Pop Art

Pop Art là một trong những trào lưu mỹ thuật lớn nhất thế kỷ 20, từ khi khai sinh đã luôn đi đôi với những nhà thiết kế thời trang nổi loạn

Thời trang luôn gắn liền với nghệ thuật, đặc biệt khi đó là trào lưu Pop Art 

Trào lưu Pop Art là gì?

Pop Art (viết tắt từ chữ popular art, có nghĩa là nghệ thuật đại chúng) không chỉ là một phong cách thời trang. Nó là cả một trào lưu mỹ thuật lớn xuất phát từ thời đại công nghiệp sản xuất hàng loạt. Pop Art ra đời vào giữa thập niên 1950 tại Anh, trở nên phổ biến tại Mỹ những năm 1960 và gắn liền với khu đô thị lớn.

Nghệ thuật gia theo trường phái Pop Art không phải lúc nào cũng là họa sỹ, vì không phải ai trong số họ cũng vẽ tranh. Đôi khi họ sẽ chụp ảnh. Hoặc thu thập tài liệu từ những hình thức thông tin mới như truyền hình, điện ảnh, quảng cáo, truyện tranh… và lồng ghép chúng vào một sản phẩm mới. Sản phẩm Pop Art có thể là bất kỳ thứ gì, từ tranh vẽ cho đến trang phục và thậm chí là…một cái ván trượt.

Sự ra đời của trào lưu này như một cú tát vào mặt giới nghệ thuật gia cổ điển. Bỗng nhiên, hình vẽ một hộp súp Campbell có giá trị ngang hàng với tranh vẽ Henri Matisse!

Sự khác biệt giữa Pop Art phong cách Anh và Mỹ

Làn sóng Pop Art ở Mỹ mang đậm tính chất chỉ trích quảng cáo thương mại. Trong khi đó, làn sóng Pop Art ở Anh Quốc lại chú trọng đến việc so sánh những hình ảnh trái chiều trong quảng cáo. Sản phẩm công nghiệp được quảng cáo tuy mang lại chất lượng sống cao hơn nhưng lại ẩn giấu nhiều thông điệp phản cảm.

Cái tên Pop Art lần đầu tiên được truyền bá rộng rãi vào năm 1962, khi bảo tàng nghệ thuật Museum of Modern Art tổ chức Hội nghị Thời trang Đại chúng (Symposium of Pop Art).

Trào lưu nghệ thuật đại chúng trong thời trang

Pop-Art-Fall-2014

Các thiết kế mùa thu đông 2014 thấp thoáng hình ảnh các tác phẩm hội họa như mẫu thiết kế của Prada và tác phẩm Knots của họa sỹ Sarah Morris, đầm của Akris và tác phẩm Nacht.1, II 1992 của Thomas Ruff, áo khoác của Altuzarra và và tác phẩm Grace Kelly III của Imi Knoebel…

Kể từ khi trào lưu Pop Art ra đời, nó đã đi đôi với những nhà thiết kế thời trang nổi loạn. Các nghệ sỹ Pop Art giới thiệu những bức tranh vẽ sặc sỡ lấy cảm hứng từ những món đồ sản xuất hàng loạt tầm thường. Để rồi những bức họa ấy lại trở thành cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang thời bấy giờ.

Trang phục lấy cảm hứng từ phong cách Pop Art thường có màu sắc vui tươi, rực rỡ. Đấy là bảng màu của trào lưu này. Các họa tiết đi kèm có thể lấy từ chính các tác phẩm Pop Art, hoặc là họa tiết mang phong cách nghệ thuật đại chúng với đường vẽ ngộ nghĩnh và sự tương phản cao.

Burberry-fsh-F14-013

Bộ sưu tập Thu Đông 2014–2015 của Burberry Prorsum với những thiết kế lấy cảm hứng từ nghệ thuật hội họa đại chúng

Các nhân vật quan trọng của thế kỷ 20

Sau 1960, trào lưu pop art lan tỏa đến nhiều quốc gia khác nhau và tại mỗi nơi xuất hiện một vài gương mặt nổi trội. Tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là hai quốc gia Mỹ và Nhật. Tại Mỹ, ta nhắc đến Roy Lichtenstein, Andy Warhol. Tại Nhật là Yayoi Kusama và Tadanori Yooko.

Đầm Souper Dress của Andy Warhol

Andy Warhol có lẽ là nghệ sỹ Pop Art đầu tiên có sức ảnh hưởng mạnh trong làng thời trang. Ông khởi đầu sự nghiệp như một nhà minh họa thời trang cho các tờ tạp chí như Glamour, Vogue và Mademoiselle. Nhận thấy tiềm năng của làng thời trang, vào thập niên 1960, ông bắt đầu vẽ tay các thiết kế lên giấy, rồi biến nó thành đầm! Mẫu Paper Dress của Andy Warhol nổi tiếng nhất là đầm Souper Dress với hộp súp Campbell.

Ngày nay, ta có Taylor Swift nổi tiếng với “The Squad” là bạn bè gồm những siêu mẫu. Thời thập niên 1960, Andy Warhol cũng có một nhóm bạn thân – mà trong số đó là Yves Saint Laurent. Năm 1966, Yves Saint Laurent từng tổ chức một show diễn lớn gọi là Pop Art Collection, với mục đích duy nhất là ghi chú lại chặng đường nghệ thuật của Andy Warhol.

20140307_pop-art-lichtenstein-lisa-perry-charlotte-olympia

Một số thiết kế thời trang được in bằng tranh pop art của bậc thầy Lichtenstein

Ngoài Andy Warhol, Roy Lichtenstein cũng là một nhà nghệ thuật gia khác gây cảm hứng cho giới thời trang. Ông nổi tiếng với các bức họa chấm biến lấy nền tảng là truyện tranh. Dựa trên những cuốn truyện tranh nổi tiếng nhất thời bấy giờ từ nhà xuất bản DC Comics, ông phóng đại lên thành hình to cỡ đại, tô màu sặc sỡ và mô phỏng những chấm mực in CYMK qua họa tiết chấm bi cỡ đại.

Jeremy Scott, người tiếp nối trong thế kỷ 21

Bộ sưu tập McDonald mà Jeremy Scott thiết kế cho Moschino, 2014

Ngày nay, việc thời trang áp dụng họa tiết từ các nghệ sỹ Pop Art là chuyện khá bình thường. Nhưng, người thừa kế tinh thần gốc của Pop Art, biến những thứ gì tầm thường lên thành tác phẩm nghệ thuật, chính là nhà thiết kế Jeremy Scott.

20181004-moschino-pink-fresh-couture-05

Dòng nước hoa Moschino Pink Fresh Couture với chai hình nước xịt lau nhà

Anh thường xuyên chọn những đề tài có gốc từ sản phẩm công nghiệp chế tác hàng loạt, rồi biến nó thành một tác phẩm thời trang cho thương hiệu Jeremy Scott. Có thể kể đến những bộ sưu tập lấy cảm hứng từ chuỗi thức ăn nhanh McDonald, búp bê Barbie, hay nước hoa Moschino Pink Fresh Couture với chai mô phỏng chai nước xịt lau phòng!

>>> Xem thêm: BẠN CÓ MUỐN MUA NHỮNG “CHIẾC BÁNH MÌ” ĐẮT ĐỎ CỦA MOSCHINO?

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Mới nhất về Pop Art

Xem thêm