Delvaux

Thương hiệu túi xách xa xỉ lâu đời nhất không phải Hermès, Bally, mà là Delvaux! Delvaux cũng là thương hiệu đã tạo hình nên chiếc túi xách tay đầu tiên cho phụ nữ trong lịch sử thời trang

Dòng Brilliant, một trong những mẫu túi xách nổi tiếng nhất trong lịch sử Delvaux

Dòng Brilliant, một trong những mẫu túi xách nổi tiếng nhất trong lịch sử Delvaux. Ảnh: Delvaux

Hàng loạt những thương hiệu thời trang cao cấp, xa xỉ nhất thế giới bây giờ có lịch sử thâm niên. Bally ra đời năm 1851. Goyard, năm 1852. Louis Vuitton một năm sau đó, 1853. Hermès vài năm sau, khi chính thức ra mắt năm 1837.

Sau nhiều trăm năm, có nhà mốt đã đi vào dĩ vãng. Cũng có thương hiệu trở nên ngày càng thành công khi khai thác văn hóa độc bản dựa trên lịch sử lâu đời.

Tuy nhiên, có một thương hiệu cổ xưa hơn cả, bây giờ vẫn đang hoạt động mạnh mẽ và chiếm lĩnh tình cảm của tín đồ thời trang cao cấp toàn cầu: Delvaux. Thú vị hơn, chủ sở hữu thương hiệu này đã chọn Việt Nam làm nơi nghỉ hưu. Hãy cùng Harper’s Bazaar khám phá lịch sử thương hiệu Delvaux.

Lịch sử Delvaux, thuơng hiệu cổ xưa nhất của Bỉ

Có một điều khá thú vị là thương hiệu Delvaux hình thành trước khi cả quốc gia Bỉ định hình! Bỉ vốn là thuộc địa Gaul cũ (Pháp ngày nay), sau đó thuộc về Hà Lan, rồi bị Áo cai trị, trước khi tuyên bố độc lập vào năm 1830. Còn Delvaux ra đời một năm trước đấy, vào năm 1829.

Charles Delvaux mở cửa hàng đầu tiên mang tên mình tại thành phố Brussels, thủ đô Bỉ. Các sản phẩm đầu tay của hãng là những chiếc rương da tiện lợi cho những chuyến đi. Đây là vì ông Charles Delvaux đã nhìn thấy tầm quan trọng của du lịch trước khi việc đi du ngoạn bùng nổ tại châu Âu.

Năm 1875, Bỉ là quốc gia có mạng lưới xe lửa đồ sộ nhất thế giới. Người ta đổ xô đi tìm mua rương của Delvaux cho những chuyến đi. Vì chất lượng của hãng, năm 1883, Delvaux trở thành nhà cung cấp phụ kiện da thuộc chính thức của Hoàng gia Bỉ.

Hoàng hậu Paola của Bỉ sử dụng túi Delvaux, năm 1959. Ảnh: Delvaux

Hoàng hậu Paola của Bỉ sử dụng túi Delvaux, năm 1959. Ảnh: Delvaux

ROYAL PATRONAGE: CÁI MÁC HOÀNG GIA

Những thương hiệu làm nên sản phẩm chất lượng đủ cao cấp sẽ được hoàng gia của các nước lựa chọn làm nhà cung cấp cá nhân. Điều này mang lại danh tiếng thượng thừa cho họ. Các gia đình hoàng gia Anh, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Monaco, Thụy Điển hay Nhật đều có những thương hiệu ưa thích.

Ở Bỉ, danh tiếng nhà cung cấp hoàng gia (Gebrevetteerd Hofleverancier van België/Fournisseur breveté de la Cour de Belgique) được cấp mới hàng năm. Danh sách này do chính nhà vua Bỉ lựa chọn.

Thương hiệu làm nên chiếc túi xách đầu tiên cho phụ nữ

Quyển sách vàng (Le Livre D’Or) ghi lại hơn 3000 mẫu túi xách Delvaux từng cho ra mắt từ năm 1829 đến nay. Ảnh: Delvaux

Ngoài những chiếc rương, Delvaux còn nổi tiếng vì đã khai sinh nên chiếc túi xách hiện đại.

Cuối thế kỷ 19, phái nữ ngày càng trở nên độc lập. Không còn ru rú ở nhà, các quý cô đi tìm việc làm, ra đường xuống phố đi chơi với bạn bè. Lúc này, họ cần một sản phẩm sẽ giúp mình mang tư trang theo người.

Nhận thấy nhu cầu này của phái nữ, Delvaux đã thiết kế nên chiếc túi xách cho phái nữ đầu tiên. Thương hiệu đệ đơn xin bảo hộ bản quyền các thiết kế túi xách này vào năm 1908.

Dòng túi xách Delvaux Tempête lấy cảm hứng từ thuyền buồm. Ra mắt vào thập niên 1960 khi mốt đi du thuyền được khởi xướng tại Bỉ. Ảnh: Delvaux

Dòng túi xách Delvaux Tempête lấy cảm hứng từ thuyền buồm. Ra mắt vào thập niên 1960 khi mốt đi du thuyền được khởi xướng tại Bỉ. Ảnh: Delvaux

Sự hồi sinh của Delvaux trong thế kỷ 20

Tuy nhiên, gần một thế kỷ sau khi ra đời, Delvaux chới với. Cơn khủng hoảng của Thế chiến I khiến thương hiệu gia đình phải thu nhỏ hoạt động kinh doanh. Hậu Thế chiến, vào những năm đầu thế kỷ 20, Delvaux chỉ còn một shop nho nhỏ.

Mọi sự thay đổi khi anh Franz Schwennicke, một doanh nhân non trẻ, mua lại thương hiệu từ người cuối cùng của dòng họ Delvaux, Edmond Delvaux.

Ông Franz Schwennicke họp cùng nhân viên lên ý tưởng cho sản phẩm Delvaux, thập niên 1950. Ảnh: Delvaux

Ông Franz Schwennicke họp cùng nhân viên lên ý tưởng cho sản phẩm Delvaux, thập niên 1950. Ảnh: Delvaux

Anh Franz Schwennicke là một kỹ sư nông nghiệp. Anh chẳng có bất cứ kinh nghiệm nào trong việc sản xuất hay điều hành một thương hiệu đồ da. Nhưng anh có hoài bão, có viễn tưởng để vực dậy thương hiệu Delvaux.

Franz Schwennicke tiếp tục giữ vững chất lượng của sản phẩm Delvaux. Các mẫu túi xách, rương và phụ kiện da thuộc được làm tay ngay tại Brussels. Tuy nhiên, doanh nhân trẻ cũng cho ra mắt các mẫu túi theo mùa thời trang. Đây là một ý tưởng mới lạ, “học lỏm” theo lịch diễn thời trang haute couture. Ngày nay chúng ta đã quen thuộc với concept này; nhưng thời bấy giờ, nó là suy nghĩ gây sốt thị trường.

Các nghệ nhân Delvaux đang làm việc trong xưởng. Ảnh: Delvaux

Các nghệ nhân Delvaux đang làm việc trong xưởng. Ảnh: Delvaux

Lịch sử Delvaux trải dài gần hai thế kỷ và sẽ còn tiếp tục

Dưới sự điều hành khôn ngoan của Franz Schwennicke, Delvaux một lần nữa trở lại với đỉnh cao. Các xưởng da thuộc của hãng tại Châu Âu làm nên những mẫu túi hot nhất thời đại. Ví dụ như dòng Brilliant, được thiết kế riêng cho Hội chợ Triển lãm Thế giới tại Bỉ năm 1958.

Những người phụ nữ khoe túi xách Delvaux Brilliant tại Brussels World Fair 1958. Ảnh: Delvaux

Sau khi ông Franz Schwennicke mất năm 1970, vợ ông, Solange, tiếp quản thương hiệu. Dưới bàn tay của bà, thương hiệu Delvaux bành trướng. Một xưởng thứ hai được mở ra ở Pháp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao. Sau đó, vào cuối thập niên 1980, con trai trưởng của cặp vợ chồng, ông François Schwennicke, trở thành chủ tịch.

Ngày nay, hoạt động của thương hiệu Delvaux vẫn theo đúng các quy trình thủ công lịch sử. Tất cả các sản phẩm được làm tay. Hoạt động nhỏ gọn, số lượng túi sản xuất không nhiều. Và thương hiệu tiếp tục đẩy mạnh văn hóa nghệ thuật của Bỉ bằng cách bắt tay với nghệ sỹ Bỉ, hoặc ra mắt các dòng túi tôn vinh biểu tượng quan trọng trong lịch sử quốc gia này.

>>> Xem thêm: UỐNG BIA VÀ TRẢI NGHIỆM VĂN HOÁ VƯƠNG QUỐC BỈ TẠI SÀI GÒN

Những chiếc túi xách couture của Delvaux

Diễn viên Diễm My 6X là một tín đồ của túi Delvaux. Ảnh: Facebook Diễm My

Với lịch sử gần hai thế kỷ, Delvaux đã sống sót qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thế giới. Từ xe ngựa kéo chuyển sang xe lửa, rồi tàu thủy và máy bay. Điều gì làm nên sự khác biệt giúp Delvaux trụ vững đến bây giờ?

Theo giám đốc sáng tạo hiện tại, Veronique Branquinho, nhà mốt này luôn mang lại sự vui vẻ cho khách hàng. “Chúng tôi có chút tinh nghịch. Delvaux có lịch sử, có kỹ thuật thủ công. Nhưng cũng có sự hiện đại và tính hài hước.”

Những chiếc túi mini đậm phong cách hài hước mà Delvaux dành tặng cho nước Mỹ.

Phong cách thời trang của thương hiệu Delvaux luôn kết nối sâu sắc với trào lưu nghệ thuật Siêu thực – Surrealism. Đây là trường phái đã bắt nguồn từ Bỉ. Nên thương hiệu, để quảng bá văn hóa nước nhà, không ngần ngại thêm những yếu tố siêu thực hài hước vào các sản phẩm của mình.

Ấn tượng nhất, có lẽ là dòng túi Delvaux lấy cảm hứng từ tác phẩm hội họa của nghệ sỹ siêu thực Renée Magritte.

Bức tranh kinh điển The Son of Man (1964) của René Magritte (1898-1967), niềm tự hào của vương quốc Bỉ 

Renée Magritte là một danh họa người Bỉ đi đầu trường phái siêu thực. Ông nổi tiếng với những tác phẩm thay đổi tư duy về thế giới trực quan của người xem. Ví dụ, ông từng vẽ một chiếc tẩu hút thuốc lá, bên dưới đề hàng chữ “Đây không phải cái tẩu (Ceci n’est pas une pipe)”. Đúng, vì đây chỉ là hình vẽ một cái tẩu, chứ nó không phải cái tẩu thật!

Bắt tay cùng hiệp hội Magritte Foundation, thương hiệu Delvaux đã cho ra mắt những chiếc túi châm biếm tương tự. Đầu tiên, nó chỉ là một dự án nhỏ để quảng bá cho triển lãm Renée Magritte tại Paris và San Francisco. Nhưng sau đó, do quá thành công nên dòng Renée Magritte đã trở thành một điểm nhấn khác lạ cho Delvaux.

Mẫu túi Brilliant của thương hiệu Delvaux khoác lên mình phong cách hài hước siêu thực của Renée Magritte. Ảnh: Delvaux

Ca sỹ, diễn viên Dara cầm túi xách châm biếm của Delvaux: “Ceci n’est pas un Delvaux” (tạm dịch: Chiếc túi này không phải Delvaux)

>>> Xem thêm: CHỦ SỞ HỮU DELVAUX FRANCOIS SCHWENNICKE: CHỌN VIỆT NAM ĐỂ TRỐN ÁNH HÀO QUANG

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm

Thương hiệu

Năm thành lập: 1829
Địa điểm : Brussels, Bỉ
Nhà sáng lập : Charles Delvaux
Chủ sở hữu: Delvaux