Tổng giám đốc PNJ Cao Thị Ngọc Dung: Chỉ có kim cương mới cắt được kim cương

"Năng đoạn kim cương", tựa quyển sách nổi tiếng của Geshe Michael Roach có lẽ đúng với cuộc đời của nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung, tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý PNJ – một thương hiệu lừng lẫy trong ngành nữ trang Việt Nam: chỉ có kim cương mới cắt được kim cương

Đúng ra, cuộc hẹn với người phụ nữ đã gầy dựng một cửa hàng nữ trang nho nhỏ của quận Phú Nhuận thuở nào trở thành thương hiệu PNJ lừng lẫy này sẽ ở một nhà hàng chay để cùng ăn trưa. Nhưng cuối cùng, cuộc trò chuyện được dời sang buổi chiều vì chị Dung phải tiếp một đoàn khách từ Ý sang, họp luôn suốt buổi trưa cho xong việc.

“Tôi thực sự muốn theo đuổi mục tiêu tự mình sản xuất ra được những sợi dây chuyền với phẩm chất bằng với sản phẩm của Ý – vốn đang là tiêu chuẩn cao cấp nhất hiện nay. Từ nhiều năm nay, PNJ cũng đã làm ra được sản phẩm gần đạt rồi, giờ mời luôn một công ty tư vấn kỹ thuật từ Ý sang để họ giúp mình thực hiện giấc mơ này” – chị phân bua cho sự bận rộn quá mức của mình. Cũng không lạ, vì những ai từng biết vị nữ tướng này, đều hiểu sự dứt khoát và cương quyết của chị trong việc theo đuổi những mục tiêu dẫn đầu.

Phụ nữ kinh doanh thường mất cân bằng trong cuộc sống

Hỏi lại một câu rất cũ, tôi từng hỏi chị nhiều lần: “Sao chị cứ phải làm việc hoài vậy?” – Chị cười: “Có lẽ dòng chảy cuộc đời cứ đẩy mình đi thôi. Hay có khi công việc là một cái nghiệp mà mình đã trót mang, không dứt ra được…”.

Chị bảo, từ vài năm nay, ở PNJ, chị không còn làm công tác điều hành nữa, chỉ cùng anh em định hướng chiến lược. Nói vậy, chứ lén nhìn lên lịch làm việc của chị, thấy vẫn còn họp liên tục đến tận 19g tối… Chị có thoáng chút bối rối: “Tranh thủ xử lý cho xong mọi việc, vì dạo này cuối tuần còn đi các tỉnh gặp gỡ chị em trong hội nữ doanh nhân nữa…”. “Như vậy sẽ giống công việc mà chị làm 20 năm trước với Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM đúng không ạ?”. “Ừ, cũng hơi giống…”. Rồi chị nhớ lại cái thời Cao Thị Ngọc Dung được đào tạo bài bản ở trường đại học Kinh tế, có hậu thuẫn gia đình và gặt hái một chút thành công trên thương trường, gặp các anh em cũng trẻ, rất nhiều nhiệt huyết và tài năng, chỉ chưa có cơ hội để bật lên.

Những cái tên giờ đã lừng lẫy như Thái Tuấn Chí (Thái Tuấn), Trần Lệ Nguyên (Kinh Đô), Lâm An Dậu (Vĩnh Tiến), Cổ Gia Thọ (Thiên Long) Cao Tiến Vị ( Giấy Sài Gòn)… cách đây hai thập kỷ đã cùng chị Dung tập hợp nhau lại, chia sẻ với nhau những trăn trở của công việc, tìm kiếm những giải pháp từ một người đàn chị đi trước, thậm chí cả những chuyện gia đình, chuyện tiền bạc. Chị Dung lo hết, lo một cách tự nhiên như chính con người Quảng Ngãi của chị vậy: cứ thích lo toan cho mọi thứ, cho mọi người… Giờ, những thăng trầm đã trải qua làm chị hiểu rằng, phụ nữ kinh doanh phần lớn đều mất cân bằng trong cuộc sống. Bởi phải lo vật lộn trên thương trường nên phần nào đó đã phải hy sinh những nhu cầu trong cuộc sống tinh thần của một người phụ nữ, thiếu thời gian chăm sóc lo toan cho cuộc sống gia đình và gần gũi chồng con .

“Phụ nữ trên thương trường cũng như trong xã hội có thể xem như là lực lượng lao động chính, vì dù ông chồng làm tổng giám đốc thì cũng cần một bóng dáng phụ nữ phía sau, nhưng cho đến nay rất ít người được biết đến. Ở các nước phát triển cũng có thể thấy tỷ lệ phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo trên thương trường cũng như trong xã hội còn khiêm tốn, nhưng một khi xuất hiện vai trò của họ được làm nổi bật. Có nhiều tổ chức của phụ nữ tạo động lực giúp cho phụ nữ phát triển và tôn vinh họ, cũng như giúp họ cân bằng cuộc sống… Nghĩ lại, mình có biết bao nhiêu viên kim cương nữ chưa kịp tỏa sáng, vì chưa có điều kiện, chưa được tập hợp để cùng nhau phát triển. Nên không tiếc công nữa, và tôi lại nghĩ mình phải làm một cái gì đó, mặc dù thú thật là tôi cũng đang mày mò tìm hướng đi để đưa Hội Nữ Doanh nhân TP.HCM hoạt động một cách chuyên nghiệp như các tổ chức quốc tế. Đây lại là một hoài bão của tôi, cũng giống như trước đây, tôi hoài bão về lớp doanh nhân trẻ Việt Nam, và tôi lại lao vào công việc mặc dù không có nhiều thời gian và sức khỏe như hai mươi năm về trước…

Tính tôi thường nhìn thẳng vào sự thật, cho dù nó nghiệt ngã cỡ nào đi chăng nữa. Khi mà mình biết trường hợp xấu nhất, thì mọi thứ còn lại sẽ trở nên dễ dàng hơn

Tính tôi thường nhìn thẳng vào sự thật, cho dù nó nghiệt ngã cỡ nào đi chăng nữa. Khi mà mình biết trường hợp xấu nhất, thì mọi thứ còn lại sẽ trở nên dễ dàng hơn

Một con người tự do

Bà chủ của PNJ và những người phụ nữ Quảng Ngãi khác đang mỗi đêm lê bước đi bán dạo mấy trái xoài, dăm túi đậu rang ở những quán nhậu vỉa hè Sài Gòn có điểm nào chung? “Có, đó là lòng tự trọng rất cao, sự tự ái cũng cao vô cùng. Do đó không muốn ai chê trách công việc của mình, không muốn ai coi thường, nên lúc nào cũng cố gắng làm tốt nhất, làm siêng năng nhất và luôn nỗ lực để vượt lên trên. Cái tính cách miền Trung nổi bật nhất của chị Dung là một chữ “ráng”, luôn phải tìm cho ra con đường, cách thức và cả con người để làm cho được việc mình muốn. “Vậy “ráng” hoài, có bao giờ chị mệt mỏi không?” – “Có chứ. Tôi đã từng hai lần đối diện với căn bệnh hiểm nghèo, đối diện với cái chết rồi. Nên giờ mình không chết, tức là đã lời được mười mấy năm sống trên đời, nên phải làm cho hết những việc mình còn thấy nợ nần cuộc đời thôi…

Tính tôi thường nhìn thẳng vào sự thật, cho dù nó nghiệt ngã cỡ nào đi chăng nữa. Khi mà mình biết trường hợp xấu nhất, thì mọi thứ còn lại sẽ trở nên dễ dàng hơn…”. Chị nói, cảm giác nhẹ nhõm. Chị cũng chẳng giấu diếm chuyện khi mới đi làm, bị người ta vu oan đến suýt phải vào tù, may là biết ôm cuốn luật hình sự để mà cãi tới cùng vì muốn bảo vệ sự chính trực của bản thân, của gia đình. Chị còn kể cả những mệt mỏi khi tranh luận về việc quản trị, về những khúc mắc trong công việc với cả đối tác lớn nhất là… chồng! “Tôi cũng đã từng bị stress, bị kiệt sức, vì mình có phải siêu nhân đâu. Nhưng khi mà mình chợt nhận ra rằng, mình không sợ độ cao, không sợ phá sản, không sợ chết, thì mình được quyền sống tự do rồi…”.

Nhìn bức ảnh chân dung chị Cao Thị Ngọc Dung được ghép bằng mấy hình ảnh của các nhân viên PNJ, tự hỏi, chị là ai trong chuỗi việc đi tìm kim cương, chế tác kim cương và bày bán kim cương? Hay bản thân chị chính là viên kim cương đó – đã qua biết bao chà xát của số phận, tự mài giũa của bản thân, càng góc cạnh càng lấp lánh.

Phút thư giãn

Trong phòng làm việc của chị Dung có những con gấu bông đáng yêu luôn… nhìn chị. Thỉnh thoảng sau những lúc làm việc căng thẳng, chị ôm gấu bông vào lòng, mỉm cười. Chị bảo: “Thấy nó dễ thương không? Mềm, mịn và rất êm ái. Tôi từng nghĩ tới chừng về hưu, sẽ mở ra một thế giới gấu bông, có đủ loại gấu bông trên đời, cho tất cả con nít cùng vào chơi để tha hồ ôm ấp và hạnh phúc… Xong có người lại khuyên, thôi, bà không đủ gấu bông để chơi thì lại bày ra một cái nhà máy sản xuất gấu bông nữa thì chết… Câu nói đùa này làm tôi cũng giật mình, vừa rồi mấy mẹ con đi mua gấu bông ở Anh, vốn là xứ có gấu bông đẹp nhất, thì cũng chẳng có con nào mới để mình mua nữa rồi…”.

Bài: Trần Nguyên. Stylist : Emil Ty. Ảnh: Zun Phan

Theo bài Kim cương cắt được kim cương trên Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 7/2015

Xem thêm