Khi thời trang mùa xuân hè và thu đông năm nay “phát tán” virus Op Art, người ta tìm về lịch sử thăng trầm đầy thú vị của trường phái nghệ thuật đánh lừa đôi mắt con người
Nghệ thuật optical (gọi tắt là Op Art) là tên gọi làn sóng nghệ thuật mới liên quan đến ảo giác xuất hiện từ cuối những năm 1950. “Nghệ thuật thị giác” là cụm từ đơn giản nhất để miêu tả trào lưu tiếp nối những đường vẽ art-decor và những bộ phim trắng đen thời đó.
Op Art được xem như một nghệ thuật thị giác năng động, mang tới sự tương tác giữa ảo giác và hình ảnh, giữa vật thể nhìn thấy và suy nghĩ trong đầu.
Các tác phẩm Op Art có thể xem như một nhánh của hình học trừu tượng không gian ba chiều bởi khi nhìn vào, người xem có thể chỉ thấy các ảnh ẩn hiện chuyển động hoặc ở dạng mô hình hơi phồng lên hoặc có độ cong vênh vừa phải. Ở khía cạnh khác, Op Art có thể xem như bước phát triển mới của nghệ thuật động học (kinetic art). Câu hỏi đặt ra cho nghệ sĩ Op Art là làm thế nào khiến người xem rơi vào ảo giác về chuyển động 3D trên bề mặt 2D tĩnh.
Vùng võng mạc mắt dễ bị tác động bởi ánh sáng và màu sắc là điểm mấu chốt. Nghệ sỹ Op Art phải tạo ra những ảo ảnh quang học bằng ánh sáng, màu sắc và lặp đi lặp lại các mô hình đường nét cong hoặc thẳng với độ tương phản cao.
Tác phẩm Untiled Diagonal Curve của Bridget Riley là ví dụ điển hình cho kỹ thuật này với những đường đen và trắng đặt gần nhau theo phương sóng lượn tạo cảm giác bề mặt luôn chuyển động trước mắt.
Thuật ngữ Op Art xuất hiện lần đầu trong tạp chí Time vào tháng Mười năm 1964 khi Julian Stanczak triển lãm tại phòng tranh Martha Jackson.
Tuy nhiên, Victor Vasarely mới được xem là cha đẻ của trào lưu này với bức tranh Ngựa vằn công bố từ năm 1938, được vẽ hoàn toàn bằng các đường sọc đen và trắng, mang đến ấn tượng mạnh mẽ về ảnh ảo không gian ba chiều cho người xem.
Sau khi thuật ngữ này ra đời, những hình ảnh Op Art của Vasarely trở thành một phần của văn hóa đại chúng những năm 1960 – 1970. Những thử nghiệm thị giác động đầy phá cách và bùng nổ của Vasarely đã biến mặt phẳng truyền thống trở thành một thế giới sống động và vô tận, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nghệ thuật. Đó cũng là điềm báo trước một thời đại mới của toàn cầu khi thực tại được định hình bằng các chương trình điện toán và Internet.
Làn sóng Op Art lan rộng nhanh chóng với hàng loạt hoạt động lớn như trưng bày tranh của Arnold Schmidt tại Terrain Gallery, triển lãm The Responsive Eye do William C.Seitz tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York với nhiều tác phẩm của Frank Stella, Ellsworth Kelly, Victor Vasarely, Bridget Riley…
Trào lưu này được áp dụng vào kiến trúc cũng như phong cách thời trang hay nội thất. Năm 1978, tòa nhà hình lục giác nổi tiếng Congress Center khánh thành trên đại lộ Louis II, Monaco, gây ấn tượng mạnh mẽ với khoảng sân là một bức tranh Op Art được Victor Vasarely tác tạo bằng hàng vạn viên gạch nhiều màu.
Ở lĩnh vực thời trang, fashionista không thể quên cuộc cách mạng do Mary Quant tạo ra với chiếc miniskirt lấy cảm hứng từ trào lưu Op Art những năm 1960.
Trào lưu này chìm vào quên lãng suốt hai thập niên 1980 đến 1990, cho đến mùa hè năm 2000 khi triển lãm Post – Hypnotic khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Chicago mới nhắc nhớ những người yêu nghệ thuật về làn sóng Op Art một thời. Tuy nhiên, triển lãm do 28 nghệ sỹ thực hiện này cũng chỉ được xem như một ánh “hào quang phản chiếu” của Op Art chứ chưa phải là dấu hiệu hồi sinh của nghệ thuật thị giác.
Sức sống của Op Art được duy trì qua các giá trị thương mại khác, có thể kể đến sự phát triển trong công nghệ in trên nhựa, dệt vải ở Phần Lan hoặc Anh. Họa tiết mô phỏng ngọn lửa Eley Kishimoto vẫn được in đi in lại trên xe hơi, túi xách cho đến mũ bảo hiểm nhiều năm qua đã thể hiện sức sống dai dẳng của Op Art.
Năm 2012, nghệ sĩ Op Art nổi tiếng Bridget Riley (Anh) đã làm nên lịch sử khi giành được giải thưởng Sikkens danh giá của Hội đồng nghệ thuật Hà Lan dành cho nghệ sỹ sử dụng màu sắc tốt nhất. Giải thưởng này đồng thời thể hiện sự công nhận và trân trọng đối với loại hình nghệ thuật trừu tượng Op Art, khiến những người hâm mộ ít ỏi của trào lưu này cảm thấy ấm lòng.
Ảnh: Buổi triển lãm của họa sỹ Bridget Riley (trái) có sự tham dự của nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị (phải)
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, Op Art không còn mang đến sự sửng sốt cho người xem như thời kỳ đầu. Một người bình thường chỉ cần có máy tính và các phần mềm thiết kế đồ họa Art đơn giản. Song cũng chính vì thế, Op Art đang trở lại và âm thầm tạo dựng những diện mạo mới dự báo sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ảnh: Tấm ảnh thời trang nổi tiếng chụp Twiggy trên phông nền là bức tranh Op Art của Bridget Riley
Những nghệ sỹ Op Art mới không ngại ngần thử nghiệm các không gian sáng tạo mới. Ramiro Chávez Tovar (Mexico) đã tạo lập nên Nested Spaces với tham vọng tạo ra những chiều không gian lồng ghép nhau, khiến người xem không thể đo được độ dài của thời gian hay không gian mà chìm đắm trong hiệu ứng thị giác.
Ảnh: Gian hàng của nước Anh tại triển lãm quốc tế ở Thượng Hải năm 2010 thiết kế theo trường phái Op Art
Người có công lớn trong việc đưa Op Art trở lại rầm rộ là Marc Jacobs với bộ sưu tập xuân hè 2013 làm choáng váng các tín đồ trên sàn diễn New York. Tinh thần hoài cổ 1960 nhuốm đầy ảo ảnh tương lai trong không gian ba chiều. Op Art được khai thác triệt để trong các thiết kế của Jacobs, những họa tiết in theo dạng optical được sắp xếp sáng tạo hoàn hảo để tạo thành hiệu ứng thị giác. Mỗi bước đi của người mẫu đều tạo ra những ảo ảnh động không gian ba chiều khiến giới mộ điệu thời trang tràn ngập cảm hứng.
Ngoài Marc Jacobs còn có các tên tuổi thiết kế khác như Alexandre Herchcovitch, Emilio Cavallini, Bibhu Mohapatra, Anna Sui… cũng khuấy động catwalk với những bộ sưu tập ấn tượng lấy cảm hứng từ trào lưu Op Art.
Ảnh: Anna Sui Thu Đông 2013
Sự trỗi dậy của Op Art tuy âm thầm nhưng tác động đến khá nhiều lĩnh vực. Ngoài thời trang, Op Art còn là cảm hứng của nhiều kiến trúc sư thiết kế nội thất, nghệ sỹ âm thanh (bạn có thể nghe tác phẩm phối thanh của Andre Michelle tại http://www.op-art.co.uk/ music/) và các “đại gia” công nghệ. Trong tương lai, Op Art sẽ tiếp tục phát triển song song cả ở khía cạnh thương mại lẫn sáng tạo nghệ thuật.
Ảnh: Đồng hồ thông minh Pebble gây sốt mấy tháng vừa qua không chỉ vì tính năng vượt trội mà còn bởi thiết kế ấn tượng với các họa tiết op art trên bề mặt.
Tuyên ngôn “nghệ thuật dành cho tất cả” của Victor Vasarely dành cho Op Art trở nên đúng đắn. Thời đại công nghệ số khiến trào lưu này trở nên gần gũi và thiết thực hơn nhiều so với thập niên 1960. Mặt khác, mỗi chúng ta luôn cần những quãng phiêu du ngắn vào không gian ba chiều để quên đi thực tại, và Op Art luôn tồn tại bền bỉ để mang tới những ảo giác tuyệt vời như thế.