POWER WOMAN: Nữ doanh nhân Thanh Thủy – “Là phụ nữ, bạn đã nắm chắc thành công”

Phong thái khoan thai, nhẹ nhàng toát lên vẻ nữ tính là ấn tượng đầu tiên khi gặp nữ doanh nhân Thanh Thủy, nhưng ẩn sau vẻ ngoài ấy là một trái tim nóng và cái đầu lạnh để đứng vững trên thương trường

Hoạch định chiến lược phát triển, quyết định sản phẩm bán ra thị trường và điều phối các bộ phận, chính là công việc thường ngày của chị. Trong ngành kinh doanh y tế, nhiều dòng sản phẩm chính của Better Medical Science (BMS) bao gồm sản phẩm bao bì đóng gói y tế, vật liệu tiêu hao đinh ốc sử dụng trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và thiết bị chuyên dùng trong phòng mổ. 20 năm trong nghề cũng là 20 năm người phụ nữ can đảm ấy dám đi theo con đường độc đạo, tìm một lối đi khác cho người bệnh và ngành y tế Việt Nam.

Bazaar: Tại sao chị lại theo đuổi ngành kinh doanh y tế?

Thanh Thủy:  Công việc đặc thù của ngành y mang ý nghĩa nhân văn cao cả, được bước vào ngành này là điều tôi mong muốn. Tại sao không? BMS hiện đang sản xuất và phân phối những thiết bị y tế có khả năng giúp cứu sống mạng người, chữa lành bệnh tật. Hàng ngày, được tiếp xúc với nhiều người giỏi giúp tôi mở mang kiến thức. Khi bắt đầu thành lập BMS, tôi nhận thấy mảng kinh doanh về thiết bị y tế lúc bấy giờ không có nhiều đối thủ cạnh tranh. Tất cả đối tác và nhà cung cấp nước ngoài đều cho rằng Việt Nam chưa đủ tiềm lực để tham gia vào thị trường nên tôi quyết định khởi nghiệp với sản phẩm y tế.

Bazaar: Theo chị, tại sao trong ngành y tế lại ít đối thủ cạnh tranh?

Thanh Thủy: Lý do vì đây là một ngành nghề đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật lành nghề và tiềm lực về tài chính. Chất lượng đội ngũ nhân viên cao đồng nghĩa với quy trình tuyển chọn phải kỹ càng. Sản phẩm do công ty tôi làm ra ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân, tất cả quy trình sản xuất đều trải qua nhiều vòng kiểm duyệt gắt gao của Bộ Y tế để xin được giấy phép cũng như kho lưu trữ. Để được độc quyền sản phẩm chấn thương chỉnh hình, vốn đầu tư lớn cũng là điều cực kỳ cần thiết. Cơ sở hạ tầng, kho hàng, bến bãi đều phải đạt yêu cầu. 

edi_ctv_kyanh_0838-new

Trang phục và phụ kiện, Gucci

Bazaar: Ngành nghề nào cũng có mặt tốt, mặt xấu. Đối với chị, ngành y tế nước ta còn yếu ở điểm nào?

Thanh Thủy: Một trong những vấn đề mà tôi phải đối mặt hằng ngày là người bệnh Việt Nam, chủ yếu giới nhà giàu và trung lưu dường như chưa có sự tin tưởng với ngành y tế nước nhà. Họ thường chọn sang nước ngoài, như Singapore hoặc Thái Lan để chữa bệnh. Cùng một dòng sản phẩm y tế, nhưng các công ty nước ngoài cung cấp với cái giá cao hơn chúng tôi gấp đôi, thậm chí gấp ba, bốn lần. Chi phí khám chữa bệnh do đó mà tăng lên cao, nhưng họ vẫn “cắn răng” chấp nhận. Hiện trạng như vậy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chất lượng sản phẩm thì không phải bàn tới, mà do bức tranh chung của ngành y tế Việt. Nếu điều kiện, cơ sở hạ tầng ở các bệnh viện Việt Nam được cải thiện tốt hơn thì chắc chắn các sản phẩm y tế cùng đội ngũ y, bác sỹ trong nước sẽ có nhiều cơ hội đến với người bệnh hơn. Đó là điều tôi băn khoăn nhiều nhất, rằng tại sao Việt Nam có sản phẩm chất lượng tốt mà bệnh nhân vẫn phải sang nước ngoài chữa bệnh?

Bazaar: Trong công việc, chị có đặt niềm tin hoàn toàn vào ai không?

Thanh Thủy: Better Medical Science với đội ngũ quản lý chủ chốt là anh chị em trong gia đình – những người tôi tin tưởng nhất. Họ được ví như bộ xương sống của công ty. Điều quan trọng là tìm kiếm sự hỗ trợ cho bộ xương sống ấy. Tôi nghĩ muốn tồn tại lâu dài trong một ngành nghề áp lực cao, cần phải biết đặt niềm tin vào người khác. Ôm đồm tất cả mọi công việc dễ dẫn đến quá tải và gây ảnh hưởng đến toàn bộ bộ máy. Một ngày tôi chỉ đến công ty 3–4 tiếng, thời gian còn lại tôi dành cho việc networking, trau dồi kiến thức cho bản thân và định hướng sự phát triển của công ty trong những năm tới. Bạn chỉ có thể có thời gian riêng cho mình nếu biết cách phân chia công việc hiệu quả.

Nhân viên của tôi gồm rất nhiều người trẻ và có tài. Một lần, tôi tuyển cô nhân viên rất trẻ vào công ty, em chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhiều người nghi ngờ nhưng tôi thì không, cái tôi nhìn thấy trong buổi tuyển chọn đó là đôi mắt đầy lửa của em. Nhiệt huyết là điểm mạnh của cô bé ấy. Những nhân viên khác cũng vậy, người thì giỏi đưa ra chiến lược, người lại có tài ăn nói thuyết phục… Tin đúng người, giao đúng việc cũng là điều mà một người chủ doanh nghiệp phải học nếu muốn đạt tới thành công.

edi_ctv_kyanh_0969-new

“Người phụ nữ mạnh mẽ và thành công phải biết cách cân bằng giữa nhiều khía cạnh trong cuộc sống”

Bazaar: Việc gì muốn làm tốt đều phải tự mình. Tin tưởng nhân viên như vậy, chị có gặp phải rủi ro khi họ sẽ làm hỏng việc?   

Thanh Thủy: Triết lý kinh doanh của tôi là tin tưởng cấp dưới và phân chia công việc hiệu quả. Khi mình tin tưởng người khác, đồng thời cũng khiến họ nhận biết được sức nặng của sự tin tưởng ấy. Như vậy, bằng cách này, tôi có thể tạo động lực cho nhân viên cố gắng hết mình trong công việc. Thành công của công ty hiện tại đâu phải chỉ mình tôi mà nhờ có họ mới đạt được. Đương nhiên, rủi ro là điều khó tránh khỏi. Nhưng không có nghĩa tự làm một mình bạn sẽ không gặp sai phạm. Điều quan trọng là khi sai phạm xảy ra, bạn giải quyết nó như thế nào.

Bazaar: Chị xử lý thế nào khi có lỗi xảy ra?

Thanh Thủy: Thực sự mà nói, qua việc mắc sai phạm, tôi nhận thấy nhân viên còn yếu kém ở đâu và giúp họ sửa chữa. Đó là một cơ hội tốt chứ chưa hẳn đã xấu. Sau đó, guồng máy chạy trơn tru và hiệu quả hơn. “Sự thành công sẽ mang đến niềm vui, nhưng sai lầm sẽ cho mình bài học”, tôi thường nhắc nhở nhân viên như vậy. Bạn không thể cho phép mình phạm quá nhiều sai lầm hay đặc biệt lặp lại cùng một lỗi đến lần thứ hai. Cái giá của bài học đó có thể rất đắt.

Sai phạm luôn đến từ hai phía. Khi nhân viên gây ra lỗi, 50% trách nhiệm thuộc về tôi. Tôi đã nhìn sai người, tôi đã không theo sát tiến độ công việc, tôi chưa tốt. Đó là những gì tôi sẽ nói, để cho mọi thứ được nhẹ nhàng hơn. Đổ lỗi, truy cứu trách nhiệm cũng không giải quyết được vấn đề. Thay vào đó, tập trung giải quyết, sửa chữa và không tiếp tục tái phạm mới là việc nên làm.

Bazaar: Luôn nhận trách nhiệm về mình như vậy, chị có cảm thấy mệt mỏi không?

Thanh Thủy: Thỉnh thoảng, nhưng tôi tin rằng chưa có thứ gì trên đời này đạt được mà không phải trải qua gian nan thử thách. Thứ gì làm hời hợt thì đến lúc sóng to gió lớn cũng sẽ theo đà mà đổ vỡ ngay. Một doanh nghiệp thành công thì người chủ doanh nghiệp phải xắn tay làm hết hơn 50% khối lượng công việc. Phải hiểu rõ sự vất vả của công việc, tôi mới điều hành tốt và dự tính được rủi ro. Tôi chấp nhận đánh đổi để đạt được đam mê của mình.

Bazaar: Nếu chị dành hết tất cả thời gian cho công việc, liệu gia đình có bị bỏ bê?

Thanh Thủy: Hiện tại, tôi có một cô con gái 17 tuổi, đang du học ở nước ngoài nên thời gian dành cho con là thứ tôi quý nhất. Phụ nữ thường gặp những định kiến xã hội rằng đã ra ngoài làm việc thì sẽ quên mất gia đình. Chỗ của họ là ở trong bếp, phía sau người đàn ông. Nhưng không, chỗ của người phụ nữ là ở bất cứ đâu họ muốn. Nếu vì công việc mà không có thời gian cho gia đình, cho bản thân tức là chưa biết cách sắp xếp mà thôi. Đơn giản chỉ có vậy! Một người phụ nữ mạnh mẽ và thành công cần biết cách cân bằng giữa nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Nếu đã muốn thì không có gì gọi là không có thời gian cả.

edi_ctv_kyanh_0831-new

Trang phục và phụ kiện, Gucci

Bazaar: Chị có cảm thấy là một người phụ nữ rất khó để đạt được thành công trong công việc?

Thanh Thủy:Không hề. Tôi cảm thấy chính vì là phụ nữ mới dễ giành lấy thành công đấy. Nhiều đức tính vốn có của người phụ nữ như tính chăm chỉ, bền bỉ khiến cho mình có một lợi thế hơn đấng mày râu. Tuy nhiều người cho rằng phụ nữ hành xử quá cảm tính, dễ yếu đuối, tôi lại cảm thấy đó mới là thứ vũ khí mạnh mẽ nhất. Bước vào một bàn đàm phán, sự mềm mỏng, đôi mắt nhìn người tinh tế, chú trọng vào từng chi tiết nhỏ khiến phụ nữ trở thành một đối thủ đáng gờm. Chưa bao giờ tôi đánh mất bình tĩnh khi đối diện với đối tác. Sự kiên nhẫn và bản lĩnh cũng là một thế mạnh của phụ nữ. Có những lúc phải thuyết trình kế hoạch trước một bàn họp toàn nam giới, nhưng tôi không hề cảm thấy mình yếu thế hơn họ.

Tôi không bao giờ ngạc nhiên khi nhìn thấy một người phụ nữ thành công trên thương trường. Trong mắt tôi, chính phụ nữ mới là phái mạnh. Bởi trong gia đình họ là người giữ lửa, giữ tiền. Ra xã hội, họ không thể nào thua kém đàn ông trong việc kiếm tiền được.

Người phụ nữ mạnh mẽ và thành công phải biết cách cân bằng giữa nhiều khía cạnh trong cuộc sống”

Bazaar: Chị có thể chia sẻ về hoài bão tự sản xuất sản phẩm thay vì phải nhập ngoại?

Thanh Thủy: Tự sản xuất và cung cấp sản phẩm đinh, ốc vít dùng trong phẫu thuật là điều tôi đã ấp ủ từ lâu. Hiện tại, người Việt còn “sính” đồ ngoại quá nên bài toán khó nhất chính là thay đổi cách suy nghĩ này. Phải chứng minh được rằng hàng Việt Nam không thua kém bất cứ ai để mọi người có thể sử dụng hàng tốt nhưng với giá cả phù hợp. Như vậy, người bệnh nghèo cũng có thể được chữa bệnh. Nhập khẩu hàng ngoại tức là mình gián tiếp làm giàu cho đất nước họ. Thay vào đó, sử dụng hàng trong nước còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế chung của quốc gia. Nhiều người nói tôi đang đi con đường độc đạo nguy hiểm, nhưng tôi lại cho rằng phải dũng cảm đi thì tới một ngày mới nhìn thấy đích đến.   

Bazaar: Cảm ơn chị. Chúc những dự định của chị sẽ sớm được thực hiện.

Ảnh: KỲ ANH – Trang điểm và làm tóc: MINH LỘC

Stylist: EMIL VY – Bài: VÂN ANH

Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 3/2017

Xem thêm