Ready to Wear / Prêt à Porter

Ready to wear là gì? Ready to wear hiểu nôm na là quần áo may sẵn, phù hợp mọi vóc dáng cơ thể, tiếng Pháp gọi là "prêt-à-porter"

Bộ sưu tập ready to wear Thu/Đông 2021 của Chanel 

Bộ sưu tập ready to wear Thu Đông 2021 của Chanel

Ready to wear là gì? Trong thời đại này, chún ta thích mua sắm online nhiều hơn nên khái niệm thời trang ready to wear cũng ngày càng phổ biến. Đó có thể là những chiếc mũ, áo thun, quần short, đồ lót, tất, áo len, váy xếp tầng… Điểm chung của các trang phục này là không cần phải may đo cho từng người riêng biệt. Vì vậy, chúng được sản xuất bằng máy móc thay vì may đo thủ công.

Quần áo may sẵn ready to wear là gì?

Ready to wear là gì? Vào thời kỳ chiến tranh những năm 1812, chính quyền Hoa Kỳ bắt đầu sản xuất đại trà đồng phục cho binh lính. Đây chính là trang phục ready to wear đầu tiên trong lịch sử thế giới. Khái niệm ready to wear đã sống sót sau cuộc chiến, và đến cuối thế kỷ XIX, người ta đã có thể mua sắm quần áo ready to wear trong các cửa hàng thời trang trên phố lớn.

Bên cạnh thuật ngữ “ready to wear”, khái niệm thời trang này còn có những thuật ngữ đồng nghĩa như “off the peg”, “off the rack”. Tiếng Pháp là prêt à porter. Người Việt chúng ta gọi là quần áo may sẵn hoặc quần áo công nghiệp.

Khách hàng càng bận rộn thì hàng may sẵn lại càng cần thiết. Đó là lý do ready to wear ngày càng có vị thế so với haute couture (hàng may đo riêng). Ít có ai bỏ hàng giờ đồng hồ đến boutique của một nhà mốt nào đó để chọn vải, chọn thiết kế, chờ cắt may rồi chờ thử đồ. Huống chi thời trang haute couture luôn đắt đỏ hơn quần áo may sẵn.

Tuy nhiên, nếu khách hàng đang cần một bộ suit, áo jacket thể thao hay áo khoác blazer dáng ôm thì họ vẫn ưu tiên chọn trang phục được cắt may riêng, tiền bạc không thành vấn đề.

ready to wear là gì

Ca sĩ, diễn viên Vương Nhất Bác mặc chiếc áo khoác nằm trong bộ sưu tập Ready to wear Thu Đông 2020 của Chanel. Ảnh: Studio Tiểu Báo

Chẳng hạn, một số cửa hàng Chanel bán cả trang phục may sẵn và thực hiện cả quần áo haute couture. Tuy nhiên, kể cả khi mua quần áo ready to wear thì bạn vẫn có thể nhờ sửa một chút cho phù hợp với cơ thể của mình.

Hàng năm, các hãng thời trang thường ra 2 bộ sưu tập ready to wear cho mùa Xuân Hè và Thu Đông. Các bộ sưu tập này được trình diễn trong các tuần lễ thời trang ở London, New York, Milan, Paris. Tuần lễ thời trang ready to wear thường diễn ra riêng biệt so với tuần lễ thời trang haute couture.

Những khác biệt cơ bản giữa haute couture và ready to wear là gì?

trang phục haute couture

Bộ sưu tập haute couture Xuân Hè 2021 của Dior

Theo các tiêu chuẩn của thời trang Pháp, trang phục haute couture hầu hết được may thủ công. Các chi tiết may đo, đính kết được hoàn thiện hoàn toàn bằng tay. Đó thường là những trang phục được các ngôi sao, người có địa vị chưng diện trên thảm đỏ, trên sàn diễn thời trang hay các bữa tiệc thượng lưu.

Còn ready to wear là phục trang hàng ngày, được bày bán trên kệ và khá dễ mặc, giá cũng dễ chịu. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nhà thiết kế và chất liệu vải, đôi khi hàng ready to wear cũng cực kỳ đắt đỏ so với túi tiền của tầng lớp trung lưu.

Chất liệu của hàng ready to wear là do máy móc tổng hợp, còn chất liệu của thời trang haute couture có thể từ nhuộm và dệt thủ công.

Hàng haute couture chỉ có một size phù hợp với dáng người, trong khi hàng ready to wear lại có nhiều size khác nhau từ XXS (size nhỏ nhất) cho tới 5XL (size lớn nhất).

quần áo may sẵn

Các thiết kế ready-to-wear dễ sử dụng trong BST DG Digital Show #1 Walking in the Street

Blogger thời trang Kacey Buchanan từng cho rằng chỉ có khoảng 2.000 người trên thế giới mua hàng haute couture, còn lại đều dùng trang phục ready to wear.

Ngành công nghiệp thời trang cũng sớm nhận ra rằng khách hàng thích những thiết kế độc nhất mang hơi hướng haute couture nhưng lại in giá tiền ready to wear. Chẳng hạn một chiếc đầm haute couture có thể mất tới 300 giờ công để hoàn thành và có giá lên tới 90,000 đô-la, tuy nhiên nếu dùng công nghệ máy móc để thực hiện thì chỉ còn tốn 50-100 giờ công và giá cả nhờ đó cũng mềm hơn.

Do đó các hãng nhanh chóng tạo ra các dòng thời trang “khuếch tán”, trung hòa sự hào nhoáng, sang chảnh của trang phục haute couture với mức giá có thể chấp nhận được của hàng ready to wear. Như vậy khách hàng thì được mặc đồ hiệu còn nhãn hàng lại tiếp cận được gần hơn với hầu bao của khách. Suy cho cùng, ngoài Lady Gaga và những người giống như cô thì đâu phải ai cũng dư dả tiền bạc bay đến Paris để may đồ?

Ngành công nghiệp ready to wear trong thế kỷ XXI

ready to wear là gì

Fan săn đồ hiệu để mặc giống thần tượng. Nguồn: Goddess Lisa

Ngày nay, 40% các loại vải vóc đều có nguồn gốc từ chất liệu nhựa tổng hợp. Vải ngày càng mỏng và kém bền. Các thương hiệu thời trang nổi tiếng cũng tự giảm chất lượng hàng hóa để cạnh tranh với những xưởng sản xuất bán lẻ lớn.

Ready to wear đã tạo ra nhiều cú hích trong lịch sử và nhiều người nổi tiếng cũng thích mặc những trang phục may sẵn này. Kéo theo hàng loạt fan săn lùng các trang phục ready to wear để “cheap moment” với thần tượng (tình cờ sử dụng chung đồ vật với idol).

Nếu trước đây các boutique giới thiệu những dòng thời trang mới 4 lần trong năm, thì nay cứ cách 2 tuần họ lại phải ra mẫu mới. Các boutique của H&M và Forever 21 dường như nhập mẫu mới mỗi ngày. Tủ quần áo của mỗi hộ gia đình cũng ngày càng lớn hơn, quần áo mua mới thường xuyên do khách hàng cũng khó lòng kháng cự trước những thiết kế mới không ngừng được cập nhật.

Trong thời buổi kinh tế bấp bênh, khi các thương hiệu thời trang phải đóng cửa hàng loạt các cửa hàng trên phố lớn để tiết kiệm chi phí, thì mua sắm online vẫn không ngừng bứt phá và quần áo ready to wear chính là cứu cánh cho hầu hết các ông lớn thời trang. Hy vọng các thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ ready to wear là gì.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm