Năm 1994, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton xuất hiện bí hiểm, giản dị trên bìa một tạp chí với áo len cổ lọ, quần âu đen khiến giới mộ điệu bất ngờ. Cũng năm đó, chồng bà, Tổng thống Bill Clinton xuất hiện tại các buổi vận động tranh cử với áo vest xanh biển đậm. Chiếc áo cổ lọ nữ hay vest nam xanh đậm đã trở thành một trong những món hàng được săn lùng nhiều nhất nước Mỹ năm 1994. Bạn sẽ thú vị hơn khi biết rằng, Donna Karan, chủ nhân của hai thiết kế trên chỉ mới lập nghiệp được 10 năm trước đó.
TỪ CÔ SINH VIÊN THỜI TRANG THỰC TẬP…
Donna Karan (tên thật là Donna Ivy Faske) sinh năm 1948 tại New York trong một gia đình thời trang. Bố cô là một thợ kim chỉ, mẹ là cựu người mẫu kiêm nhân viên bán hàng cho nhà thiết kế Chester Weinberg. Khi bố qua đời, mẹ Donna Karan đi bước nữa với một nhà kinh doanh vải vóc. Những năm tháng tuổi thơ chỉ biết “ăn, ngủ và mơ mộng về thời trang” đã dần hun đúc cho Donna Karan một tầm nhìn, cá tính mới mẻ.
Hành trình thời trang của Donna Karan bắt đầu khi cô khai gian tuổi để trở thành nhân viên bán hàng tại cửa hiệu Sherrie’s, New York. Năm 1965, 17 tuổi, Donna Karan khăn gói theo học tại trường thiết kế thời trang Parsons. Sau những giờ lên lớp, cô gái trẻ bắt đầu tiếp xúc gần hơn với thời trang.
Donna Karan trở thành phụ tá của nhà thiết kế Chuck Howard và phác thảo thiết kế cho nhà mốt Liz Claiborne. Thời gian phụ tá Chuck Howard đã mang đến cho Donna Karan cơ hội trở thành nhân viên tập sự tại Anne Klein. Sau một năm rưỡi cần mẫn học hỏi, cô chính thức gia nhập đội ngũ thiết kế tại nhà mốt Anne Klein.
Năm 1973, Donna Karan có cơ hội tham dự show diễn thời trang Versailles tại Pháp Tại Versailles, Donna Karan học được cách tiết chế với thời trang. Đây cũng là nền tảng cho những thiết kế đậm tính ứng dụng sau này của Donna Karan. Nhưng khi ấy, chiếc bóng Anne Klein vẫn quá lớn, và cô gái trẻ Donna Karan còn đang mải mê loay hoay tìm kiếm lối đi riêng.
Khi Anne Klein qua đời năm 1974, Donna Karan trở thành nhà thiết kế chính của Anne Klein, cùng người bạn chí cốt Louis Dell’Ollio. Những năm tháng khởi nghiệp với đầu tàu sáng tạo của Anne Klein đã kịp mang về cho Donna Karan giải thưởng Coty’s American Fashion Critics Award năm 1977.
Ở Anne Klein, Donna Karan không chỉ làm tốt vai trò sáng tạo, mà còn trở thành doanh nhân nhạy bén khi khai sinh dòng sản phẩm Anne Klein II. Các thiết kế của Anne Klein II là sự dung hòa của gu thẩm mỹ cầu kỳ đậm nét couture nhưng lại có mức giá mềm. Tham vọng đánh vào phân khúc trung lưu đã tạo nên một hiện tượng của thị trường thời trang đầu những năm 1980.
Anne Klein II đã mở ra một “chân trời mới” cho các tín đồ sành điệu nhưng hầu bao có hạn. Sẽ không ngoa khi nói rằng, Anne Klein II chính là mô hình tiên phong cho những đế chế hàng hiệu giá rẻ đang khuấy đảo thị trường ngày nay như Zara, H&M, Forever21…
… ĐẾN ĐẾ CHẾ THỜI TRANG ỨNG DỤNG
Bí quyết thành công của Donna Karan là luôn xem mình như một khách hàng của thương hiệu. Những thiết kế của cô đều hướng đến nữ giới thành thị. Donna Karan dùng bản thân để kiểm nghiệm các thiết kế, những ý tưởng sáng tạo cũng xuất phát từ chính tủ quần áo riêng của cô.
Tư duy thời trang tươi mới đã khiến các ông chủ Takihyo Corporation of Japan không ngần ngại rút hầu bao, chi cho Donna Karan 3 triệu đô-la Mỹ để thành lập nên thương hiệu riêng mang tên Donna Karan New York năm 1984. Đến năm 1985, Donna Karan tiếp tục làm nên cuộc cách mạng mới với bộ sưu tập thời trang Seven Easy Pieces.
Với Seven Easy Pieces, Donna Karan bày tỏ một quan niệm mới mẻ: thời trang cần phải có với mỗi cô gái bao gồm bảy sản phẩm đơn giản, được phối hợp ngẫu hứng và tiện lợi. Những chiếc váy đen bó sát, leggings, blazer hay váy cuốn trên nền chất liệu vải jersey hoặc len là linh hồn trong bộ sưu tập. Đơn giản, tiện lợi và hợp thời, Donna Karan không thả sức sáng tạo vào các thiết kế bay bổng hay siêu thực. Nhưng chính tính thực dụng lại mang đến những thành công vang dội và là nền tảng xuyên suốt đế chế thời trang mới sau này của cô.
Chỉ một năm sau khi chính thức trình làng, Donna Karan đã có trong tay giải thưởng thiết kế cá nhân đầu tiên, do Hội đồng Thiết kế Mỹ (CFDA) trao tặng. Với tôn chỉ “chỉ thiết kế những gì tôi có thể mặc được”, Donna Karan tiếp tục cho ra đời dòng thời trang giá rẻ DKNY năm 1988.
Những chiếc váy đen co giãn, bộ bodysuit với giá mềm đưa tên tuổi Donna Karan trở thành một “phép nhiệm màu” vào cuối thập niên 1980. Donna Karan chính thức trở thành nữ hoàng hàng hiệu với doanh thu tăng theo cấp số nhân. Cuộc cách mạng này còn mang về cho Donna Karan giải thưởng Nhà thiết kế trang phục nữ của năm do CFDA trao tặng vào năm 1991.
Cũng trong năm này, Donna Karan cho ra đời dòng thời trang nam. Tiếp tục áp dụng tư duy thời trang tỉnh táo, các thiết kế quần jeans nam đơn giản, giá rẻ đã đưa Donna Karan đến vị thế mới trong thời trang. Donna Karan khiến giới mộ điệu nghiêng mình thán phục, khi trở thành nhà thiết kế nữ đầu tiên nhận giải Nhà thiết kế thời trang nam của năm trong lịch sử CFDA.
Từ những thành công liên tiếp trong thời trang, Donna Karan mở rộng khả năng sáng tạo sang cả lĩnh vực thiết kế nội thất và mỹ phẩm. Cuối thập niên 1990, Donna Karan tự mình gầy dựng nên một cơ nghiệp đồ sộ, bao gồm thời trang nam nữ, mỹ phẩm và dòng phụ kiện D by DKNY.
Chưa đến 10 năm từ ngày “ra riêng”, Donna Karan trở thành bà hoàng trong đế chế thời trang của mình dựa trên nền tảng giản dị. Trang phục cô tạo ra đều là món quà dành tặng phụ nữ. Không chỉ thế, Donna Karan còn mong muốn phái đẹp luôn rạng rỡ, tự tin nhất khi khoác lên mình trang phục của DKNY. Lối tư duy đậm chất thị dân New York này đưa Donna Karan trở thành một tên tuổi thiết kế tiếng tăm nhất làng thời trang Mỹ với 300 chi nhánh quốc gia và 27 cửa tiệm độc lập cùng hệ thống phân phối trải dài từ Âu sang Á.
Các giải thưởng Best Woman Designer in the World, Best American Designer to Emerge in 20 Years, Fashion Walk of Fame, FiFi’s Hall of Fame đã mang đến cho Donna Karan một vị thế uy quyền để tiếp tục cuộc chinh chiến thời trang. Sự thành công của Donna Karan là tuyên ngôn của thời trang tối giản, nơi các cô gái thành thị luôn tự tin tỏa sáng với chiếc áo cổ lọ và chiếc quần âu đen.
Tư duy nữ quyền được Donna Karan áp dụng triệt để vào từng thiết kế, đó là bí quyết thành công của Donna Karan, khi cô “bắt đầu tại một thành phố, với bộ bodysuit, một đôi tất và quyền năng của người phụ nữ”.
Bài: Khiếu Nguyệt – Ảnh: Getty Images , Tư liệu