Nạn nhân lớn nhất của dịch COVID-19: Quần jeans

Tình hình kinh doanh của các hãng quần jeans cực kỳ khó khăn khi người mua hàng chuyển sang tìm mua các mẫu trang phục thoải mái hơn

Kaia Gerber trong chiến dịch quảng bá quần jeans của hãng Hudson Jeans mùa Thu Đông 2017. Năm 2020, Hudson Jeans nộp đơn xin bảo vệ phá sản.

Ngành thời trang là một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất vì nạn dịch COVID-19. Khi không còn những buổi tiệc để tham gia, không còn các chuyến đi để chụp hình khoe lên Instagram, nhu cầu mua sắm quần áo của chúng ta giảm mạnh.

Tuy nhiên, trong số các sản phẩm thời trang, có một “nạn nhân” lớn nhất: Quần jeans.

Chiếc quần bị hắt hủi

Cá nhân tôi cũng có nhiều quần jeans. Nhưng tôi không thể nhớ được lần cuối cùng mặc chúng là khi nào.

Khi đi làm, tôi ưu tiên váy đầm, để tiện đi tiệc tối nếu cần. Cuối tuần, tôi muốn chọn trang phục gì thoải mái hơn. Có thể là đầm maxi, áo thun với quần lụa tơ tằm, hoặc đồ thể thao dạng athleisure. Đi du lịch thì tôi ưu tiên quần yoga vì chúng nhẹ hơn jeans, lại có thể được cuốn gọn, không tốn chỗ trong vali.

Rồi khi dịch cúm đến, toà soạn Harper’s Bazaar Việt Nam cũng cho phép cả êkíp làm việc từ nhà. Ngồi trong giường, phỏng vấn nhân vật từ xa, chúng tôi thoải mái với đồ mặc nhà. Chiếc quần jeans bị xếp xó.

Quần jeans không còn là đại diện cho sự thoải mái

Các ngôi sao góp phần thúc đẩy athleisure, street luxe và thời trang thể thao. Phong cách này giúp họ khoe lối sống khỏe khoắn. Ảnh: Instagram @zeslife.co

Không chỉ riêng ở Việt Nam, tại Mỹ, cái nôi khai sinh quần jeans, sản phẩm này cũng đang chết dần chết mòn.

Khi mới ra đời, quần jeans được người tiêu dùng khen ngợi. Nó dễ mặc, dễ giặt. Nó phù hợp với phong cách sống thoải mái và casual của người Mỹ.

Thế rồi, chất liệu thun co giãn ra đời. Từ đấy khai sinh hàng loạt món đồ thể thao làm bằng polyester và nylon, mỏng nhẹ hơn, co giãn và thoải mái hơn, lại vẫn dễ mặc và dễ giặt.

Đồng thời, xu hướng mua sắm qua mạng cũng mang lại nhiều khó khăn cho quần jeans. Các mẫu thời trang thể thao và athleisure, do làm bằng chất liệu co giãn, nên không quá kén dáng người mặc. Khách hàng vì thế mà tự tin đặt mua chúng qua mạng. Trong khi đó, quần jeans, do làm bằng vải không co giãn, lại cần phải chính xác đến từng số đo vòng eo, vòng hông, độ dài…khiến khách hàng ngao ngán, không muốn nhọc công mua hàng online để rồi phải trả hàng khi nó không vừa với cơ thể mình.

Doanh số mặt hàng thời trang thể thao dần đánh bại nhu cầu sở hữu jeans. Trong vòng 5 năm đổ lại, doanh thu đến từ quần jeans ngày càng giảm.

Kỷ nguyên của thời trang thể thao

Một hình ảnh hài hước về thời trang làm việc tại nhà trong giai đoạn giãn cách xã hội. Ảnh: SSKIAIT Comics

Mỹ vẫn đang kéo dài việc giãn cách xã hội. Tình hình dịch cúm tại quốc gia này không có dấu hiệu chậm lại. Những nhân viên văn phòng, làm việc tại nhà, kết hợp áo sơ-mi hay áo blouse nghiêm túc cùng…quần short thể thao hay quần yoga. Dù sao thì Skype cũng chỉ truyền tải hình ảnh nửa người trên. Đâu nhất thiết phải mặc quần jeans không co giãn, gò bó cơ thể?

Các thương hiệu thời trang lớn đều khẳng định rằng xu hướng thời trang thể thao và athleisure ngày càng mạnh. Gap (sở hữu thương hiệu thời trang thể thao Athleta), Nike, Lululemon…đều báo cáo sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm mặt hàng này.

Trong khi đó, những thương hiệu nổi tiếng vì thiết kế quần jeans cao cấp, như Joe’s Jeans và Hudson Jeans, phải nộp đơn xin phá sản. Levi’s thì báo cáo kết quả doanh thu giảm 62% riêng trong Q2/2020. Điều này khiến tập đoàn bắt buộc phải sa thải 15% lượng nhân viên ở văn phòng San Francisco, tức khoảng 700 người.

>>> Xem thêm: CÁCH MẶC QUẦN JEANS MÙA HÈ THOÁNG MÁT, KHÔNG BỊ NGỘT NGẠT

Jeans có thể trở thành sản phẩm niche market

Loạt quần jeans loại raw denim nhẹ mùa hè. Ảnh: Tate Yoko

Thị trường ngách (niche market) là một phân khúc thị trường nhỏ. Tuy nhiên, nó có số lượng khách hàng trung thành và biên lợi nhuận tốt. Quần jeans, có lẽ, sẽ tiến vào phân khúc thị trường ngách khi không thể cạnh tranh lại với xu hướng thời trang thể thao.

Bằng chứng là ở thị trường jeans nói riêng và denim nói chung đang dấy lên cơn sốt raw denim. Đây là những loại vải denim được dệt tay kiểu cổ truyền, với số lượng cực kỳ ít. Chúng được nhuộm với những màu thực vật truyền thống, cực kỳ đậm màu và không được wash. Những loại quần jeans làm từ raw denim sau đó sẽ loang màu tuỳ theo sở thích ăn mặc của từng người chủ sở hữu, mang lại pattern wash lạ mắt độc nhất vô nhị.

Những chiếc quần raw denim có mức giá khởi điểm từ hơn trăm đô-la Mỹ, và có thể tiếp cận mức giá cả nghìn đô-la Mỹ. Một ví dụ điển hình là denim Nhật. Bạn có thể khám phá thêm về loại denim này trong bài viết sau.

>>> Xem thêm: DENIM NHẬT LÀ GÌ VÀ VÌ SAO GIỚI THỜI TRANG ĐANG MÊ MẨN JEANS NHẬT?

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm