Raf Simons đột ngột tuyên bố rời nhà mốt Dior

Thêm một sự ra đi gây sốc trong làng thời trang: Hôm nay nhà thiết kế người Bỉ Raf Simons đã bất ngờ tuyên bố rời khỏi nhà mốt Dior sau 3 năm rưỡi giữ chức Giám đốc sáng tạo

Tin này đã được chính Raf Simons xác nhận trong thông cáo báo chí gửi đi hôm nay. Ông chỉ đưa ra “lý do cá nhân” để giải thích cho quyết định này, cũng như không quên nhấn mạnh đây là cuộc chia tay trong êm đẹp. Như vậy bộ sưu tập Xuân Hè 2016 RTW diễn ra tại Tuần lễ thời trang Paris vừa qua là bộ sưu tập cuối cùng của ông tại nhà Dior.

“Sau một thời gian dài cân nhắc cẩn trọng, tôi đã quyết định rời khỏi vị trí giám đốc sáng tạo dòng thời trang nữ của nhà mốt Christian Dior”, Raf Simons cho biết trong thông cáo. “Đây là quyết định dựa hoàn toàn theo nguyện vọng của tôi là muốn tập trung vào những sở thích khác trong cuộc sống của mình, trong đó có thương hiệu riêng của tôi, cũng như những niềm đam mê khác ngoài công việc. Christian Dior là một công ty tuyệt vời và quả là một đặc ân to lớn cho tôi khi được viết nên vài trang trong quyển sách lộng lẫy ấy. Tôi muốn cảm ơn ngày Bernard Arnauld vì đã dành lòng tin cho tôi, cho tôi những cơ hội quý giá được làm việc tại nhà mốt tuyệt đẹp bao quanh bởi đội ngũ tuyệt vời mà bất cứ ai cũng ao ước”.

Trả lời cho sự ra đi đột ngột ngày, cả ông Bernard Arnault – Chủ tịch và CEO tập đoàn LVMH và ông Sidney Toledano – CEO của Christian Dior cho biết họ đều đã thông qua quyết định này của Raf Simons và gửi lời cảm ơn nồng hậu đến ông vì những đóng góp đặc biệt cho nhà mốt”.

Nhà thiết kế 47 tuổi từng làm việc cho thương hiệu Jil Sander trước khi được chọn làm Giám đốc sáng tạo cho nhà Dior năm 2012, thay cho John Galliano đã bị sa thải. Trong suốt 3 năm rưỡi, những bộ sưu tập của Raf Simons luôn nhận được phản hồi tích cực của giới thời trang. Với phong cách tối giản, gãy gọn, Raf Simons đã thổi luồng gió mới cho nhà mốt Pháp vốn nổi tiếng với các thiết kế tôn đường cong phái nữ. Ông đã thành công đưa ra những cải tiến dựa trên di sản truyền thống của nhà Dior, hướng nhà mốt sang một chương mới hiện đại hơn, bớt cầu kỳ hoa mỹ rườm rà như thời người tiền nhiệm John Galliano. Và thật sự Raf Simons đã giúp doanh số của Dior tăng lên 60% kể từ năm 2011, theo ông Toledano cho biết trong một bài báo gần đây. Theo báo cáo tài chính gần nhất, lợi nhuận của Dior tăng 18%, đạt 1,94 tỉ đô-la Mỹ.

Sự ra đi của Raf Simons gây sốc vì trước đó chưa từng có lời đồn nào về cuộc chia tay này. Thậm chí sau show diễn Xuân Hè 2016 RTW hồi đầu tháng 10 vừa qua, chủ tịch LVMH Bernard Arnault và CEO Toledano còn dành những lời khen tặng không ngớt cho Raf Simons, dù khi ấy họ đã biết ý định ra đi của ông. Raf Simons cũng có mối quan hệ tốt đẹp với con gái ông Arnault là bà Delphine, người đã tham gia ủng hộ ông ngồi vào vị trí này trước đây. Với tất cả những lý do đó, ông Toledano và Arnault đã cố gắng thuyết phục Raf Simons ở lại nhưng cuối cùng, nhà thiết kế người Mỹ này vẫn cương quyết rời khỏi.

raf-simons-leaves-dior

Nguyên nhân vẫn còn trong vòng suy đoán, nhưng giới thạo tin cho rằng một phần trong đó là do những áp lực công việc mà Raf Simons phải chịu khi ngồi trên chiếc ghế giám đốc sáng tạo của một trong những nhà mốt lâu đời và danh tiếng nhất thế giới. Phải cho ra 6 bộ sưu tập mỗi năm, trong đó có 2 bộ haute couture thực hiện kỳ công trong thời gian hạn hẹp đã khiến nhà thiết kế bị stress nghiêm trọng. Tuy nhiên, phải nói rằng càng có áp lực Raf Simons càng thăng hoa trong thiết kế. Chẳng hạn trong bộ sưu tập haute couture cuối cùng của anh trình diễn trong mùa Thu Đông 2015. Những bộ váy trắng mỏng manh trong suốt mặc bên dưới áo khoác dạng cape một tay phối lông chồn. Đó là bộ sưu tập mà ông thích nhất, Raf cho biết.

Dù sao đi nữa, câu hỏi tiếp theo mà mọi người đều tò mò là: Ai sẽ là người kế vị Raf Simon?. Những dự đoán bắt đầu được đưa ra. Nổi bật trong đó là Riccardo Tisci nhà Givenchy, manh mối là vì trong show Xuân Hè 2016 của Givenchy diễn ra tại New York vừa qua có rất nhiều nhân vật cấp cao của LVMH đến dự, kể cả CEO của Dior là ông Sidney Toledano. Cái tên thứ hai lọt vào vòng nghi ngờ là nhà thiết kế Phoebe Philo của Céline, người đã có công vực dậy Céline từ một nhà mốt đang rơi vào quên lãng trở thành thương hiệu phải có của các fashionista. Johnathan Anderson của Loewe, Alber Elbaz của Lanvin cũng là những cái tên được nhắc đến bởi họ đều là những tài năng cùng thuộc sự quản lý của tập đoàn LVMH. Đây chắc chắn là đề bài bàn tán sôi động nhất trong những ngày tới, cho đến khi nào cái tên mới được chính thức đưa ra.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm