slater nói. “Để tránh những khía cạnh thương mại hóa của phong trào ăn sạch; hãy lắng nghe những chuyên gia có trình độ về dinh dưỡng. Nhờ đó, chúng ta có thể học cách ăn uống lành mạnh, tỉnh táo và trực quan. Không ai thích được bảo phải làm gì – nhất là trong thời đại thông tin đang nhiễu loạn. Vì vậy, một giải pháp cân bằng và tiết chế sẽ là khôn ngoan nhất để giải quyết vấn đề.”
Harper’s Bazaar Việt Nam