Color Block: Lối phối màu đa năng

Thời trang như một vòng quay ngựa gỗ. Xu hướng qua đi rồi sẽ trở lại, điều này đúng với Color Block

Color block là gì? Đó là sự kết hợp của những khối màu, đôi khi tương phản, trong cùng bộ cánh. Color Block là một trong những kiểu phối màu đa năng nhất của làng thời trang. Ảnh: Versace Xuân Hè 2022 – ImaxTree

Color block là gì? Color block là một xu hướng thời trang luôn xuất hiện trên sàn diễn Xuân Hè những năm gần đây, và mỗi lần trở lại ngày càng đặc sắc hơn. Kiểu phối màu Color block có thể xuất hiện trong nhiều phong cách thời trang khác nhau, ví dụ như Pop art, Y2K, thậm chí là Disco của thập niên 1970. Nói như vậy để thấy, phong cách Color block rất đa năng và có thể được đưa vào tủ đồ của bất kỳ ai.

Phong cách thời trang color block là gì?

Lối chơi màu color block trong bộ sưu tập Prada Pre-Fall 2020. Ảnh: Prada

Color có nghĩa là màu sắc. Block là những hình khối trơn màu, có thể là vuông, chữ nhật, tròn, hình thang hay tam giác. Như vậy, khi hỏi “color block là gì”, đó là khi hai hoặc nhiều khối màu có hình dạng hình học (geometric) được kết hợp với nhau.

Trong thời trang, phong cách color block thường miêu tả việc phối từ 2 đến 3 gam màu nổi bật, đôi khi chẳng ăn nhập gì với nhau, vào cùng một bộ cánh.

Phong cách color block không chỉ xuất hiện riêng trong thời trang. Nó còn xuất hiện trong trang trí nội thất, trang điểm, và thiết kế đồ họa, do tất cả những ngành này đều có gốc rễ từ hội họa, xuất phát điểm của trào lưu color block.

Piet Mondrian khai sinh cách chơi màu kiểu color block trong nghệ thuật

Nhận định chung cho rằng, người đã khai sáng ra trào lưu phối màu Color block chính là Piet Mondrian (1872 – 1944). Ông là một họa sỹ người Hà Lan tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật trừu tượng. Bắt đầu sự nghiệp với trường phái Ấn tượng (Impressionism), ông dần dần tối giản hóa những nét vẽ của mình, cho đến khi tranh của ông chỉ còn những khối màu đơn sắc.

Năm 1919 là khi Piet Mondrian bắt đầu thử nghiệm với loại hình nghệ thuật hình học. Từ lúc đó trở đi, tất cả tác phẩm của ông chỉ sử dụng ba màu căn bản (đỏ, xanh dương và vàng), ba sắc sáng tối (trắng, xám và đen), cùng những đường nét được chia theo hai chiều hướng (dọc hoặc ngang).

Lý giải về phong cách của mình, Piet Mondrian chia sẻ qua một lá thư năm 1914 gửi đến nghệ thuật gia người Hà Lan H. P. Bremmer:

“Tôi xây dựng những đường thẳng và màu sắc trên mặt phẳng để diễn giải vẻ đẹp một cách chân phương nhất. Thiên nhiên (mà tôi chiêm ngưỡng) luôn gây cảm hứng nơi tôi để sáng tạo, nhưng tôi muốn tiến gần nhất đến với sự căn bản – cho dù là căn bản bề mặt – của mọi thứ… Tôi cho rằng, thông qua những đường ngang dọc, thiết kế không nhờ toán học mà với trực giác, những hình thái căn bản nhất của vẻ đẹp này [có thể] trở thành một tác phẩm nghệ thuật”.

Tác phẩm Broadway Boogie Woogie do Piet Mondrian vẽ năm 1942. Ảnh: MoMA

Những tác phẩm hội họa của Piet Mondrian như series Tableau, Composition, hay Boogie Woogie được xem là đặt nền móng cho các trường phái hội họa trừu tượng (abstract), tối giản (minimalism), và cũng khai sáng cho phong cách chơi màu color block.

Color block đến với thời trang vào thập niên 1960

Ba chiếc đầm cocktail chữ A họa tiết Mondrian của Yves Saint Laurent. Ảnh: Eric Koch (1966), tô màu bởi Retrograph

Piet Mondrian qua đời vào năm 1944, 21 năm trước khi Yves Saint Laurent đưa tác phẩm nghệ thuật của ông lên thiết kế thời trang của mình. Dù vậy, cả hai đều thành công trong việc tạo ra trào lưu mới. Tương tự như Piet Mondrian ủng hộ sự phát triển của khái niệm thẩm mỹ trừu tượng và tối giản, Yves Saint Laurent cũng thành công đưa color block vào thời trang. Bộ sưu tập gồm 6 mẫu đầm bằng len và lụa đột phá này đã làm danh tiếng Yves Saint Laurent nổi như cồn.

Có lẽ, Yves Saint Laurent thành công với bộ sưu tập Mondrian năm 1965 một phần vì color block rất phù hợp với Mod Style, phong cách thời trang thịnh hành của thập niên 60. Mod Style chuộng phom dáng suôn, rất phù hợp với những đường nét thẳng thớm trong tác phẩm nghệ thuật của Piet Mondrian.

Ảnh: Musée Yves Saint Laurent Paris

Lối phối màu đa năng của làng thời trang

Nhờ Yves Saint Laurent, cách chơi màu color block bùng nổ trong thời trang thập niên 1960. Và sau thập niên này, color block tiếp tục biến hóa, ở mỗi thập niên sau lại được cải tiến cho thích nghi với thời đại. Vì vậy, không ngoa khi nói rằng kiểu chơi màu color block thật “tắc kè hoa”.

Thập niên 1970 đưa những gam màu nóng, đậm và rực rỡ đậm chất hippie vào thời trang phong cách color block. Trong thập niên này, nhà thiết kế da màu Stephen Burrows đã đưa phong cách color block đến Mỹ. Ngày nay, ông có thể không quá nổi tiếng, nhưng năm 1973, Stephen Burrows là một trong năm nhà thiết kế Mỹ đến Pháp tham gia Cuộc chiến Versailles, đối đầu với các nhà thiết kế Pháp (cuộc chiến này được ghi nhận trong phim Halston trên Netflix).

Thời trang aerobics thập niên 1980. Ảnh: Dennis P Hallinan/UNIC NA / Getty Images

Thập niên 1980, color block nổi tiếng khi gắn liền với phong trào aerobics. Những màu ngọc rực rỡ tiếp năng lượng cho những huấn luyện viên thể dục trên TV, mà có lẽ nổi tiếng nhất là nữ diễn viên Jane Fonda.

Và thập niên 1990-2000, kiểu phối màu color block đi đôi cùng phong cách Y2K đậm chất phản văn hóa (counterculture). Những màu sắc tưởng như chẳng ăn nhập gì với nhau lại được kết hợp chung trong một bộ trang phục. Bên cạnh đó, những màu sắc của công nghệ như neon và ánh kim cũng tham gia cuộc chơi.

Color block phong cách Y2K trên sàn diễn Xuân Hè 2022. Từ trái sang: Versace, Prabal Gurung, Dior, Saint Laurent, Valentino. Ảnh: ImaxTree

Cách phối đồ phong cách color block sang đẹp là gì?

Ngày nay, kiểu chơi màu color block xuất hiện trên quần, áo, đầm… thậm chí trên giày, dép, túi xách và nhiều loại phụ kiện khác và có thể kết hợp với nhau theo phong cách tương phản hoặc tương đồng. Trong thời đại của nữ quyền, những trang phục color block tạo nên vẻ mạnh mẽ không gượng ép cho người mặc.

Vậy, đâu là cách mặc đồ với xu hướng color block sang đẹp? Sau đây là những mẹo từ Harper’s Bazaar.

Chọn trang phục color block sao cho không phô khuyết điểm?

Ảnh: ImaxTree

Ưu tiên phối trang phục theo phong cách đơn sắc (monochromatic). Bạn có thể chọn một chiếc đầm màu đậm hơn đi cùng áo khoác màu nhạt hơn. Áo màu đậm cùng quần màu nhạt, hoặc ngược lại. Phối trang phục cùng phụ kiện như túi hay giày với sắc màu tương tự nhưng ở tông sắc khác. Mặc nguyên cây màu sắc tương tự nhau sẽ giúp bạn trông cao hơn.

Taylor Swift mặc đầm color block của J.Mendel. Ảnh: Getty Images

Ưu tiên chọn các trang phục có sọc dọc. Sự nổi bật của color block dễ tố cáo khuyết điểm trong vóc dáng của người mặc. Phối cột màu chạy dọc thân áo sẽ giúp thân hình trông mảnh mai hơn.

Hạn chế chọn trang phục có sự phân chia màu sắc quá rõ rệt giữa nửa thân trên và nửa thân dưới. Cách phối đồ này sẽ khiến bạn trông thấp và mập hơn.

Nếu có thân hình quả lê, bạn hãy chọn màu tối cho phần thân dưới.

Với dáng người quả táo, tránh những khối màu nằm ngang ở phần bụng. Hãy chọn màu sáng cho phần chân.

Nếu thân hình tròn trịa, bạn nên kết hợp trang phục màu tối giản dị, rồi sử dụng phụ kiện color block rực rỡ.

Kendall Jenner mặc đầm Ralph Lauren. Ảnh: Pinterest

Tất nhiên, nếu sở hữu dáng vóc đồng hồ cát hoặc rất mảnh mai, những khối màu sáng quanh thắt lưng sẽ làm nổi bật đường cong của bạn.

Chọn trang phục color block sao cho sang?

Một cách phối màu tương hỗ trên sàn diễn Tom Ford Xuân Hè 2022. Ảnh: ImaxTree

Thử nghiệm cách phối màu với bánh xe màu sắc. Muốn ấn tượng, hãy phối hai gam màu tương phản. Muốn nhẹ nhàng, hãy thử bảng màu tương hỗ. Cuối cùng, đừng phối nhiều hơn 4 màu trong cùng một bộ cánh.

Ảnh: Amie Milne for Harper’s Bazaar Vietnam

Nếu chưa rõ cách chọn màu sắc, bạn nên phối phụ kiện màu nổi cùng trang phục màu trung tính. Ví dụ, trang phục màu tối (như đen, xám, xanh biển) cùng phụ kiện màu sáng (cam, đỏ, hồng, xanh). Bạn có thêm sắc màu vào những phụ kiện như giày, túi xách, vòng cổ và dây nịt.

Phối đồ Color Block theo xu hướng Thu Đông 2020

Ảnh: Amie Milne for Harper’s Bazaar Vietnam

Kết hợp một chiếc áo khoác blazer hay cardigan màu bên ngoài một bộ đầm trơn màu cũng là cách dễ nhất để “sành điệu hoá” một bộ trang phục đơn sắc. Còn nếu quần và áo đã quá nổi bật, bạn có thể “hạ nhiệt” xuống một chút bằng chiếc áo khoác trắng thanh lịch phù hợp với không gian công sở.

>>> Xem thêm: NGUYÊN TẮC PHỐI MÀU QUẦN ÁO VỚI BÁNH XE MÀU SẮC

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Mới nhất về Color Block: Lối phối màu đa năng

Xem thêm