Mảng tối sau hào quang nhà thiết kế: Áp lực, trầm cảm và tìm đến cái chết

Thế giới thời trang vốn thường được khắc hoạ như một nơi xa hoa, diễm lệ, vẹn toàn và tràn đầy hứng khởi, là nơi những câu chuyện đẹp nhất được khơi gợi, văn hoá được tạo hình, và giấc mơ được trở thành hiện thực. Song đằng sau thế giới đó là mặt khác rất đen tối. Khi cuộc vui kết thúc, sẽ chỉ còn lại những người nghệ sĩ, loay hoay không có lối thoát ra, khi tìm cách đạt đến tầm cao một lần nữa. Và giờ đây, đã đến lúc chúng ta nên nói về áp lực, trầm cảm và cái chết tức tưởi trong nền công nghiệp này.

Thi thể của Alexander McQueen được tìm thấy trong căn hộ của mình, sau khi uống hỗn hợp cocaine, thuốc ngủ và cả thuốc an thần. Bàng hoàng và đau đớn, nhưng cái kết này không thật sự khó hiểu. Theo bác sĩ tâm thần của McQueen, ông mắc chứng lo lắng và trầm cảm trong ít nhất ba năm. Và từng có hai lần dùng quá liều hỗn hợp thuốc nói trên để cứu vãn tình hình. Trạng thái tinh thần ấy liên quan trực tiếp đến khối lượng việc quá tải mà ông phải đảm trách.

Đọc thêm: Nhà thiết kế Alexander McQueen và những hình ảnh gây choáng váng cả thế giới thời trang

Chuyện nền công nghiệp thời trang có thể khiến con người bị khủng hoảng đã không còn là bí mật. Hãy nhớ lại Yves Saint Laurent, người đã dùng ma tuý và rượu thường xuyên đến mức không thể bước xuống đường băng trong show diễn cuối cùng. Hay Galliano, người từng bị sa thải khỏi Dior vì lời lăng mạ phân biệt chủng tộc. Sau cuộc khủng hoảng lớn nhất đời, ông thừa nhận rằng bản thân từng thường xuyên phải viện đến vodka, ma tuý.

John Galliano

John Galliano

Cựu nhà thiết kế Lanvin, Alber Elbaz, khẳng định với một tạp chí thời trang: “Tôi không thể hiểu nổi cuộc chạy marathon thời trang này… Bạn bắt đầu hiểu tại sao một số nhà thiết kế lại làm điều kỳ lạ… Bạn phải tìm cách giải quyết tất cả.”

Thời trang: Một vòng xoay điên loạn

Thế giới thời trang từng được vận hành theo một chu kỳ sáu tháng. Giờ đây, chu kỳ ấy đã bị cắt thành đôi. Và nếu như bạn hỏi chuyện một nhà thiết kế tại một thương hiệu lớn, chu kỳ ấy giờ trở thành 3 tuần. Điều thậm chí trầm trọng hơn chính là sự thật rằng khối lượng công việc đã gia tăng phần lớn. Dù thời gian quay vòng thu hẹp lại.

Lịch sự kiện thời trang đang ngày càng bùng nổ. Show diễn haute couture diễn ra vào tháng 1 và tháng 7. Ready-to-wear diễn ra vào mùa Thu và mùa Xuân. Các bộ sưu tập Cruise xuất hiện khoảng hai lần một năm. Các nhà mốt giờ đây đang làm cả đồ nam, đồ nữ, trang sức, phụ kiện và nước hoa. Chỉ có một phép lạ xảy ra với những người đang làm trong ngành này mà không thấy quá tải.

Nhưng tất cả áp lực đến từ đâu? Chúng ta đang sống trong một thời đại mà thông tin được tiêu thụ với tốc độ nhanh hơn nhiều nhờ vào Internet. Mọi thứ dần cũ đi nhanh hơn và tương ứng với đó là nhu cầu được trải nghiệm cái mới. Các nhà thiết kế phải bắt kịp nhu cầu ấy, và, theo một cách nào đó, đang thúc đẩy lẫn nhau làm nhiều hơn khả năng họ có thể đảm trách, khi cố gắng theo kịp các đối thủ cạnh tranh. Ngành thời trang dựa trên sự phán xét và phê duyệt. Kỳ vọng từ người mua, nhà bán lẻ, người tiêu dùng, giới truyền thông và công chúng được đặt lên rất cao. Áp lực cũng có thể đến từ tính cách cầu toàn của chính nhà thiết kế.

20180610-nha-thiet-ke-03

Những áp lực chết người này tạo nên sự căng thẳng rất lớn. Bất kể họ cố gắng đến thế nào đi nữa, rất khó để làm hài lòng tất cả mọi người. Bạn không thể không tự hỏi điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến lòng tự tôn của các nhà thiết kế. Và Galliano đã bày tỏ những cảm xúc ấy trong một cuộc phỏng vấn với Vanity Fair. “Mọi tiếng nói đều vang vọng trong tôi, chất vấn tôi mọi thứ. Tôi sợ hãi khi phải trả lời ‘không’. Tôi nghĩ rằng điều đó thể hiện sự yếu đuối… Sớm hay muộn, tôi cũng sẽ kết thúc trong bệnh viện tâm thần hoặc là sáu tấc đất.”

Áp lực và kỳ vọng cao trộn lẫn với khối lượng công việc phi thực tế rõ ràng là một công thức mạnh; khiến nhiều người cảm thấy bị vắt kiệt, lo âu và trầm cảm. Vì một vài lý do, lối sống tai hại này bị chính nền công nghiệp xem nhẹ và đưa thành tiêu chuẩn. Mọi người có xu hướng thi vị hoá những ý tưởng độc hại – từ những nhà thiết kế bị cùng kiệt sức lực cho đến các các mẫu nhịn ăn để giảm cân, uống rượu, tiệc tùng hoặc thậm chí là dùng chất kích thích.

Những cái đầu bất an

Những con người sáng tạo từ lâu đã gắn liền với các vấn đề tâm thần. Hình ảnh một “nghệ sĩ bị đoạ đày” là điều thường hiện hữu. Liệu ngành công nghiệp sáng tạo thu hút những cá nhân như vậy hay đã tạo ra chúng? Các kết quả nghiên cứu thiên về vế đầu hơn. Những con người sáng tạo có khả năng thiên bẩm để suy nghĩ về các chi tiết nhỏ, tạo dựng sự kết nối và tái hiện lại mọi thứ trong tâm trí để hiểu chúng theo cách của riêng họ. Cách tư duy này hỗ trợ họ trong việc đưa ra ý tưởng mới và khả năng sáng tạo.

Tuy nhiên, cách thức này cũng có thể trở thành một vấn đề, khi áp dụng cho các lĩnh vực khác của cuộc sống. Chẳng hạn như những trải nghiệm đau đớn hoặc căng thẳng. Việc phát đi phát lại những hình ảnh tiêu cực trong tâm trí và chất vấn bản thân dễ dẫn đến cảm giác tuyệt vọng và trầm cảm. Vô số nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần đồng ý rằng trầm cảm được khuếch đại ở những người có khuynh hướng suy nghĩ về suy nghĩ của họ. Vì vậy, có một thực tế rằng việc ngẫm nghĩ nhiều tuy có ích trong hoạt động sáng tạo; song lại là nhân tố đẩy mọi người dễ mắc trầm cảm hơn.

Khi chúng ta nhận ra các nhà thiết kế có thể làm việc quá sức nhiều thế nào; lo lắng và trầm cảm ra sao; lý do nhiều người trong số họ chuyển đến dùng nhiều rượu hay ma tuý càng trở nên dễ hiểu. Và điều đó hẳn nhiên đã dẫn đến các vấn đề bệnh lý thần kinh. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy những nhân viên làm việc quá tiêu chuẩn 48 giờ một tuần của EU có xu hướng tiêu thụ nhiều rượu có hại hơn. Marc Jacobs đã trải qua điều này, đến mức từng hai lần ra vào các trung tâm cai nghiện. “Tôi đã phải chạy quanh các người mẫu, stylists, các nhân vật thời trang. Và tôi dành cả đêm uống rượu hay tiệc tùng.”

Marc Jacobs

Marc Jacobs

Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng đây là điều gây hại. Như Karl Lagerfeld từng khẳng định, “Nếu bạn không phải là một đấu thủ tốt, đừng vào đấu trường. Thời trang giờ đây là một môn thể thao: Bạn phải chạy.”

Rick Owens cũng tỏ ra đồng tình đối với ý kiến này. “Tôi không thực sự thấy đây là một vấn đề: Tôi có xu hướng nhìn vào những thứ này như là sự tiến hóa. Tôi cảm thấy kích thích… và đôi tay bận rộn là đôi tay hạnh phúc. ”

Tuy cảm thấy nhẹ nhõm khi không phải nhà thiết kế nào cũng phải chịu áp lực đến từ ngành công nghiệp, nhưng liệu chúng ta có nên phớt lờ các nhà thiết kế đó? Có bao nhiêu bi kịch sẽ còn diễn ra nữa trước khi chúng ta giải quyết được vấn đề?

"<yoastmark

Lối thoát nào dành cho nhà thiết kế?

Đối với một số người, thế giới thời trang đã là quá rộng lớn. Và họ quyết định sẽ tự tay giải quyết. Viktor & Rolf đã rời khỏi thế giới của ready-to-wear để chỉ tập trung vào mỗi haute couture. Nhà thiết kế người Tunisia – Azzedine Alaïa có cách tiếp cận tương tự khi từ chối trình diễn theo lịch của tuần lễ thời trang. Thay vào đó, ông sẽ chỉ trình làng bộ sưu tập khi nào mọi thứ đã sẵn sàng.

Nếu họ có thể làm điều đó nhưng vẫn trở thành các thương hiệu thành công thì chắc chắn, những người khác cũng có thể làm vậy. Đặc biệt là nếu như điều này mang lại nhiều lành mạnh, hạnh phúc. Có thể chúng ta không cần phải thay đổi lại toàn bộ hệ thống. Vì rõ ràng là nó vẫn có hiệu quả đối với một số người, như Karl. Nhưng những người đang thấy mình kiệt quệ nên tìm đến những sự lựa chọn khác. Văn hóa thời trang, nói chung, cần phải ngừng vươn đến những kỳ vọng không thực tế và nhận ra thiệt hại nó có thể gây ra. Các nhà thiết kế nên có khả năng làm việc trong môi trường lành mạnh; không thấy bị áp lực để theo kịp với sự cạnh tranh liên tục.

Như Justine Picardie, một nhà viết tiểu sử của Coco Chanel, đã từng nói, “Mọi người thường nghĩ về thời trang theo vẻ ngoài của chúng. Nhưng vẫn có một khía cạnh rất tối bên trong cuộc đời của một nhà thiết kế. Lý do quần áo có sức mạnh đến thế là bởi chúng có khả năng che đậy.”

Theo Not Just A Label

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm