Vì sao Louis Vuitton, Cartier, Piaget mê đắm sapphire châu Á

Đá lam ngọc (sapphire) đến từ "tam giác vàng" của châu Á – Kashmir, Sri Lanka và Myamar – đắt đỏ nhất thế giới. Cùng tìm hiểu lý do.

Vòng cổ Le Royaume trong BST Riders of the Knight của Louis Vuitton gồm 1600 viên kim cương và sapphire. Tâm điểm là viên lam ngọc nặng 19.31 carat.

Cái tên của lam ngọc, sapphire, đến từ gốc Latin sapphirus, có nghĩa là viên đá xanh. Điều đáng ngạc nhiên là sapphire thực chất có nhiều tông màu. Từ trắng trong, đến cam và hồng… nó đủ 7 sắc cầu vồng. Cùng với hồng ngọc (ruby) và ngọc lục bảo (emerald), đây là bộ ba những viên đá quý được đánh giá cao cấp nhất sau kim cương.

Tại phiên đấu giá Magnificent Jewels do Christie’s tổ chức ở Hồng Kông, tháng 5/2019, một đôi bông tai đính sapphire, khoảng 10 carat mỗi bên, đã được mua với giá 320,513 đô-la Mỹ. Còn một chiếc cài áo đính sapphire 26.41 carat đươc bán với giá 4,33 triệu đô-la Mỹ.

Được biết, những viên sapphire này đến từ vùng Kashmir của Ấn Độ, Miến Điện, và Sri Lanka. Ba khu vực này được mệnh danh là “tam giác vàng” châu Á trong giới đá quý. Vì sao chúng lại đặc biệt đến thế?

Sapphire từ Kashmir, Ấn Độ

Brooch cài áo vintage từ cuối thế kỷ 19, gắn sapphire Kashmir. Ảnh: Sotheby’s

Lần đầu tiên đá lam ngọc được tìm thấy tại Kashmir, Ấn độ là năm 1881. Một trận lở núi ở vùng Tây Bắc dãy Himalaya đã để lộ quăng mỏ thiên nhiên với màu đá rực rỡ. Chỉ trong 6 năm ngắn ngủi, các mỏ đá sapphire tại Kashmir đã bị khai thác gần như cạn kiệt. Bây giờ, sapphire tại đây hiếm mà đạt được chất lượng cao cấp cần thiết cho nữ trang.

Có nhiều màu sắc khác nhau, nhưng màu xanh luôn là sắc thái được ưa chuộng nhất. Đối với sapphire xanh, màu xanh thẳm luôn có giá thành cao hơn cả. Còn màu xanh của đá sapphire từ Kashmir lại nghiêng về sắc xanh cornflower nhạt. Tuy vậy, màu của nó rất rực rỡ, lại không quá trong suốt do có nhiều vân đá, nên tạo cảm giác mượt như nhung.

Do không còn được khai thác hậu thế kỷ 20, giá thành của đá sapphire Kashmir đã tăng mạnh.

Dòng nữ trang Blue Waterfall thuộc bộ sưu tập Golden Oasis của Piaget sử dụng đá sapphire Kashmir. Màu xanh nhạt cornflower là đặc trưng.

Sapphire từ Miến Điện (Myanmar)

Các mỏ quặng tại Miến Điện giàu đá ruby hơn là sapphire. Tuy nhiên, những viên sapphire được tìm thấy tại đây lại có kích cỡ to hơn hẳn. Điểm tương đồng giữa giữa những loại ruby hay sapphire đến từ đây là có màu sắc rực rỡ cho dù không cần xử lý nhiệt*. Những viên sapphire Miến Điện đậm màu, ngả về ánh xanh tím, trong suốt, ánh lửa đậm và rõ rệt. Chúng cũng khá đều màu, không có vân đá rõ rệt.

*Xử lý nhiệt giúp tăng cường màu sắc, hoặc thay đổi gam màu, của viên đá quý.

Miến Điện đã khai thác sapphire từ hơn 1000 năm nay. Một trong số những địa điểm quan trọng nhất là mạch đá ở Mogok. Tuy vậy, số lượng khai thác từ mạch đá này đã bị hạn chế từ lâu. Vì vậy, đá sapphire Miến Điện cũng quý hiếm không khác gì loại đến từ Kashmir.

Nhẫn bằng vàng trắng và sapphire Miến Điện của David Morris

Sapphire từ Sri Lanka

Nhẫn đính hôn của công nương Diana đính sapphire Sri Lanka

Sri Lanka là nơi sở hữu mỏ đá sapphire cổ nhất trên thế giới. Theo sách sử, sapphire được tìm thấy tại đây vào thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên. Các thương lái bắt đầu truyền tay nhau đá quý từ Sri Lanka dọc con đường tơ lụa từ thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên.

Còn được gọi là Sapphire Ceylon (tên cũ của Sri Lanka thời thuộc địa), nhiều viên sapphire nổi tiếng nhất thế giới đến từ Sri Lanka. Nhẫn đính hôn của công nương Diana mê hoặc vì viên sapphire Ceylon ở trung tâm. Viên Star of India (563 carat) và Logan Sapphire (423 carat) cũng xuất thân từ đây.

Vòng cổ Moires thuộc bộ sưu tập Résonances de Cartier đính sapphire Ceylon

Vui vui: Nhẫn đính hôn bằng sapphire đang là trào lưu

Trước thế kỷ 20, nhẫn đính hôn sử dụng rất nhiều đá quý khác nhau. Qua đến thế kỷ 20, nhờ chương trình quảng cáo quá thành công của thương hiệu De Beers mà kim cương đã “soán ngôi”. Xu hướng chọn nhẫn đính hôn bằng đá màu phai nhạt…cho đến khi công nương Diana xuất hiện với chiếc nhẫn đính hôn cẩn lam ngọc to bản.

Sau khi công nương Diana qua đời, chiếc nhẫn này được truyền lại cho con trai bà, hoàng tử Williams. Anh đã tặng nó cho vợ là công nương Kate Middleton. Từ đấy, xu hướng nhẫn đính hôn cẩn lam ngọc lại một lần nữa dấy lên.

Chiếc nhẫn đính hôn sapphire này được truyền xuống cho công nương Kate Middleton

>>> Xem thêm: GIẢI VÂY CHO SPINEL, “VIÊN RUBY GIẢ MẠO”

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm