Sau tạp chí thời trang Marie Claire của Mỹ và Úc, Harper’s Bazaar Việt Nam là tạp chí thứ ba đã thuyết phục được nữ doanh nhân Thuỷ Tiên, Tổng giám đốc của tập đoàn IPP, xuất hiện chính thức trên truyền thông. Bài viết này không tiết lộ sự riêng tư cũng như mối quan hệ của các thành viên trong đại gia đình nổi tiếng của giới kinh doanh hàng hiệu. Tôi chỉ muốn tập trung sự chú ý đến Thủy Tiên, người phụ nữ đã từng thành công với vai trò diễn viên điện ảnh màn ảnh rộng từ năm 1990, sau đó là bước chuyển ngoạn mục sang kinh doanh với siêu thị đầu tiên rộng hơn 10.000 mét vuông tại Việt Nam: Siêu thị Miền Đông năm 1998, 14 công ty thuộc tập đoàn hiện nay. Thành công của Thủy Tiên là một dấu ấn lớn đáng để chúng ta quan tâm.
Harper’s Bazaar Việt Nam: Xin chào chị, rất hân hạnh được trò chuyện với chị. Tại sao chị lại quyết định nhận lời của chúng tôi xuất hiện trên Harper’s Bazaar thời điểm này, sau Marie Claire của Mỹ?
THỦY TIÊN: Chào bạn, tôi rất vui khi được trò chuyện với độc giả các tạp chí nổi tiếng trên thế giới và Harper’s Bazaar Việt Nam lần này cũng không nằm ngoài lý do đó. Cũng giống như lần xuất hiện trên Marie Claire của Mỹ số tháng Mười Một năm ngoái, tôi cảm thấy rất tự hào và hãnh diện. Họ tổ chức một chuyên đề nói về những đứa bé lớn lên sau chiến tranh, giờ đây đã trưởng thành, có một chút thành công góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Đó là một đề tài thú vị và tôi nhận lời ngay. Tôi phải nói ngay với bạn rằng thị trường Việt Nam của chúng ta hiện nay rất được quan tâm trên thế giới vì các nhà đầu tư luôn xem đây là một thị trường tiềm năng.
Harper’s Bazaar Việt Nam: Là một người làm kinh doanh lâu năm, hẳn chị luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho công việc kinh doanh và hình ảnh của mình. Xuất hiện trên các phương tiện truyền thông uy tín cũng là nhằm quảng bá Tập đoàn IPP của mình. Đúng không chị?
THỦY TIÊN: Bạn nói đúng rồi (cười). Tập đoàn IPP của chúng tôi cũng là một tập đoàn lâu năm về kinh doanh hàng hiệu và ít nhiều đã tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Chúng tôi là đối tác của những tập đoàn lớn như L’Oreal, Rolex, Cartier, BVLGARI, Bally, Burberry, Versace, Salvatore Ferragamo… và những thương hiệu hàng đầu khác với việc kinh doanh chiếm gần 70% thị phần hàng hiệu tại Việt Nam hiện nay. Thế nên Marie Claire hay Harper’s Bazaar là một dịp tuyệt vời để chúng tôi quảng bá rộng rãi hơn về IPP.
Nhiệm vụ thứ hai của tôi là cũng xin phép được đại diện cho một lớp phụ nữ Việt Nam với tiếng nói chung rằng chúng tôi cũng rất hiện đại, độc lập và không phải chịu ảnh hưởng của những phong tục tập quán cổ hủ. Chúng tôi chịu khó học hỏi, bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức để không bị tụt hậu so với thế giới. Vì vậy, tôi phải đắn đo thật kỹ cho mỗi lần xuất hiện trên truyền thông.
Harper’s Bazaar Việt Nam: Nhà lãnh đạo của Singapore, Lý Quang Diệu, đã rất đúng đắn khi sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực nữ giới cho đất nước của họ. Tôi nhìn thấy đường lối đó trong phương thức phát triển và quản lý tập đoàn của chị.
THỦY TIÊN: Những gì nam giới làm được thì nữ giới cũng có thể làm được. Bạn thấy rồi đó, phụ nữ trên thế giới và châu Á đã tham gia vào các vị trí quan trọng trên thương trường và chính trường nhiều hơn. Có thể họ không mạnh mẽ, quyết đoán bằng đàn ông, nhưng chỉ họ mới có thể năng động giải quyết công việc cùng một lúc với hai thứ: một cái đầu lạnh hòa chung với nhịp đập của trái tim. Phụ nữ có ưu điểm hơn đàn ông ở chỗ họ có trực cảm và sự mềm dẻo trong mọi tình huống, kể cả những việc nan giải trong kinh doanh. Tôi tin là như vậy (cười).
Harper’s Bazaar Việt Nam: Phong thái nhẹ nhàng của chị làm tôi rất dễ chịu, thoải mái. Phải chăng đó là một cách thể hiện khéo léo của quyền lực?
THỦY TIÊN: (Cười) Thực ra, đó là cá tính của tôi. Tôi thích sự nhỏ nhẹ trong lời ăn tiếng nói vì tôi muốn cảm hóa người ta bằng trí thức, sự hiểu biết của bản thân. Với đối tác tôi luôn thân thiện, đúng mực, nhưng cũng nghiêm túc và kiên quyết nếu có những bất đồng. Với nhân viên, tôi ít khi lớn tiếng trách mắng. Nhân viên phải khâm phục nhà quản lý thì họ mới làm theo một cách nhiệt tình, tận tâm. Mỗi người đều có cái “tôi” và nhận thức nhất định, người quản lý không nên nóng giận ào ào vì như thế sẽ bóp chết ngay trong trứng nước những ý tưởng “điên rồ” của nhân viên, của tuổi trẻ.
Tôi thích để họ bộc lộ hết cá tính, tài năng và cả những “điên rồ” đó, rồi suy xét xem có phù hợp với văn hóa, định hướng của công ty hay không. Nếu sự điên rồ đó hữu ích cho sự phát triển của công ty thì tôi nắm bắt ngay, không dễ gì buông nhân viên đó ra (cười to). Bạn thấy đấy, trước máy tính làm việc của tôi luôn có một tấm gương. Không phải để làm đẹp đâu! Mỗi ngày nhìn vào đó, tôi kiểm soát thái độ, hành động của bản thân mình sao cho đúng mực nhất với mọi người.
Tôi may mắn khi có được những cộng sự tốt trong quá trình tạo dựng sự nghiệp. Người quản lý giỏi phải biết phân quyền cho cộng sự tốt, như thế mới dư quỹ thời gian để xây dựng chiến lược và định hướng đúng đắn hơn. Những người cộng sự lý tưởng sẽ đưa ra lời khuyên cũng như thực hiện những chiến lược của bạn một cách chuyên nghiệp. Đổi lại, tôi cũng trân trọng và chăm lo cho họ, cách tôi quản lý và dùng người là như vậy. Giữ người, giữ chất xám là giữ thành công cho công ty. Đa số các giám đốc điều hành và các nhân sự cao cấp của tôi đều có thâm niên gắn bó hơn mười năm trở lên. Họ là thành công, là tự hào của tôi.
Harper’s Bazaar Việt Nam: Câu hỏi nhạy cảm nhưng cần thiết ở thời điểm này là với 70% thị phần phân phối hàng hiệu tại Việt Nam, chị có thể chia sẻ ý kiến về việc một số tờ báo mạng nhận định là người kinh doanh hàng hiệu đang đánh mất niềm tin ở người tiêu dùng?
THỦY TIÊN: Các công ty kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam đếm trên đầu ngón tay khoảng mười. Có những công ty sẽ phải từ bỏ cuộc chơi vì họ không trụ được trong thị trường này. Tôi nghĩ điều họ thiếu sót chính là “văn hoá kinh doanh hàng hiệu”, vì các thương hiệu uy tín luôn đặt ra các tiêu chuẩn rất khắt khe. Điển hình như anh phải chấp hành đầy đủ các luật thuế và các luật kinh doanh khác ở các nước sở tại, các nước mà anh đang đem thương hiệu đến để kinh doanh. Vì vậy, luật pháp sẽ luôn hỗ trợ họ.
Chấp hành luật kinh doanh của nước sở tại, minh bạch rõ ràng và tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn khác nhau của từng thương hiệu như: chọn lựa vị trí kinh doanh, cách trưng bày hàng hóa, giá bán, khuyến mãi, chính sách hậu mãi, định vị thị trường là điều cực kỳ cần thiết.
Nếu không hiểu rõ và tuân thủ thì các thương hiệu sẽ từ chối hợp tác. Họ đã tốn cả trăm năm để tạo dựng thương hiệu nên sẽ không bao giờ để cho một kênh phân phối nào phá hỏng dễ dàng. Công ty chúng tôi khởi đầu từ việc kinh doanh các hệ thống cửa hàng miễn thuế tại các sân bay nên sự am hiểm văn hóa này đã có từ lâu.
Chúng tôi rất tự hào đã đưa các thương hiệu lớn vào thị trường Việt Nam góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế và du lịch của đất nước, để Việt Nam có thể khẳng định vị thế của mình đối với các nước đã phát triển trong khu vực và thế giới. Chúng tôi đã tạo được uy tín với các thương hiệu và khách hàng vì chúng tôi không phá vỡ bất kỳ sắc thái văn hóa nào của bất cứ thương hiệu nào.
Harper’s Bazaar Việt Nam: Được biết Tập đoàn IPP cũng là một trong những tập đoàn được biết đến nhiều trong việc chia sẻ với cộng đồng bằng những chương trình từ thiện, xin chị chia sẻ thêm về điều đó.
THỦY TIÊN: Kể từ ngày thành lập Tập đoàn IPP đến nay đã hơn 25 năm, chúng tôi vẫn âm thầm đều đặn dành ra một khoản ngân sách hàng năm để làm các chương trình xã hội, từ thiện ở khắp các tỉnh, thành từ thành phố đến các vùng cao nguyên khó khăn như xây trường học, tài trợ học bổng cho sinh viên học sinh nghèo hiếu học, chăm lo cho đồng bào nghèo ăn Tết… IPP là một trong những nhà tài trợ của đường hoa Nguyễn Huệ trong suốt bảy năm qua.
Chúng tôi thành công và có lợi nhuận là do đóng góp của cán bộ công nhân viên và có sự tham gia vô hình của xã hội. Do đó, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng luôn là tiêu chí hàng đầu trong định hướng của công ty chúng tôi. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng các chương trình từ thiện thật sự có ý nghĩa.
Harper’s Bazaar Việt Nam: Chị có thể chia sẻ một chút về cách chăm sóc bản thân và cuộc sống riêng được không?
THỦY TIÊN: Mỗi ngày tôi chỉ dành 15 phút cho việc trang điểm nhưng rất coi trọng việc dưỡng da. Buổi sáng, trước khi đi làm, tôi luôn thoa kem dưỡng ban ngày và kem chống nắng. Buổi tối về nhà, tôi tẩy trang thật kỹ và không quên thoa kem dưỡng ẩm dành cho ban đêm trước khi đi ngủ.
Còn về gia đình, niềm vui lớn nhất của tôi là cả nhà được quây quần cùng nhau dịp cuối tuần vào những dịp lễ, Tết Nguyên Đán. Ở bên gia đình của mình, tôi thấy hạnh phúc, vui vẻ nhất và đó là động lực tiếp thêm sức mạnh để tôi bước tiếp trên bước đường kinh doanh
NHỮNG NHÃN HIỆU “RUỘT” CỦA DOANH NHÂN THỦY TIÊN
Là một nữ doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu, Thủy Tiên luôn chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi lần dạ tiệc hoặc xuất hiện trước giới truyền thông. Sang trọng, cổ điển là phong cách được chị yêu thích. Nhãn hiệu yêu thích nhất của chị chính là Chanel, nhãn hiệu được phân phối tại thị trường Việt Nam thông qua tập đoàn IPP do chị điều hành. Sản phẩm của Chanel mà chị sở hữu nhiều nhất chính là trang sức ngọc trai truyền thống của nhãn hiệu trứ danh nước Pháp này. Bạn khó phát hiện Thủy Tiên đang sử dụng sản phẩm hàng hiệu nào trên người vì chị luôn phối hợp các nhãn hiệu yêu thích lại để tạo nên tổng thể hài hòa. Chị chia sẻ rằng nếu từ đầu đến chân chi chít nhiều lo-go của nhiều thương hiệu cùng một lúc thì khó coi lắm! Phục sức có gu thẩm mỹ, có cá tính nhưng phải phù hợp với lứa tuổi là tiêu chí của Thủy Tiên.
Ngoài ra, những thương hiệu được chị yêu thích khác gồm có trang sức và đồng hồ cao cấp của BVLGARI và những đôi giày da chất lượng cao của Bally. Chị rất thích giày của thương hiệu nổi tiếng Thụy Sỹ vì nét tinh tế, thanh lịch, không quá phô trương. Bên cạnh đó, chị đánh giá cao các mẫu thiết kế thương hiệu Valenciani của Nhà thiết kế trong nước Adrian Anh Tuấn.
Bài: Thành Nhân – Ảnh: Hà Thúc Nhật Minh – Make-up & Stylist: Nhật Bình