Vì sao Tuần lễ Thời trang New York ngày càng trở nên nhàm chán?

Đối với những người trong giới thời trang, từ lâu Tuần lễ Thời trang New York - vốn mang nặng tính thực dụng - đã không còn là điểm đến hấp dẫn.

Điều này càng được chứng thực rõ hơn khi năm nay, Thom Browne; Proenza Schouler; Rodarte và Altuzarra đều tuyên bố trình diễn bộ sưu tập mới tại Tuần lễ Thời trang Paris. Mất mát đó, đối với Tuần lễ Thời trang New York mà nói, là không thể đo đếm được.

Vì sao lại thế? Phần lớn nguyên nhân đến từ mác “thực dụng” mà Tuần lễ Thời trang New York đang bị gắn lên. Với sự xuất hiện áp đảo của dòng đồ thể thao; đầm cocktail; áo phông và quần jeans; NYFW đang dần trở thành một dạng lễ hội đường phố hơn là sự kiện tôn vinh thời trang cao cấp. Và vì thế, vị trí của NYFW trong mắt các tín đồ mộ đạo đang ngày càng suy giảm.

Ngoại trừ Marc Jacobs, không có quá nhiều cái tên đáng chú ý khi nhìn qua lịch diễn tại NYFW. Tuy vẫn còn đó những cái tên mang tính thương mại như Michael Kors và Tom Ford, nhưng họ không phải là những gì mà ngành công nghiệp mong muốn khi hướng về một sự kiện mang đậm tính thời trang. Một vài tên tuổi mới nổi khác, như Alexander Wang và Jeremy Scott chẳng hạn; cũng có thể được xem là nhân tố đáng chú ý. Nhưng những người ưa chuộng dòng đồ của họ cũng đang dần chuyển hướng sang các nhãn hàng mới; mà Vetements và Off-White là ví dụ điển hình.

Tất nhiên, điểm sáng nhất trên lịch trình New York chính là Calvin Klein dưới trướng Raf Simons. Nhưng dẫu cho bộ sưu tập đầu tiên của ông có được công chúng đánh giá cao; giới thời trang vẫn không xem đó là điều hấp dẫn. Sự xuất hiện của ông được chờ đón sẽ tiếp thêm sinh lực cho Tuần lễ Thời trang New York tương tự như những gì Helmut Lang thực hiện vào năm 1997. Nhưng thực tế lại không như mong đợi.

Nên đổ lỗi cho ai vì vấn đề này? Một trong những cái tên đang được nêu ra nhiều nhất chính là CFDA (Hội đồng thiết kế thời trang Mỹ). Nhận định về những cuộc xuất quân thời trang gần đây, Steven Kolb, chủ tịch của CFDA, nói: “Sẽ không có thương hiệu nào được xuất hiện ở Paris nếu như đã không từng trình diễn tại New York. Họ đều là những người chiến thắng. Và họ có thể bắt đầu nhờ vào nền thời trang dân chủ và cởi mở của Mỹ.”

Câu nói được đưa ra nhằm mục đích giảm nhẹ thực tế New York đang bị nhiều nhà thiết kế tên tuổi xa lánh, nhưng lại càng khiến cho New York trở thành một sàn diễn hạng B để các nhà thiết kế tài năng dùng làm bệ phóng bước đến những thủ đô thời trang thực thụ trên thế giới. CFDA tự hào về việc hỗ trợ các nhà thiết kế trẻ. Nhưng rõ ràng, trong nhiều năm qua; những nhà thiết kế ấy vẫn chưa đạt được thành tựu gì đáng kể.

tuan le thoi trang new york 02

Sự lên ngôi của dòng đồ thể thao ở Tuần lễ Thời trang New York.

Việc thiếu vắng các phương tiện truyền thông thời trang độc lập ở New York lại là một yếu tố khác. Đặc biệt là khi đưa vào phép đối sánh với London hay Paris. Không hề có một i-D; Another hay Purple nào ở Mỹ – những ấn phẩm đang rất có ý nghĩa đối với những cái tên độc lập. Và hơn thế nữa, không có hệ thống hỗ trợ nào trong giới học viện thời trang Mỹ; cho phép các tạp chí phát triển như 1Granary của London; SSAW của Helsinki và Vestoj ở Paris.

Tuy nhiên, như đã nói ban đầu, vấn đề lớn nhất đối với Tuần lễ Thời trang New York đến từ chính áp lực kinh doanh. Áp lực không phải là để sáng tạo, mà để bán được. Lối suy nghĩ này thường được bắt đầu từ chính các môi trường đào tạo thời trang tại Mỹ. Tại Parsons, một trong những trường nghệ thuật và thiết kế hàng đầu New York; các khóa học về thiết kế thời trang vẫn được giảng dạy theo lối bảo thủ. Và khi các sinh viên tài năng xuất hiện; họ thường bị các doanh nghiệp thời trang thương mại lớn chiếm đoạt. Cuối cùng, thay vì được tự do sáng tạo; họ buộc phải thiết kế áo sơ mi với hình ảnh các cầu thủ polo bên trên.

Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua vị thế của New York trong làng thời trang đương đại. New York có thể là một thành phố rất sầm uất, giàu có và là điểm đến đầy mộng mơ của những đầu óc vĩ đại trên thế giới. Nhưng trong thế giới thời trang, New York vẫn không thể so sánh được với những kinh đô như Paris; Milan và London. Paris, tất nhiên, mang lại cho thương hiệu thời trang một cảm giác có giá trị cao hơn so với những thủ đô thời trang trẻ như New York. Và nhờ đó, việc tiếp cận với những khách hàng quốc tế cũng dễ dàng hơn rất nhiều.

Nguyên nhân cuối cùng đến từ chính thực tế rằng không chỉ New York; mà các tuần lễ thời trang trên thế giới nói chung đang dần mất đi sức hút so với nhiều năm về trước. Và nhân tố gây ra điều này; không gì khác là sự tiến bộ của công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội.

Khi thói quen thu thập thông tin chuyển dần từ các tạp chí giấy hàng tháng hay những bài viết tổng kết show diễn dài thành các bài viết ngắn gọn trên các phương tiện truyền thông (điều mà, thật kỳ diệu, xuất hiện sau show diễn chỉ vài giờ, thậm chí vài phút), các nhà tạo mốt trẻ tài năng giờ đây cảm thấy không cần phải đến các tuần lễ thời trang để phô diễn thiết kế mới.

Và sự thật là việc xuất hiện chớp nhoáng trên sàn diễn của một tuần lễ thời trang kéo dài nhiều ngày trời, bên cạnh rất nhiều món đồ lộng lẫy khác không còn là phương thức hiệu quả để khách hàng ghi nhớ. Trong khi các nhà mốt lớn sẵn sàng bơm hàng triệu USD vào các chương trình biểu diễn hoành tráng để xây dựng thương hiệu; xuất hiện trên mặt báo và cuối cùng là thúc đẩy doanh số bán hàng; thì ngân sách ấy giờ đây có thể được chi tiêu đơn giản hơn mà vẫn có hiệu quả. Mà đổi mới công nghệ chế tạo để thích ứng với thời đại mới là ví dụ điển hình.

Tuần lễ Thời trang New York: Nỗi khắc khoải của thời trang cao cấp

Haute Couture đích thực đã không còn tồn tại. Nền thời trang đương đại cũng đang chết dần trong mòn mỏi. Và các tuần lễ thời trang dần trở thành một thông lệ định kỳ thay vì là sự kiện danh giá nhất mỗi năm. Điều này đến từ suy nghĩ thời trang là một ngành kinh doanh, cũng giống mọi ngành kinh doanh khác. Trong khi sự thật lại không phải như thế. Thời trang có thể bán được. Nhưng nó cũng đồng nghĩa với sự sáng tạo, đam mê và vẻ đẹp trường tồn. Chúng ta nên học cách trân trọng điều đó, thay vì đẩy doanh số bán hàng lên trên hết.

Vẫn có mô hình kinh doanh rất rõ ràng cho việc tạo ra các tác phẩm độc đáo trên sàn diễn; trong khi bán ra các phiên bản đơn giản hoá hơn tại cửa hiệu; đồng thời theo đuổi nhiều dự án thương mại mà không phải từ bỏ bản sắc của thương hiệu. Comme des Garçons hay Alexander McQueen là những trường hợp như vậy. Gần đây, Rick Owens và Thom Browne cũng làm được điều tương tự.

Điều đó có nghĩa, vẫn có thể tồn tại như một thực thể độc lập và có bản sắc riêng trong thế giới thời trang đang ngày càng nhiễu loạn. Các Tuần lễ Thời trang sẽ chỉ được tái sinh khi chúng ta ngừng suy nghĩ như những người bán hàng đơn giản, và các sinh viên thời trang còn được dạy rằng nên sáng tạo trước khi nghĩ đến chuyện doanh thu và lợi nhuận. Vì thời trang, đâu phải chỉ là chuyện kim tiền.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm