Tiểu sử
Salvatore Ferragamo sinh năm 1898 tại Bonito, một ngôi làng cách thành phố Naples của Ý 100km. Ông là con thứ 11 trong một gia đình có 14 anh chị em. Salvatore đã sớm bộc lộ niềm đam mê làm giày khi còn rất nhỏ. Mới 9 tuổi, ông đã làm đôi giày đầu tiên cho chị của mình. 11 tuổi, ông học việc trong một tiệm đóng giày ở Naples và một năm sau, ông mở một cửa hàng giày riêng tại quê nhà Bonito.
Năm 1914, Salvatore đặt chân đến thành phố Boston, bắt đầu giấc mơ lập nghiệp tại Mỹ. Salvatore vào làm việc cho một xưởng đóng giày boot cao bồi, nơi anh trai của ông đang làm. Ông bị những máy móc và quy trình làm việc hiện đại thu hút, nhưng cũng nhìn ra được những giới hạn về chất lượng. Đầu thập niên 1920, ông chuyển đến Santa Barbara bang California ở cùng một người anh khác và mở một tiệm sửa giày tại đây.
Lúc bấy giờ, California là một vùng đất của những giấc mơ, với ngành công nghiệp điện ảnh nở rộ. Salvatore bắt đầu thiết kế và làm giày cho các bộ phim. Ông không ngừng tìm tòi cách thiết kế đôi giày sao cho vừa vặn tuyệt đối. Do đó, ông đăng ký học giải phẫu, kỹ sư hóa chất và toán học ở Đại học Nam California. Khi ngành công nghiệp điện ảnh chuyển sang đóng đô ở Hollywood, Salvatore cũng dời đi theo. Năm 1923 ông mở cửa hàng Hollywood Boot Shop đánh dấu sự khởi đầu của “chuyên gia làm giày cho các ngôi sao”, theo như báo chí ca ngợi. Thành công đến quá nhanh khiến ông không đảm đương nổi các đơn hàng, đồng thời các công nhân ở Mỹ cũng không thể làm ra những đôi giày đúng với yêu cầu của Salvatore.
Năm 1927 ông quyết định trở về Ý và chọn thành phố Florence, vùng đất giàu truyền thống nghề thủ công để bắt đầu lại sự nghiệp. Ông mở một công xưởng tại đây và áp dụng kỹ thuật, dây chuyền sản xuất hiện đại đã học được ở Mỹ cùng những người thợ lành nghề làm ra những đôi giày xuất ngược sang Mỹ. Tuy nhiên, cuộc đại khủng hoảng năm 1929 đã phá hỏng mối quan hệ giao thương với thị trường Mỹ. Đồng thời những quyết định sai lầm về quản lý khiến xưởng đóng giày của ông phải đóng cửa và ông bị buộc phá sản năm 1933. Dù vậy, Salvatore không hề nản lòng. Ông chuyển sang tấn công vào thị trường nội địa.
Đến năm 1936, công việc kinh doanh bắt đầu khởi sắc, ông thuê hai workshop và một cửa hàng ở tòa nhà Palazzo Spini Feroni tráng lệ. Đây là giai đoạn trừng phạt kinh tế chống lại nhà độc tài Mussolini và cũng là giai đoạn Salvatore sáng tạo ra những kiểu giày độc đáo có sức ảnh hưởng cho đến hôm nay. Điển hình như giày đế xuồng bằng gỗ bần, dày nhưng rất nhẹ. Ông còn thử nghiệm trên rất nhiều chất liệu như bần, gỗ, dây kim loại, sợi cọ, nhựa trong tổng hợp, ren và thậm chí là da cá để thay thế da và thép là hai nguyên liệu bị cấm buôn bán lúc bấy giờ.
Thành công trong kinh doanh đã giúp Salvatore có thể trả góp dần dần để mua lại tòa nhà Palazzo Spini Feroni mà sau này đã trở thành đại bản doanh của công ty cho đến ngày nay. Năm 1940, ông kết hôn với Wanda Miletti, con gái của một bác sỹ ở Bonito. Họ có với nhau sáu người con gồm ba trai (Ferruccio, Leonardo và Massimo) và ba gái (Fiamma, Giovanna và Fulvia).
Khi Salvatore Ferragamo mất năm 1960 ông đã nhận ra giấc mơ lớn nhất đời mình là thiết kế nên đôi giày đẹp nhất thế giới. Gia đình ông đã tiếp nối giấc mơ này và biến Salvatore Ferragamo trở thành một thương hiệu thời trang chất lượng toàn cầu.
Những thành công trong sự nghiệp
Thương hiệu Salvatore Ferragamo là niềm đam mê không ngừng nghỉ của Salvatore. Ông đã có những đóng góp lớn trong việc làm ra những đôi giày thoải mái, cách tân và thời trang. Trong lĩnh vực thời trang nữ, ý tưởng thiên tài của ông đã giúp ông sáng tạo ra kiểu giày đế xuồng, một trong những kiểu giày thành công nhất mọi thời đại (ước tính có khoảng 40% giày trên thế giới là giày đế xuồng).
Giai đoạn sau chiến tranh, những đôi giày của Salvatore Ferragamo trở thành biểu tượng cho thời kỳ tái thiết ở Ý. Đây cũng là giai đoạn của những sáng chế giày huyền thoại: giày sandal bằng vàng, giày cao gót đế kim loại nhọn mà Marilyn Monroe mang. Đặc biệt là đôi giày “vô hình” (invisible sandal) với phần quai làm từ những sợi chỉ ni-lông cực mảnh đan vào nhau, giúp Salvatore giành giải Neiman Marcus, giải Oscar trong ngành thời trang, lần đầu tiên trao cho một nhà thiết kế giày năm 1947.
Salvatore cũng là người khởi xướng cho hình thức quảng cáo đặt sản phẩm trong các bộ phim Hollywood như The Birth of a Nation, The Ten Commandments. Chính trong giai đoạn chuyển tiếp của Hollywood từ thể loại phim câm sang phim có tiếng, Salvatore đã có cơ hội tiếp xúc với các tên tuổi nổi tiếng và nhận danh hiệu “Shoemaker of Dreams” (tạm dịch: Nhà chế tác những đôi giày tuyệt mỹ) nhờ những đôi giày cao cấp. Các tên tuổi điện ảnh Rudolph Valentino và Douglas Fairbanks đều là những người bạn thân của Salvatore. Ngoài ra, nhờ chế tác giày cho các ngôi sao màn bạc như Audrey Hepburn, Ava Gardner, Greta Garbo, Lauren Bacall… Salvatore đã trở thành nhà thiết kế được săn đón. Huyền thoại điện ảnh Marilyn Monroe cũng từng mang đôi giày Salvatore Ferragamo trong một cảnh quay nổi tiếng ở tàu điện ngầm trong bộ phim The Seven Year Itch.
Salvatore còn có một bước đi khác thường: đăng ký học giải phẫu ở trường Đại học Nam California để chứng tỏ ông có thể làm nên những đôi giày không chỉ thời thượng mà còn phải mang đến sự thoải mái cho đôi chân dị tật. Ông bắt tay vào việc chế tác những đôi giày cho người bị chân bẹt cũng như những đôi giày nhẹ và bền. Với 350 bằng sáng chế, 20.000 mẫu thiết kế và các sản phẩm cách tân làm bằng bần, da cá hay thậm chí là giấy bóng kính gói kẹo nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nguyên phụ liệu thời chiến tranh, Salvatore xứng đáng ngang tầm với một nhà sáng chế, chứ không đơn thuần là nhà thiết kế thời trang.
Đọc nhanh
Họ tên: Salvatore Ferragamo
Ngày sinh: 5−6−1898 tại Bonito, Ý
Ngày mất: 7−8−1960 tại Florence, Ý (thọ 62 tuổi).
Quốc tịch: Ý
Học vấn: Đại học Nam California
Nghề nghiệp: nhà thiết kế giày
Thương hiệu: Salvatore Ferragamo