Tiểu sử
Christian Dior sinh năm 1905 tại một thị trấn ven biển Granville, thuộc vùng bờ biển Normandy nước Pháp. Ông là con trai của một nhà sản xuất phân bón giàu có, với tổng cộng năm anh chị em trong nhà. Khi lên 5, ông theo gia đình dọn đến Paris.
Cha mẹ Christian Dior hy vọng ông trở thành một nhà ngoại giao nhưng Dior lại mơ ước được học nghệ thuật và kiến trúc. Tuy nhiên, ông vẫn vâng lời cha mẹ theo học trường École Libre des Sciences Politiques, một trường về khoa học chính trị. Trong thời gian đó, ông duy trì ngọn lửa đam mê nghệ thuật với việc bán những bản vẽ trên đường phố để kiếm tiền tiêu vặt. Sau khi học xong, ông cùng một người bạn mở một gallery nhỏ bán các tác phẩm hội họa, bao gồm cả tranh của Picasso.
Do ảnh hưởng từ cuộc đại suy thoái năm 1929, cái chết của mẹ và anh trai, gia đình phá sản, Dior buộc phải đóng cửa gallery. Ông bị trầm cảm nặng, đói khát dẫn đến căn bệnh lao. Bạn bè đã gom góp tiền giúp ông tới Font-Romeu để chữa trị. Sau đó, Christian Dior đã học nghệ thuật thêu và dệt tại quần đảo Balearic. Ông trở về Paris, bắt tay vào việc thiết kế thời trang ở tuổi 30. Nhà thời trang cao cấp Robert Piguet đã mua lại những bản thiết kế của ông và mời ông làm việc cho công ty của họ. Dior làm việc cho Robert Piguet cho tới khi bị gọi nhập ngũ năm 1940.
Sau khi rời quân đội năm 1942, ông đầu quân cho nhà mốt couture của Lucien Lelong, cùng với Pierre Balmain là hai nhà thiết kế chính ở đây. Trong giai đoạn Thế chiến II, em gái của Dior, Catherine, gia nhập quân kháng chiến Pháp chống lại Đức quốc xã và bị bắt giam. Bà được trả tự do năm 1945. Năm 1947 Dior đặt tên dòng nước hoa đầu tiên của ông là Miss Dior để bày tỏ niềm tự hào với em gái.
Christian Dior sáng lập nhà mốt Dior vào ngày 16−12−1946 tại số 30 đại lộ Montaigne, Paris, với sự trợ giúp tài chính của ông trùm ngành dệt may Marcel Boussac. Tuy nhiên nhà mốt Dior lấy năm 1947 làm năm thành lập vì đó là năm Christian Dior chính thức ra mắt bộ sưu tập đầu tiên.
Thành tựu thời trang
Với tài năng của mình, Christian Dior đã đưa thương hiệu Christian Dior (hay thường gọi tắt là Dior) trở thành một trong những thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu thế giới.
Ngày 12–2–1947, Christian Dior trình làng bộ sưu tập đầu tiên bao gồm 90 mẫu thiết kế đã làm nên cuộc cách mạng trong lịch sử thời trang. Bộ sưu tập có những chiếc đầm phồng, thắt eo nhỏ và dài ngang bắp chân, nhấn ở eo và ngực. Ban đầu bộ sưu tập được đặt tên là Corolle (từ tiếng Pháp của corolla trong tiếng Anh có nghĩa là tràng hoa) xuất phát từ lòng yêu hoa của Dior. Ông muốn mọi phụ nữ đều đẹp như những bông hoa. Bộ sưu tập còn được gọi là “figure 8”, con số may mắn của Dior. Nhưng không lâu sau nó được đổi tên thành New Look do tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar Mỹ lúc bấy giờ là Carmel Snow hết lời ca ngợi và phải thốt lên rằng: “Quả là một cái nhìn mới!”. Trong khi thời kỳ hậu chiến, vải rất hạn chế nhưng Dior lại sử dụng tới 20 mét vải xa hoa cho những sáng tạo của mình. Bộ sưu tập đã trở nên cực kỳ phổ biến và kiểu váy phồng đã tác động đến thời trang cũng như những nhà thiết kế khác trong những năm 1950. New Look được Tây Âu chào đón như cơn mưa rào sau những ngày hạn hán và được các phụ nữ thời thượng giàu có như công chúa Margaret của Anh rất ưa chuộng. Các nữ diễn viên Hollywood như Marlene Dietrich, Rita Hayworth, Margot Fonteyn cũng rất yêu thích các thiết kế của Dior.
Christian Dior nổi tiếng cực kỳ mê tín. Mỗi bộ sưu tập đều phải có một chiếc áo khoác được đặt tên theo thị trấn nơi ông sinh ra, Granville. Trong mỗi show phải có ít nhất một người mẫu đeo loại hoa mà ông thích nhất, “lily of the valley”. Ông cũng không bao giờ bắt đầu một show couture mà không coi bói bài tarot.
Năm 1948, Christian Dior mở rộng sang dòng thời trang ready-to-wear. Năm 1949, Dior là nhà couture đầu tiên cho phép sản xuất hàng loạt các thiết kế của ông. Nhận ra tầm quan trọng của một tổng thể trang phục hoàn hảo phải bao gồm các sản phẩm của cùng thương hiệu, ví như đầm New Look phải đi cùng giày, mũ và găng tay của Dior, Christian Dior cùng với Jacques Rouet đã cho sản xuất hàng loạt cả dòng phụ kiện. Áo lông, cà-vạt và nước hoa cũng được cho gia công ở những nước nhỏ trên khắp thế giới, góp phần đưa tên tuổi Dior lan rộng nhanh chóng. Mặc dù bước đi táo bạo này bị hội đồng couture Pháp chỉ trích vì làm bình dân hóa dòng thời trang haute couture, lợi nhuận mà nhà Dior gặt hái được từ việc gia công hàng loạt đã khiến các hãng thời trang khác không thể không bắt chước theo.
Năm 1955, Christian Dior nhận cậu thanh niên 19 tuổi Yves Saint Laurent làm trợ lý. Năm 1957, Dior đã nói với mẹ của Yves Saint Laurent là sẽ chọn nhà thiết kế trẻ này làm người kế vị cho ông. Không lâu sau đó, Christian Dior bất ngờ qua đời do nhồi máu cơ tim vào ngày 24–10–1957. 2.500 người đã đến dự tang lễ của ông, bao gồm các nhân viên của hãng và những khách hàng nổi tiếng dẫn đầu là nữ công tước xứ Windsor.
Để cứu vãn thương hiệu, Jacques Rouet đã theo di nguyện của Christian Dior chọn chàng trai 21 tuổi Yves Saint Laurent làm giám đốc sáng tạo.
Nhà mốt Dior sau đó đã thay rất nhiều giám đốc sáng tạo nhưng bản sắc nữ tính, phom dáng New Look đầy cấu trúc và phương châm nâng niu nét đẹp người phụ nữ mà Christian Dior truyền lại vẫn được phát huy cho đến ngày nay. Tài năng sáng tạo thời trang xuất chúng của Christian Dior đã giúp ông được công nhận là một trong những nhân vật thời trang lớn nhất trong lịch sử.
Đọc nhanh
Họ tên: Christian Dior
Ngày sinh: 21–1–1905 tại Granville, Pháp
Ngày mất: 24–10–1957 tại Tuscany, Ý (hưởng dương 52 tuổi)
Quốc tịch: Pháp
Nghề nghiệp: nhà thiết kế
Thương hiệu: Christian Dior