KIỂM TRA NHỮNG ĐIỂM NÀY TRƯỚC KHI NỘP BÀI DỰ THI VIETNAM NEWGEN FASHION AWARD 2020

Không khí đường đua thời trang lớn nhất năm Harper's Bazaar Vietnam NewGen Fashion Award 2020 đang nóng lên từng ngày. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho bài dự thi của mình

Cuộc thi Vietnam NewGen Fashion Award 2020 do Harper’s Bazaar Việt Nam và London College for Design & Fashion – Hanoi phối hợp tổ chức. Đây sẽ là sân chơi thường niên tìm kiếm những tài năng thiết kế trẻ. Cuộc thi là cơ hội cho những bạn đam mê thiết kế thời trang hiện thực hóa ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp.

Trong khuôn khổ cuộc thi năm nay, hiện đã có rất nhiều bài dự thi được gửi về cho BTC. Theo nhận định của chị Hà Thị Hằng, đại diện đến từ trường London College for Design & Fashion – Hanoi, chất lượng bài của các thí sinh nói chung tốt. Các thí sinh tham gia cũng rất đa dạng, gồm cả các bạn trẻ trong nước và những bạn sinh viên Việt Nam đang du học ngành thời trang tại nước ngoài. Đây là một tín hiệu đáng mừng, dự báo một mùa thi sôi động và thành công.

Thời hạn nộp bài dự thi 28/02/2020 sắp kết thúc. Bạn đã chuẩn bị cho bài dự thi của mình đến đâu rồi? Hãy điểm qua một số gợi ý sau đây để chuẩn bị cho các tác phẩm của bạn một cách hoàn thiện nhất.

Lưu ý 1: Bám sát chủ đề

Indochine – phong cách Đông Dương là chủ đề của cuộc thi Vietnam NewGen Fashion Award 2020. Phong cách này là sự giao thoa của vẻ đẹp lãng mạn tinh tế rất Pháp và nét trầm mặc hoài cổ phương Đông. Bạn không nhất thiết phải bó hẹp ý tưởng thiết kế của mình trong những bộ áo dài. Thay vào đó, hãy tìm hiểu về các màu sắc, chất liệu hay họa tiết mang đậm dấu ấn Đông Dương để đưa vào các thiết kế của mình.

Trang phục của diễn viên Catherine Deneuve – phim Đông Dương phát hành năm 1992

PHONG CÁCH ĐÔNG DƯƠNG TRONG THỜI TRANG

Hoa văn, họa tiết thời kỳ Đông Dương đặc sắc nhất vẫn là những đường nét kỷ hà đơn giản được cách điệu từ hoa lá. Bảng màu thường được dùng cho phong cách này là những gam màu cơ bản như trắng và đen hay ấm nóng như đỏ và nâu.

Cần lưu ý, với cuộc thi cấp khu vực Harper’s Bazaar Asia NewGen Fashion Award 2020, chủ đề sẽ là “Sustainability – Thời trang bền vững”. Sustainability cũng là xu hướng chung của thời trang toàn thế giới. Vì thế, ngay từ vòng thi tại Việt Nam, chất liệu vải mà bạn lựa chọn phải đảm bảo có tính ứng dụng cao và thân thiện với môi trường. Chẳng hạn như vải lanh hay lụa tơ tằm.

Lưu ý 2: Chuẩn bị portfolio dự thi của bạn

Ngoài những nguyên tắc cơ bản mà một bản vẽ thời trang phải có như nguyên lý về màu sắc, bố cục, tỷ lệ nhân thể thì hình vẽ phải sống động và diễn tả được chất liệu. Thí sinh cần đọc kỹ những yêu cầu về bản vẽ của ban tổ chức để tránh những sai sót đáng tiếc.

Các tài liệu (material) đi kèm với bản vẽ như bảng ý tưởng hay bảng cảm hứng (moodboard), bảng chân dung khách hàng mục tiêu (customer profile), bảng chất liệu vải dùng cho mẫu thiết kế, phụ kiện và hình ảnh bổ sung… chính là những điểm cộng giúp bài dự thi của bạn thêm phần chỉn chu và thuyết phục ban giám khảo hơn.

Sketch (Bảng phác thảo)

Bản vẽ phác thảo thường ra đời ở giai đoạn NTK hình thành ý tưởng ban đầu cho các bộ trang phục. Sketch không cần phải được vẽ quá xuất sắc, chỉ cần có thể truyền đạt được ý tưởng của nhà thiết kế lên trang giấy rõ ràng và dễ hiểu. Lưu ý, mẫu phác thảo phải thể hiện rõ mặt trước và sau của sản phẩm và được vẽ màu.

Bản vẽ tay mặt trước…

…và sau của bộ sưu tập The Nocturnal (Dạ nữ) của Lê Hoàng Sơn – Á quân Asia NewGen Fashion Award 2019)

Moodboard (Bảng cảm hứng)

Bảng cảm hứng là nơi các NTK lấp đầy những hình ảnh khác nhau để người xem có thể hình dung được ý tưởng và concept. Moodboard không tốn nhiều thời gian để hoàn thành. Việc tạo dựng bảng cảm hứng đi kèm với mẫu phác thảo sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả tốt nhất về phương diện giao tiếp và truyền đạt ý tưởng đến ban giám khảo.

Ý TƯỞNG CHO MOODBOARD

Tham khảo những nguồn cảm hứng khác là một phương pháp hiệu quả cho NTK để tìm kiếm ý tưởng. Có rất nhiều tài nguyên như Behance và Dribbble, nơi các NTK có thể tìm thấy những concept đầy cảm hứng.

 

Thông tin chi tiết về thể lệ và yêu cầu của hồ sơ dự thi đã được giới thiệu trên Harper’s Bazaar 01/2020.

>>>Xem thêm: Thể lệ cuộc thi Vietnam NewGen Fashion Award 2020

Lưu ý 3: Chuẩn bị kế hoạch kinh doanh – Business Plan

Kế hoạch kinh doanh thương hiệu là nội dung bắt buộc mà thí sinh cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Đừng bỏ qua nội dung quan trọng này bởi nó chiếm tới 30% trên tổng điểm đánh giá từ ban giám khảo. Trong quá trình tạo dựng một business plan, bạn nên xem xét tính khả thi của ý tưởng, cơ hội phát triển của thương hiệu cùng nhiều yếu tố khác. Đó là cách giúp bạn hiểu và nắm rõ hơn về thương hiệu của mình.

Một business plan hoàn hảo cần đáp ứng những yếu tố sau

  • Mission statement: Xác định mục tiêu và định hướng rõ ràng cho thương hiệu.
  • Company background: Đưa ra những thông tin cơ bản về mô hình kinh doanh của thương hiệu.
  • Product description: Có những mô tả và định giá sản phẩm khả thi và phù hợp.
  • Marketing plan: Bạn cần đưa ra những kế hoạch cụ thể cho kênh phân phối, kênh truyền thông và các chương trình quảng bá… cho thương hiệu. Đây là nền tảng để thương hiệu phát triển bền vững và tăng độ nhận diện trong lòng khách hàng.
  • Competitor analysis: Nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với thương hiệu trên thị trường.
  • SWOT analysis: Liệt kê những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và rủi ro của thương hiệu. Đây là một bài phân tích quan trọng giúp bạn hiểu rõ hơn về thương hiệu của mình.
  • Operations: Quy mô sản xuất của doanh nghiệp bao gồm tài nguyên, công nghệ và nhân lực…
  • Financial planning: Bao gồm các thông tin về tài sản, nguồn vốn và dòng tiền…
  • Timeline: Đặt ra những ưu tiên và những hạn định về thời gian cho mỗi công việc để bạn có thể theo dõi và đo lường mức độ hoàn thành công việc.

>>> Xem thêm: Influencer Marketing: Công thức kinh doanh thành công thời Gen Z

Phân tích SWOT

Strengths / Thế mạnh

Liệt kê ra những điểm mạnh mà thương hiệu của bạn đang có. Nếu bạn có mối quan hệ tốt với người làm trong ngành thời trang và hiểu rõ thị trường thời trang nội địa, đây cũng được xem là một lợi thế.

Weaknesses / Điểm yếu

Đối với các thương hiệu mới, điểm bất lợi lớn nhất mà bạn sẽ gặp phải là độ nhận diện thương hiệu; sự giới hạn trong mẫu mã sản phẩm cũng như các vấn đề liên quan đến tài chính.

Opportunities / Cơ hội

Có khá nhiều cơ hội dành cho những NTK trẻ lấn sân sang kinh doanh thương hiệu thời trang. Cơ hội đó có thể là từ nhu cầu của thị trường cho các mặt hàng thiết kế ngày càng cao.

Threats / Rủi ro

Đưa ra được các thách thức cho doanh nghiệp ngay từ đầu giúp bạn chuẩn bị kế hoạch cụ thể đối phó với rủi ro. Có nhiều mối đe dọa cho một thương hiệu mới. Ví dụ như sức mua trên thị trường hay các đối thủ cạnh tranh.

Sự phân hóa thị trường

Sự khôn ngoan của một doanh nghiệp là biết tách rời khỏi những sản phẩm phổ biến trên thị trường; định hướng một phân khúc thị trường ngách và phát triển thương hiệu theo hướng đi đó.

Tốt nhất, hãy chuẩn bị kế hoạch kinh doanh cho thương hiệu bằng tiếng Anh. Đây sẽ là một lợi thế lớn cho bạn khi tiến vào đường đua quốc tế sau này.

Còn chần chờ gì nữa, hãy nhanh tay đăng ký tham gia và trở thành người thắng cuộc của năm.

>>> Xem thêm: Lê Hoàng Sơn đăng quang Á quân Asia NewGen Fashion Award 2019

Ảnh: NTK Lê Hoàng Sơn & VINNIE-ALLERY BY KHUATNANGVINH
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm