LỊCH SỬ CỦA MỐT TAY ÁO LOE

Mốt tay áo loe được sử dụng nhiều vì nó tạo điểm nhấn thú vị cho chiếc áo. Hãy điểm lại sự phát triển của chiếc tay áo này trong lịch sử thời trang.

Chỉ một chi tiết trang trí trên cánh tay có thể tạo ra ấn tượng độc đáo cho cả chiếc áo. Có lẽ vì thế, mốt tay áo loe đã trở lại từ mấy năm qua và chưa thấy có biểu hiện hạ nhiệt. Đúng hơn, khi nhìn lại lịch sử thời trang, kiểu tay áo này chưa bao giờ hết mốt. Nó chỉ đến và đi dưới nhiều kiểu dáng khác nhau, 

Mốt tay áo loe khởi đầu từ đâu?

Trong từ điển thời trang tiếng Anh, kiểu tay áo loe được gọi là bell sleeve. Nó bắt đầu ở Nhật vào thời kỳ Heian (Bình an) khoảng năm 794 đến 1192. Đây là giai đoạn Nhật Hoàng dời đô về Heian kyo (Kyoto ngày nay). Tầng lớp võ sĩ đạo (samurai) thăng hoa. Chiếc kimono ra đời vào giai đoạn này, với tay áo thật dài và loe là đặc điểm chủ đạo. Nhiều nhà thiết kế sau này đã lấy cảm hứng từ những chiếc kimono của Nhật. Có lẽ khi người Nhật sáng tạo ra bộ trang phục kimono, họ không thể ngờ từng chi tiết của chiếc áo này đều sẽ đi vào lịch sử thời trang thế giới sau này. 

Áo kimono của võ sĩ đạo Nhật – chiếc áo đã gây cảm hứng cho các nhà thiết kế khắp thế giới

Thời Trung cổ

Mốt tay áo loe len lỏi vào thời trang phương Tây từ thời Trung cổ. Đầu tiên, kiểu tay áo này xuất hiện trong trang phục của giới tăng lữ. Áo lễ của họ có phần tay xoè rộng ra hai bên như cánh dơi. Họ độc quyền kiểu áo này không lâu. Đến năm 1500, giới quý tộc cũng sử dụng phong cách phục trang này.

Áo lễ của giới tăng lữ thời Trung cổ

Thời trang của giới quý tộc vào giai đoạn này có nguyên tắc: Càng to càng tốt. Chiếc tay áo cũng tuân thủ theo phong cách đó. Tay áo rất rộng và thường trang trí bằng lông hoặc hoạ tiết thêu. Hoàng gia Pháp đặc biệt ưa chuộng phong cách này. Anne, công tước xứ Brittany, hoàng hậu Pháp (1477–1514), luôn mặc trang phục với kiểu tay áo loe rộng. 

Tay áo loe rộng của hoàng hậu Pháp Anne – nữ công tước xứ Brittany. Ảnh: Wikiwand.

Lan từ Pháp sang Anh

Sau Pháp, chẳng mấy chốc giới quý tộc Anh cũng chọn lựa mốt tay áo loe này. Tầng lớp cao cấp Anh dưới triều đại của Elizabeth mặc trang phục rực rỡ, ống tay áo xòe rộng ra. Diện tích đó càng có thêm nhiều “đất” cho các chi tiết trang trí: nếp xếp ly, bèo nhún, ren…

Một kiểu rất được ưa chuộng của thời kỳ này là ống tay loe uốn lượn bao ra ngoài nhiều lớp ren, gấm phồng hay cổ tay bó. Mốt tay áo loe ấn tượng, nhưng rất bất tiện khi sử dụng. Vì thế chỉ có tầng lớp quý tộc sử dụng. Trang phục của giới bình dân vẫn là ống tay áo ôm gọn gàng.

Tay áo treo

Cũng trong giai đoạn này, có thêm một kiểu tay áo nữa rất thịnh hành. Mốt này thậm chí còn kiểu cách hơn cả kiểu tay áo loe. Nó gọi là tay áo treo (hanging sleeve). Đó không chỉ là tay áo. Nó là cả một cái áo choàng kiêm tay áo! Lớp vải nặng nề đổ từ vai người mặc, kéo dài xuống tận sàn, vòng qua ôm lấy cánh tay và vai. Phần xẻ ở giữa để xỏ tay qua. Và tất nhiên, kiểu tay này được trang trí rất phức tạp. 

Kiểu tay áo này rất mốt cho đến tận thế kỷ thứ 17. Nó biến mất hoàn toàn, và chợt phục sinh trong vài năm qua.

Tay áo treo bao phủ toàn bộ vai và tay. Phần sau lưng rủ xuống quét đất. Ảnh: Wikipedia

Kiểu tay áo treo trở lại mạnh mẽ qua mốt áo choàng vai (cape). Vài năm qua, chúng ta thấy cape xuất hiện khắp nơi, vì nó tạo vẻ quyền lực cho người mặc. Nhờ có công nghệ mới, vải hiện nay rủ và nhẹ hơn thời xưa. Đó là điều kiện để phong cách này trở lại. Tay áo treo hiện nay có nhiều độ dài khác nhau. Đa số mẫu thiết kế sử dụng tay ngắn hơn chứ không dài quét đất như thời xưa.

Hà Kiều Anh và Diễm My trong trang phục của Đỗ Mạnh Cường. Chiếc áo của Diễm My sử dụng kiểu tay áo treo (hanging sleeve).

Thời kỳ bùng nổ 

Mốt tay áo loe chưa bao giờ thật sự được coi là lỗi thời. Kiểu thiết kế này trở đi trở lại suốt vài trăm năm qua. Nhưng đến giai đoạn những năm 1970 thì mốt này trở lại rất mạnh. Trang phục giai đoạn này rộng rãi, thoải mái, không còn ôm bó sát người như trước đây. Và đôi cánh tay áo tất nhiên cũng phóng khoáng hơn.

Giới trẻ giai đoạn này ưa chuộng quần ống loe, với phần trên bó sát và phần dưới gối loe rộng, kết hợp với áo bó. Ở Việt Nam, chúng ta hay gọi là mốt hippie.

Thời này còn chứng kiến sự lên ngôi của kiểu trang phục “nông dân”. Đó có thể là áo hay đầm, may bằng chất liệu vải cotton rộng rãi thoải mái, tay áo thường loe rộng.

Áo phong cách nông dân với cánh tay áo loe rộng. Ảnh: Zrine.com

Rock giải phóng tất cả

Những năm 60, 70 thế kỷ trước là kỷ nguyên của rock and roll. Ca sĩ Stevie Nicks, nằm trong danh sách 100 ca sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stones, nổi tiếng với kiểu trang phục gothic lấy cảm hứng từ thời Trung Cổ. Các vạt vải vóc đắp qua lại, với tay áo loe dài rộng. Người hâm mộ bắt chước phong cách của bà, vì thế làm cho mốt tay áo loe càng phổ biến. Đến ngày hôm nay, nhiều nhà thiết kế vẫn gọi ống tay áo loe là tay áo Stevie Nicks.

Stevie Nicks biểu diễn năm 1980 Ảnh: Wikipedia.

Đầu thế kỷ 21

Đầu những năm 2000, tay áo rộng một lần nữa trở thành mốt. Trong giai đoạn này, áo hoặc thân trên của đầm thường bó sát, loe ra từ khuỷu tay hoặc cổ tay.  Nhiều ca sĩ nổi tiếng trong giai đoạn này đều mặc áo tay loe khi đi lưu diễn. Trong số họ có cả Britney Spears, Christina Aguliera và Kelly Clarkson.

Và tất nhiên, khi tay áo loe ra thì ống quần cũng không khác gì. Cách mặc lúc này thường là ống quần jeans hơi bát ra ở dưới gối, với áo nông dân vai trần, tay loe. Có thể kết hợp thêm áo khoác móc bằng chỉ.

Kết luận

Trong những mùa gần đây, chúng ta thấy kiểu tay áo loe vẫn thường xuyên xuất hiện trong những bộ sưu tập mới nhất. Năm 2017, Britney Spears khoe tấm ảnh cô mặc áo tay loe màu đỏ trên Instagram của mình. Trong khi đó, tay áo loe gần như trở thành “trademark” của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường của Việt Nam.

Như đã nói ở trên, chi tiết thiết kế ống tay có thể gây hiệu ứng thị giác lập tức cho chiếc áo. Vì thế dù muốn hay không, chắc chắn mốt áo tay loe sẽ còn trở đi trở lại trong các xu hướng thời trang trong tương lai.

Britney Spears đăng tải tấm ảnh này trên Instagram năm 2017.

Ống tay áo “trademark” của Đỗ Mạnh Cường.

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm