Vào lúc 11h15 ngày 26/2 vừa qua, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đặt chân đến Hà Nội để tham gia cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong chuyến đi đến Việt Nam lần này, lãnh đạo của quốc gia Triều Tiên tiếp tục chọn phong cách trang phục với áo đại cán đặc trưng.
Gắn liền với trang phục phong cách thời Mao Trạch Đông
Kim Jong Un không phải là chưa từng mặc suit hiện đại và thắt cà vạt, nhưng đó là những dịp hiếm hoi. Trong hầu hết sự kiện, nhất là những cuộc gặp gỡ lãnh đạo các nước khác, ông Kim thường xuất hiện với trang phục phong cách của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Đó là áo đại cán tối màu (đen hoặc xám), dáng dài với hàng cúc lớn, cổ áo ngắn và cứng cáp, kết hợp cùng quần đồng bộ.
Theo Racked, áo đại cán ngày nay không còn phổ biến ở Triều Tiên, người dân bình thường cũng ít mặc, chủ yếu là giới quan chức. Chủ tịch Kim Jong Un lựa chọn trang phục này như một cách nhằm khẳng định quyết tâm duy trì bản sắc xã hội chủ nghĩa.
Ông muốn nhấn mạnh Triều Tiên đang hội nhập với thế giới, với phương Tây, nhưng không đánh mất bản sắc, không bị hòa tan. Hình ảnh của ông chính là hình ảnh quốc gia. Chính vì vậy, việc tạo nên sự khác biệt rất quan trọng với vị lãnh đạo này.
Người dân Triều Tiên, sau nhiều năm sống nhọc nhằn dưới những quy định hà khắc, nền kinh tế khó khăn, bị cấm vận, hơn ai hết họ muốn có sự thay đổi. Song mặt khác, họ cũng luôn bày tỏ lòng trung thành, sùng bái nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Bên cạnh đó, theo giáo sư Suk-Young Kim của trường UCLA, ông Kim luôn cố gắng kết nối hình ảnh bản thân với người ông quá cố – lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành, để tạo cảm giác thân thuộc với nhân dân.
Nếu như Hillary Clinton luôn gắn liền với những mẫu pantsuit quyền lực, Mark Zuckerberg trẻ trung với áo hoodie, thì những bộ suit phong cách Mao Trạch Đông chính là hình ảnh biểu tượng của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Kim Jong Un đang hướng theo hình ảnh của ông nội. Ngay cả mái tóc “sweptback” đặc trưng, phong thái phát biểu của ông Kim cũng ít nhiều học hỏi từ người đã sáng lập ra nước CHDCND Triều Tiên vào năm 1948. Giới quan sát còn cho rằng để trông giống lãnh tụ Kim Nhật Thành nhất có thể về ngoại hình, ông Kim Jong Un có thể đã tuân thủ một chế độ ăn riêng đặc biệt.
“Khi mới lên nắm quyền, đương nhiên Kim Jong Un phải tạo dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo. Và cách tốt nhất để làm điều đó là kết nối trực tiếp với ông nội Kim Nhật Thành”, Suk-Young Kim nêu quan điểm.
Kim Jong Un mặc suit vào dịp năm mới
Đến nay, những lần Kim Jong Un mặc Âu phục, thắt cà vạt có thể đếm trên đầu ngón tay. Đó thường là dịp ông đọc bài phát biểu đón năm mới trên truyền hình (vào các năm 2017, 2018 và 2019). Robert Kelly, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Pusan National, cho rằng có thể đây là nỗ lực của ông Kim để khiến hình ảnh Triều Tiên trở nên hiện đại và kết nối hơn với bên ngoài.
Một số nhà phân tích khác nhận định lựa chọn mặc suit màu xám nhạt trong năm 2018 của Kim Jong Un nhiều khả năng đã được tính toán kỹ để ông thể hiện một hình ảnh mềm mỏng hơn, một tư tưởng cởi mở hơn, hướng đến hòa bình.
Bên cạnh trang phục, giới truyền thông cũng chú ý vào những đôi giày platform (đế dày) của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Những bức ảnh trong hội nghị thượng đỉnh trước đó giữa ông Kim và ông Trump tại Singapore cho thấy chiều cao giữa hai vị lãnh đạo không chênh lệch nhiều, trong khi thực tế Kim Jong Un chỉ cao khoảng 1,7 m – thấp hơn Tổng thống Mỹ 20 cm.
Báo chí Hàn Quốc cho rằng cũng có khả năng ông Kim đã sử dụng miếng lót giày để tăng chiều cao, nhưng không ước lượng được chính xác là bao nhiêu.
>>> Xem thêm: Phong cách thời trang của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có gì đặc biệt?
Harper’s Bazaar Việt Nam