Mario Moretti Polegato chưa từng nghĩ sẽ điều hành một hãng giày. Ông thậm chí không cần phải thành lập công ty riêng. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có cơ ngơi sản xuất rượu ở vùng đông bắc nước Ý, ngay từ nhỏ Mario Moretti đã được mặc định sẽ thừa kế sự nghiệp của gia đình. Và ông thật sự đã làm vậy, cho đến năm 40 tuổi. Chuyến tham dự hội thảo rượu năm 1992 ở thành phố Reno, bang Nevada nước Mỹ đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông.
Phát minh “không ai tin”
Khi dạo bộ trên vùng đất sa mạc nóng bức, Mario cảm thấy khó chịu và mệt mỏi vì bàn chân đổ đầy mồ hôi bên trong đôi giày kín bít. Ông bèn nảy ra ý tưởng dùng dao găm những lỗ nhỏ trên đế giày cao su để thoát hơi và cân bằng nhiệt độ. Hiệu quả của hành động này đã khiến doanh nhân người Ý nghĩ ngay đến việc áp dụng nó cho những đôi giày, điều chưa ai từng làm lúc bấy giờ.
Trở về Ý, ông lập tức triển khai nghiên cứu loại đế theo nguyên lý đục lỗ thông gió này. Trong quá trình tìm tòi, ông tình cờ biết đến một chất liệu đặc biệt gọi là “membrane”, chuyên dùng trong trang phục dành cho các phi hành gia NASA. Mario đã liên hệ với nhà cung cấp chất liệu này ở Mỹ và mang nó về Ý. Có trong tay chất liệu ưu việt, cùng với sự hỗ trợ của một số kỹ sư và giáo sư tại các trường đại học ở Ý, Mario đã thành công tạo nên công nghệ “giày biết thở”. Điểm mấu chốt của công nghệ này là đế giày có một lớp màng thoáng khí với các lỗ nhỏ li ti có kích thước lớn hơn phân tử hơi nước nhưng nhỏ hơn giọt nước, nhờ thế nước không thể vào được bên trong giày nhưng hơi ẩm có thể thoát ra ngoài, giữ cho bàn chân luôn khô thoáng, mát mẻ.
Tâm đắc với phát minh mới, ông lập tức đăng ký bằng sáng chế và mang đến các công ty giày nổi tiếng để chào bán. “Tôi không muốn kể tên ở đây nhưng đó đều là những hãng giày lớn nhất mà tôi nghĩ có thể áp dụng công nghệ này”, Mario kể lại. Tiếc thay, họ toàn toàn không hứng thú với phát minh mà ông đã mất 3 năm để hoàn thành. “Không một ai tin tôi”, ông nói. Quả thật, ở thời điểm đó, ý tưởng của Mario rất khó tin vì nó đi ngược hoàn toàn với quan niệm trước nay đối với giày. Ai sẽ mang những đôi giày có đế bị thủng lỗ? Chỉ riêng Mario, ông tin tưởng mạnh mẽ vào phát minh của mình. Việc bị từ chối không hề làm ông nản chí.
Năm 1997, người đàn ông đang ở độ tuổi ngoại tứ tuần quyết định vay ngân hàng (vì không muốn dùng tiền gia đình), bắt đầu gầy dựng sự nghiệp riêng cho mình: thành lập công ty sản xuất giày mang thương hiệu Geox.
“Phải biết tự bảo vệ sáng chế của mình”
Lúc mới khởi đầu, Mario vẫn tiếp tục làm việc cho gia đình để có mức thu nhập ổn định nuôi công ty. Geox khi đó chỉ có 5 nhân viên trẻ tuổi, những người hoàn toàn không có kinh nghiệm làm việc. Ngày nay, Geox là công ty quy mô toàn cầu với 30.000 nhân viên và 1.300 cửa hiệu trên toàn thế giới (tính đến năm 2014). Còn Mario Moretti trở thành tỷ phú với khối tài sản 2,3 tỉ đô-la Mỹ, đứng thứ 13 trong danh sách những người giàu nhất nước Ý và thứ 764 trên toàn thế giới, theo thống kế của Forbes năm qua.
Lúc mới khỏi đầu, Geox chỉ sản xuất giày trẻ em vì vòng đời sản phẩm ngắn, ít mạo hiểm. Giờ đây, Geox có tất cả dòng giày cho mọi lứa tuổi và giới tính. Sau khủng hoảng kinh tế năm 2013, Mario quyết định chuyển sự tập trung sang đối tượng nữ giới, vốn chiếm 65% doanh thu toàn cầu của thị trường giày. Chiến lược của ông khi sản xuất giày cho phụ nữ là tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, đồng thời mẫu mã phải theo kịp xu hướng thời trang. Geox còn mở rộng sang lĩnh vực may mặc và giày thể thao, áp dụng cùng một nguyên lý “thở” để cân bằng nhiệt độ cho chất liệu.
Thành công của Geox, theo Mario là do ông có lòng tin vào việc mình đang làm. “Khi bạn thật sự tin vào một dự án, bạn phải thực hiện ngay, dù cho có phải làm một mình”. Yếu tố quan trọng không kém trong kinh doanh với ông là phải biết tự bảo vệ những sáng chế của mình. “Sau bao nhiêu năm, sản phẩm của chúng tôi vẫn là độc nhất vì tôi đã đăng ký bản quyền cho nó”. Không chỉ một, ông chủ động đăng ký bằng sáng chế tại 100 quốc gia trên thế giới. Và đó là điều Mario cho ra mình làm đúng nhất trong sự nghiệp.
Bài: Nhi Ong – Ảnh: Tư liệu
Dựa theo bài Người giải phóng đôi chân trên Harper’s Bazaar số tháng 5/2015