Không thể không có quần jeans

Tuy ra đời muộn hơn các kiểu dáng trang phục khác, nhưng quần jeans (làm từ vải denim) trở thành một biểu tượng, một huyền thoại trong lịch sử thời trang

Những chiếc quần jeans không chỉ là một phần của tủ quần áo mà đã trở thành biểu tượng của tự do, cá tính ở bất cứ nơi nào chúng có mặt. Không một tín đồ thời trang nào, cả nam lẫn nữ giới, thiếu đi những chiếc quần jeans năng động, tiện lợi và phong cách. Và cũng không có bất kỳ trang phục nào có khả năng thích ứng với mọi giới tính, độ tuổi tốt như jeans. Đó là lý do, jeans đã lan rộng ra toàn thế giới và là kiểu trang phục được ưa chuộng đến ngày nay. 

Năm 1850, khi cơn sốt  đào vàng lan rộng toàn nước Mỹ, Levi Strauss, một người Đức nhập cư, đã sáng chế ra chiếc quần “waist overall” có đinh tán đồng nẹp chắc chắn ở những nơi dễ rách như góc túi quần. Các chiếc quần nhanh chóng trở thành cơn sốt với giới cowboy, thợ mỏ, dân đào vàng bởi vẻ chắc chắn, bền bỉ. Sau đó, Levi’s Strauss đã thành lập công ty chuyên sản xuất quần jeans. Những chiếc quần mang thương hiệu Levi’s 501 cũng trở thành huyền thoại và nổi tiếng đến tận ngày nay. 

levi-strauss

Levi Strauss (trái) và mẫu quảng cáo quần jeans của ông

BIỂU TƯỢNG CỦA TỰ DO, NỔI LOẠN 

Quần jeans chỉ thực sự trở thành biểu tượng thời trang cùng với làn sóng nổi loạn của giới trẻ vào những năm 1950. Những thanh niên ương bướng, mong muốn khẳng định bản thân bằng việc diện quần jeans. Trong điện ảnh, các thần tượng nổi tiếng như nam diễn viên Marlon Brando trong The Wild One (1953) và James Dean trong Rebel Without a Cause (1955) mặc quần jeans như một lối khiêu khích, thể hiện cá tính nổi loạn của mình. Ca sĩ nổi tiếng và thành công nhất nửa đầu thế kỷ XX, Bing Crosby, từng gây xôn xao khi diện nguyên cây denim đến khách sạn. 

annex-brando-marlon-wild-one-the_091

Marlon Brando

Không lâu sau, đến cuối thập niên 1950, quần jeans đã được bày bán rộng rãi trên toàn nước Mỹ. Các cô gái cũng mạnh dạn tham gia vào trào lưu này sau khi Marilyn Monroe mặc kiểu quần jeans trông rất thoải mái trong tác phẩm The Misfits (1961). Sang thập niên 1960, khi trào lưu mod với váy ngắn và phong cách hippy màu sắc chiếm lĩnh làng thời trang, denim chẳng những không mất đi chỗ đứng mà còn thu hút được một thế hệ người hâm mộ mới. Các thiết kế trở nên rộng rãi thoải mái hơn, được thêu, nhuộm và đắp mảnh hoặc bất cứ kiểu biến tấu thủ công với chi tiết tạo ảo giác nào biến denim trở thành trang phục thể hiện sự nổi loạn của giới trẻ đương thời.

Sang những năm 1970, quần jeans thật sự trở thành một cơn bão thời trang với kiểu quần loe đặc trưng mà cả nam lẫn nữ đều yêu thích. Trong khi đó, bên ngoài biên giới các nước Âu, Mỹ, quần jeans lại gắn liền với “sự suy đồi kiểu phương Tây”. Thế nên mới có chuyện các tín đồ rất khó mua được quần jeans và phải viết thư yêu cầu các hãng đồ gửi sản phẩm cho mình.

Jeans-farah

Quần jeans ống loe gắn liền với minh tinh Farrah Fawcett trong thập niên 1970

THỐNG TRỊ THẾ GIỚI

100 năm sau khi ra đời, quần jeans chuyển mình ngoạn mục từ một trang phục của người lao động trở thành một biểu tượng và gây bão trong làng thời trang. Tính tiện lợi, thời trang đã đưa jeans xâm nhập vào mọi tầng lớp và trở thành một phần không thể thiếu của nền văn hóa pop (văn hóa đại chúng) và bước lên sàn catwalk. Nhiều mẫu ra đời, wash acid, wash đá, rách mòn được ưa chuộng trong thời đại của punk này. Người ta cũng bắt đầu mặc skinny jeans thay cho những kiểu dáng thô, rộng trước đây. Thế là để giải quyết vấn đề quần jeans lúc đó chỉ có ba size cơ bản, nhiều tín đồ của jeans phải ngồi ngâm trong bồn tắm nước lạnh để chờ cho chiếc quần co lại vừa người.

Giới thời trang vẫn mãi không quên chiến dịch quảng cáo năm 1980 gây bão dư luận của dòng Calvin Klein Jeans. Người mẫu Brooke Shields khi đó mới 15 tuổi mặc một chiếc quần jeans ôm cùng áo sơ-mi nam xắn tay và nói một câu nổi tiếng: “You want to know what comes between me and my Calvin’s? Nothing” (tạm hiểu: Với Calvin Klein, tôi không cần mặc quần trong). Quảng cáo từng bị cấm vì quá gợi cảm này lại đẩy doanh số của quần jeans Calvin Klein lên 2 triệu chiếc chỉ trong một tháng. 

brooke-shields-in-calvin-klein-jeans-590bes092210

Brooke Shields trong mẫu quảng cáo quần jeans Calvin Klein

Khi Calvin Klein và Donna Karan lập nên đế chế hàng hiệu ứng dụng, với quần jeans là dòng thời trang chủ đạo, các thương hiệu thời trang lớn tại châu Âu bắt đầu vào cuộc sản xuất quần jeans. Đây là cột mốc quan trọng đưa jeans lan rộng ra toàn thế giới và bước vào địa hạt thời trang cao cấp.

Mùa xuân hè 1999, các tên tuổi lớn như Chanel, Dior, Chloe, Versace đưa jeans trở thành tâm điểm thời trang. Từ đó đến nay, jeans luôn hiện diện trong từng bộ sưu tập của các thương hiệu. Năm 2009, nhà thiết kế Earl Pickens còn mang trang phục này lên sàn diễn Haute Couture tại Paris, như để khẳng định rằng, quần jeans cũng sang trọng không thua kém bất kỳ trang phục nào. Trong bộ sưu tập xuân hè 2013, Chanel, Jean Paul Gaultier, Balmain, 3.1 Phillip Lim, Just Cavalli, DKNY cũng phủ kín bởi jeans và chất liệu denim.

chanel-rtw-ss2013-runway-046_091713435583

Mẫu đầm bằng chất liệu jeans của Chanel

Chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm người ta đã bán được khoảng 450 triệu chiếc quần jeans. Hầu như mọi thương hiệu thời trang đều có dòng đồ denim riêng. Thế giới còn xuất hiện thêm nhiều hãng nổi tiếng chỉ chuyên về jeans như True Religion, Diesel, Rock & Republic, 7 For All Mankind, True Religion, Guess, Miss Sixty, Nudie, Paige Premium, J Brand…

Mỗi năm, dù các xu hướng đến rồi đi nhưng quần jeans vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu trong các bộ sưu tập và trong mọi tủ đồ. Đó cũng là lý do để jeans luôn chiếm vị trí độc tôn trong thời trang mà không loại trang phục nào có thể soán ngôi được.

Bài: Trinh Pak – Ảnh: Tư liệu

Xem thêm